(VACNE) - TS. Bùi Tâm Trung, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ VACNE, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Thủ đô, người đã rất nhiệt tình công tác Hội, đồng thời cũng là người đã rất quan tâm việc nghiên cứu lý luận, tìm hiểu thực tế về vấn đề cộng đồng bảo vệ môi trường. Web Hội xin trích đăng tóm tất bài viết này như lời tri ấn Tiến sỹ nhân kỷ niệm 35 năm thành lập VACNE.
TS. Bùi Tâm Trung (ngoài cùng bên trái) đồng chủ trì Hội thảo xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường do VACNE tổ chức
Khái niệm về xã hội hoá bảo vệ môi trường và cơ sở pháp lý
Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung trước đây, Nhà nước đặt kế hoạch chăm lo, cáng đáng mọi việc, từ sản xuất đến tiêu dùng. Từ khi nước ta thực hiện chính sách mở cửa chuyển sang nền kinh tế thị trường thì ngoài vai trò Nhà nước còn có các nhân tố phi nhà nước, tức vai trò của thị trường và cộng đồng. Nhiều việc không thể chỉ hoàn toàn dựa vào nhà nước mà cần huy động thêm lực lượng cộng đồng về các mặt lao động, kiến thức, của cải... Vì thế mà Nhà nước đã có một số chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc phát triển kết cấu hạ tầng, hoặc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và ban hành “cơ chế phát huy dân chủ ở cơ sở xã, phường” nhằm huy động cộng đồng dân cư tích cực tham gia vào các hoạt động công ích để cải thiện môi trường sống tại địa phương.
…Thuật ngữ “Xã hội hoá” trong bảo vệ môi trường hiện chưa có định nghiã về mặt pháp lý, nhưng qua một thời gian nghiên cứu và làm thí điểm một số địa phương, đã có một số cách hiểu xã hội hoá trong bảo vệ môi trường là “… việc huy động lực lượng cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, vào các hoạt động quản lý môi trường các cấp, vào việc ra quyết định liên quan đến bảo vệ môi trường của các cơ quan nhà nước”. Thực hiện xã hội hoá BVMT nhằm mục đích biến chủ trương bảo vệ môi trường thành nghĩa vụ và quyền lợi của các tầng lớp xã hội, làm cho mọi người thấy được vai trò trách nhiệm của mình trong BVMT, tạo được chuyển biến trong nếp sống thân thiện với môi trường, tích cực và tự nguyện tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường
Vai trò của cộng đồng trong thực hiện xã hội hoá
Khi thực hiện chủ trương xã hội hoá BVMT ở nước ta, cộng đồng dân tộc Việt Nam chúng ta có một số nhân tố thuận lợi như sau:
Về truyền thống dân tộc, văn hoá và truyền thống bản địa:
Dân tộc ta đã có truyền thống lâu đời về tinh thần cộng đồng, những kinh nghiệm của cha ông ta trong quá trình dựng nước và giữ nước, trong lịch sử nước ta đã chứng minh sự kết hợp và gắn bó giữa nước với dân. Nhờ đó mà đã tạo nên sức mạnh vĩ đại để đối phó với bao nguy nan khi đất nước trải qua những chặng đường khó khăn thách thức, thậm chí cả những nguy cơ trước tồn vong của dân tộc. Hội nghị Diên Hồng, Đại hội Tân Trào, ý chí “Toàn dân kháng chiến”, phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” v.v... chính là những điển hình về mặt chủ trương chiến lược mang tính xã hội hoá của các thời đại. Tinh thần đó đã được đúc kết trong lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Những nhóm cộng đồng từ xa xưa đến nay đều sống phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên tái sinh và hệ sinh thái để duy trì sự tồn tại của mình. Qua nhiều thế hệ, đã tích luỹ được nhiều kiến thức trong đấu tranh chống các hiểm hoạ thiên nhiên, có kinh nghiệm truyền thống trong việc bảo vệ tài nguyên, đất đai, rất quan tâm và biết cách sử dụng có hiệu quả nguồn đất đai, tài nguyên của mình, nên có khả năng đóng góp vào việc bảo vệ môi trường tài nguyên và phát triển bền vững..Vì vậy cộng đồng cần phải được tham gia vào những quyết định về phát triển liên quan đến họ. Mặt khác, các thành viên trong cộng đồng có mối liên hệ khá chặt chẽ, nhất là tại các khu vực nông thôn và vùng cao, luôn tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt là đối với các bậc bô lão, già làng, những người hoạt động xã hội tích cực, đó là những người chủ chốt trong việc thực hiện xã hội hoá trong BVMT, nhất là khi xây dựng và thực hiện các “Hương ước”, “Qui ước” BVMT ở nông thôn hoặc miền núi
Vai trò tích cực của các thành viên trong cộng đồng.
