quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Trà Thiền: mối liên kết thiên nhiên và tâm thức con người.

Thứ Bảy, 26/02/2011 | 12:20:00 PM

Cùng với sự phát triển Du lịch Thiền (Zentourism) ở nước ta, Trà Thiền đang phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh, Huế và một số địa phương khác. Thiền và Trà gắn bó mật thiết với nhau như một mối liên kết giữa thiên nhiên và tâm thức con người suốt 1700 năm qua. Thiền Trà là sự thăng hoa của mối liên kết ấy, trở thành một nét văn hóa ứng xử với thực tại.

 
Nguyễn Đình Hòe - VACNE

1.Trà Thiền và ứng xử môi trường
Cuộc sống công nghiệp hóa cái gì cũng nhanh – người ta gọi là “sống năng suất” – khiến cho con người nhiễm thói quen “tâm bất tại” ( người Trung Quốc có cách diễn đạt cụm từ này rất hay: “tẩu hỏa nhập ma”) có nghĩa là cùng lúc không thể để tâm vào một việc, hay bị stress, nghĩ một đằng nhưng nói hay làm một nẻo, nên sống mà không thực sống. Hậu quả của lối sống này là khả năng ứng phó với những tình trạng khẩn cấp mà điển hình là các sự cố môi trường cấp diễn như lũ quét, tràn dầu, cháy nổ hóa chất,…rất chậm chạp và không hiệu quả. Với tình trạng “tẩu hỏa nhập ma”, những dự báo, cảnh báo khoa học không có mấy tác dụng cho đến khi sụ cố xảy ra, lúc đó chỉ có mỗi cách ứng xử là “cùng tắc biến”, là không ai dám quyết định và dám chịu trách nhiệm. Thiếu chuẩn bị, họp, hội thảo liên miên và quyết định chậm trễ là phản ứng vô duyên nhưng hay được sử dụng. Trong cách phản ứng đó, ai cũng tỏ ra hăng hái nhưng hiệu quả của ứng phó không cao và cũng chỉ giúp giải quyết tình thế. Thiền Trà khiến người ta định tâm được, thay đổi cách sống và cách quyết định hợp lí hơn trong giải quyết công việc.
 
