Do cách nhìn khác nhau bởi những tiếp cận khoa học chuyênbiệt, dãy Trường Sơn không phải là một dãy núi duy nhất dưới con mắt của những chuyên gia của các ngành khác nhau và của mỗi người dân khác nhau trong xã hội, đó chính là cội nguồn của sự suy thoái do khai thác dãy Trường Sơn không bền vững. Tư duy phản biện cho phép tìm ra sự thống nhất trong cách đánh giá và bảo tồn những giá trị của dãy Trường Sơn, trong đó có các giá trị đa dạng sinh học.
Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt nam – VACNE
Thác Draysap trên sông Srepok, Đăk Nông
1.Tính đa chiều của thiên nhiên
Xin hãy ngắm thật kỹ 2 bức ảnh trên đây. Đó là ảnh chụp một trong những ngọn thác đẹp nhất Tây Nguyên (thác Draysap trên sông Srepok-Đăk Nông). Nếu mỗi người xem ảnh cho biết bức ảnh nói lên điều gì thì sẽ có rất nhiều câu trả lời khác nhau:đó là tấm ảnh về một tiềm năng thủy điện lớn (nhà thủy điện); một điểm du lịch xanh và nghỉ dưỡng tuyệt vời (nhà kinh doanh du lịch); vùng này còn nhiều gỗ quý nếu chặt trộm thì rất dễ vận chuyển (một lâm tặc); vùng này chắc còn nhiều thú lớn có thể săn bắn được (một tay săn trộm); còn rất nhiều loài động thực vật quý hiếm (một nhà bảo tồn thiên nhiên); một kho nước khổng lồ có thể đáp ứng nhu cầu tưới vào mùa khô (một nhà nông nghiệp), biểu hiện rõ ràng của vận động địa chất hiện đại và biết đâu có mỏ (một nhà địa chất), đầy tứ thơ (một thi nhân), cảm hứng âm thanh có một không hai (một nhạc sỹ), cô đơn quá! (một người đang yêu),...Do những cách nhìn khác nhau, một ngọn thác dưới cách vấn hỏi của 100 nhà quan sát sẽ là 100 ngọn thác khác nhau. Heizenberg, nhà Cơ học lượng tử hàng đầu thế giới cho rằng “điều mà ta quan sát được không phải tự tính đích thực của thiên nhiên mà là cái cách mà thiên nhiên hiện ra dưới cách vấn hỏi của chúng ta” (Trích từ Nguyễn Tường Bách. Lưới trời ai dệt. Nxb Trẻ, 2005, tr 217)
Thiên nhiên vốn đa chiều, trong khi mỗi nhà quan sát lại có những hạn chế cá nhân do được đào tạo theo những chuyên ngành khác nhau, do thói quen tư duy khac nhau, do vốn sống khác nhau,...nên đã nhìn ngọn thác với cách nhìn khác nhau và nhận diện những giá trị khác nhau. Các nhà quan sát trên đây đúng hay sai? Tất cả quan sát đều đúng, nhưng tất cả lại đều sai. Ngọn thác có rất nhiều giá trị nhưng mỗi người quan sát chỉ thấy một vài giá trị tức là một vài trong số rất nhiều chiều của nó. Cái mà nhà quan sát này thấy thì nhà quan sát kia lại không thấy. Vấn đề là ở chỗ do có một thế mạnh nào đó trong xã hội mà cách nhìn, cách đánh giá của một cá nhân nào đó, một nhóm nào đó trở nên có tầm ảnh hưởng lớn hơn và được áp đặt cho việc khai thác thiên nhiên. Đây chính là cội nguồn của sự suy thoái thiên nhiên
Cùng với sự phát triển vũ bão của Khoa học Công nghệ, người ta ngày càng được đào tạo chuyên sâu, do đó ngày càng nhìn thiên nhiên với con mắt lệch lạc. Thiên nhiên vì thế ngày càng trở nên méo mó dưới con mắt của người (nhóm người) quan sát.
2.Tư duy phản biện(CT)
May mắn thay, vào khoảng những năm 1980 đã xuất hiện một cách tư duy khác nhằm bổ khuyết sự phiến diện của tư duy cá nhân, đơn ngành, đó là tư duy phản biện (critical thinking hay CT). Không nên nhầm chữ “phản biện” trong tư duy phản biện với “phản biện” xã hội, với “phê bình”, “phê phán” mặc dù cùng dùng từ căn “critic”. CT khác với phản biện xã hội trước hết vì nó là lĩnh vực tư duy cá nhân và trong một số trường hợp là tư duy nhóm. Vì thế mà sản phẩm của CT chỉ là ý kiến cá nhân hoặc một phần của dư luận xã hội chứ không phải là Phản biện xã hội (VACNE, 2009. Phản biện xã hội về bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội). CT cũng khác với “phê bình”, “phê phán” ở chỗ CT không chỉ phát hiện cái chưa hay, chưa đúng của một ý tưởng mà còn để khẳng định cái hay, cái tốt của một ý tưởng và nâng ý tưởng lên tầm cao hơn. Một số người có lẽ “sợ” dùng chữ “phản biện” nên dịch critical thinking thành “tư duy phân tích”- một cách dịch không có cơ sở nào cả về ngữ lẫn về nghĩa – tư duy phân tích là công cụ khoa học, còn tư duy phản biện ít nhiều còn gắn với cảm nhận nữa, mà cảm nhận là “ngoài khoa học”, có nghĩa là không (chưa?) chứng minh hay bác bỏ được.
Vậy tư duy phản biện là gì? “Tư duy phản biện là một quá trình nhận thức, ứng dụng, phân tích , đánh giá, tổng hợp, và/hoặc lượng giá thông tin thu được từ/hoặc tạo ra bởi quan sát, kinh nghiệm, phản ánh, phân tích nguyên nhân hay truyền thông, là định hướng cho hành động hoặc tranh luận”. "(Critical thinking is) the intellectually disciplined process of actively and skilfully conceptualising, applying, analysing, synthesising and/or evaluating information gathered from, orgeneralised by, observation, experience, reflection, reasoning or communication, as a guide to belief or action [or argument]"(Scriven & Paul ,2001, p.1) ( http://unilearning.uow.edu.au/critical/1a.html)
“Tư duy phản biện là một quá trình gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác và đa diện của vấn đề. Tư duy phản biện không chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận và duy trì thông tin thụ động. Đó là quá trình tư duy tìm lập luận phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác để xác định lại tính chính xác và đa diện của thông tin. Tư duy phản biện không chắc đã dẫn đến một kết luận chính xác. Thứ nhất là vì không ai có thế có toàn bộ thông tin chính xác. Những tin tức quan trọng nhiều khi lại không công khai và có rất nhiều thông tin còn chưa được khám phá hết. Bên cạnh đó, thành kiến và kinh nghiệm cá nhân có thể ngăn chặn việc tập trung, phân tích, đánh giá và truyền đạt thông tin. Tư duy phản biện có thể phân biệt, nhưng không thể tách rời khỏi cảm quan” ( http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C6%B0_duy_ph%E1%BA%A3n_bi%E1%BB%87n)
Nói gọn lại, tư duy phản biện (critical thinking – CT) là cách tư duy đa chiều giúp cho mỗi nhà quan sát có được và tôn trọng cái nhìn của nhiều người khác hoặc phát hiện ra những cái nhìn mới về đối tượng nghiên cứu, khiến cho đối tượng nghiên cứu được nhận diện đa chiều nên đỡ lệch lạc hơn.
Tư duy phản biện hiện nay được giảng dạy tại hầu hết trường đại học ở các nước phát triển. Ở Việt nam cho đến nay mới có trường Đại học Hoa Sen TP Hồ Chí Minh tổ chức giảng dạy bài bản.Trong lĩnh vực bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tư duy phản biện nhìn chung bao gồm một số kỹ năng sau đây:(i) Làm rõ nội hàm bề nổi của ý tưởng hay thông tin; (ii) Phát hiện các nghịch lý trong một ý tưởng; (iii)Tìm ra các chiều ngầm, các giá trị ngầm, các quyền lực ngầm trong một ý tưởng; (iv)Tìm ra các mối liên hệ với ý tưởng nằm trong môi trường giao dịch của ý tưởng; (v) Tìm ra các nhiễu lọan tất định hàm chứa mơ hồ trong một ý tưởng; (vi)Tìm ra phương án thay thế hay tình tiết bổ sung để hoàn thiện hơn cho một ý tưởng; (vii) Dự kiến các xung đột khi một ý tưởng được thực hiện và dự liệu giải pháp quản trị. Dưới đây sẽ đề xuất nội dung của 7 kỹ năng thông dụng nhất trong số các kỹ năng của CT trong lĩnh vực Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường
3. Tư duy phản biện trong Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn
Áp dụng tư duy phản biện trong bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn đòi hỏi trả lời bảy (7) câu hỏi sau đây. Trong phần này các dự án đầu tư, quy hoạch, kế hoạch phát triển, bài báo, quan điểm,...được gọi tắt là ý tưởng của người đề xuất– đối tượng của tưu duy phản biện của nhà nghiên cứu.
(i)Nội hàm của ý tưởng hay thông tin đó chính xác là gì?
Khi nhà nghiên cứu nghe hay đọc đượcmột ý tưởng, một thông tin mới (ví dụ một dự án đầu tư, một quy hoạch, một bài báo, một điểm địa di sản, một loài mới được phát hiện, một ý kiến trong Hội thảo,..) được công bố hay đề xuất, điều trước hết cần làm rõ nội hàm của những khái niệm quan trọng mà tác giả ý tưởng dùng thực ra là gì. Bởi lẽ con người cứ nghe mãi một khái niệm thành quen mà thực sự không hiểu tác giả của ý tưởng đang xét trao cho cụm từ ấy nội hàm gì.
Ví dụ chúng ta nói về dãy Trường Sơn, nhưng thực ra mỗi người quan niệm Trường Sơn một cách khác nhau: dãy Trường Sơn xuất phát từ đâu? Gồm mấy đoạn? Ranh giới các đoạn Trường Sơn được phân chia như thế nào? Tây Nguyên có thuộc về Trường Sơn khong?... Nếu để ý phân tích kỹ thì nội hàm dãy Trường Sơn không giống nhau theo cách hiểu của mỗi người (http://www.vacne.org.vn/default.aspx?newsid=1002).Việc hiểu thực chất nội hàm của ý tưởng do ai đó đề xuất sẽ tránh được rất nhiều thời gian tranh luận do “ông nói gà, bà nói vịt”. Đã có người cho rằng phần lớn các cuộc tranh luận là do hiểu nhầm.
(ii) Các nghịch lý trong một ý tưởng là gì?
Nghịch lý trong một ý tưởng lànhững dấu hiệu không phù hợp, không bình thường trong cách trình bày, trong báo cáo,...là những dấu hiệu không bình thường, không thể giải thích bằng nhận định thông thường. Nghịch lý phản ánh một bình diện khác trong các chiều ngầm của hệ thống chưa được nói đến hay chưa được nhận diện, nó giúp nhà nghiên cứu có cái nhìn toàn diện hơn về ý tưởng, đồng thời giúp cho việc tìm ra những mặt trái của ý tưởng mà người đề xuất muốn dấu kín, hoặc chưa nhận diện ra.
Ví dụ một dự án “xây dựng resort du lịch ” không lớn nhưng lại được ca ngợi hết lời trên thông tin đại chúng, kính phí dành cho việc lập báo cáo ĐTM gấp hàng chục lần kinh phí dành cho các dự án tương tự, nhưng nội dung báo cáo và thẩm định báo cáo lại rất dễ dãi; một dự án chuyển đổi nhiều trăm ha rừng khộp sang trồng cao su nhưng lý do chuyển đổi chỉ xoay quanh lập luận rằng diện tích rừng khộp cần chuyển đổi là rừng nghèo; một dự án thủy điện nhưng không đề cập đến bao nhiêu ha rừng sẽ bị chặt phá để xây dựng, sẽ xả lũ theo quy trình nào,...
(iii)Các chiều ngầm, các giá trị ngầm, các quyền lực ngầm trong một ý tưởng là những gì?
Một ý tưởng có thể có một số hay tất cả các chiều – tức là các lợi ích, hay giá trị, hay lực điều khiển- về:chính trị, an ninh quốc phòng, môi trường, đạo đức, thầm mỹ, khoa học công nghê, xã hội và kinh tế,... Khi được trinhg bày, ý tưởng chỉ phơi bày các chiều nổi, còn các chiều ngầm thì ẩn tàng phiá dưới. Tác giả ý tưởng có thể chưa biết hết hoặc biết rất rõ các chiều ngầm nhưng không nói ra. Các chiều ngầm mang theo các giá trị ngầm, quyền lực ngầm của ý tưởng. Chú ý rằng chữ “ngầm” ở đây có nghĩa là “không biểu hiện ra bên ngoài” chữ không có nghĩa là “xấu”. Nhà nghiên cứu cần nhận rõ các chiều ngầm này nhưng cũng chủ yếu để nói về các chiều nổi của ý tưởng- cái cần được tranh luận.
Ví dụ một dự án sân golf nhưng phần lớn diện tích lại dùng để xây dựng bất động sản; một chương trình bảo tồn đa dạng sinh học nhưng lại có hạng mục xây cất resort quy mô trong vùng lõi một vườn Quốc gia, một dự án chuyển đổi rừng nghèo sang rừng trồng chủ yếu là để khai thác gỗ,...
(iv) Các mối liên hệ với ý tưởng nằm trong môi trường giao dịch bên ngoài của ý tưởng là gì?
Một ý tưởng có nhiều mối liên hệ với môi trường bên ngoài của nó mà tác giả ý tưởng không thể hiện trong trình bày. Nhiều trường hợp các mối liên hệ này quyết định sự hành thành ý tưởng. Những ý tưởng liên quan đến vấn đề an ninh môi trường thường có các mối quan hệ này.
Ví dụ, khuyến khích đầu tư cho việc nhập nội và nuôi trồng thử một loài sinh vật biến đổi gen, một loài sinh vật lạ có sức cạnh tranh cao; việc triển khai một dự án không có ích lợi gì cho địa phương nơi triển khai,...
Chú ý rằng một quan hệ với môi trường ngoài có thể là hoặc không phải là một chiều ngầm - nó có thể rất công khai.
(v) Các nhiễu lọan tất định hàm chứa mơ hồ trong một ý tưởng là những gì?
Nhiễu loạn tất định là nhiễu lọan lúc đầu không dễ nhận thấy nhưng sau đó sẽ có vai trò rất lớn trong việc làm biến tướng ý tưởng ban đầu hoặc thâm chí làm sụp đổ ý tưởng.
Ví dụ việc nhập một loài cây cảnh nước ngoài có thể sẽ làm bùng phát dịch sâu hại cho loài cây khác ở trong nước; cho phép tận thu khoáng sản có thể sẽ mở đầu cho sự hình thành khai thác khoáng sản “thổ phỉ” sau này; việc xây cầu qua kênh rạch có thể dẫn đến phong trào xoay hướng nhà về phía mặt đường lộ thay vì ra phía dòng kênh trước đây, làm biến đổi hẳn đặc trưng địa văn hóa vùng xây cầu; việc nuôi cứ hộ động vật hoang dã có thể là tiền đề cho nghề nuôi động vật hoang dã tràn lan sau này, ...
(vi) Các phương án thay thế hay tình tiết bổ sung để hoàn thiện hơn cho một ý tưởng là những gì?
Có thể bổ sung hay thay đổi một số tình tiết để một ý tưởng tốt trở nên hoàn thiện hơn không? Những bổ sung đó là những gì?
(vii) Các xung đột khi một ý tưởng được thực hiện và dự liệu giải pháp quản trị là những gì?
Việc thực hiện một ý tưởng tại một địa điểm là đưa một nhân tố lạ vào một hệ thống đã định hình, vì thế rất có thể việc thực thi ý tưởng mới sẽ kích hoạt các mối xung đột nào đó, ví dụ về quyền sở hữu hay quyền sử dụng không gian, sự cạnh tranh với các yếu tố bản địa, xuất hiện các vấn đề trước đây chưa từng có do kết hợp các yếu tố mới được đưa vào và yếu tố có sẵn ở địa phương; sự tương tác đa văn hóa nếu một tưởng sẽ được trình diễn trên một không gian đa văn hóa (ví dụ trên phạm vi các nước khác nhau). Nếu xuất hiện xung đột thì giải pháp dự kiến để giải quyết là gì? Ai, tổ chức nào có trách nhiệm giải quyết?
4. Thảo luận
· Tư duy phản biện là kiểu tư duy xem xét một vấn đề trong tính đa chiều của nó, đòi hỏi tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của nhà nghiên cứu. Vì vậy tư duy phản biện không chỉ giúp nhà nghiên cứu hiểu rõ thực chất của vấn đề đang được xem xét mà còn giúp tìm ra những vấn đề mới. Tư duy phản biện cũng chính là tư duy sáng tạo.
· Sau khi tìm hiểu kỹ 7 vấn đề nêu trên liên quan đến một ý tưởng, nhận thức của nhà nghiên cứu về một ý tưởng sẽ sâu sắc hơn rất nhiều. Một ý tưởng tốt có nhiều cơ hội sẽ tốt hơn do được bổ sung, hoàn thiện. Một ý tưởng không tốt có thể được nhận diện và phản bác.
· Vì vậy tư duy phản biện không chỉ cần cho phản biện xã hội mà là kiểu tư duy hệ thống, một kiểu tư duy tích cực, chủ động của nhà nghiên cứu trước những vấn đề mới nảy sinh, là cách học tập mới trong bối cảnh các ngành khoa học ngày càng chuyên biệt.Tư duy phản biện là cách nhận thức của thế kỷ XXI nhằm hài hòa sự chuyên biệt quá lớn giữa các ngành khoa học, khác với kiểu tư duy áp đặt, tư duy theo thói quen và thành kiến quá lớn ở không ít nhà nghiên cứu. Nói thật ngắn gọn thì tư duy phản biện là cách tư duy tìm hiểu và giải quyết khoảng cách giữa Lời nói và Sự thật. Những ý tưởng bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn cần phải là những ý tưởng của Sự thật
· Dãy Trường Sơn là xương sống của miền Trung Việt Nam và những diện tích lớn của Lào và Campuchia. Những ý tưởng phát triển trên dãy Trường Sơn cần được phân tích bằng tư duy phản biện để có thể lựa chọn được những ý tưởng tốt. Phát triển trên dãy Trường Sơn là sự đánh đổi nên rất cần những ý tưởng tốt./.