Với nguồn tài nguyên cây thuốc đa dạng và phong phú, có nhiều loài quý hiếm; với kinh nghiệm chữa bệnh gia truyền của cộng đồng 54 dân tộc anh em, chúng ta phải vận dụng ưu thế đó một cách có hiệu quả trong việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân, góp phần vào việc tăng thu nhập, nâng cao đời sống và từng bước xoá đói giảm nghèo cho người dân, nhất là cộng đồng các dân tộc sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi mà cuộc sống của họ đang gặp nhiều khó khăn.
Trần Công Khánh
Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP)
The role of medicinal plants in poverty elimination of the Truong Son range
Centre for Research and Development of Ethno-medicinal plants (CREDEP)
1. Đặt vấn đề
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ‘đói nghèo’ là do tình trạng sức khoẻ như bệnh tật, đau yếu của người dân. Một khi trong gia đình có người lâm bệnh, người ta phải lo sao cho có tiền để mua thuốc và chữa bệnh. Chẳng may, nếu bị bệnh hiểm nghèo thì tiền mua thuốc và chữa trị có khi tới cả trăm triệu đồng và hơn nữa. Không ít những hộ gia đình đang có mức sống trung bình hoặc khá giả, nhưng khi trong nhà có người đau yếu, phải chữa bệnh tốn kém sẽ làm cho kinh tế gia đình họ bị suy kiệt và lâm vào cảnh đói nghèo.
Hiện nay, những gia đình thuộc diện đói nghèo ở nước ta thường gặp trong các vùng nông thôn và miền núi, nơi có trên 75% dân số sinh sống, nơi mà môi trường tự nhiên và điều kiện kinh tế của người dân đang cần được cải thiện. Trong bối cảnh đó, mức sống của người dân ở các vùng này lại khá thấp, thu nhập chủ yếu dựa vào các sản phẩm nông, lâm nghiệp với giá trị kinh tế thường không cao.
Miền núi nước ta, đặc biệt dãy Trường Sơn, nơi có nguồn tài nguyên di truyền rất phong phú và đa dạng (trong đó có tài nguyên cây thuốc). Ngoài các sinh vật hoang dã trong tự nhiên, còn có rất nhiều giống cây trồng, vật nuôi trong các cộng đồng dân cư địa phương. Đó là một nguồn tài nguyên rất quan trọng và cần thiết cho sự sinh tồn và phát triển của con người.
Thêm vào đó, dân tộc Việt Nam đã có 4000 năm lịch sử. Để tồn tại và phát triển đến ngày nay, con người đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm (Tri thức bản địa) trong sử dụng nguồn tài nguyên này để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, từ ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh, đến đấu tranh bảo vệ đất nước, vv.
Với nguồn tài nguyên cây thuốc đa dạng và phong phú, có nhiều loài quý hiếm; với kinh nghiệm chữa bệnh gia truyền của cộng đồng 54 dân tộc anh em, chúng ta phải vận dụng ưu thế đó một cách có hiệu quả trong việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân, góp phần vào việc tăng thu nhập, nâng cao đời sống và từng bước xoá đói giảm nghèo cho người dân, nhất là cộng đồng các dân tộc sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi mà cuộc sống của họ đang gặp nhiều khó khăn.
2. Sơ lược về nguồn tài nguyên cây thuốc ở dãy Trường Sơn
Cho đến nay, Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có nguồn tài nguyên sinh vật đa dạng và phong phú, có khoảng 10% số loài đặc hữu, được xếp thứ 16 trong 25 quốc gia có mức độ đa dạng sinh vật cao nhất thế giới. Riêng thực vật bậc cao có mạch ở Việt Nam đã thống kê được 10.386 loài, thuộc 2.257 chi, 305 họ, chiếm khoảng 4% tổng số loài, 15% tổng số chi và 57% tổng số họ của thế giới. Theo các nhà phân loại thực vật, ở Việt Nam có khoảng 12.000 loài thực vật bậc cao. Trong số này có 3.948 loài được dùng làm thuốc (Viện dược liệu, 2007), chiếm khoảng 37% số loài đã biết. Nếu so với khoảng 20.000 loài cây làm thuốc đã biết trên thế giới (IUCN, 1992) thì số loài cây thuốc ở Việt Nam chiếm khoảng 19%. Đó là chưa kể đến những cây thuốc gia truyền của 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam mà cho đến nay chúng ta mới chỉ biết được một phần. Ngoài thực vật hoang dã, các nhà khoa học nông nghiệp đã thống kê được 1.066 loài cây trồng, trong đó cũng có 179 loài cây làm thuốc (Đ.H.Dật, 2008).
Với một hệ thực vật như vậy, thành phần các loài cây thuốc cũng rất phong phú và đa dạng. Chúng phân bố tập trung chủ yếu ở các trung tâm đa dạng sinh vật, trong đó có khu vực dãy Trường Sơn. Cho đến nay, chúng ta chưa có danh sách đầy đủ về số loài, sự phân bố và trữ lượng của cây thuốc ở khu vực rộng lớn này. Các số liệu điều tra thực vật suốt thời gian qua còn nằm rải rác trong hồ sơ của các cơ quan nghiên cứu, các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn tự nhiên. Điều này gây khó khăn cho việc đánh giá toàn diện giá trị của cây thuốc trong khu vực dãy Trường Sơn, để phục vụ cho việc bảo tồn, khai thác bền vững và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này.
Theo kết quả điều tra của Viện dược liệu trong thời gian 2002-2005, số loài cây thuốc ở một số vùng núi trọng điểm thuộc các tỉnh gắn với dãy Trường Sơn như sau: Đắc Lắk (751 loài), Gia Lai (783 loài), Kon Tum (841 loài), Lâm Đồng (756 loài). Gần đây, Hội Đông y huyện M’Đrắc (tỉnh Đắc Lắk), đã phát hiện tại vùng rừng núi của các xã Ea M’Đoan, Ea Mlay, Krông Á và Ea Trang có khá nhiều loại cây thuốc phân bố khá tập trung như Thạch xương bồ (Acorus gramineus), Thổ phục linh (Smilax glabra), Kim ngân (Lonicera spp.), Hoàng đằng (Fibraurea recisa), Cốt toái bổ (Drynaria fortunei), Củ bình vôi (Stephania spp.), Cẩu tích (Cibotium barometz), Riềng rừng (Alpinia sp.), Thiên niên kiện (Homalomena occulta), vv. Ở khu vực Chư Yang Sin (huyện Krông Bông và Lắc), người ta cũng đã phát hiện một số loài cây thuốc như Kê huyết đằng, Nhân trần (Adenosma caeruleum), Ngũ gia bì chân chim (Schefflera spp.), Sa nhân (Amomum villosum), Đảng sâm (Codonopsis javanica), Ba gạc hoa đỏ (Rauvolfia serpentina) và đặc biệt cây Ngũ vị tử Ngọc Linh (Schisandra sphenanthera). Trong đó, một số loài có trữ lượng khá lớn (Nhân trần).
|
Cây Vàng đắng (hình: B.X. Chương) |
Nhìn chung, cây thuốc ở Việt Nam tuy nhiều về số loài, nhưng phân bố rải rác, và đa số có trữ lượng ít. Trước đây, những cây thuốc được khai thác với khối lượng nhỏ để sử dụng tại chỗ thì không ảnh hưởng đến sự tái sinh và phát triển bình thường. Nhưng ngày nay, do nhu cầu của thị trường, nhiều cây thuốc tuy có trữ lượng lớn, nhưng khi đã khai thác trên quy mô lớn, theo kiểu tận thu, mà lại không có kế hoạch bảo tồn, thì bị cạn kiệt nhanh chóng. Một ví dụ về cây Vàng đắng, còn gọi là Vàng giang, Loong t'rơn, Kơ trơng (Coscinium fenestratum (Gaertn.) Colebr.), thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae). Cây này mọc từ Thừa Thiên-Huế, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Ðồng và các tỉnh phía Nam nước ta. Sau năm 1975, nó còn trữ lượng khá lớn ở vùng núi Trà My (Quảng Nam) và dọc đường Đông Trường Sơn, nhưng nay đã cạn kiệt, không còn khai thác được nữa.
Cây Vàng đắng. Đây là một loại dây leo to, thân gỗ, dài tới 10-15m, đường kính 4-7cm, gỗ màu vàng. Vỏ thân nứt nẻ, màu xám trắng; cành non, mặt dưới lá, cụm hoa và quả có lông màu trắng bạc. Lá mọc so le, hình trứng, phiến dài 12-25cm, rộng 5-16cm, gân gốc 5; cuống lá dài 4-14cm, phình và cong ở gốc, hơi đính vào trong phiến lá. Cụm hoa là chùm xim trên thân già, dài 2-4cm. Hoa nhỏ, đơn tính, bao hoa có 6 phiến, hoa đực có 6 nhị; hoa cái có nhị lép, bầu có 3 lá noãn, có lông. Quả hạch hình cầu, đường kính 2-2,5cm. Mùa hoa, quả: tháng 1-5.Thân và rễ cây Vàng đắng chứa các alcaloid, chủ yếu là berberin 1,5-3%, palmatin, jatrorhizin, vv. và một số chất khác như saponin, acid hữu cơ, sitosterol. Chất berberin được các công ty Dược dùng để sản xuất viên Berberin chlorid (trị bệnh tiêu chảy, hội chứng lỵ, và một số bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa) và còn xuất khẩu.
|
Ví dụ thứ hai là cây Sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha et Grushv.), thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Đó là một cây thuốc nổi tiếng, một loài đặc hữu hẹp của Việt Nam, được đoàn điều tra dược liệu K5 phát hiện ngày 18 tháng 3 năm 1973 ở núi Ngọc Linh, thuộc 2 huyện Đăk Glei (Kon Tum) và Trà My (Quảng Nam), trên độ cao từ 1500-2100m. Vì vậy mà nó còn có tên là Sâm Ngọc Linh, hoặc Sâm Khu Năm. Gần đây, cây sâm này còn được phát hiện ở núi Ngọc Lum Heo (thuộc Phước Sơn, Quảng Nam). Nó mọc thành từng đám dưới tán rừng hỗn giao có độ che phủ cao, ít dốc, dọc theo các suối ẩm, trên đất nhiều mùn.
(Cây Sâm Việt Nam. Ảnh: VDL)
Sâm Việt Nam là cây thảo, sống nhiều năm, cao 40-60cm. Thân rễ nạc, đường kính 1-3,5cm, dài 30-40cm, có thể hơn, có nhiều đốt, mang những vết sẹo do thân khí sinh rụng hằng năm để lại; trên thân rễ có nhiều rễ phụ, ở phần cuối đôi khi có rễ củ hình cầu. Thân khí sinh mảnh, mọc thẳng đứng, ngọn thân mang 2-4 lá kép hình chân vịt mọc vòng; mỗi lá kép có 5 lá chét hình trứng ngược, hình mác hay bầu dục, mép khía răng cưa, dài 10-15cm, rộng 3,5cm, chóp nhọn, có khi kéo dài thành mũi nhọn, gốc hình nêm, có lông ở cả hai mặt, gân phụ 10 cặp hình lông chim, lá chét giữa lớn hơn. Cuống lá chét dài 6-12mm. Cụm hoa là một tán đơn ở ngọn thân, trên cuống dài 10-20cm, đôi khi có thêm 1-4 tán phụ ở dưới tán chính; mỗi tán có 50-120 hoa, cuống hoa dài 1-1,5cm; lá đài 5, hợp ở dưới thành hình chuông, cánh hoa 5, màu vàng lục nhạt; nhị 5; bầu trên 1 ô. Quả nang, khi chín màu đỏ tươi, thường có chấm đen ở đỉnh. Hạt 1-2, hình thận, màu trắng hay vàng nhạt. Mùa hoa: tháng 4-6, quả: tháng 7-9.
Thân rễ và rễ củ Sâm Việt Nam chứa 49 hợp chất saponin, gồm 25 chất đã biết (thường thấy trong các loại Sâm Triều Tiên, Sâm Nhật, Sâm Mỹ) và 24 chất có cấu trúc mới, đặt tên là vina-ginsenosid-R1 đến R24. Các saponin trên thuộc các nhóm dẫn chất 20(S)-protopanaxadiol; 20(S)-protopanaxatriol; các saponin có cấu trúc ocotillol và dẫn chất của acid oleanolic. Các hợp chất polyacetylen như panaxynol; hợp chất sterol như β-sitosterol, daucosterin. Lá chứa 19 saponin dammaran, trong đó có 11 chất đã biết và 8 chất mới, đặt tên là vina-ginsenosid-L1 đến L8. Ngoài ra, trong Sâm Việt Nam còn có 14 loại acid béo, các chất chính là acid palmitic, stearic, oleic, linoleic, linolenic; 16 acid amin tự do chủ yếu arginin, lysin, tryptophan, glycin, prolin, … và nhiều nguyên tố vi lượng như K, Ca, Mg, Fe, Sr, Ti, Rb, Mn và Zn.
Sâm Việt Nam có vị đắng, hơi ngọt, mùi thơm nhẹ; có tác dụng tăng lực, trị tăng trí nhớ, giúp phục hồi cơ thể, làm tăng sinh lực, chống lại sự mệt mỏi, suy nhược, kích thích hệ miễn dịch, tăng sự thích nghi của cơ thể trước những điều kiện bất lợi của môi trường, có tác dụng bảo vệ tế bào gan và giải độc gan, giúp hồi phục hồng cầu, bạch cầu bị giảm; tăng nội tiết tố sinh dục, điều hoà tim mạch; giảm đường huyết, hạ cholesterol máu, chống xơ vữa động mạch, chống oxy hóa và chống lão hóa, chống viêm, kháng khuẩn, Cũng có thể dùng làm thuốc trị viêm họng, giảm ho.
|
Trước khi được phát hiện, các dân tộc trong khu vực núi Ngọc Linh cũng không biết giá trị của cây này. Người Sê Đăng coi là cây thuốc giấu (giữ bí mật), chỉ những già làng mới biết dùng để chữa bệnh và dùng khi leo núi dài ngày. Trong những năm chiến tranh 1973-75, Ban dân y Liên khu 5 đã sử dụng cây này để làm thuốc bổ và chữa bệnh cho cán bộ, thương bệnh binh ở chiến trường.
Sau năm 1975, khi cây sâm này được nghiên cứu, xác định tên khoa học, thành phần hóa học và chứng minh giá trị sử dụng của nó trong chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh thì nó bị khai thác ồ ạt theo kiểu tận thu, một phần để dùng, nhưng chủ yếu để bán, dẫn đến tình trạng cạn kiệt nhanh chóng.
Trước thực trạng đó, từ nhiều năm qua, Nhà nước đã và đang đầu tư kinh phí cho một số dự án bảo tồn và phát triển nguồn gen cây sâm quý này, tiến tới trồng trên quy mô lớn, tạo nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm từ Sâm Việt Nam. So với Nhân sâm Triều Tiên (Panax ginseng), Sâm Nhật (P. japonicus), và Sâm Mỹ (P. quinquefolius) thì Sâm Việt Nam có nhiều hoạt chất quý hơn, được đánh giá cao hơn, mặc dù rất đắt (do khan hiếm), nhưng không có để mua. Giá hiện nay khoảng 40-50 triệu đ/Kg, trong khi Nhân sâm chỉ khoảng trên 1 triệu đ/Kg. Trên thị trường, bước đầu đã có các chế phẩm như ‘Viên ngậm Sâm Việt Nam’, ‘Vinapanax viên’ và ‘Sâm qui dưỡng lực’ (gồm Sâm Việt Nam và một số dược liệu khác).
3. Vai trò của cây thuốc trong xoá đói giảm nghèo
Cây thuốc không chỉ có giá trị trực tiếp để chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ, nếu biết bảo tồn và khai thác hợp lý thì đó còn là một nguồn thu nhập trong phạm vi hộ gia đình và các cộng đồng địa phương. Nếu tổ chức trồng cây thuốc trên quy mô lớn để tạo ra nguồn hàng hoá trên thị trường thì nó còn góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Trên thế giới, nhiều nước đã xuất khẩu dược liệu và thu được nguồn ngoại tệ đáng kể. Ví dụ ở Trung Quốc, vị thuốc Đông trùng hạ thảo (Cordyceps sinensis) có giá tới 2000-5000 USD/Kg. Hoặc ở Triều Tiên, cây Nhân sâm đã mang lại một nguồn lợi kinh tế khá lớn cho những cơ sở trồng trọt và sản xuất thuốc từ cây này. Hằng năm, công ty Hồng sâm (Hàn Quốc) đã sử dụng trên 6.000 tấn Nhân sâm, để tạo ra giá trị sản phẩm trên 460 triệu USD.
Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, thích hợp cho sự phát triển của cây trồng nói chung. Một số vùng cao lại có khí hậu á nhiệt đới, phù hợp với việc trồng cây thuốc ưa khí hậu mát. Đất đai ở miền núi nước ta, đặc biệt trên dãy Trường Sơn rộng lớn, còn rất nhiều đất hoang chưa được khai thác sử dụng để phát triển kinh tế. Theo N.B. Hoạt (2002), đất chưa sử dụng ở huyện Sa Pa (Lào Cai) còn 40.463 ha (chiếm 59,7% diện tích), trong đó có 8.874 ha đất có độ dốc dưới 200 có thể khai thác cho sản xuất nông nghiệp, và 25.766 ha đất đồi núi chưa sử dụng. Hiện nay, vấn đề không phải là thiếu đất trồng cây thuốc, mà phải hướng dẫn và tổ chức cho người dân, đặc biệt đồng bào các dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa biết nên trồng cây gì, hiệu quả kinh tế thế nào, kỹ thuật trồng cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm ở đâu? Khi người dân nhận thấy việc trồng cây thuốc mang lại hiệu quả hơn so với cây sắn, ngô, khoai, vv. thì người ta sẽ làm theo.
Từ trước đến nay, nhiều địa phương trong nước ta đã có truyền thống trồng cây thuốc, như Quế (ở Yên Bái, Thanh Hoá, Quảng Nam, Quảng Ngãi…), Hồi (ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu), Hoè (ở Thái Bình), vv. Có những làng chuyên trồng cây thuốc như Đại Yên (Hà Nội), Nghĩa Trai (Văn Lâm, Hưng Yên). Gần đây, nhiều loài cây thuốc ngắn ngày cũng được trồng thành công trên quy mô lớn như Ác ti sô, Bạc hà, Cúc hoa, Địa liền, Gấc, Hương nhu, Ích mẫu, Kim tiền thảo, Mã đề, Sả, Thanh cao hoa vàng, Ý dĩ, vv.