Đó là vai trò của các Tổ chức chính trị xã hội, các Tổ chức phi chính phủ và tổ chữc xã hội nghề nghiệp. Chức năng và vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong cộng đồng rất rõ ràng, ở đây chỉ đề cập đến vai trò của các Tổ chức phi chính phủ. Đây là một tổ chức gồm những người tự nguyện hoạt động theo một mục tiêu phục vụ cho phát triển đất nước không vì mục đích lợi nhuận. Tổ chức này tập hợp được lực lượng chuyên ngành rất phong phú và đa dạng. Họ làm chiếc cầu nối giữa chính quyền với dân, chuyển những ý kiến của dân đến chính quyền và truyền đạt nhanh chóng các chủ trương chính sách của nhà nước đến tận người dân… Cũng chính lực lượng này đưa khoa học kỹ thuật vào quần chúng nhanh nhất. Vì vậy trong công tác xã hội hoá BVMT thì các tổ chức phi chính phủ là một chỗ dựa có hiệu quả trong việc thực hiện chủ trương này.
Nội dung thực hiện xã hội hoá bảo vệ môi trường
Căn cứ vào các văn bản của Đảng và nhà nước về công tác xã hội hoá BVMT, và với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, có thể diễn giải một số nội dung cần thực hiện sau đây:
Những điều dân cần được thông tin (dân biết):: Chính quyền cần thông tin kịp thời cho dân những vấn đề về môi trường như Hiện trạng môi trường ở địa phương; Các chính sách, luật pháp, qui định hành chính về bảo vệ môi trường; Chiến lược, qui hoạch phát triển kinh tế xã hội và các dự án đầu tư ở địa phương; Chương trình, dự án về đầu tư BVMT ở địa phương và qui hoạch, kế hoạch sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên ở địa phương; Sơ kết, tổng kết hoạt động BVMT ở địa phương qua các thời kỳ; Những vấn đề khác về BVMT và tài nguyên mà chính quyền thấy cần thông báo hoặc dân yêu cầu được thông báo..v.v...
Những điều dân cần được tham gia bàn bạc (dân bàn): Dân phải được tham gia ý kiến đối với một số vấn đề trước khi chính quyền ra quyết định như: Chủ trương, kế hoạch cụ thể về BVMT ở địa phương; Qui ước, Hương ước, Cam kết, Qui định BVMT ở địa phương; Dự thảo qui hoạch, kế hoạch BVMT dài hạn và hàng năm của địa phương; Dự thảo qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự án đầu tư và sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên khác của địa phương; Thành lập Tổ chức giám sát có sự tham gia của dân đối với việc thực hiện các công trình BVMT ở địa phương, nhất là các công trình có đóng góp tiền của công sức của dân; Tổ chức bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng các công trình BVMT tại địa phương; Chủ trương, phương án đền bù giải phong mặt bằng theo yêu cầu BVMT...
