quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thúc đẩy quản lý tài nguyên ven biển, ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ Tư, 17/12/2014 | 11:29:00 AM

Ngày 17/12, tại TP Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển & Phát triển Cộng đồng (MCD) phối hợp cùng đối tác địa phương tại tám tỉnh địa bàn dự án tổ chức Diễn đàn MCD 2014 với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác các bên trong quản lý tài nguyên vùng ven biển và ứng phó với biến đổi khí hậu- kinh nghiệm, thách thức và cơ hội”.

Trong những năm gần đây, vùng ven biển Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, kể cả các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đối với các hệ sinh thái ven biển và đời sống của người dân, đặc biệt là những người dân nghèo, dễ bị tổn thương.

Là một tổ chức phi chính phủ có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn biển và phát triển bền vững vùng ven biển, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển & Phát triển Cộng đồng (MCD) đã tích cực cùng các đối tác tìm tòi giải pháp, huy động nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo và hợp tác trong xây dựng và thực hiện một số thực hành tốt về đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên, thí điểm các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu cấp cơ sở, hỗ trợ phát triển sinh kế dựa vào hệ sinh thái, phần nào đáp ứng nhu cầu của người dân, nhận được sự ủng hộ và phối hợp của các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn và các nhà tài trợ.


Bà Nguyễn Thu Huệ: Diễn đàn MCD 2014 với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác các bên trong quản lý tài nguyên vùng ven biển và ứng phó với biến đổi khí hậu- kinh nghiệm, thách thức và cơ hội” được tổ chức với tinh thần chia sẻ, học hỏi và cùng hướng tới tương lai.

Trong hành trình hợp tác, MCD và các đối tác nhận thấy có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm và những bài học hữu ích. Hợp tác giúp cho các bên tạo các tác động đủ lớn để góp phần giải quyết bài toán hài hòa giữa bảo tồn tài nguyên ven biển và phát triển kinh tế, vì lợi ích chung của cộng đồng. Tuy nhiên muốn hợp tác thành công cũng có nhiều thử thách và đòi hỏi nỗ lực của từng bên và đặc biệt là cần có các cơ chế thúc đẩy phù hợp.

Diễn đàn MCD 2014 được tổ chức nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, bài học và các thực hành tốt mà MCD đã cùng các đối tác thực hiện tại khu vực ven biển đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long; trao đổi về sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan trong các sáng kiến bảo tồn hệ sinh thái và phát triển vùng ven biển, quan tâm đến cơ hội hợp tác công – tư mà các tổ chức ngoài nhà nước đóng vai trò thúc đẩy.

Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc MCD, cho biết sự kiện mang tính diễn đàn đầu tiên MCD tổ chức phối hợp với Tổng cục Biển & Hải Đảo cách đây tròn 3 năm, vào tháng 12/2011 tại Hà Nội với chủ đề giới thiệu và thúc đẩy mô hình quản lý tài nguyên và sinh kế dựa vào cộng đồng, ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng ven biển và đảo Việt Nam.

"Diễn đàn là của tất cả chúng ta, những người thực sự quan tâm tới quản trị hiệu quả, phát triển bền vững vùng ven biển, chủ đề quản lý tài nguyên và ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển năng lực tổ chức và hợp tác các bên vì lợi ích cộng đồng. Tôi kêu gọi toàn thể các quý vị đại biểu, các đồng nghiệp và những người bạn thân thiết đóng góp trí tuệ, sự sáng tạo và sự động viên tinh thần để Diễn đàn MCD thực sự là một sáng kiến tốt, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và mỗi người tham gia”, bà Huệ nhấn mạnh.


Trong giai đoạn 2012-2014, thông qua các sáng kiến phát triển với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ Oxfam, Chính Phủ Úc, Chương trình Rừng Ngập mặn cho Tương lai, Quỹ Mcknight, MCD đã cùng với các đối tác trung ương và địa phương tại vùng Đồng Bằng Sông Hồng, ven biển miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long thúc đẩy áp dụng quy phạm thực hành tốt và các công cụ tiên tiến trong quản lý tài nguyên biển thích ứng biến đổi khí hậu (chú trọng hệ sinh thái rừng ngập mặn tại hai khu dự trữ sinh quyển khu vực miền Bắc), tăng cường năng lực, hỗ trợ xây dựng và thể chế hóa mô hình Khu bảo tồn biển do địa phương quản lý (LMMA) với hệ sinh thái rạn san hô tại miền Trung và thúc đẩy mạng lưới LMMA tại Việt Nam; hỗ trợ áp dụng các cải tiến kỹ thuật và hoàn thiện (có đánh giá hiệu quả) các mô hình thí điểm sinh kế thích ứng của người dân vùng ven biển (đa dạng sinh học, miền Trung, Đồng bằng Sông Cửu Long) bị tổn thương nhiều nhất trước tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, đặc biệt là người nghèo, phụ nữ đơn thân; tài liệu hóa các bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các dự án, truyền thông thúc đẩy hành động địa phương về DRR & CCA, chia sẻ với một số khu vực ven biển khác và tại các diễn đàn kết nối hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ và chính phủ, đồng thời khái quát hóa tiếp cận và phương thức can thiệp của MCD để phổ biến áp dụng.

