Sân nhà ướt nhoẹt vì mấy ngày liền mưa dầm dề, rả rích. May quá sáng nay thấy nắng hừng lên, bà mừng rỡ chạy ra chạy vào dọn dẹp nhà cửa. Nắng quanh năm suốt tháng thì chả sao, mới mưa vài ngày mà đã sợ quá, nắng lên cứ mừng hớn hở, như thể gặp lại người quen vậy.
.
Việc đầu tiên là phải đem đám cành cây mới chặt ở góc vườn ra phơi lại. Hôm trước đang định cất thì trời đổ mưa, thế là đành bỏ đấy. Mưa thêm vài ngày nữa chắc chúng mọc mộc nhĩ ra cho bà hái không chừng. Nắng lên là ổn rồi, bây giờ cứ rải ra bỏ đấy vài ngày nữa thì mang vào bếp đun hết cho gọn.
Mới nắng có một lát mà cái sân gạch đã khô cong, nhìn ra cái dây phơi còn trống một đoạn, bà vội chạy vào nhà mang hết chăn chiếu trên giường ra phơi kẻo… tiếc nắng. Mưa dầm mấy ngày liền làm cho đám chăn chiếu dù ở trong nhà cũng ẩm xì ẩm xịt. Phơi được nắng chúng sẽ trở nên thơm tho, đắp vào cũng thấy dễ chịu, ngủ ngon hơn.
Nhìn thấy nắng vàng rực rỡ, bà thấy tiếc lắm nếu không có gì để… phơi. Mở hết tủ trong tủ ngoài, hòm xiểng, mang hết chăn mới chăn cũ, chiếu, gối, mùng màn… ra phơi hết cả bà mới yên lòng. Có thế mới không lo ẩm mốc hay mối mọt làm hỏng chúng. Lúc dọn dẹp lại cái ngăn tủ, bà tìm được cuốn album ảnh cũ làm bằng gỗ thông từ hồi lũ trẻ còn nhỏ. Bà sốt sắng mang ngay ra sân, lật giở từng trang xem có tấm ảnh nào bị mốc hỏng. Những tấm ảnh lướt qua trước mắt bà như những thước phim quay chậm. Này là ảnh thằng cả nhà bà lúc mới bước chân vào quân ngũ, tấm ảnh tô màu khiến khuôn mặt non tơ của nó như còn búng ra sữa, mà lúc ấy chỉ có ảnh đen trắng hay tô màu thôi là sang lắm chứ làm gì có ảnh màu như bây giờ. Còn đây là ảnh cô con gái thứ hai, đôi má bầu bĩnh và đôi mắt sắc lẻm đang nhìn bà tinh nghịch. Này là cậu út được chụp đúng lúc mặt đang xị ra vì không ai dám bẻ cho nó cành cúc vạn thọ trong khóm hoa làm cảnh ở hiệu chụp ảnh…
Mỗi tấm ảnh nhắc bà nhớ về những kỷ niệm cũ, vì thế bà nâng niu chúng lắm. Bà giở xem và hong nắng luôn luôn chỉ sợ nhỡ đâu chúng ố vàng hay mốc hỏng. Mỗi khi xem lại, bà như gặp lại đàn con đã xa nhà, mỗi đứa một công việc, một phương trời sinh sống, thỉnh thoảng mới về tề tựu trong ngôi nhà này mà thôi. Cuốn album thay mặt chúng trò chuyện với bà nên nhiều lúc bà thấy lũ trẻ vẫn luôn có mặt và vui chơi, đùa giỡn trước mặt. Tiếng cười có lúc rộn lên trong căn nhà vắng...
Ngày xưa, khi tháng năm mùa gặt đến, nhìn trời nắng to, bà tiếc lắm. Sáng sớm, bà đã quét sạch khoảnh sân kho to tướng, để lát nữa sân khô sẽ đổ thóc ra phơi. Trời nắng to thế này phải tranh thủ khẩn trương, thóc phơi được nắng đẹp gạo ngon cơm, mà rơm phơi được nắng cũng vàng ươm thơm nức chứ không thâm xỉn. Mùa này nắng lắm mưa nhiều nên làm gì cũng phải nhanh không khéo trời đổ mưa xuống là rơm thóc hỏng hết. Thế nên, trong xóm, nhà bà lúc nào cũng “rơm lên cây, thóc vào bồ” sớm nhất.