Việc tham gia của dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường (dân làm) Tham gia từ việc nhỏ đến các công việc có qui mô lớn hơn, các phong trào tình nguyện rộng rãi thu hút mọi tầng lớp tham gia; Đóng góp trí tuệ, công sức, có lúc cả vật chất, tiền của trong BVMT; Tham gia vào một số dịch vụ cung ứng về BVMT; Tạo công luận, biểu thị thái độ ủng hộ hay phản đối các hành vi đối xử thân thiện với môi trường hoặc các hành vi vi phạm môi trường....
Những công việc dân cần được tham gia kiểm tra giám sát ( dân kiểm tra): Giám sát việc thi hành pháp luật BVMT như: Việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án BVMT; Việc thực hiện các qui định pháp chế, Hương ước, Qui ước, Cam kết về BVMT của cộng đồng; Việc duy tu bảo dưỡng các công trình về BVMT; Việc quản lý và sử dụng nhân, tài, vật lực về BVMT, nhất là những việc có sự đóng góp tiền của công sức của dân. Việc giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố tụng về BVMT ở địa phương...
Một số hình thức tổ chức để thực hiện xã hội hoá BVMT
Việc tổ chức thực hiện xã hội hoá BVMT cũng là cách triển khai của hai loại vấn đề nêu trên. Do phạm vi hoạt động BVMT rất rộng nên ở đây chỉ nêu hai vấn đề trong hoạt động BVMT mà lâu nay chúng ta chưa quan tâm và chưa được làm rõ. Đó là việc cộng đồng tham gia các dịch vụ cung ứng BVMT và việc thực hiện quyền dân chủ của dân trong hoạt động BVMT.
Việc cộng đồng tham gia các dịch vụ bảo vệ môi trường.
Theo chiều dọc: Cắt chu trình công nghệ sản xuất, dịch vụ thành từng công đoạn, chọn công đoạn thích hợp để thực hiện xã hội hoá (ví dụ trong rác thải có các công đoạn thu gom, vận chuyển, xử lý).
Theo chiều ngang: Chia khu vực theo địa bàn và chọn khu vực để thực hiện. (Ví dụ chọn trong các khu dân cư, khu công nghiệp, du lịch, khu bảo tồn hoặc khu vực thị trấn ngoại thành...)
Theo dạng hỗn hợp: Kết hợp chiều ngang và chiều dọc. (ví dụ vấn đề rác thải tại các chợ chẳng hạn, việc thu gom thì thực hiện xã hội hoá, còn việc vận chuyển hay xử lý thì do Công ty dịch vụ nhà nước đảm nhiệm).
Khi chọn các công việc thực hiện, có thể theo một số dạng công trình như sau:
Dạng thứ nhất: Sở hữu công, vận hành tư
Dạng thứ hai: Sở hữu tư, vận hành tư
Dạng thứ ba: Sở hữu hỗn hợp, vận hành hỗn hợp
Dạng thứ tư: Cộng đồng sở hữu và vận hành.
Việc thực hiện quyền dân chủ của dân trong bảo vệ môi trường
Đây không phải là điều gì mới, nhưng chúng ta lại chưa quan tâm để tổ chức thực hiện. Hiện nay mới chỉ dừng lại ở khung luật pháp chung chung mà cần phải được qui định một cách cụ thể. Các dự án có liên quan đến môi trường sống của dân như qui hoạch lãnh thổ của thành phố, các khu đô thị, xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy, tuyến đường giao thông, hoặc các dự án ngăn chặn, phòng chống ô nhiễm, cải thiện môi trường v.v... thì người dân phải được quyền đóng góp ý kiến. Việc đóng góp ý kiến, có thể là người dân trực tiếp tham gia, cũng có thể là người đại diện cho quyền lợi của dân tham gia như việc Đánh giá tác động môi trường của dự án chẳng hạn (do hạn chế về hiểu biết trong lĩnh vực chuyên môn). Cộng đồng dân cư là đối tượng chịu tác động của môi trường trực tiếp nhất nên là những người quan tâm đến diễn biến môi trường hàng ngày nhiều nhất. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào mà người dân quan tâm đến môi trường thì nơi đó ít xảy ra các vi phạm về môi trường. Thực hiện được việc lấy ý kiến đóng góp của dân rất có lợi, vì cơ quan quản lý sẽ biết được suy nghĩ của dân, nắm được tâm tư nguyện vọng của họ để tìm ra các giải pháp hợp lý hơn để có thể gắn kết được nhà quản lý với cộng đồng.
