“Ngày tháng mười chưa cười đã tối”, tiết trời các mùa có thể tối muộn hơn hoặc lâu sáng hơn, nhưng tiếng rao buổi sớm ấy thì cứ đều đặn, đều đặn xuất hiện vào lúc năm giờ rưỡi, nếu có chênh chắc cũng chỉ vài phút nhỏ nhoi, ai cũng phải thầm khâm phục sự cần mẫn ấy.
Dù văng vẳng xa, cũng có tiếng kẻng của một doanh trại gần đó báo năm giờ, song hình như ít người chú ý đến, mà chỉ thực sự tỉnh ngủ khi nghe tiếng rao bán các loại quà bánh “Ai bánh chưng, bánh rán, bánh mì, giò, dợm, xôi nào...”
Cứ sau tiếng rao là tiếng gọi với theo “bánh ơi” và tiếng chân người mở cổng, đổ ra đường, tiếng hỏi nhau loạn xạ, “Con thích ăn cái gì?”, nhộn nhịp như một phiên chợ con.
Lẫn trong tiếng ngáp ngủ còn nghe có người hỏi, “Chịu khó thế, dậy từ mấy giờ?”. Cô bé chỉ khoảng hăm mốt hăm hai, trắng trẻo xinh gái từ tốn đáp lại. Ra là cô dậy từ bốn rưỡi sáng để chuẩn bị, sắp xếp xe pháo, hộp xốp... rồi lên đường. Lấy hàng về bán một cái là dong dẻo đến khắp ngõ ngách, cho hàng được nóng, phục vụ tận tay các “thượng đế”.
Sáng nào không nghe tiếng rao quen thuộc trên chiếc xe máy cũ, xóm vài người lại đầu rù tóc rối chạy ra hỏi nhau, xem cô bán bánh đi qua chưa ấy nhỉ, chỉ sợ đệm êm ngủ quên không nghe thấy. Cô ấy không bán là lại phải phóng xe ra chợ, phiền quá. Hôm sau mấy bà “kiến nghị” ngay, “mày không đi rao bánh làm cả xóm này chẳng biết thì mà dậy”.
Hôm cuối tuần bỗng vô tình gặp cô bé tại quán bún, nhận ra nhau nên cô nhiệt tình chào hỏi và thanh minh, em hết bánh nên ra đây ăn ít bún cho ấm bụng. Rồi cô kể chuyện, em là út nhưng nhà nghèo nên vất từ bé, năm ngoái bố lại phải đi viện nên tốn một khoản không nhỏ, nợ người quen, lâu trả cũng ngại nên em phải tìm cách làm thêm.
Cô cứ đi rao hết các phố ngõ lại đến khu vực khu công nghiệp bán cho công nhân ăn sáng. Sau đó thì gửi đồ hàng ở nhà người quen đi vào công ty may làm việc luôn cho kịp giờ. Cần kiệm sớm hôm nên cũng đã dành được một món.
Sự tần tảo để phụng sự chữ hiếu càng khiến vẻ đẹp của cô gái thêm tỏa sáng, thật đáng yêu khiến người viết trộm nghĩ, sau nếu có rời nơi này ra đi, có lẽ nỗi nhớ đầu tiên là tiếng rao lanh lảnh ấy.
(Dân Trí)