Một trong những cây thuốc đang được trồng ở miền núi phía Bắc là Thảo quả (ở Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang). Theo thống kê chưa đầy đủ, đến năm 2002, tổng diện tích rừng có trồng Thảo quả ở Việt Nam là 1.626 ha, trong đó, riêng tỉnh Lào Cai có 1.500 ha (V.V. Dũng và cs., 2002). Trung bình, mỗi hecta trồng Thảo quả cho 250 Kg/năm; giá bán như hiện nay khoảng 60.000 đến 70.000 đ/Kg, thì thu được khoảng 15 - 17,5 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập từ Thảo quả của một hộ gia đình ở Bản Khoang vào khoảng 5.170.000 đồng/năm, tương đương 345 USD (2001). Nguồn thu nhập này chiếm khoảng 50% tổng thu nhập của hộ. Đó cũng là một khoản thu nhập đáng kể của người dân ở miền núi.
Những số liệu trên cho thấy việc phát triển trồng cây thuốc ở nước ta có nhiều tiềm năng và cho hiệu quả kinh tế cao. Cần giúp cho người dân biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kết hợp trồng rừng với trồng cây thuốc ở những nơi có khí hậu và đất đai phù hợp, để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tích cực trong việc xoá đói giảm nghèo cho người dân ở vùng núi. Theo kinh nghiệm ở Sa Pa, thu nhập từ trồng cây thuốc đạt 14-24 triệu đồng/ha/năm, trong khi thu nhập từ cây lương thực chỉ đạt 2,4-4,8 triệu đồng/ha/năm (N.B. Hoạt, 2002).
4. Kết luận
Như trên đã nói, bệnh tật và đau yếu thường đi kèm với đói và nghèo. Cây thuốc, ngoài giá trị trực tiếp như một nguồn lợi kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo, nó còn có tác động gián tiếp là dùng để chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ, giúp con người có cơ thể khoẻ mạnh để lao động, để tạo ra của cải vật chất, làm tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Có sức khoẻ là có tất cả. Đây mới là biện pháp nhằm góp phần xoá đói giảm nghèo một cách bền vững.
Hiện nay, ở Việt Nam đang có một nghịch lý là các vùng dân tộc thiểu số ở miền núi nói chung, đặc biệt dãy Trường Sơn nói riêng, nơi rất giầu nguồn tài nguyên thiên nhiên và tri thức bản địa thì lại nghèo hơn so với miền xuôi. Vì nghèo nên lạc hậu, và vì lạc hậu nên lại nghèo! Đây là mối tương tác ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu ta biết sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khai thác thế mạnh của miền núi, vận dụng khoa học kỹ thuật để bắt nguồn tài nguyên hoang dã sinh ra của cải vật chất, biết canh tác hợp lý, trong đó có việc trồng cây thuốc thành hàng hoá, thì chắc chắn những sản phẩm này không chỉ góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo ở nước ta, mà nó còn làm cho con người có cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc hơn.
Tài liệu tham khảo chính
Nguyễn Bá Hoạt (2002). Nghiên cứu phát triển một số cây thuốc tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng huyện vùng cao Sa Pa, Lào Cai. Luận án TS nông nghiệp.
Nguyễn Tập và cs. (2005). Kết quả điều tra các loài thực vật dùng làm thuốc ở Việt Nam. Báo cáo Hội thảo “Đa dạng sinh học ở Việt Nam: Nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo”, tr. 164-167.
Trần Công Khánh (2004). Sử dụng tài nguyên cây thuốc – Sự chia sẻ lợi ích công bằng và hợp lý. Tạp chí Dược học, 7/2004, tr. 7-11 và 30.
Trần Công Khánh, Nguyễn Ngọc Sinh (2005). Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Những bài học từ thực tiễn Việt Nam, IUCN Hà Nội.
Trần Công Khánh (2008). Cây thuốc trong xoá đói giảm nghèo. Tuyển tập công trình KH của VACNE về “Bảo vệ môi trường & Phát triển bền vững”, 1988-2008, tr. 371-374.