…Vài suy nghĩ và kiến nghị trong việc thực hiện xã hội hoá BVMT
Qua việc nghiên cứu và thực hiện một số đề tài trên địa bàn thủ đô Hà Nội, đồng thời tìm hiểu một số kinh nghiệm việc thực hiện thí điểm mô hình ở các địa phương khác, tham khảo ý kiến của một số nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này, đã cho thấy việc thực hịên xã hội hoá trong BVMT đã nổi lên một số vấn đề sau:
Một là, công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao hiểu biết của người dân về các chủ trưong, chính sách, luật pháp và các biện pháp BVMT, nâng cao năng lực hoạt động vì môi trường cho các tổ chức quần chúng và các tổ chức phi chính phủ để họ tham gia hỗ trợ các hoạt động BVMT của địa phương là nền tảng của sự thành công trong việc thực hiện xã hội hoá BVMT.
Hai là. Khi thực hiện xã hội hoá, các hoạt động của cộng đồng phải gắn kết với chính quyền cơ sở và có sự phối hợp với cơ quan chức năng của Nhà nước. Cần có sự hỗ trợ của nhà nước về nguồn lực kỹ thuật và hệ thống luật pháp, qui định rõ trách nhiệm giữa chính quyền địa phương với cộng đồng.
Ba là, cần xây dựng được thể chế xã hội hoá trong bảo vệ môi trường. Nhiều cơ chế chính sách trong lĩnh vực này cần phải được bổ sung mà hiện nay mỗi nơi làm theo một cách, không được trao đổi kinh nghiệm nên kết quả rất hạn chế.
Bốn là, việc thực hiện xã hội hoá trong bảo vệ môi trường không phải là phong trào có tính nhất thời, mà phải là một việc làm lâu dài. Do đó cần có một tổ chức (mềm) để điều hành công tác này ở cơ sở. Khi thực hiện, trước hết phải làm thí điểm ở một vài điểm dân cư, rút kinh nghiệm rồi mới mở ra trên diện rộng. Địa điểm chọn làm thử nghiệm nên có tính tượng trưng và đại diện. Khi đã có thể chế về xã hội hoá thì điều quan trọng là cần phải có năng lực thực thi thể chế.
Năm là, phải bảo đảm sự công bằng. Đối xử công băng và bình đẳng với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tư nhân giống như với các doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay điều đang diễn ra là tư nhân hoặc các doanh nghiệp tư nhân đang ở thế yếu hơn so với doanh nghiệp nhà nước. Tránh xu hướng của một số cơ quan nhà nước là thấy những việc gì thuận lợi. “dễ ăn” thì giữ lại cho mình, còn việc gì thấy “khó nhá” thì đẩy cho cộng đồng hoặc tư nhân, mà đáng lý ra phải làm ngược lại, vì cơ quan nhà nước bao giờ cũng có điều kiện hơn.
Việc thực hiện xã hội hoá BVMT sẽ đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả thiết thực, nhất là đối với nước ta đang trong giai đoạn mà khả năng còn nhiều mặt hạn chế, nhất là trong công tác BVMT. Chính vì lẽ đó mà trong nhiều Chỉ thị và Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về BVMT đều nhấn mạnh việc cần đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy cần nghiên cứu các giải pháp thích hợp để thực hiện chủ trương này một cách hiệu quả nhất.