“Tôi đánh giá cao sáng kiến của MCD trong công tác phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu tại các khu vực kinh tế ven biển”, PGS.TS Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên & Môi trường, phát biểu tại Diễn đàn MCD với sự tham dự của gần 200 đại biểu.

Các sáng kiến mà MCD đã thực hiện trong nhiều năm qua mà tôi được biết có liên quan tới các mô hình cấp cơ sở trong việc nâng cao nhận thức ngư dân, gắn kết các bên và thúc đẩy sự tham gia trong bảo vệ môi trường, nguồn lợi và các thực hành bền vững - ông Phạm Trọng Yên, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, nhận xét.

“MCD được biết đến lần đầu tiên với khu bảo tồn biển Rạn Trào, rồi các mô hình cộng đồng tham gia quản lý tài nguyên, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu. Gần đây tôi có tham gia một số nghiên cứu do MCD điều phối về khai thác các biển, tham vấn các bên liên quan cấp quốc gia và tìm kiếm sự hỗ trợ và hợp tác trong khu vực và quốc tế. Đó là bước trưởng thành đáng ghi nhận của MCD rât nên phát huy”, ông Yên chia sẻ cảm nhận.

Diễn đàn MCD 2014 hướng đến mục tiêu thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan nhằm góp phần giải quyết bài toán hài hòa giữa bảo tồn tài nguyên ven biển và phát triển kinh tế, vì lợi ích chung của cộng đồng trong bối cảnh vùng ven biển Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các hệ sinh thái và đời sống người dân, đặc biệt là những người dân nghèo dễ bị tổn thương.

Bà Huệ cho rằng để đạt được mục tiêu chung mà MCD hướng tới là đồng hành cùng các địa phương ven biển và cộng đồng quản lý tài nguyên và nâng cao vị thế, chất lượng đời sống cộng đồng một cách sáng tạo, sự tham gia, ủng hộ và chung tay của các bên là vô cùng quan trọng, là nguồn vốn lòng tin và cam kết vô cùng quý giá, là nền tảng cho mọi thành công.

Các hoạt động từ năm 2014 tiếp tục diễn ra tại 8 tỉnh ven biển (với tổng số 20 xã thuộc 9 huyện và 1 thành phố) với nhóm thụ hưởng trực tiếp tới 27.360 người trong đó 12.830 nam và 14.530 nữ. Trong giai đoạn tới, một số đối tác tài trợ đã quan tâm và cam kết đồng hành cùng MCD phát huy tinh thần huy động sự hợp tác của địa phương và cộng đồng trong một số sáng kiến mới như sáng kiến liên minh Vịnh Hạ Long, thúc đẩy hợp tác liên tỉnh qua cơ chế các khu dự trữ sinh quyển thế giới nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu ở đa dạng sinh học, tăng cường năng lực cấp tỉnh trong cách tiếp cận hệ sinh thái với quản lý nghề cá tại khu vực miền trung, tăng cường tiếp cận giới và theo chuỗi giá trị trong nuôi tôm có trách nhiệm ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

(Còn nữa)
Mạnh Cường

Lượt xem: 2421

Các tin khác

Các biện pháp kỹ thuật làm sạch không khí

(18/06/2015 10:59:AM)

Đà Nẵng định lượng về thành phố môi trường

(15/05/2015 07:46:AM)

Sự thật về 'thần dược' mọc như cỏ, tốt như sâm

(04/04/2015 07:41:AM)

Tìm nguồn điện từ rác

(31/03/2015 01:21:PM)

Cần đổi mới cơ chế tài chính cho bảo tồn thiên nhiên

(04/03/2015 02:01:PM)

Thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam

(21/01/2015 03:05:PM)

Huy động nguồn lực tài chính hỗ trợ cho tăng trưởng xanh

(15/01/2015 09:48:AM)

Làm sạch không khí đô thị: Hãy nhìn người Đan Mạch

(12/01/2015 10:47:AM)

Việt Nam - Hàn Quốc: Cơ hội hợp tác phát triển công nghệ môi trường

(30/12/2014 09:36:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE