|
Một cuộc hội thảo về nước rất đáng quan tâm |
Quan trọng vì nhiều lý do: vì nước là sự sống còn của con người; vì nước là yếu tố cơ bản của “nền văn minh lúa nước” mà Việt Nam được thế giới coi là chiếc nôi; vì tình trạng của nước ở Việt Nam đang được cảnh báo là giảm rất nhanh cả về sản lượng lẫn chất lượng; vì quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng và đồng bằng sông Mekong – vựa lúa của nước ta – là một trong năm điểm nóng của thế giới có thể bị nhấn chìm trong nước biển.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Tài nguyên nước Hoàng Trung Hải đã đến dự và chỉ đạo hội thảo. Trong số hơn 300 đại biểu tham dự có lãnh đạo các Bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy Ban KHCN&MT của Quốc hội, các Tổ chức quốc tế (UNDP, UNiCEF), các nhà khoa học trong nước và nước ngoài đến từ Mỹ, Nhật và sứ quán các nước… chứng tỏ những vấn đề của Tài nguyên nước thu hút sự quan tâm đông đảo mọi người.
Với những bản tham luận súc tích, thực tiễn và đầy trách nhiệm, cuộc Hội thảo đã cho thấy được tình hình tài nguyên nước ở Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức. Bình thường, chắc không mấy người nghĩ rằng, chúng ta lại “nghèo” nước đến thế, chỉ đủ để tiêu thụ trên 4.000 mét khối/người/năm trong khi bình quân tiêu thụ của thế giới trên 7.000 mét khối/người/năm. Thế nhưng ngay cả lượng ít ỏi đến vậy lại đang có chiều hướng suy giảm mạnh. Chất lượng nước cũng ngày càng hạ thấp do tình hình ô nhiễm và quản lý không chặt chẽ, dù việc bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên nước đã được Luật hóa.
|
Các dòng sông ngày càng cạn nước. |
|
Nước - "nguồn gốc của sự sống" |
Hội thảo được nghe những tham luận từ tầm vĩ mô về “Chiến lược và chính sách quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam”, “Luật pháp Việt Nam về Tài nguyên nước”, “Chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước” đến các báo cáo của các ngành liên quan mật thiết với nước như nông nghiệp, thủy lợi, an ninh lương thực, y tế, bảo vệ môi trường, hợp tác và chia sẻ nguồn lợi tài nguyên nước của các nước trong khu vực… Các đại biểu nước ngoài mang đến cho chúng ta các kinh nghiệm, các bài học rút ra được của những người đi trước đã xử lý thành công nguồn tài nguyên này.
Mỗi bản báo cáo đều khơi gợi những suy nghĩ, trăn trở, củng cố niềm tin cũng như đánh thức trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là những nhà quản lý và hoạch định những chính sách, đề xuất các dự án để quản lý và sử dụng “nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất của chúng ta” xuất phát từ nhận định “tương lai của chúng ta phụ thuộc vào việc chúng ta quản lý như thế nào nguồn tài nguyên nước quý giá nhưng hữu hạn này” như lời của Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-mon.