 
2.Lịch sử.
Nói Trà Thiền là nhấn mạnh đến uống trà theo kiểu Thiền, nói Thiền Trà là nói đến tập Thiền qua uống trà, nhiều khi hai cách nói là đồng nghĩa, muốn nhấn mạnh vào Thiền hay vào Trà thì nói chữ ấy trước.
Thiền Trà nguyên gốc tại chùa Tanzhe thời Đông Tấn (265-316) Trung Quốc cách ngày nay trên 1.700 năm, khi chùa được xây dựng. Lúc đó những vị tăng sĩ sử dụng trà hái được trên các ngọn núi sau chùa rồi chế biến làm thức uống hằng ngày. Sự kết nối  giữa Thiền và trà tạo nên một văn hóa Thiền Trà nguyên thủy của chùa Tanzhe. Nguyên lí của Thiền Trà là “biết ơn, vị tha, chia sẻ,” trong tĩnh lặng, phù hợp với tinh thần của Thiền. Đó là lí do tại sao Thiền và Trà gắn bó mật thiết với nhau như một mối liên kết giữa thiên nhiên và tâm thức con người hàng ngàn năm qua.
Đến thế kỷ 12, khi Thiền sang Nhật Bản kết hợp với Thần Đạo (Shinto) thành Zen (Thiền Nhật Bản) thì Thiền Trà trở thành Trà đạo (Cha no yu hay Cha Do, 茶道), một sản phẩm đặc sắc thuần Nhật. Zen Nhật Bản không chỉ là đạo pháp chốn Phật đường mà còn đi vào muôn mặt đời thường, tạo ra lối sống Nhật không dễ học theo.
Người đầu tiên truyền bá việc uống trà tại Nhật Bản như một pháp môn luyện tâm là hai vị  Thiền sư: ngài Vinh Tây (Eisai, 1141-1215) và ngài Đạo Nguyên (Dogen, 1200-1253) . Ngài Vinh Tây là người đầu tiên đem trà Thiết Quan Âm từ Trung Hoa về Nhật. Người thừa kế và nâng tầm Trà Thiền thành nghệ thuật tinh xảo là ngài Thiên Lợi Hưu (Sen-no-Rikyu, 1521-1591) và Thiền phái Thiên Gia Lưu, một tổ chức chuyên pha trà và điều khiển lễ nghi Trà đạo nổi danh bậc nhất dưới thời An Thổ Đào Sơn và Đức Xuyên Mạc Phủ (1573-1867). Thiên Lợi Hưu đã bỏ công nghiên cứu ứng dụng và nâng cấp Trà Thiền Nhật Bản thành nghệ thuật Trà đạo đặc biệt. Thấy ở đâu có người biết pha trà giỏi, ông đều đến xin làm người giúp việc, đun nước, hầu khách để học nghề, nhờ đó mà về sau, ông đã trở nên thiện xảo  nghệ thuật Trà đạo, một thời hấp dẫn cả Hoàng gia (triều đình nhà vua) lẫn Mạc Phủ (phủ chúa, phụ trách việc binh, kiểu như Chúa Trịnh bên ta). Do Trà đạo Nhật Bản cần đào tạo và luyện tập khổ công, không dễ áp dụng rộng rãi nên Thiền Trà phổ biến hơn trong đời thường nhờ tính giản dị và mở.
3. Cách thưởng Trà Thiền.
 Trà Thiền ít khi uống suông mà thường đi kèm bánh ngọt. Tất cả trà chủ, trà kháchtrà giả (người pha trà) đi đứng, dâng hương (nếu có), pha trà, mời bánh, thưởng trà và ăn bánh đều biểu lộ sự an lạc và thảnh thơi. Thiền Trà không chú ý nhiều đến cách pha trà phức tạp như cách pha trà Trung Quốc, cũng không cầu kì về dụng cụ pha trà, nhưng rất cẩn trọng trong cung cách thưởng trà, vì bản chất của Thiền là giản dị và tự nhiên. Để bảo đảm một không gian đậm chất Thiền thì phải tĩnh lặng. Khi pha trà, trà giả không nói chuyện hay phát tiếng ồn vì tâm phải tĩnh thì pha trà mới ngon. Mục tiêu của Thiền Trà là trà khách phải định tâm vào cái mình đang làm là… uống trà.
Muốn thưởng trà kiểu thiền, người thưởng trà (trà khách) phải thực hiện theo từng bước từ thị giác (nhìn màu trà), khướu giác (ngửi mùi trà) và cuối cùng mới là vị giác (uống trà). Uống Trà Thiền là uống bằng tâm. Sau lời mời của trà chủ, mọi người nâng chén trà lên, cùng uống trà và ăn bánh trong tĩnh lặng. Sau mười phút uống trà và ăn bánh trong im lặng và để tâm vào trà, vị trà chủ sẽ mời mọi người chia sẻ một câu chuyện, hát một bài hát, ngâm một vài câu thơ hoặc đàn một bản nhạc để giúp cho buổi Thiền Trà thêm ý vị. Khung cảnh nghiêm trang nhưng thân mật này đuợc duy trì cho đến phút chót khi trà chủ và các trà giả cảm ơn và tiễn đưa các trà khách ra tận cửa trà đường.
Cùng với sự phát triển Du lịch Thiền (Zentourism) ở nước ta, Thiền Trà đang phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh, Huế (ví dụ phòng trà Vũ Di gần lăng Minh Mạng) và một số địa phương khác. Những người quen với Trà Thiền có thể uống một mình (độc ẩm), uống bất cứ lúc nào và bất cứ đâu miễn là giữ vững các yêu cầu của nó: uống bằng tâm, “biết ơn, vị tha, chia sẻ,” trong tĩnh lặng. Bánh ngọt ăn kèm hay khung cảnh uống trà chỉ là những điều kiện hỗ trợ cho những người chưa quen Trà Thiền.
Uống trà đi !
 
Nhẹ nâng một chén trà Thiền
Bình tâm nhìn khói ưu phiền thoảng bay
Cuộc đời - một giấc mộng say
Ngẫm đi nghĩ lại mới hay... Vô thường !
(Thơ Thiên Anh)
 
 

Lượt xem: 2272

Các tin khác

QUYẾT BẢO VỆ

(20/04/2024 11:18:PM)

NGƯỜI THANH LỊCH

(15/04/2024 09:45:PM)

Cây Nghiến Di sản Lâm Bình

(08/04/2024 11:42:AM)

TÂM THƯ TƯ BẢN

(01/04/2024 11:09:AM)

CÂY KƠ NIA TRÊN ĐẤT TỔ

(30/03/2024 10:36:PM)

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE