Quê hương trăm mến ngàn thương có bao hình ảnh gần gũi, thân quen vẫn luôn dành chỗ cho cái ngõ sau nhỏ xinh, bình dị. Ngõ sau thường quay mặt ra đồng, ra sông, ra bãi... nghĩa là quay nhìn ra khoảng không gian thoáng đãng và ít người qua lại, tránh quay mặt vào nhà người khác. Nếu như ngõ trước (ngõ chính) rộng rãi, phong quang, được lát gạch hoặc đá viên, có cánh cổng gỗ chắc chắn, thì ngõ sau chỉ là một lối nhỏ, rộng vừa một người qua, được khép - mở với không gian bên ngoài bằng một cánh cửa tre ọp ẹp. Ngõ sau cũng không cần đến đôi hàng giậu, chẳng cần phải quét dọn ngày ngày... Giản dị và đơn sơ như vậy nhưng ngõ sau lại rất cần thiết và lắm lúc lại nhiều bước chân người qua lại hơn cả ngõ trước.
|
Khi có nỗi niềm riêng, người quê nhớ đến… ngõ sau để bày tỏ! Bạn bè, trai gái cứ đến ngõ sau mà dấm dúi, rủ rê, hò hẹn. Có chuyện gì ẩn ức, buồn bực trong nhà cũng lẻn ra ngõ sau mà khóc lóc. Người con gái đi lấy chồng, lúc rảnh rỗi thường ra ngõ sau để dõi ánh mắt buồn về phía trời xa, giãi bày nỗi nhớ mẹ thương cha. Từ đó, ta mới hiểu và thấm thía, cảm thông tâm trạng cô gái theo chồng xa quê "chiều chiều ra đứng ngõ sau…” Quê hương vẫn luôn tồn tại một sợi dây vô hình mà bền chặt luôn níu kéo, buộc ràng mỗi người, khiến cho người con gái dẫu vui hạnh phúc lứa đôi – vẫn cứ "ruột đau chín chiều” khi dõi về quê mẹ mỗi lúc hoàng hôn!...
Ngõ sau còn là lối đi tắt cho tiện, cho vơi bớt nỗi nhọc nhằn của nhà nông. Đấy là lúc ngõ sau dùng để lùa trâu bò, gánh phân rác, mạ ra đồng; mang hoa màu, lúa về nhà... Ngõ sau là lối đi ra đồng mò tôm bắt tép của những người đàn bà, là khoảng không gian riêng của trẻ con chơi trò đánh trận giả... Đi lâu thành quen, quen lâu thành thương, ngõ sau cứ mãi gắn bó suốt cuộc đời của mỗi người như thế!... Trong nỗi nhớ quê, nhớ về những năm tháng tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên và ăm ắp những kỷ niệm, luôn hiện diện hình ảnh giản dị, thân thương của cái ngõ sau...
Trần Văn Lợi
(ĐĐK)