Trích tài liệu liên quan đến Dãy Trường Sơn từ cuốn Thiên nhiên Việt Nam của Lê Bá Thảo, 1990
Các tài liệu liên quan đến Dãy Trường Sơn phục vụ Hội thảo Khoa học Bảo tồn Đa dạng Dãy Trường Sơn lần thứ hai, trích từ cuốn "Thiên nhiên Việt Nam" của Lê Bá Thảo
Cộng đồng với Môi trường tiếp tục trích đăng các tài liệu liên quan đến đa dạng sinh học Dãy Trường Sơn phục vụ Hội thảo Khoa học Bảo tồn Đa dạng Dãy Trường Sơn lần thứ hai
|
Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam
(In lần thứ hai. Có sửa chữa và bổ sung). NXB Khoa học và Kỹ thuật, H.,1990
CHƯƠNG V
TRƯỜNG SƠN BẮC
Từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tên gọi "Trường Sơn" đối với chúng ta đã có ý nghĩa khác hẳn. Ngày trước, khi nói đến Trường Sơn ai cũng nghĩ rằng đấy chỉ là một vùng rừng rậm hoang vu, hiểm trở, là vùng "rú xanh" đầy thú dữ và vắng bóng người.
Ngày nay, chúng ta nói đến Trường Sơn với một tình cảm đặc biệt: ở đấy có "đường mòn Hồ Chí Minh" mà danh tiếng đã vang ra thế giới chẳng khác gì một chuyện chỉ có trong huyền thoại; ở đấy, ngày cũng như đêm, những đoàn xe vận tải cỡ lớn vận chuyển không ngừng quân cụ và thực phẩm cho tiền tuyến lớn, những đoàn thanh niên xung phong làm được những trạm quân lương, y tế và hàng loạt các tổ chức chiến đấu và phục vụ khác. Trường Sơn không còn vắng bóng người và không phải là không sinh sống được như người ta vẫn tưởng.
Sau chiến thắng đế quốc Mỹ, con đường Trường Sơn vẫn tiếp tục được mở rộng và củng cố và ai cũng nhận thấy một cách rõ rệt rằng không thể tách rời dãy núi này với dải đồng bằng hẹp ở ven biển, nếu muốn cho miền Trung có một thế chiến lược vững chắc không những về mặt quân sự mà cả về mặt kinh tế - chính trị nữa.
Xét về mặt phân chia hành chính, ranh giới của mỗi một trong 11 tỉnh miền Trung, từ Thanh Hoá đến Thuận Hải, đều được xác định theo từng lưu vực sông; mỗi lưu vực bao gồm cả phần núi, đồi, đồng bằng, bờ biển và biển tương ứng. Điều đó đúng cả cho địa lý tự nhiên lẫn về mặt sử dụng kinh tế và quản lý lãnh thổ.
Một miền núi già bị chia cắt dữ dội
Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây
VÙNG NÚI NGHỆ TĨNH
Đèo Ngang và dãy Hoành Sơn
Vùng đá vôi Kẻ Bàng
DÃY ĐỒI NÚI BÌNH TRỊ THIÊN
Vùng núi Ba Rền - U Bò
Vùng đồi Trị -Thiên
SỬ DỤNG KINH TẾ MIỀN TRƯỜNG SƠN BẮC
Do điều kiện chiến tranh miền núi già Trường Sơn từ lâu chưa được khảo sát thật kỹ như các miền núi khác ở miền Bắc. Trong kháng chiến chống Pháp và đặc biệt trong thời gian chống Mỹ, nhiều đoàn bộ đội và thanh niên xung phong đã mở đường qua lại đây và chúng ta mới bắt đầu biết thêm được nhiều điều - tuy còn rời rạc - về miền núi đẹp đẽ này.
