Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã có một việc làm (sáng kiến) rất có ý nghĩa là “tặng” danh hiệu cho cây cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam.
Nhị Ngọc
Đến nay đã có khoảng 800 cây được vinh dự mang danh hiệu này. Trong đó có những cây rất quý như cây Táu trên 2.000 tuổi ở Việt Trì (Phú Thọ), cây Chò trên 1.000 tuổi ở rừng Cúc Phương (Ninh Bình), đặc biệt như cây Dã hương ngàn tuổi ở Bắc Giang có tên trong sách Pháp nên cả thế giới đều biết đến.
Nói về sự vinh danh cho cây. Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh – Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam – phát biểu: “Cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam dù ở đâu cũng là “máu” là “thịt”, là món quà thiên nhiên ban tặng, là sự chăm chút, nâng niu của thế hệ cha ông. Giữ gìn vẻ đẹp của chúng là thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, là sự tri ân với tổ tiên và cũng chính là bảo vệ sự sống của chúng ta”.
Tác dụng thấy rõ là một khi cây đã được vinh danh thì các hành vi ứng xử thiếu văn hóa với cây phải chùn bước. Chẳng hạn, lều quán, nhà cửa, chuồng trại, xi măng … xâm lấn cây phải gỡ bỏ. Thậm chí, con đường cắt qua cụm Cây di sản cũng được chính quyền địa phương nắn lại. Cái được trông thấy nữa là du khách đến tham quan nhiều hơn, ý thức bảo vệ cây của cư dân bản địa cũng được nâng lên.
Song, cái khó là sự vinh danh Cây di sản Việt Nam do một tổ chức xã hội phi lợi nhuận thực hiện nên không thể nào có một khoản tiền kèm theo để bảo vệ, chăm sóc cây, tất cả là nhờ vào chính quyền và nhân dân “chủ quản” cái cây đó. Chủ trương “xã hội hóa” bảo vệ Cây di sản xem ra có phần ảo tưởng, bởi cái tâm lý trông chờ người khác cho, rồi có tiền mới làm, chỉ thấy cái trước mắt chứ không thấy cái lâu dài vẫn còn ngự trị của đầu óc của không ít người, kể cả cán bộ chính quyền chứ chẳng riêng gì dân.
Trong khi đó, nạn “chảy máu” cổ thụ đạng xảy ra. Chúng ta đã biết đến những cây đa, cây si, cây sanh và thậm chí đến cây hải đường cổ thụ bị đào tận gốc, trốc tận rễ để chuyển về các dinh thự tư nhân hoặc tệ hơn, bán sang bên kia biên giới. Có một sự cố khá thú vị, đầy chất tâm linh là cây cổ thụ bị “tập kết” sang địa phận của một nước khác thì đồng loạt “tự vẫn”, chết khô. Cây cũng nhớ quê chăng hay cây cũng biết tỏ thái độ phản kháng đối với hành vi phản văn hóa, ngược đạo lý vì tiền ?
Những cây cổ thụ được coi như biểu tượng của làng xã, ăn sâu vào tiềm thức của những người xa quê, làm xúc động và thăng hoa tình yêu quê hương đất nước. Cây cổ thụ như đa, gạo, … mọc ở đình làng, bến sông còn mang ý nghĩa tâm linh, biểu trưng cho thịnh vượng, con đường học hành, quan lộ, hiền tài của cả một cộng đồng dân cư. Chẳng may cấy ấy chết, cả làng sẽ lao đao, khốn khổ, tệ nạn phát sinh, tai họa ập đến, … Cả ý nghĩa xã hội, văn hóa và tâm linh đều hội tụ trong những cây cổ thụ được coi như linh mộc, thần mộc mà sao người ta vẫn coi thường thờ ơ ?. Nguyên nhân do kém hiểu biết hay “cha chung không ai khóc”, hay vì theo đuổi những mục đích thực dụng mà quên đi sự di dưỡng tinh thần, giá trị tâm linh đặc biệt, lưu ấn thời gian dưới tán xanh đại thụ.

Cây Dã hương ngàn tuổi ở Bắc Giang
(Ảnh internet)
(Báo PLVN, ngày 17/10/2012)