Tháng mười, sau khi gặt hái phơi phóng xong vụ mùa, những cái sân gạch trở nên nhàn rỗi chẳng có gì để phơi mà nắng cứ hanh hao vàng rực. Nắng hanh thế này thì phơi cái gì cũng nhanh khô phải biết. Tiếc nắng, bà đi chợ gánh về mỗi ngày vài thúng sắn tươi, cho lũ trẻ cạo bỏ vỏ đất rồi thái lát đem phơi. Đầu thừa đuôi thẹo, củ xương xẩu phơi riêng cho lợn cho gà, còn củ nạc ngon, trắng muốt, bà bóc vỏ sành rồi thái mỏng, phơi vào những cái nong sạch để dành… trộn cơm ăn đỡ lúc giáp hạt hoặc cho lũ trẻ làm bánh sắn ăn chơi. Cứ thế mà suốt mùa khô hanh, bà tích trữ được trong nhà hàng chục tải sắn lát, lợn gà ăn quanh năm mới hết. Còn lũ trẻ lúc nào thèm thì có thể liên hoan với nhau bằng món bánh sắn dẻo ngậy. Thời ấy, bánh sắn là món quà “đặc sản” rồi, thử hỏi nếu bà không tiếc nắng mà đem sắn thái phơi thì lũ trẻ lấy gì liên hoan khi trời mưa phùn gió bấc hay lúc cái bụng “biểu tình”?
Chưa hết mùa hanh hao nhưng những tải sắn trong nhà đã nhiều lắm rồi, bà chuyển hướng sang bổ cau phơi khô dành bán khi mùa cau tươi sắp hết. Chỉ qua ba bốn ngày nắng hanh thế này là bà đã có một mẻ cau khô thơm nức. Cau phơi được nắng vừa đỏ vừa thơm khiến bà hăng hái huy động cả nhà, trẻ con gọt vỏ, người lớn thì bổ còn sân nhà thì đầy ắp những nong nia, dần sàng, mẹt phơi. Nhìn những mẻ cau đang dần khô chuyển sang màu đỏ và cong lên như những con tôm chín bà biết ơn ông trời lắm. Thứ cau quê bổ phơi được nắng như thế này ăn vừa dẻo vừa ngọt khiến mấy bà già nhà quê nghiện trầu thuốc mê lắm. Họ kết thứ cau do bà bổ phơi nên quanh năm làm bạn mua hàng của bà vì vừa ngon lại vừa rẻ. Nếu chẳng may hết hàng mấy bà già kia sẽ cằn nhằn là sao không để phần cho họ làm bà ái ngại lắm. Thế nên, tranh thủ lúc nắng bà phải hì hục phơi phơi bổ bổ, để dành còn có hàng bán cho mấy bà bạn già. Có lúc gặp buổi mưa dầm, bà lại lụi hụi mang chúng vào bếp sấy trên than lửa để không bị mốc và nhanh khô hơn.
Kết thúc mùa phơi ấy, trong nhà bà lại có thêm nhiều bao ni lông chứa đầy cau khô ngọt ngào thơm nức. Vốn liếng để đầu tư cho thương vụ làm ăn này không nhiều nhưng nó giúp bà mua sắm được quần áo Tết cho lũ trẻ, mua được sách vở bút mực cho chúng đến trường như bao đứa trẻ khác. Nó còn giúp bà có tiền dành dụm tích cóp chút ít cho cuộc sống sau này. Vì thế, cứ đến độ nắng hanh, bà lại nhớ đến mùa phơi với những cau những sắn.
Giờ đây khi mùa nắng hạ đã qua đi và mùa nắng hanh hao đang đến, nhìn ra ngoài sân, bà vẫn không quên được thói quen… tiếc nắng, dù bây giờ nhà chẳng có rơm thóc để phơi trong mùa gặt hay sắn thái lát đem phơi phòng trừ ngày đói nữa. Ở chợ thì đầy rẫy cau tươi mà mấy bà già ăn trầu thuốc ngày xưa đã về với tổ tiên gần hết nên cũng chẳng còn ai ăn trầu thuốc để bà bổ cau phơi nữa. Nhìn nắng, bà vẫn muốn mang cái gì đó ra phơi kẻo… tiếc. Và nắng vẫn luôn mang lại cho bà niềm vui mỗi khi đem hong cuốn album ảnh cũ kỹ. Ở đấy bà vẫn gặp lại những khuôn mặt thơ ngây trong trẻo của lũ trẻ, nó gợi lại trong bà những năm tháng vất vả, thiếu thốn nhưng ấm áp vui vầy…