Trường Sơn Bắc mang trong lòng nó một số khoáng sản qúy, nhưng chỉ có một số mỏ có quy mô quốc gia như mỏ thiếc ở Quỳ Châu (Nghệ Tĩnh), pirit Bản Gôn (Bình Trị Thiên). Một số khoáng sản khác có quy mô không lớn nhưng phức tạp về mặt khai thác chế biến cần được Trung ương đầu tư như chì, kẽm, barit ở Nghệ Tĩnh. Còn lại là các mỏ hay điểm quặng mà từng địa phương có thể khai thác để sử dụng hay xuất khẩu do công nghệ chế biến đơn giản hơn và quy mô lại lớn như titan, zircôn, vàng sa khoáng, ..v..v... nhất là đá ốp lát. Các công việc thăm dò khoáng sản còn cần được tiếp tục, nhưng cứ như tình hình lịch sử phát triển và cấu trúc địa chất mà xét thì chắc chắn nó còn đưa đến nhiều sự bất ngờ. Đấy là vì trong khi phần lớn các mỏ ở Bắc Việt Nam đều được hình thành trong chu kỳ tạo núi Hecxini cổ hơn nhiều và từ đó đến nay, đã trải qua nhiều thời kỳ bóc mòn và xâm thực dữ dội. Chắc chắn các quy luật tạo mỏ không giống như ở các miền khác.
Không ai có thể phủ nhận được vai trò quan trọng của Trường Sơn Bắc về mặt vị trí địa lý: vị trí trung gian giữa miền Bắc và miền Nam, giữa nước ta và nước bạn Lào. Cái tính chất trung gian ấy thể hiện trong sự phân hoá đa dạng của các thành phần khác nhau của tự nhiên, từ thổ nhưỡng, thực vật, động vật đến khí hậu. Có lẽ hoạt động lâm nghiệp là một hoạt động chính trong miền này. Rừng Trường Sơn Bắc phong phú nhiều tầng, nhiều loài, trừ các vùng đồi ven đồng bằng. Nhiều lâm trường đã tiến vào Trường Sơn và nếu sự khai thác được tiến hành một cách có quy hoạch hợp lý thì đấy sẽ là nơi cung cấp gỗ cho đất nước trong một thời gian lâu dài. Công cuộc khai thác gỗ nhất thiết đòi hỏi phải có công tác trồng rừng kèm theo, cả hai hoạt động này cần được kết hợp với nhau một cách chặt chẽ, có khi rừng trồng phải đi trước một bước nếu ta xét đến thời gian cần thiết mà một rừng trồng có thể cung cấp được gỗ để thay thế cho rừng tự nhiên. Mặc dù diện tích rừng còn khá lớn (trên 1,2 triệu ha tính đến 1983), tỉ lệ che phủ còn trên 30% một ít nhưng diện tích đất trống đồi trọc còn lớn hơn (trên 1,4 triệu ha) và tỉ lệ che phủ vừa mới nói là sát với mức báo động (theo FAO là dưới 30%).
Sự bảo vệ lớp phủ thực vật rừng ở Trường Sơn Bắc vì vậy có một tầm quan trọng đặc biệt (chú ý là khái niệm bảo vệ không loại trừ khái niệm khai thác, miễn là khai thác hợp lý) không những vì đấy là những rừng cuối cùng có giá trị lớn nhất miền Bắc hiện nay mà còn là vì địa hình có sườn dốc ở Trường Sơn Đông sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho xâm thực hoạt động nếu lớp phủ đó bị phá hủy. Các cơn lũ rừng to lớn sẽ làm cho nước sông lên nhanh chóng ở đồng bằng và có thể gây tai họa: trận lụt ở Thừa Thiên - Quảng Nam năm 1975 - trận lụt lớn chưa từng thấy trong vòng 30 năm trước đó - có thể tìm thấy nguyên nhân ở sự phá hoại rừng đầu nguồn.
