quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KHOA HỌC CỦA HỘI

THÔNG TIN VỀ HỘI THẢO BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC DÃY TRƯỜNG SƠN LẦN THỨ 2

Thứ Năm, 18/03/2010 | 01:37:00 PM

Ngày 18 /3/2010, Tại Hà Nội, Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 2, do Hội BVTN&MT Việt Nam và Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng Cục Môi trường - Bộ TN &MT) phối hợp tổ chức đã khai mạc, với với sự tham dự của hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế.

 


Toàn cảnh Hội thảo

Đây là hoạt động khoa học thường kỳ, nhưng Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 2 lại quan trọng và có một ý nghĩa sâu sắc. Bởi nó diễn ra trong bối cảnh Hội nghị quốc tế bàn về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP 15) vừa kết thúc tại Copenhagen (Đan mạch) và năm 2010 được Liên hợp quốc chọn là “Năm Quốc tế về Đa dạng sinh học”. Vì vậy đã có rất nhiều nhà khoa học, đại diện các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế tham gia Hội thảo. Họ tới đây để trao đổi học thuật, và thu thập thông tin, nhằm tiếp tục làm sáng tỏ thêm những vấn đề về Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) của toàn dãy Trường Sơn trước những biến đổi về khí hậu toàn cầu; đồng thời phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch đoàn Hội thảo

Cùng với đại diện các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, đại diện cácViên nghiên cứu, các trường Đại học của Việt Nam, Hội thảo lần này còn thu hút được nhiều đại biểu đến từ các nước: Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Phi-líp-pin và Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tham gia.

Dự Hội thảo lần này có đại diên nhiều ngành, của hầu hết các tỉnh, thành phố nằm trong khu vực dãy Trường Sơn. Các đại biểu đến Hội thảo thể hiện sự quan tâm về ĐDSH của toàn khu vực dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu; vấn đề quy hoạch các khu bảo tồn, hành lang ĐDSH, quy hoạch ĐDSH vùng; Bảo tồn ĐDSH xuyên biên giới liên quan đến dãy Trường Sơn; đồng thời qua Hội thảo các đại biểu sẽ nắm bắt được những thông tin và đánh giá khách quan của các nhà khoa học đối với các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển, sử dụng tài nguyên thiên nhiên…trong khu vực liên quan tới cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương.

Các bài báo cáo, tham luận tại Hội thảo khá đa dạng và phong phú. Ngoài các báo cáo được trình bày tại phiên toàn thể sau khi khai mạc, còn có nhiều  báo cáo được bố trí trình bày riêng rẽ tại các Tiểu ban chuyên đề vào buổi chiều 18 và sáng 19/3. Nội dung của các báo cáo, tham luận đều tập trung vào các chủ đề: Xác định phạm vi và phân vùng nội bộ dãy Trường Sơn; Kiểm kê đa dạng (đa dạng gen, đa dạng loài, đa dạng sinh thái và đa dạng sử dụng ) về sinh học dãy Trường Sơn; Tăng cường năng lực và hoàn thiện hệ thống các khu bảo tồn trên dãy Trường Sơn, nhất là các khu bảo tồn xuyên biên giới 3 nước: Việt, Lào, Campuchia, nhằm tiến tới xác lập một chiến lược quản lý tổng hợp bảo tồn sinh học toàn khu vực, với sự hợp sức chung của tất cả các nước trên bán đảo Đông Dương và sự hỗ trợ quốc tế, trước thách thức của biến đổi khí hậu.


