Nay thì túi ny-lông các cỡ to nhỏ rất sẵn và được dùng trong nhiều việc.
Mùa hè, ghé vào cửa hàng nước mía mà vội phải đi, bạn sẽ được người ta lấy ra một cái túi đổ nước đưa vào, buộc miệng cẩn thận, sau khi đã đặt vào đó một cái ống hút. Túi ny-lông trong trường hợp này đóng vai trò một cái cốc.
Nông thôn cũng như phố huyện ở đồng bằng Bắc bộ xưa, cái bánh gói xôi tùy loại mỗi thứ dùng một loại lá riêng để bọc. Cái bánh rán được lót bằng lá chuối khô. Lạng cốm thì nhất thiết phải gói bằng lá sen và buộc bằng sợi rơm. Nay thì túi ny-lông đảm nhận hết.
Bên những con đường hàng tỉnh bụi bốc mù mịt, ny- lông được dùng để trùm lên đủ mọi mặt hàng. Ny-lông là bao bì bảo đảm vệ sinh, ny-lông lại là tủ kính.
Hình ảnh người đi chợ ngày xưa là phải cái rổ cắp nách. Nay có làm ma to cỗ lớn, các bà nội trợ cũng yên tâm ra chợ không phải mang rổ đi. Thứ gì cũng đã có túi thích hợp để cho vào là vừa.
Tôi ngồi đấu hót với mấy người bạn:
- Đôi khi có dịp nhìn vào thùng rác gia đình, thấy lồng bồng đủ màu ny-lông xanh đỏ, lại nhớ tới những lần ti vi cho chiếu cảnh bãi rác, các loại túi nhét đầy của quý xếp chồng lên nhau, nghĩ đất không tiêu hủy nổi cũng thấy lo lo. Nhưng cả thiên hạ sống theo kiểu mới thế này rồi, từ chối làm sao nổi? Thôi thì chỉ có cách là MAKENO, tức mặc kệ nó vậy!
- Cái gì tồn tại cũng có lý riêng! Thời buổi ngày nay, vật liệu phải cùng lúc thỏa mãn nhiều nhu cầu. Như với các thứ túi đựng. Phải mềm phải nhẹ, để gấp lại thì không bao nhiêu diện tích, mà mở bung ra thì đựng được mọi thứ. Phải bền để thấm nước không hỏng. Phải bóng lọng để người dùng đỡ xấu mặt. Mà lại phải rẻ để vứt đi không tiếc. Có gì hợp hơn ny-lông bây giờ?
- Nhiều lần mua xong mớ tôm hay khúc cá, tôi vừa ngần ngừ sợ túi rách hoặc không được sạch, các bà bán hàng nhạy cảm ấn ngay cho cái túi to hơn. Túi ny-lông đang trở thành biểu trưng cho sự rộng rãi chiều khách và trình độ văn minh. Trong lúc thành phố chưa thể tự chứng minh rằng mình đang hiện đại hóa (chưa có nhà chọc trời không có đường cao tốc), thì ta tạm lấy ny-lông ra để an ủi nhau vậy.
Túi ny-lông đáng ca ngợi lắm lắm.
Theo thói quen nghề nghiệp, tôi tự nhiên muốn ngâm nga vài câu thơ.
Có lẽ vì cái nhịp điệu kỳ lạ của nó, lần này, bài thơ đầu tiên vang lên trong tâm trí tôi là bài Ngói mới của Xuân Diệu in trong tập Riêng chung (1960). Hồi ấy ở miền Bắc nhà cửa toàn tranh tre nứa lá, nên đi đâu trông thấy viên ngói đã cảm động. Xuân Diệu bắt được cái ý ấy, đẩy lên thành một tứ thơ lạ. Lúc đầu có ý kiến cho là bài thơ có phần gượng gạo. Sau đọc mãi thấy hay. Nhiều người đã thuộc. Và đã thử đùa nhại đặt cho nó những lời mới. Nhiều bài thơ hay của Bà Huyện Thanh Quan, của Hồ Xuân Hương xưa, của Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính thời nay (cũng như các ca khúc nổi tiếng của Đỗ Nhuận, của Nguyễn Văn Tý…) vẫn được người đời yêu mến theo kiểu ấy.
Tôi cũng xin nhại bài Ngói mới. Thơ Xuân Diệu mở đầu:
Khắp nơi, trên những đường tôi đi
Tôi đã nghe xao xuyến, rầm rì
Ngói mới.
Trên những đường tôi dạo, tôi qua
Tôi đã nghe nhiều những khúc ca
Ngói mới..
Dù đi nhanh, dù đứng lại nhìn
Trong lòng tôi sắc hãy còn in
Ngói mới.
Trong buổi chiều hồng, trong mai xanh
Mắt tôi giở những trang tốt lành
Ngói mới.
Trong mấy câu này, chỉ cần thay chữ ngói mới bằng chữ túi ny-lông, là đã tạm được, các bạn làm hộ. Riêng mấy câu cuối, tôi muốn gia công thay đổi nhiều hơn, vậy xin đọc thành:
Tôi đi mua bán, giữa thương yêu
Không biết bao nhiêu chỉ biết nhiều
Túi ny-lông.
Muốn xài trọn vẹn, tháng ngày xanh
Nhất quyết lòng tôi sẽ hóa thành
Túi ny-lông.
Có vẻ Bút Tre một chút. Nhưng ngại ngùng mà làm gì, ny-lông hóa là xu thế thời đại thật. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà nóng lạnh đột ngột, mưa gió thất thường, rừng cháy sông cạn, rồi sâu bọ phá hoại hoa màu, dịch bệnh không tìm ra thuốc chữa, rồi tham nhũng ngày mỗi sâu nặng, hàng giả bày bán tràn lan thị trường chứng khoán ngoi ngóp, thất thường, học sinh giỏi lạm phát khắp các cấp học… thì mọi sự mau mắn xúc động chỉ làm khổ con người. Tốt hơn hết là giúp cho lòng mình ny-lông hóa một cách tự nhiên. Ắt là dễ sống!
(Những chấn thương tâm lý hiện đại – NXB Trẻ)
|