Chùa nào cũng có gác chuông, có nhiều chùa có cả gác trống, nhiều chùa có khánh đá, khánh đồng, ấy là chưa kể bộ chuông, mõ để tụng kinh.
Trong âm nhạc, bắt buộc phải có ba độ là cao độ, trường độ, cường độ thì mới thành được giai điệu, thành được tiết tấu, thì mới thành nhạc.
Tiếng khánh trầm bổng, tiếng chuông thì ngân nga ngắn dài, tiếng trống thì mạnh nhẹ. Tức là cũng đủ ba độ. Thế còn chuông mõ? Chắc đó là độ thứ tư, tâm độ?
Bản thân tiếng chuông mõ đã là một thứ nhạc rồi, một thứ kinh rồi. Tụng kinh thì phải có tiếng chuông, tiếng mõ. Phật giáo chú trọng đọc – nghe (tụng, niệm), không thể chỉ nhìn ngắm kinh để thành Phật.
Nhưng tại sao Phật giáo và Phật giáo Việt Nam lại chú trọng các nhạc cụ của gõ mà không phải nhạc cụ nào đó của bộ dây, bộ hơi hoặc phím? Có lẽ thế này, gõ tức là chủ về nhịp và tiết tấu, hơi dây phím chủ về giai điệu. Tiết tấu hay giai điệu thì cũng chỉ là phương tiện thôi, mục đích cuối cùng phải là kiến tính, kiến tâm. Thế mà giai điệu thì dễ làm người ta phân tâm. Tiếng của gõ, đánh thức hơn, giữ nhịp hơn, nhịp tim, nhịp thở. Dễ hơn trong việc nối thân với tâm, điều hòa thân và tâm. Ấy là chưa kể, tụng kinh đã là “hát nói” rồi, cần gì phải giai điệu nữa, chỉ cần chuông mõ cầm nhịp là đủ.
Từ thế kỷ thứ II, những nhà sư Ấn Độ đã mang chuông mõ (bộ gõ) đến đây. Theo lẽ tự nhiên, nhập gia tùy tục, khách sẽ nương theo chủ để cùng tồn tại. Người khách Phật giáo đã kết hợp với tín ngưỡng thờ tứ Pháp của gia chủ tạo ra một tín ngưỡng – tôn giáo Phật giáo không Ấn không Hoa. Trong tiến trình hòa nhập với văn hóa bản địa của Phật giáo thuở ban đầu ấy, dễ dàng một phần cũng là bởi người Việt đã có sẵn một truyền thống “gõ” khởi thủy là trống đồng rồi cồng chiêng của người Mường, người Tây Nguyên, đàn đá (cũng là gõ), trống đất, trống gốm, trống chầu (trong ca trù)… Nhân nói về gõ trong ca trù, theo Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, ca trù ở làng quê thì gõ là chính (trống, phách), chỉ có mỗi đàn đáy (dây) ngược lại với ca trù cung đình, nhiều loại đàn dây và chỉ có một gõ.
Đâu chỉ trong âm nhạc, sinh hoạt nào của người Việt (hội hè, đình đám, hiếu hỉ, lễ lạt) mà chả có gõ, có trống phách.
Làm gì có nhạc cụ nào được chôn theo người chết như trống (những chiếc trống đồng nhỏ trong mộ của cư dân Đông Sơn).
Làm gì có nhạc cụ nào được biết ơn đến mức mang vào đình để thờ như cái mõ bằng gỗ hình con cá trong các ngôi đình: đình Mông Phụ (thế kỷ 16), đình Thổ Hà (thế kỷ 17, tỉnh Bắc Giang)… Như một cách để nhớ về gốc biển, gốc nước, gốc Nam đảo của mình.
Làm gì có quả chuông nào lại không cần phải gõ, không nhất thiết phải kêu như quả chuông đồng ở chùa Cổ Lễ (tỉnh Nam Hà). Quả chuông này không treo mà đặt trên mặt đất, giữa sân chùa như một biểu tượng. Cái tiếng không, không tiếng ấy là đủ sắc không rồi.
Làm gì có nghề nào lại lấy mõ làm tên, nếu không có thằng mõ thì ai là người nối dân với quan khi làng có việc?
Tại sao người ta không khắc những bài minh, những bài kinh trên các nhạc cụ khác mà chỉ khắc trên chuông, trên khánh?
Làm gì có dân tộc nào lại “lỏng”, lại “hỉ xả”, lại “phá chấp” như dân tộc Việt. Rất nhiều những ngôi đình ở miền Bắc dùng chính quả bom thời chiến tranh làm kẻng. Cũng quả bom ấy đã từng làm người ta sợ, thì nay nghe tiếng kẻng bom, mọi người lại thích, lại vui vẻ rủ nhau ra đình hội họp.
Nếu chọn một nhạc cụ gần gũi nhất với người Việt thì nhất định đó là nhạc cụ - gõ chứ không phải hơi, dây hay phím. Điều đó cũng hợp lý thôi, dù là chuông, trống phách, khánh, mõ, kẻng hay gì đi nữa thì âm của nó cũng vừa đủ vang hết chiều dài của làng. Mà ở nước Việt này thì tất cả đều ở làng, đình cũng làng, chùa cũng làng… Văn hóa, kinh tế, chính trị cũng phải bắt đầu từ làng. Gõ là tiếng của làng.
(Tia Sáng)