(VACNE) - Từ Kontum trước khi vào trung tâm Pley Ku tôi rẽ vào hồ T’Nưng (Biển Hồ) - hồ nước lớn, điểm sâu nhất đến 20m, ở độ cao 800 m so với mực nước biển, hình thành từ miệng núi lửa đã tắt hàng triệu năm trước.
Ảnh trái: Người J’rai làm lễ cầu mưa (ảnh báo Gia Lai) Ảnh phải: 7 trẻ nhà Rmah H’Tet: không có đứa nào đi học (ảnh báo Dân tộc).
Biển Hồ
Từ Kontum trước khi vào trung tâm Pley Ku tôi rẽ vào hồ T’Nưng (Biển Hồ) - hồ nước lớn, điểm sâu nhất đến 20m, ở độ cao 800 m so với mực nước biển, hình thành từ miệng núi lửa đã tắt hàng triệu năm trước. Đây là nguồn cấp nước chính cho TP Pley Ku. Do vậy vào năm 2000 UBND tỉnh Gia Lai đã mời Viện chúng tôi nghiên cứu địa hình độ sâu và chất lượng nước hồ này để đảm bảo cấp nước lâu dài cho TP. Tôi làm chủ nhiệm đã cùng các anh Hoàng Khánh Hòa, Vương Quang Việt, Chế Thúy Nga…và cán bộ PV Khí tượng Thủy văn Nam Bộ nghiên cứu chi tiết hồ này (báo cáo KH vẫn còn được lưu).
Ảnh trái: Khoảng khắc thư giãn khi nghiên cứu môi trường nước Biển Hồ (năm 2000). Pley Ku khá đẹp, Biển Hồ quả là báu vật long lanh nhưng đến mức như Nguyễn Cường viết “Em đẹp thế Plei Ku ơi, trái tim tôi muốn vỡ tan rồi, không dám nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Plei Ku - Biển Hồ đầy…” thì quả là nhạc sỹ giàu tưởng tượng! Ảnh phải: Biển Hồ đầu tháng 7/2019): lại thêm tượng Phật (không có trong ảnh) trên đường xuống hồ
Học viện Bóng đá HAGL – JMG
Đến Pley Ku dù ngày mưa tôi cũng cố gắng đến thăm Học viện Bóng đá HAGL – JMG của Ông Đoàn Nguyên Đức rất nổi tiếng là trung tâm đào tạo bóng đã trẻ bài bản đầu tiên của nước ta. Dù sau này có nhiều học viện có thể hoành tráng hơn nhưng không nên quên Ông Đức. Học viện nằm cách trung tâm TP đến 14 km về phía Nam, xa hẳn các trung tâm dân cư. Ấn tượng mạnh về sự đầu tư, chăm lo của Bầu Đức đối với các học viên nhí. Tôi thích tính cách khảng khái, hào hiệp theo chất Tây Sơn (tỉnh nhà của ông này)!
Đây là biểu tượng của Học viện Một trong các nhà ở của học viên
Ảnh trái: Một trong nhiều sân tập Ảnh phải: Trời mưa nên 1 số học viên tập trong sân có mái. Hy vọng sau 8-10 năm nữa các cháu bé này sẽ kế tục Công Phượng, Văn Thanh, Xuân Trường, Văn Toàn….
Ăn gì ở Pley Ku
Cũng như Kontum, Pley Ku là đô thị miền núi, có nhiều dân tộc nên khá nhiều món độc đáo. Nghe đồn ở đây có các món nổi tiếng là phở hai tô (phở khô Gia Lai), bún mắm cua, muối kiến vàng, bò 1 nắng, lẩu lá rừng, cà phê Pley Ku….Chỉ 2 ngày mà tôi thưởng thức đủ các món này (tôi có tính ăn nhiều và dễ ăn). Mỗi món có vị riêng, không lẫn với nơi khác nhưng nhớ nhất là món gà nướng – cơm lam, mà phải ở quán Ya Gui của người J’rai mới là số 1.
Ảnh trái: Quán Gà nướng – Cơm lam Ia Gui: nằm sâu trong con hẻm cách trung tâm hơn 10 km: phải có taixi mới biết đường đi. Ảnh phải: Toàn cảnh món gà nướng – cơm lam tôi đã thưởng thức. Đặc biệt: “gà đồng bào” (họ gọi vậy) chứ không phải “gà ta” (tổng giá: tính cả 2 bia: 320K).
Tạm biệt Pley Ku – Tạm biệt Tây Nguyên
Sau 4 ngày thăm nhanh/check in 2 tỉnh Kontum và Gia Lai chiều 02/7/2019 tôi ra sân bay Pley Ku trở về TP Hồ Chí Minh. Đúng 50 phút bay là đến Tân Sơn Nhất, cộng thêm 20 phút đi bộ là đến nhà.
Rất nhiều suy ngẫm về phát triển Tây Nguyên và đồng bào các dân tộc bản địa. Món nợ đồng bào của bác sỹ Y Ngông Niekdam, Anh hùng Núp…còn lớn lắm mà tôi không còn cơ hội cùng mọi người trả cho họ.
Nhà rông cuối cùng tôi gặp ở Gia Lai. Nay đâu còn bên bếp lửa bập bùng nghe kể chuyện Đam San, Xinh Nhã (Ảnh trái) Tạm biệt Pley Ku nhé!
TP Hồ Chí Minh 03/7/2019
Lê Trình