Lớp phủ thực vật rừng cũng còn là môi trường sống của những giống động vật qúy tồn tại trong Trường Sơn Bắc: những hươu và nai, bò tót, voi và trâu rừng..v..v..kể cả hổ, báo đều tìm thấy ở đó nơi ẩn náu và sinh sống của mình. Sự phá hoại lớp phủ này cũng có nghĩa là phá hoại cả môi trường sống của động vật và nếu chúng ta nhớ rằng lượng da thú hàng năm Trường Sơn Bắc bán cho nhà nước gần bằng lượng da thú của Tây Bắc (là miền có diện tích rộng gấp 4 lần) thì chúng ta sẽ thấy lớp phủ này có giá trị đến như thế nào.
Ngành công nghiệp chế biến gỗ - thí dụ như kỹ nghệ ván ép - có thể được xây dựng ở đây để cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Rất tiếc là từ sau năm 75 đến nay, rừng vẫn không ngừng bị phá hoại vì những lợi ích trước mắt, điều đó thực sự làm chúng ta đau xót. Các rừng giàu nổi tiếng ở khu sông Giăng, sông Hiếu, Hưng Khê (Nghệ Tĩnh), ở nam Long Đai và nam A Lưới (Bình Trị Thiên) không còn nhiều như chúng ta tưởng nhiều loài gỗ quý hiếm (Lim xanh, Chò chỉ, Huỳnh, Sao, Gụ,.v.v..) đã ở mức báo động nghèo kiệt.
Ngoài giá trị về mặt lâm nghiệp ra, miền Trường Sơn Bắc còn có nhiều khả năng thủy điện. Điều đó có thể thực hiện được vì sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu, sông Rào Cái, sông Giành, sông Đại Giang, sông Hữu Trạch và Tả Trạch đều có nhiều nước và chảy trên địa hình dốc. Sự sử dụng năng lượng thủy điện không những có thể đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá miền Bắc Trung Bộ nói chung mà còn giải quyết nhiều vấn đề của nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề lũ và hạn trầm trọng ở các đồng bằng duyên hải mà chúng ta sẽ nói đến sau.
Miền Trường Sơn Bắc có một số khả năng về chăn nuôi gia súc lớn tạo sức kéo, nuôi hươu nai để lấy nhung, voi để vận chuyển gỗ. Đã có thời kỳ Hà Tĩnh nuôi được hàng đàn hươu nai lớn, nhưng do bố trí địa điểm chăn nuôi không thích hợp nên bị lụt làm hủy hoại tất cả. Tuy nhiên, điều đó vẫn cho thấy rằng có nhiều khả năng để chăn nuôi những loại gia súc quý như thế, miễn là có được những điều kiện thích hợp. Những núi đồi nằm ở sườn tây của Trường Sơn Bắc có khí hậu giống khí hậu Lào, nhiều đồng cỏ có thể chăn nuôi tốt. Tuy nhiên do khu vực này mỗi năm bị hạn đến 6 tháng nên rất quan trọng là phải giữ cho được nước tưới vào mùa khô. Việc xây những hồ chứa nước trên núi, việc làm thủy lợi nhỏ trở thành cần thiết trong điều kiện đó và địa hình trong trong vùng cũng cho phép như vậy.
Người ta cũng có thể nghĩ nhiều hơn đến việc trồng cây trên các đồi núi trọc tiếp giáp với đồng bằng để cải tạo đất và hạn chế xói mòn, tốt nhất là bằng các cây công nghiệp nhiệt đới chịu được hạn cao. Một số thung lũng giữa núi đã được trồng lúa nước, nhưng cần phải vận động chấm dứt nạn đốt nương làm rẫy hiện còn khá phổ biến ở nhiều khu vực, hoặc bằng cách áp dụng phương pháp làm rãy luân canh trên những nương cố định, hoặc tốt nhất là bằng cách làm ruộng bậc thang ở những nơi mà tầng đất trên mặt còn đủ độ dày cho phép.
Có lẽ đối với miền Trường Sơn Bắc, khu vực đá vôi Kẻ Bàng hiện vẫn là khu vực chưa đóng góp được gì nhiều vào hoạt động kinh tế của đất nước. Tất nhiên đó không phải là lỗi của bản thân khối núi đá vôi vĩ đại này mà có lẽ vì con người chưa làm gì lắm để đi sâu vào bên trong. Chắc chắn ở đó có nhiều thung lũng và biết đâu đấy, cả những cánh đồng cacxtơ có thể canh tác được, nhiều hang động ngầm có giá trị, nhiều khu rừng nguyên thủy và mỏ khoáng sản quý giá. Đấy là một vùng "đất mới" thực sự mà những nhà khoa học dũng cảm cần khám phá.
Mặc dù diện tích của Trường Sơn Bắc tương đối hẹp so với các miền núi khác ở miền Bắc, nhưng điều đó không làm giảm bớt ý nghĩa chiến lược về mặt kinh tế và quân sự của phần đất này của Tổ quốc. Trong kháng chiến, Trường Sơn Bắc đã tỏ rõ ưu thế của nó về nhiều mặt, nay trong hòa bình và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền này có điều kiện tốt hơn để phát huy đầy đủ khả năng của mình về các thế mạnh như đã nói ở trên.
CHƯƠNG VI
TRƯỜNG SƠN NAM
Khó lòng mà có một ý niệm nào rõ rệt và chính xác về khối Trường Sơn Nam nếu ta chỉ nhìn nó từ con đường quốc lộ chạy dài ven biển: trông bề ngoài, đấy chỉ là một dãy núi như nhiều dãy núi khác ở Trường Sơn Bắc với các đỉnh lố nhố ở chân trời như một bức trường thành liên tục.
Chúng ta sẽ có một ý niệm khác hẳn nếu nhìn cũng khối núi đó từ trên máy bay: đấy không còn là một dãy núi nữa mà là một khối "núi - cao nguyên", với bề mặt lượn sóng rộng thênh thang, với những dòng sông lớn chạy ngoằn ngoèo về phía tây, những thị trấn và buôn làng mà những mái tôn pha màu trắng của thiếc phản chiếu như những tấm gương lớn ánh sáng Mặt Trời, những hồ và đầm khó mà tưởng tượng rằng chúng được đặt ngay lên trên chóp núi. Cũng có những vùng lầy lội thực sự, những thung lũng - đồng bằng rộng rãi mà màu xanh mát của cây cối gợi lên sự phong phú của nước trên mặt. Tất cả những quang cảnh đó đều tồn tại trên cái mà chúng ta quen gọi là miền núi Trường Sơn Nam.
Từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, những tên làng, tên buôn, tên sông, tên núi và ngay cả tên hoa cỏ của Trường Sơn Nam, những tên như Đắc Tô, Đắc Pét, sông Crông Pô Cô và sông Crông Ana, hoa Pơ lan và rừng Xà nu lúc đầu đến với chúng ta nghe vừa lạ tai vừa quen thuộc. Dần dần chúng ta ham nhìn trên bản đồ miền núi - cao nguyên đó, một miền mà do cuộc chiến tranh lâu dài ở miền Nam, chúng ta đã biết đến rất nhiều nhưng đồng thời về mặt điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học thì còn biết quá ít.
Sau ngày giải phóng miền Nam, phần lãnh thổ này đã được nghiên cứu trong một chương trình trọng điểm của Nhà nước kéo dài đến 10 năm (chia làm hai giai đoạn), nhờ đó mà chúng ta bắt đầu hiểu biết được phần nào các đặc điểm của lãnh thổ rộng lớn đó.
