Những bước đầu chập chững
Hơn 20 năm trước khi TP mở cửa kêu gọi đầu tư cũng là lúc các nước phát triển thực hiện mạnh mẽ cuộc cách mạng thay đổi công nghệ. Chính vì thế một số lượng không nhỏ doanh nghiệp có công nghệ sản xuất lạc hậu đã “nhập khẩu” vào TPHCM. Tuy nhiên, đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, hàng loạt dây chuyền sản xuất cũ được thay thế, công nghệ có hàm lượng chất xám ứng dụng nhiều hơn. Đây là những cố gắng của TP trong việc cải thiện môi trường.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM dẫn chứng, trước hết đó là việc buộc 15 khu chế xuất, khu công nghiệp của TP phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Kế đến, các chủ đầu tư hạ tầng hoàn thiện hệ thống đấu nối giữa hệ thống xử lý nước thải cục bộ với hệ thống xử lý nước thải tập trung. Có thể nói rằng công việc này rất khó khi mà nhiều doanh nghiệp cũng như khu chế xuất, khu công nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định. Việc cải tạo, nâng cấp, đấu nối hệ thống xử lý nước thải tập trung sẽ ảnh hưởng nhất định đến sản xuất. Đến nay ngoại trừ các khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Hiệp Phước và Tân Phú Trung, các khu công nghiệp khác đã cơ bản hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải.
Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Quách Tố Dung cho biết thêm, điểm đáng ghi nhận nữa khi TP quyết tâm di dời 1.400 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở nội thành vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung. Để làm được điều này, TP đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho môi trường. Đến nay, việc di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm cơ bản hoàn thành. Vấn đề tiếp theo là chỉnh trang lại đô thị cho xanh hơn, sạch hơn.
Liên quan đến vấn đề trên, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, TPHCM là một trong những tỉnh thành đi đầu cả nước về hiệu quả di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội thành. Tỉnh Đồng Nai đang tiếp xúc với các sở ban ngành TP để học tập mô hình này. Không dừng lại đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có công văn chỉ đạo các tỉnh, thành phải di dời các cơ sở ô nhiễm từ nội thành vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tập trung. Điều này càng khẳng định chủ trương di dời cơ sở ô nhiễm của TP, thực hiện từ năm 2003 là hành động đi sớm, đón đầu. Với quyết tâm để TP xanh hơn, sạch hơn, vừa qua Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã dẫn đầu đoàn đại biểu TPHCM đến tham dự hội nghị thượng đỉnh tổ chức C40. Đây là tổ chức của nhà lãnh đạo các TP lớn trên thế giới có cam kết giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
|
TPHCM sẽ có nhiều mảng xanh hơn để thân thiện với môi trường. Ảnh: THÁI BẰNG
|
Hoàn thiện diện mạo
Tại hội nghị này, Chủ tịch UBND TPHCM đã gặp gỡ, tiếp xúc lãnh đạo nhiều nước để tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ TP cải thiện môi trường, ứng phó với các vấn đề biến đổi khí hậu. Tại hội nghị này, TPHCM đã được kết nạp là thành viên của tổ chức C40.
Ngay sau khi hội nghị kết thúc, Hàn Quốc đã hứa giúp TPHCM hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường. Ông Nguyễn Văn Phước cho biết thêm, song song với những hoạt động trên, năm 2009, TP còn mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường. Cụ thể, Chính phủ Tây Ban Nha hỗ trợ kỹ thuật cho TPHCM thực hiện dự án nghiên cứu khả thi, đề xuất giải pháp quản lý nguồn ô nhiễm phân tán trên sông Sài Gòn; Chính phủ Bỉ hỗ trợ xây dựng nhà máy xử lý nước thải, cải tạo chất lượng kênh nước Đen tại quận Bình Tân; Chính phủ Hà Lan hỗ trợ xây dựng nhà máy sản xuất điện từ khí mêtan của bãi rác Gò Cát. Gần đây nhất, Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết sẽ hỗ trợ TPHCM ứng dụng công nghệ quản lý chất thải…
Không chỉ đó, TP đã đầu tư nhiều công sức cải tạo hệ thống kênh rạch để tạo cho người dân môi trường sống tốt hơn như giải tỏa 2.500 hộ dân rạch Ụ Cây, quận 8; tiến hành dự án cải tạo chất lượng nước kênh Ba Bò; xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt; hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường... Con số hàng ngàn tỷ đồng được chi ra là lớn song thời gian không xa, cái mà TP mua lại được sẽ lớn hơn. Đó chính là sự phát triển bền vững bằng những chỉ số GDP xanh.
ÁI VÂN
|