TP - Khi vấn đề môi trường sinh thái đang là một chủ đề có ý nghĩa sống còn của cuộc sống con người trên quả đất hiện đang trở nên chật chội và tiềm ẩn những hiểm họa do chính con người gây ra thì “Tết Trồng cây” đã biến thành một tập quán tốt đẹp vượt ra ngoài ý nghĩa “trồng cây, gây rừng”.
Cần phải nâng phong tục mới rất đẹp đó lên tầm cao mới của cuộc đấu tranh gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của con người.
Phải nhìn cho ra ở đó ẩn dấu một chiều sâu nhân bản trong việc xác lập mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, là sự tôn vinh một lối sống, chính xác hơn là tôn trọng sự sống. Vì rằng, cây cối, đó là sự sống, phải tôn trọng sự sống, luận điểm của Lévi-Strauss, nhà khoa học lớn của thế kỷ XX .
Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt coi trọng việc trồng cây. Với cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi ra, ngày ngày Bác vun gốc, tưới cho cây. Mùa đông đến, Bác nhắc bện rơm cuốn quanh thân cây để chống giá lạnh.
Cạnh ao cá có cây bụt mọc bị sâu đục thủng, cành lá héo khô dần, Bác hướng dẫn tìm cách cứu chữa, lá xanh trở lại, Bác nói “Cây cũng như người. Không nên thấy cây bị sâu mà đem chặt nó đi. Làm như vậy thì dễ. Điều cần hơn là phải tìm cách cứu cho cây sống lại”(1).
Tết Kỷ Dậu năm 1969, cái Tết cuối cùng của mình, Bác Hồ đã đến trồng cây tại xã Vật Lại, một xã có thành tích tốt trong phong trào trồng cây, gây rừng. Cần thấy cho ra ý nghĩa sâu xa trong ý tưởng và hành động của Bác Hồ, chính người đã khởi xướng Tết Trồng cây.
Khi đòi hỏi phải trân trọng giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo môi trường sống, cần hiểu rằng, trong sâu thẳm của triết lý nhân sinh, tư duy của loài người từ Tây sang Đông gặp nhau ở những điểm tiệm cận trên tiến trình phát triển.
Sinh thái học là một ngành triết lý, và rồi trở thành một phong trào xã hội ở phương Tây, có mục đích tái lập cuộc đối thoại giữa con người với thiên nhiên, một cuộc đối thoại mà thời đại công nghiệp đã phũ phàng vứt bỏ.
Triết lý ấy lập luận rằng người, thiên nhiên và các sinh vật chỉ là những hình thái sống khác nhau, vì thế không thể chấp nhận một thực trạng: Ta đánh mất vũ trụ (…)
Ta biến tất cả sự vật thành hàng hoá…Vũ trụ, nói một cách tổng quát, và những hiện tượng ở gần ở xa đều tự nó, tự cống hiến nó cho chúng ta. Sẽ có sự bất công, sẽ có sự bất quân bình nếu ta nhận sự cống hiến đó một cách miễn phí, không trả lại cái gì cả. Sự công bằng buộc chúng ta phải trả, ít nhất là ngang mức ta nhận, nghĩa là vừa đủ.
Đó là quan điểm đưa ra từ những năm 90 thế kỷ trước của Michel Serres, giáo sư Trường Đại học Stanford, người vừa mới đây, đã chỉ trích một cách dí dỏm Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen bàn về biến đổi khí hậu vào cuối năm 2009 đã quên mời đối tác chính là Trái Đất!
Ngẫm nghĩ kỹ, càng thấy trân trọng ông cha mình, từ xa xưa vốn đã sống hài hòa, gắn kết với thiên nhiên! Chiếu chỉ của Lý Nhân Tông trong Đại Việt Sử ký toàn thư, Kỷ Nhà Lý chép: Năm Bính Ngọ [1125], nhà vua xuống chiếu: “Cấm dân chúng mùa Xuân không được chặt cây”.
Về sự kiện này, giáo sư Cao Huy Thuần bình rằng: “…hãy nhìn một lộc non vừa nhú lên trong mùa xuân, bao nhiêu là hạnh phúc, bao nhiêu là sức sống! Chặt cây cối trong mùa xuân là kết án tử hình sự sống! Chặt cây cối trong mùa xuân là kết án tử hình mùa xuân. Chưa bao giờ chân lý, thiện và mỹ được nâng cao lên đến mức ấy ”.
Phải chăng từ nội dung của chiếu chỉ của vua Lý Nhân Tông, triết lý tương thân, tương ái, tương kính với thiên nhiên, một quan điểm xuyên suốt trong triết lý Phật giáo đã thể hiện rất cụ thể.
Và không phải chỉ riêng của Phật giáo từng là quốc giáo dưới triều đại nhà Lý, đó cũng là một nét tuyệt đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Và chiếu chỉ của vua Lý Nhân Tông không là duy nhất trong lịch sử Việt.
Từ nhận thức đó mà suy ngẫm về câu tục ngữ tuyệt vời người ta là hoa của đất trong kho tàng văn hóa dân gian của ta. Con người là sản phẩm đẹp nhất của tạo hóa, là hoa của đất!
Rõ ràng khi khẳng định một cách hình tượng con người là hoa của đất thì chính sự khẳng định mối quan hệ không thể tách rời giữa con người với thiên nhiên, môi trường sống của mình.
Có lẽ đây là sự chứng minh một cách dễ hiểu và rất sinh động luận đề của C.Mác: con người là một bộ phận của tự nhiên (2)!
Dù rất cần phải khiêm tốn biết người, biết mình song vẫn cần phải nói rằng ý thức tôn trọng sự sống ấy đã có từ xa xưa trong lịch sử văn hóa Việt Nam.
Đã đến lúc phải phục hưng truyền thống tốt đẹp đó đang ngày một phôi pha, tàn tạ, để chuyển hoá thành một lối sống của toàn xã hội, trước hết là lối sống của thế hệ trẻ.
Để khởi đầu cho lối sống ấy, hãy biến Tết Trồng cây trong ý nghĩa sâu xa của tư tưởng Hồ Chí Minh thành một nếp quen thuộc trong thế hệ trẻ như đúng như niềm hy vọng: Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội (Hồ Chí Minh).
GS Tương Lai
1. Vũ Kỳ. “Thư ký Bác Hồ kể chuyện”. NXBCTQG.Hà Nội 2005, tr.471
2. Các Mác & Ph Ăngghen Toàn tập. Tập 42, NXBCTQG Hà Nội 1995, tr.170
(Tiền Phong, 19/2/2010)