Một miền núi - cao nguyên
Lại những bề mặt san bằng nhưng với cơ thức hình thành mới
Sự thống trị của nhịp điệu mùa
Sự giàu có của một miền núi
CÁC CAO NGUYÊN XẾP TẦNG
Vùng cao nguyên Kon Tum - Plây Cu
Vùng cao nguyên Đắc Lắc
Vùng cao nguyên Lâm Viên
Cao nguyên "Ba biên giới" - Bảo Lộc - Di Linh
GỜ NÚI TRƯỜNG SƠN NAM
Vùng núi Nam Ngãi Định
Dãy núi cực nam Trung Bộ
SỬ DỤNG KINH TẾ MIỀN TRƯỜNG SƠN NAM
Trong thực tế thì Trường Sơn Nam vẫn là một miền chưa được nghiên cứu nhiều: ngày xưa, rất ít người đặt chân đến phần đất rộng lớn đến hơn 50.000km2 này ở phía tây, còn trong chiến tranh thì sự điều tra khảo sát vào mục đích kinh tế lại càng hạn chế. Tuy nhiên, trong cảm nghĩ của bất cứ ai, người ta cũng biết rằng đấy là một miền đất "mới" giàu có vì đất đai phì nhiêu và nhiều gỗ quý. Đấy cũng là một miền đất còn rất ít dân cư; các tộc anh em từ bao nhiêu đời nay sống ở đấy vẫn chỉ mới tập trung ở một số khu vực hoặc phân tán ở sườn đồi này hay thung lũng khác. Rõ ràng là để khai thác miền núi - cao nguyên rộng lớn đó, rất cần thiết phải có thêm người; việc di dân từ đồng bằng lên trở thành cấp bách. Như đã nói ở trên, sau chiến tranh, đã có nhiều đoàn khảo sát đến làm việc ở đây và bước đầu đã làm rõ thêm các khả năng thực tế của lãnh thổ.
Tây Nguyên có nhiều khả năng về mặt nông lâm nghiệp. Do những điều kiện tự nhiên thay đổi khá rõ theo từng vùn, người ta bắt buộc phải chú ý đến tính đặc thù của chúng khi sử dụng vùng này hay vùng khác vào mục đích kinh tế. Tuy nhiên, cũng có những điểm chung. Chẳng hạn, do điều kiện mùa khô ở đấy kéo dài trong 4-6 tháng liên tục, trong đó mỗi tháng chỉ có từ 5 đến 10 ngày mưa, có nơi 1 - 2 ngày, cần phải lựa chọn những giống cây thích hợp, tốt nhất là những cây chịu được hạn, những cây lâu năm hơn là những cây hàng năm, để trồng trên bề mặt cao nguyên. Trong trường hợp trồng cây hàng năm, vấn đề nước tưới vẫn là vấn đề hàng đầu, vì ngay đối với cây lâu năm, điều đó cũng có tầm quan trọng không kém nếu muốn có một sản lượng đều đặn giữa các tháng. Thí dụ, người ta đã nhận thấy rằng mặc dù cây cao su là một cây chịu hạn tốt nhưng sản lượng trong các tháng mùa khô - trong điều kiện không có nước tưới - có phần giảm sút so với các tháng có nước đầy đủ.
Các vùng đất thấp giàu nước hơn có thể sử dụng vào việc trồng lúa nước hay các cây lương thực khác. Đấy là vùng Đắc Lắc hồ (vào khoảng 30.000ha), thung lũng sông Crông Ana, Crông Pach, Blao Siêng (độ 10.000ha), tổng cộng chừng 40.000ha, nhưng mới thực sự canh tác được chừng 1/8. Vùng đất thấp Crông Buc cũng rộng đến 30.000ha, cũng như thung lũng Cát Tiên chưa được khai phá bao nhiêu. Chúng ta cũng chưa nói đến thung lũng Cheo Reo do phù sa sông Ay Dun và sông Ba bồi đắp nên hiện được trồng lúa nước, mía, bông và thuốc lá. Tuy nhiên những vùng đất trên cũng chỉ có khả năng giới hạn, khó lòng mà cung cấp được lương thực cho Tây Nguyên. Có thể kết luận rằng các cao nguyên bazan ở Tây Nguyên thích hợp nhất cho cà phê (năm 1988 đã có 82.000ha, bằng 2/3 diện tích cà phê của cả nước). Gia Lai - Kon Tum và Đắc Lắc phù hợp với cao su (hiện mới có 30.000ha), Lâm Đồng và Gia Lai - Kon Tum với chè, riêng Bảo Lộc là đất quanh năm thuận lợi cho việc trồng dâu và nuôi tằm lưỡng hệ có chất lượng tơ cao.
Các đồng cỏ tự nhiên có khá nhiều ở Tây Nguyên (khoảng 151.000ha), cỏ cũng mọc đầy trong rừng Dầu hay trong các xavan. Chất lượng của các đồng cỏ thay đổi tuỳ theo các loại đất. Trên đất phù sa, cỏ có thể cao từ 2 đến 4 mét, trong ruộng ngập nước, có thể tìm thấy cỏ thân thấp, thành phần cỏ cũng thay đổi trên đất axít hay đất kiềm. Ở khu vực Quảng Đức, nay gọi là Đăc Nông, trên đỉnh đồi có loại thảo nguyên giả trong khi các thung lũng lại có rừng rậm.
Cũng cần phải nói rằng các đồng cỏ tự nhiên có nhiều cỏ họ Hoà thảo (trong phần lớn các trường hợp là cỏ tranh) hơn là cỏ họ Đậu, vì vậy việc cải tạo đồng cỏ bằng cách trồng các loại tốt hơn là một điều hết sức cần thiết nếu chúng ta muốn phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Do khí hậu có 4 - 6 tháng mùa khô, cỏ thường chết do bị hạn kéo dài trên các khu vực đất cao; ở các khu vực đất thấp, nhờ có mực nước ngầm nằm không sâu lắm thì tình hình khá hơn. Việc dữ trữ thức ăn cho gia súc trong điều kiện đó phải được chú trọng đặc biệt.
Khí hậu của cao nguyên Lâm Viên tương đối lạnh và ẩm nên có thể trồng được rau và cây ăn quả ôn đới các loại. Trở ngại quan trọng đối với sự phát triển ngành trồng cây ăn quả ôn đới lại là nhiệt độ vẫn còn quá cao trong thời gian hưu niên để thoả mãn nhu cầu sinh lý của các cây như đào, mận, táo, lê, nho. Thời gian trổ hoa và lá của cây hoặc là sẽ kéo dài, hoặc là cây trổ hoa lá cùng một lượt, ảnh hưởng một phần đến chất lượng và kích thước của trái cây. Vì vậy các cây ôn đới cần phải được trồng ở độ cao 1500m trở lên hoặc phải được cắt tỉa cành và bón phân đúng kỳ hạn, hoặc sử dụng những chất hoá học có khả năng điều hoà sự tăng trưởng của chúng. Tuy nhiên, việc trồng được các loại hoa quả và rau cỏ ôn đới trong một miền hoàn toàn nằm trong đới nhiệt ẩm đã là một điều hết sức quý giá.
Rừng ở miền Trường Sơn Nam còn nhiều nhưng không phải là vô hạn. Phần lớn đều là rừng thứ sinh, các khu rừng nguyên thủy chỉ còn tồn tại ở những khu vực hiểm trở. Không cần phải nói nhiều về giá trị của rừng ở miền Trường Sơn Nam thì ai cũng biết rằng đấy là nơi dữ trữ gỗ lớn nhất nước ta (trữ lượng gỗ ước còn hơn 216 triệu m3). Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nạn đốt nương làm rẫy và nạn phá rừng đang tiếp tục làm cho diện tích đất xấu ngày càng tăng. Khoảng 70 - 80 vạn ha rừng đã bị phá hủy từ 1975 đến nay (trung bình mỗi năm giảm hơn 6 vạn ha, trữ lượng gỗ hàng năm giảm trên 1 triệu m3). Đấy là sự mất mát rất lớn, làm tăng diện tích đất trống đồi trọc lên đến trên 2 triệu ha, gần bằng một nửa diện tích đất tự nhiên, không kể hàng loạt các hậu quả khác đối với môi trường. Vì vậy rất quan trọng là việc chống ý nghĩ coi tài nguyên rừng là vô tận, có thể bán ngay để "ăn liền", cũng như việc vận động đồng bào ở miền núi định cư và có những biện pháp tích cực không những để bảo vệ mà còn trồng lại rừng trên quy mô lớn.
Nạn lửa rừng thường xảy ra trong mùa khô không những đã huỷ hoại nhiều khu rừng lớn mà còn đặt ra nhiều vấn đề về mặt sinh học: chẳng hạn đối với rừng thông ba và hai lá, quá trình tiến hoá có bị cản trở phần nào hay không, có thể ổn định tình trạng thuần nhất của loại rừng này đồng thời vẫn đảm bảo được sản lực và độ phì của đất hay không. Đấy là vấn đề phải giải quyết.
Nạn xói mòn rất trầm trọng ở các vùng đồi trước gờ núi Trường Sơn Nam và ngay cả ở Tây Nguyên - hậu quả của việc phá rừng - là điều thực đáng lo ngại. Việc tiến hành khai hoang thêm ở Tây Nguyên là một nhu cầu thực tế để có đất trồng, nhưng rất cần phải chú ý tiến hành nhiều biện pháp chống xói mòn tích cực.
Tây Nguyên và gờ núi Trường Sơn Nam có nhiều khả năng thủy điện và lập hồ chứa nước để giải quyết vấn đề cung cấp nước cho công nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi, cũng như cho nhu cầu sinh hoạt. Ước tính có thể xây dựng 42 công trình thủy điện lớn và vừa với tổng công suất 4400MW, không kể 50 trạm thủy điện nhỏ. Trạm thủy điện Đrây H'Linh ở Đắc Lắc và Ya Ly ở Gia Lai - Kon Tum (trạm này đang chuẩn bị xây dựng) đánh dấu bước ngoặt ban đầu cho công nghiệp năng lượng ở Tây Nguyên.
Trước đây, ở miền này chỉ mới được biết tới mỏ vàng Bồng Miêu, mỏ than Nông Sơn và các hầm đá granit... Đến nay đã phát hiện được các mỏ caolin, uran, molipđen, bôxit và đá qúy, có loại trữ lượng lên đến hàng tỉ tấn. Tuy nhiên, ngay với sự hiểu biết đó thì vẫn còn lại vấn đề công nghệ và kinh tế khoáng sản, mà nếu giải quyết được sẽ tạo cho Nam Trường Sơn một bước phát triển mới. Trong khi chờ đợi, các ngành chế biến nông sản và chế biến tổng hợp gỗ nên được chú trọng, nếu muốn sự xuất khẩu không chỉ dừng lại ở các sản phẩm thô.
Đã qua rồi những ngày đầu sau giải phóng, chúng ta nhìn Tây Nguyên nói riêng và Nam Trường Sơn nói chung như là những vùng "đất mới" chỉ cần đưa dân lên khai thác là đủ làm giàu. Ngày nay chúng ta đã rút được kinh nghiệm rằng, không có "món quà" nào của tự nhiên mà được cho không cả. Sự chuyển một trạng thái cân bằng vốn có của tự nhiên sang một trạng thái đòi hỏi con người một sự nghiên cứu thấu đáo và những bước đi thận trọng. Chỉ có trong điều kiện đó thì Trường Sơn Nam mới phục vụ được một cách tốt nhất lợi ích của con người và phát triển theo chiều hướng có lợi cho chính nó. Không nghi ngờ gì rằng Trường Sơn Nam sẽ đóng góp xứng đáng phần mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước, làm cho đồng bào các dân tộc sinh sống lâu đời ở đây ngày càng có cuộc sống tươi đẹp hơn.