 Gặp gỡ, trao đổi  với các đại biểu quốc tế


Trong bài phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE đã nhấn mạnh: Tổ hợp các yếu tố lịch sử địa chất, vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, sự vận động của các luồng sinh vật có thể khẳng định Dãy Trường Sơn có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt không chỉ ở quy mô khu vực, mà trên toàn cầu. Các hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới gió mùa thường xanh trên địa hình đá vôi karst ở Trường Sơn Bắc, các hệ sinh thái rừng khộp ở Trường Sơn Nam là những hệ sinh thái đặc thù không nơi nào có trên toàn thế giới. Giá trị đa dạng sinh học (cả 4 phân vùng) thuộc dãy Trường Sơn là phong phú và đặc sắc. Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn gắn chặt với An ninh Môi trường. Bởi nó giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước; cung cấp nơi cư trú và văn hóa địa phương; hạn chế thiên tai như lũ lụt, trượt lở đất, xói mòn và bồi tụ đất đai; cung cấp các sản phẩm gỗ và phi gỗ; tạo ra chế độ khí hậu địa phương. Qua đó, Trường Sơn đã tạo ra các nguồn gen quý, các tập đoàn giống cây trồng và vật nuôi bản địa, nguồn sinh vật thiên địch bảo vệ an toàn cho nông ngư nghiệp.Vì vậy, việc Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn còn là bảo tồn giá trị Đa dạng văn hóa bản địa. Đặc biệt, dãy Trường Sơn còn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng hạn chế sự biến đổi khí hậu. Nó tạo ra tính ì của nền khí hậu địa phương và làm chậm các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu. Cụ thể là: thảm rừng trên các dãy núi của Trường Sơn sẽ làm chậm và giảm nhẹ quá trình lũ lụt, hạn chế sự tàn phá của các cơn bão lũ, làm chậm quá trình khô hạn. Nó duy trì nguồn dược liệu tự nhiên quý giá, dự trữ quỹ gen và các loài thiên địch góp phần giảm nhẹ các bệnh dịch cây trồng, vật nuôi, kể cả sức khỏe cộng đồng, khi khí hậu có biến đổi. Nhờ hoạt động nâng liên tục của nền địa chất hiện đại trong phạm vi Trường Sơn (trừ các vùng cửa sông) đang góp phần giảm thiểu hay thậm chí triệt tiêu hiểm họa nước biển dâng cao ở nhiều địa phương khu vực ven biển Miền Trung.

Trong bài phát biểu khai mạc TS. Nguyễn Thế Đồng Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng nhấn mạnh:
Dãy Trường Sơn là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao nhất ở Việt Nam, là một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu, là hành lang xanh của 3 nước Việt Nam - Lào - Cam pu chia. Với giá trị bảo tồn, giá trị lịch sử và giá trị kinh tế to lớn và như vậy thì việc xây dựng một cơ chế phối hợp bảo tồn giữa các quốc gia là rất cần thiết.



Phỏng vấn lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam,
các đại biểu quốc tế và các chuyên gia


Một số phát biểu của các nhà khoa học tại Hội thảo này cũng cảnh báo về hậu quả của tình trạng phát triển manh mún hiện nay của các địa phương; đồng thời yêu cầu: phải có chiến lược quản lý tổng hợp dãy Trường Sơn.
Chiến lược cực kỳ to lớn này, phải có sự hợp tác, chỉ đạo, đầu tư của Chính phủ 3 nước Đông Dương, sự tham gia của các địa phương trong phạm vi dãy Trường Sơn, của các ngành, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước và các cộng đồng địa phương. Muốn làm được điều đó, các nhà khoa học yêu cầu lãnh đạo Tổng cục Môi trường và Hội BVTN&MT Việt Nam phải xây dựng ngay những định hướng cho nội dung Hội thảo Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 3; đồng thời kêu gọi mọi người cùng chung sức giải quyết các nhiệm vụ bức xúc về bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng lãnh thổ đặc biệt này, trong điều kiện đang có nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội trong vùng và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nhân Hội thảo này, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, thay mặt lãnh đạo Hội BVTN&MT Việt Nam, thông báo việc VACNE khởi xướng việc tổ chức sự kiện Bảo tồn cây Di sản Việt Nam, tôn vinh những cây cổ thụ có giá trị về khoa học, cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử, nhằm mục tiêu góp phần bảo vệ các nguồn gen cây tiêu biểu của Việt Nam, thiết thực hưởng ứng Năm Đa dạng sinh học 2010 và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội./.
 
                        

Các đậi biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Lượt xem: 1674

Các tin khác

Bài 8 (5 Tet): Mở rộng hoạt động xã hội, chia sẻ khó khăn với nhân dân.

(12/02/2018 01:57:PM)

Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước – Mười năm một chặng đường

(11/06/2013 08:14:PM)

Một số hình ảnh lễ tổng kết 10 năm và trao giải lần thứ 10 Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước

(11/06/2013 06:38:AM)

Mười năm cùng cố gắng vì môi trường nước

(10/06/2013 10:48:AM)

Mời tham dự Lễ tổng kết 10 năm Cuộc thi và trao giải Cuộc thi Nước lần thứ 10

(04/06/2013 07:23:PM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (9)

(03/05/2013 04:10:AM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (8):

(30/04/2013 08:31:PM)

Một số thông tin về Cuộc thi nước những năm trước đây (7)

(30/04/2013 03:20:PM)

Một số thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây: (6) : 2008-2009

(28/04/2013 08:25:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE