(VACNE) – “Cây Di sản Việt Nam dù ở đâu cũng đều là "máu thịt”, là món quà thiên nhiên ban tặng, là sự chăm chút, nâng niu của các thế hệ cha ông. Giữ gìn vẻ đẹp của Cây Di sản là thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, sự tri ân với tổ tiên và bảo vệ sự sống của nhân loại.”
Đó là những chia sẻ đầy tâm huyết của TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - VACNE trong cuộc trò chuyện với PV Báo Tài nguyên và Môi trường về chặng đường 10 năm tôn vinh Cây Di sản Việt Nam nhân ngày đầu Xuân mới Tân Sửu 2021.
PV: Xin chào TS. Nguyễn Ngọc Sinh! Thưa ông, được biết, hoạt động vinh danh Cây Di sản được VACNE khởi xướng từ năm 2010 và ông là một trong những người đặt nền móng cho sáng kiến tổ chức Chương trình này. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm ngày đầu triển khai Chương trình?
TS. Nguyễn Ngọc Sinh:
Hơn 30 năm trưởng thành và phát triển, VACNE luôn giữ vững vai trò quan trọng của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong sự nghiệp bảo vệ môi trường của đất nước, luôn chú ý tới việc huy động sức mạnh cộng đồng cho sự nghiệp này.
Điển hình là sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được VACNE phát động từ ngày 18/3/2010 nhân năm mở đầu của Thập kỷ Đa dạng Sinh học của Liên Hợp Quốc. Mỗi cây hoặc cụm cây khi được cộng nhận là Cây Di sản, VACNE sẽ phối hợp tổ chức lễ vinh danh và gắn biển “Cây Di sản Việt Nam”. Cây được hưởng những ưu đãi theo khả năng của Hội chúng tôi như được quảng bá trên web “vacne.org.vn”, trên các ấn phẩm của Hội và các phương tiện truyền thông của các hội thành viên, được tư vấn chăm sóc sức khỏe và kéo dài tuổi thọ...
Tôi nhớ rất rõ mở đầu cho sự kiện Cây Di sản Việt Nam vào dịp Đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là ngày 5/10/2010, VACNE đã phối hợp với địa phương tổ chức lễ công nhận cho 9 cây muỗm cổ thụ gần 1.000 tuổi ở Đền Voi Phục, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.
“Cây là Nguyên khí quốc gia
Còn Cây còn cả sơn hà niềm tin
Ai ơi giữ lấy Cây Thiêng
Muôn nghìn năm mãi vững bền Việt Nam”.
Nguyễn Ngọc Sinh
|
PV: Được biết, từ cổ chí kim, ở Việt Nam chưa có tổ chức nào đứng ra “phong tước” cho cây. Tại sao bây giờ, chúng ta phải làm việc này, thưa ông?
TS. Nguyễn Ngọc Sinh:
Bạn (PV), tôi và tất cả mọi người không khó để nhận thấy một điều đáng lo ngại là tình trạng các cổ thụ ở Việt Nam bị mất dần do các hoạt động thiếu ý thức của con người. Đồng thời, chúng tôi ngày càng nhận thức được rõ ràng hơn về truyền thống tốt đẹp của cha ông đối xử với thiên nhiên, cũng như vai trò to lớn, quyết định của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học.
Những điều đó thúc đẩy chúng tôi đi sâu tìm hiểu thực tế, học tập kinh nghiệm của các nước, từng bước xác định và định hình sự kiện, rồi tiến hành nhiều cuộc thảo luận, trao đổi, đi tới quyết định phát động và tổ chức sự kiện.
PV: Với những tâm huyết, đến nay, VACNE đã công nhận được bao nhiêu Cây Di sản, thưa ông?
TS. Nguyễn Ngọc Sinh:
Trong 10 năm qua, VACNE đã xét hàng nghìn hồ sơ, trong đó, đã công nhận 5.420 thuộc 130 loài là Cây Di sản Việt Nam.
Cây Di sản Việt Nam đã có mặt ở 54 trên tổng số 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam. Cây Di sản Việt Nam đã có mặt ở dãy núi cao nhất nước ta là Hoàng Liên Sơn, nằm cách cột mốc biên giới số 651 chưa đầy 10 m ở Hà Quảng - Cao Bằng và ở nhiều hòn đảo như: Hòn Dấu - Hải Phòng, Cù lao Chàm - Quảng Nam, Lý Sơn - Quảng Ngãi, Côn Đảo - Bà Rịa - Vũng Tàu, các đảo Sơn Ca, Song Tử Tây, Nam Yết và Sinh Tồn thuộc Quần đảo Trường Sa…
PV: Trong suốt quá trình đó, Cây Di sản nào đã để lại ấn tượng nhiều nhất với ông?
TS. Nguyễn Ngọc Sinh:
Mỗi Cây Di sản đều rất đặc biệt, đều để lại những ấn tượng khó quên. Tôi xin kể ra một số cây.
Đầu tiên là cây Samu dầu khoảng hơn 1.000 tuổi, cao trên 70 m, đường kính thân 5,5 m ở thượng nguồn Khe Bu thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Đây là Cây cao lớn nhất đã được công nhận Cây Di sản.
