Với những ai yêu thiên nhiên, Tương Dương giống một thung lũng xanh khi góp một diện tích đáng kể cho Vườn quốc gia Pù Mát và Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An - khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông - Nam Á. Đây còn là thượng nguồn của dòng sông Lam, nơi bắt đầu dòng chảy xuôi về đất Việt, mang tới sức sống cho những bản làng của người Thái, người H’Mông, người Khơ Mú… chung quanh.
Cẩm nang cho du khách là những trải nghiệm nhất định phải có, đó là khám phá thiên nhiên, du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng. Trong đó, những cánh rừng săng lẻ đổi mầu lá vào mùa xuân hay trổ bông tím vào mùa hạ chỉ là một trong những lựa chọn. Đi sâu vào khu rừng này, mỗi người còn tự khám phá được vẻ đẹp đa dạng của thiên nhiên với những giỏ lan, hoa dại đung đưa trong gió, những ngôi nhà sàn yên bình nép mình sau tán cây.
Không chỉ có rừng xanh, Tương Dương còn có những dòng suối mát lành với nguồn nước xanh trong nhìn thấu đáy. Một hành trình hấp dẫn chẳng kém những lối mòn là đi thuyền khám phá vùng lõi của vườn quốc gia. Những người dân địa phương quen đường đi lối lại sẽ dong thuyền tới những hồ nước mênh mông để du khách bơi lội, hay lên bè nổi xem cách nuôi thủy sản nước ngọt. Đắm chìm trong không khí trong lành, những dòng suối hiền hòa còn là nơi du khách tắm mát, thư thái ngồi buông cần câu và lắng nghe tiếng xào xạc của lá khô vang vọng lại.
Mỗi bản làng như một ốc đảo giữa rừng, nơi mang đến những trải nghiệm trọn vẹn từ cảnh quan, văn hóa tới ẩm thực. Đến những bản làng của người Thái như bản Coọn, bản Đình (xã Yên Hòa), những cọn nước đặc trưng của đồng bào xếp dọc theo lòng suối, quay đều lấy nước cho những thửa ruộng xanh mướt. Những ngôi làng của đồng bào H’Mông hấp dẫn với những trang phục thổ cẩm tinh xảo do những người phụ nữ tỉ mỉ thêu thùa. Dư âm đọng lại sau chuyến đi khám phá Tương Dương chính là vẻ đẹp của miền sơn cước với nụ cười mến khách của những con người xứ Nghệ.
Nguyễn Lê