Văn phòng VACNE, Trung tâm môi trường và phát triển cộng đồng, Viện Môi trường và Phát triển Bền vững (VACNE) cùng một số tổ chức khác đã tham dự Hội thảo do Quỹ Châu Á (TAF) tổ chức từ 4-6/5/2011 tại Băng Cốc, Thái Lan.
Hội thảo do Quỹ Châu Á (TAF) tổ chức từ 4-6/5/2011 tại Băng Cốc, Thái Lan. Mục tiêu của Hội thảo là xem xét, đánh giá các dự án về nước trong Tiểu vùng Mê Công Mở rộng do TAF tài trợ; tăng cường thông tin môi trường và thiết lập mạng lưới môi trường giữa các văn phòng TAF tại các nước Đông Nam Á; thúc đẩy việc triển khai chương trình môi trường Mê Công với trọng tâm là quản lý nước và tài nguyên nước và vấn đề tác động của biến đổi khí hậu.
Tham gia hội thảo có đại diện các văn phòng TAF tại Trung Quốc, Campuchia, Lào, Việt Nam, Thái Lan, San Francisco và Washington, DC cùng các đối tác của TAF tại Tiểu vùng. Về phía đối tác Việt Nam có 5 đại diện từ các tổ chức sau tham gia hội thảo: Văn phòng VACNE, Trung tâm môi trường và phát triển cộng đồng, Viện Môi trường và Phát triển Bền vững, Tổng cục Môi trường/Bộ TN&MT và Trung tâm nghiên cứu về công nghệ giáo dục/Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đoàn Việt Nam trình bày về dự án cải thiện chất lượng môi trường sông Tô Lịch
Trong phần đầu của hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về lĩnh vực hoạt động hỗ trợ môi trường mà gần đây đã được nâng cấp thành 1 trong 5 lĩnh vực hoạt động quan trọng của TAF, về chương trình quản lý nước của TAF, nghe 2 bài trình bày về kết quả thực hiện các dự án chất lượng nước do TAF tài trợ tại Việt Nam và Lào. Kết thúc phần này, các chuyên gia của TAF đã có bài tham luận và thực tập rất bổ ích về áp dụng cách tiếp cận hệ thống đối với quản lý tài nguyên nước.
Trong phần 2 của hội thảo, các đại biểu đã được nghe và thảo luận phần trình bày của các chuyên gia của TAF về các vấn đề quy hoạch khu vực Mê Công, những vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu tại vùng hạ lưu Mê Công, các hoạt động của Trung Quốc liên quan đến Mê Công và vai trò của các tổ chức phi chính phủ ở Trung Quốc đối với các hoạt động này cũng như vai trò của Hoa Kỳ và ASEAN đối với khu vực Mê Công.
Hội thảo đã đi đến kết luận rằng cần có một cách suy nghĩ hệ thống đối với cả khu vực Mê Công. Mỗi nước trong khu vực đều có các quyền lợi riêng và việc quản lý tài nguyên nước của sông Mê Công phải phù hợp với lợi ích của từng nước và giảm thiểu các tác động đến các nước vùng hạ lưu Mê Công. Để dung hòa quyền lợi của các bên thì vai trò của Ủy hội sông Mê Công (MRC) rất quan trọng. Trong trường hợp gây nhiều tranh cãi của dự kiến xây dựng đập Xayabury trên dòng chính của sông Mê Công tại Lào thì MRC đã lần đầu tiên áp dụng Thủ tục thông báo, tham vấn và thỏa thuận của MRC (PNPCA) để yêu cầu phía Lào cung cấp các thông tin theo quy định của Thủ tục này. Vấn đề đang được thảo luận và giải quyết ở cấp nhà nước, tuy nhiên các tổ chức phi chính phủ cần tham gia tích cực hơn trong sự kiện này cũng như trong các sự kiện tương tự vì trong tương lai còn nhiều đập khác đang được dự kiến xây dựng trên sông Mê Công.
QUỸ CHÂU Á (TAF) TẠI VIỆT NAM
TAF là một tổ chức phi chính phủ hoạt động tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. TAF hỗ trợ các sáng kiến cải tiến quản lý, luật pháp và xã hội dân sự ở Châu Á; sự trao quyền cho phụ nữ; cải cách và phát triển kinh tế; phát triển bền vững và môi trường ; các quan hệ quốc tế. TAF đã có các hoạt động giúp đỡ Việt Nam từ năm 1993 thông qua mạng lưới đối tác là các cơ quan chính phủ, tư nhân và các tổ chức xã hội. Văn phòng TAF tại Hà Nội được thành lập vào năm 2000. Trong lĩnh vực môi trường, TAF đã hỗ trợ các hoạt động quản lý môi trường dựa trên cộng đồng, giáo dục môi trường trong nhà trường và sự tham gia của thanh niên trong giáo dục môi trường công cộng. Trong năm 2010 TAF đã phối hợp chặt chẽ với dân cư, các nhóm cộng đồng và chính quyền địa phương thực hiện dự án cải thiện môi trường sông Tô Lịch tại Hà Nội. Dự án đã thu thập dữ liệu về các nguồn thải, thực hiện một số biện pháp kiểm soát chất thải đưa vào sông, đã thực hiện một số chiến dịch tuyên truyền về bảo vệ môi trường sông Tô lịch đến các cộng đồng dân cư sống tại một số phường ven sông.
Nguyễn Hoàng Yến, VACNE