Cây có tuổi đời lớn nhất là 2 cây Táu vàng, Táu bạc ở xã Trưng Vương thành phố Việt Trì. Theo phả hệ, tuổi Cây là trên 2.200 năm.
Cây gạo hơn 700 năm do con gái đức vua Trần Thánh Tông tên là Quỳnh Trân Công Chúa trồng tại Đền Mõ, là nơi tập kết của các thanh niên trong xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Cây Me Di sản cao 24 m, đường kính thân 1,2 m, tán lá che phủ hơn 600 m vuông ở Bảo tàng Quang Trung của tỉnh Bình Định do thân phụ của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ là ông Hồ Phi Phúc trồng cách đây hơn 200 năm.
Những Cây Bàng Di sản hàng trăm năm tuổi ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) nơi đế quốc, thực dân biến nó thành “địa ngục trần gian” giam giữ tù nhân. Những cây bàng ấy đã cung cấp chất xanh, góp phần cứu sống nhiều chiến sĩ cách mạng của ta bị tù đầy tại đây.
Đặc biệt, 5 Cây Di sản thuộc 3 loài Phong ba, Mù u và Bàng vuông ở các đảo trên quần đảo Trường Sa luôn là niềm tự hào của các hội viên Hội chúng tôi.
Cây Trôi, Quốc Oai, Hà Nội
PV: Sau khi vinh danh, các cây này được bảo vệ ra sao, thưa ông?
TS. Nguyễn Ngọc Sinh:
Sau khi được công nhận là Cây Di sản, VACNE sẽ phối hợp với địa phương, chịu trách nhiệm về mặt bảo vệ kỹ thuật, chẳng hạn như tên kỹ thuật, hỗ trợ họ trong xác định tuổi, nếu như cây bị bệnh, chúng tôi sẽ tư vấn cách bảo vệ. Nếu địa phương gặp khó khăn chăm sóc, chữa trị cho cây, chúng tôi sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ. Các chuyên gia Hội đồng Cây Di sản đang nỗ lực biên soạn và tìm nguồn kinh phí để phát hành rộng rãi ấn phẩm chăm sóc cổ thụ, trong đó có các Cây Di sản. 1/3 cuốn Cây Di sản tập 3 cũng dành để trình bày vấn đề này. Hội giao nhiệm vụ và đổi tên một tổ chức của các cựu chiến binh tham gia Hội là Câu lạc bộ Đạp xe truyền thông môi trường Kết nối Cây Di sản. Tên gọi đã nói lên công việc của Câu lạc bộ.
PV: Ông có thể chia sẻ một vài ví dụ cụ thể hơn về vấn đề này?
TS. Nguyễn Ngọc Sinh:
Từ khi phát động sự kiện, VACNE ngày càng quan tâm việc chăm sóc sức khỏe các cây cổ thụ. Trên trang web của Hội đã phản ánh, thông thường, khi nhận được thông báo “có vấn đề” từ các địa phương có Cây Di sản, theo khả năng có thể, Hội cử các chuyên gia và cán bộ đến xem xét, đưa ra ý kiến nhận xét, rồi tư vấn giúp địa phương.
Trường hợp đặc biệt là từ khi một Ủy viên Hội đồng Cây Di sản kết hợp mời được một chuyên gia từ Úc sang, nhiều vấn đề dần sáng tỏ. Chuyên gia này đi thực tế rất cụ thể. Lấy mẫu vỏ cây, lá cây, đồng thời, hỏi địa phương đã bón phân gì, có biết phân đó thành phần ra sao không, có bón đúng liều lượng, đúng lúc không; phân tích xem tại sao các cành cây này lại chết khô chưa, lý do sâu bệnh hay không phải…? Sau đó, chúng tôi xin phép thử nghiệm vài loại thuốc bơm vào gốc và thân cây.
VACNE nhận ra rằng, đây phải là một bộ môn khoa học nghiêm túc. Chúng tôi mong muốn bộ môn Chăm sóc sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cổ thụ sớm được các cơ quan chức năng quan tâm phát triển. Tự tên gọi của bộ môn này đã nói lên tầm quan trọng và ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn của nó. Được như vậy, sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam cũng vinh dự có thêm đóng góp cho khoa học và thực tiễn.
PV: Những cây được vinh danh có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội và môi trường, thưa ông?
TS. Nguyễn Ngọc Sinh:
Trong 3 tập sách về Cây Di sản Việt Nam của Hội cũng như trong rất nhiều tin, bài về Cây Di sản được truyền tải trên các phương tiện truyền thông 10 năm qua, ý nghĩa của Cây Di sản, của “Cây Di sản và còn hơn thế nữa” đã được phản ánh khá đầy đủ. Nhìn chung, nhiều người đều cho rằng, bảo vệ, gìn giữ, chăm sóc Cây Di sản Việt Nam không chỉ mang lại giá trị về môi trường, mà còn có giá trị về lịch sử, văn hóa, là điểm đến cho khách thập phương, phục vụ phòng thí nghiệm và các hoạt động nghiên cứu khoa học, nơi giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời đây cũng là nơi để chúng ta tri ân, hồi tưởng, quý trọng sức lao động sáng tạo của các bậc tiền bối.
VACNE tâm niệm, bảo vệ được cây là do dân. Nhân dân thấy rõ giá trị vật chất và phi vật chất, gắn với tâm linh làng xã, gắn với anh hùng giữ nước nên họ xem cây như là thành hoàng sống, mang phúc ấm cho làng. Cây Di sản là nhân chứng sinh thái và nhân chứng lịch sử của một vùng đất, không những mang giá trị văn hóa, tâm linh, giáo dục ý thức của nhân dân, cộng đồng mà còn có thể mang lại giá trị về kinh tế.
Ngày nay, Việt Nam đang từng bước xây dựng nông thôn mới đi lên trên con đường hiện đại, văn minh. Hình bóng cây cổ thụ, Cây Di sản Việt Nam vẫn gợi cho chúng ta những xúc cảm rất đỗi thân thương về quê hương xứ sở, cây cổ thụ, Cây Di sản Việt Nam dù đứng ở đâu cũng đều là "máu", đều là "thịt" là kỳ quan thiên nhiên sâu thẳm trong tâm hồn của các thế hệ 54 cộng đồng dân tộc Việt Nam. Hãy cùng nhau gìn giữ bảo vệ để thế hệ hôm nay và con cháu mai sau được chiêm ngưỡng những điều kỳ thú mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi cành cây, qua từng chiếc lá, qua mỗi một bông hoa - trên đường làng ngõ phố.
Cây Sung tại xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
PV: Gần đây, dư luận đang rất quan tâm việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Cảm nghĩ của ông ra sao về đề xuất này?
TS. Nguyễn Ngọc Sinh:
Trước đề xuất này của Thủ tướng, không chỉ riêng tôi mà cả những ai quan tâm tới môi trường cũng đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi. Thực tế, từ khi Bác Hồ phát động Tết trồng cây tới nay, cả nước đã xuất hiện ngày càng nhiều những phong trào trồng cây. Gần đây như là “Quỹ Một triệu cây xanh cho Việt Nam”, “Một triệu cây xanh - Thêm cây, thêm sự sống…”, “Gia đình trồng cây xanh”… do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phát động. Chắc chắn, đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh của người đứng đầu Chính phủ sẽ tiếp thêm động lực cho các phong trào hiện có của cả nước nói chung cũng như hoạt động tôn vinh Cây Di sản Việt Nam của VACNE nói riêng.
Làm được như vậy, chúng ta không những làm tăng số “tài sản cây xanh” trên cả nước, mà trong tương lai, trăm năm hay vài trăm năm sau, con cháu chúng ta sẽ có cơ hội nối dài thêm danh sách Cây Di sản.
PV: Được biết, hoạt động Cây Di sản còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động, vậy VACNE đã nhận được sự sẻ chia, ủng hộ ra sao từ các cơ quan quản lý Nhà nước, thưa ông?
TS. Nguyễn Ngọc Sinh:
Không khó để có thể thấy rằng, sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam ngay từ đầu đã luôn gặp nhiều khó khăn trở ngại. Khách quan nhiều, chủ quan cũng không ít. Cụ thể là những thiếu thốn về mặt tài chính, những khó khăn về sức khỏe, về thời gian của những người tham gia ở mọi nơi, mọi lúc. Có những khó khăn thấy trước, nhưng khó giải quyết. Cũng có không ít bất ngờ. Rất may, mọi việc cũng đã chúng tôi được giải quyết tương đối ổn thỏa. Khi khó khăn nhất, đã có những lời động viên chân tình, kịp thời.
Trong suốt 10 năm vừa qua, sự kiện này luôn được Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích, ủng hộ. Nhiều vị lãnh đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Tổng cục Môi trường đã tham gia các buổi lễ vinh danh Cây Di sản do VACNE tổ chức trên nhiều vùng, miền của đất nước. Đặc biệt, vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao tặng Hội đồng Cây Di sản của Hội Giải thưởng Môi trường Việt Nam.
Chúng tôi luôn hiểu rất rõ rằng, đường càng dài, phong trào càng sâu rộng thì những nền móng, những sự chuẩn bị ban đầu và việc thường xuyên rút kinh nghiệm càng quan trọng. Vì vậy, việc tiếp thu những ý kiến đóng góp để ngày càng hoàn thiện Sự kiện luôn được Hội quan tâm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông !
Kỷ niệm 10 năm Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã phát hành quyển sách thứ 3 về Cây Di sản để đáp ứng sự mong mỏi của các hội viên và cộng đồng. Nếu quyển tập I phát hành năm 2015, 5 năm sau khi phát động Sự kiện, quyển thứ 2 chỉ cần 2 năm, năm 2017. Sách “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam” được xuất bản lần này, là tài liệu mang tính tổng kết 10 năm Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, rút ra những bài học hữu ích để tiếp tục phát triển phong trào.
|