Thông qua Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam cả nghìn cây cổ thụ được cộng đồng bảo vệ tốt hơn
(VACNE) - Thông tin này được khẳng định tại Hội nghị Tổng kết 5 năm Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, do Hội BVTN&MT Việt Nam và Hội BVTN&MT tỉnh Phú Thọ tổ chức sáng 19/4/2015, tại thành phố Việt Trì.
Ông Nguyễn Đình Cúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Thọ tặng hoa và chúc mừng Hội nghị
Về dự Hội nghị Tổng kết và trao Bằng Cây Di sản Việt Nam cho 9 danh mộc cổ thụ dưới dạng cây cảnh tại phường Gia Cẩm, TP. Việt Trì, có đông đảo các vị lãnh đạo, đại diện UBND và các đơn vị chức năng tỉnh Phú Thọ; Bộ Tài Nguyên & Môi trường; Bộ NN&PTNT; Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội; Hội BVTN&MT Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tới dự và chúc mừng sự kiện này, còn có nhiều nghệ nhân cây cảnh Việt Nam và đông đảo khách Quôc tế.
GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam và ông Nguyễn Đình Cúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú thọ đều phát biểu chúc mừng, bày tỏ sự đồng thuận với Báo cáo tổng kết của Hội và đánh giá rất cao Sự kiện này. Nó không chỉ có giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học, về môi trường, mà còn có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc
GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam phát biểu chào mừng
Hoạt động này đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng, trên cơ sở khơi dậytruyền thống văn hóa vốn có của người Việt, Vì thế, đã nhanh chóng được cán bộ và nhân dân hưởng ứng rộng rãi. Trong vòng 5 năm, đã có hàng nghìn hồ sơ cây từ các tỉnh thành trong cả nước gửi về đăng ký xét duyệt, trong đó có 972 cây được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Những cây này thuộc hơn 60 loài thực vật (kể cả 2 loài cây mới ở vườn cây cảnh Gia Cẩm - Việt Trì – Phú Thọ và hơn 200 cây Chè Shan tuyết ở Cao Bồ - Vị Xuyên - Hà Giang) vừa được công nhận.
Danh sách Cây Di sản Việt Nam đã có mặt ở hầu hết mọi vùng miền trên cả nước. Từ vùng địa đầu tổ quốc (Hà Giang), vùng cao Phan xi Păng đến vùng cực Nam Côn Đảo; từ Tây Nguyên (Đắc Lắc) ra tới quần đảo Trường Sa (Khánh Hoà). Có nhiều giống cây đặc hữu, quý hiếm và có tuổi đời rất cao (hàng nghìn tuổi) như 2 cây Táu ở Thiên Cổ Miếu (Việt Trì – Phú Thọ), cây Nghiến có chu vi thân 9,3 mét ở Bắc Hà –Lào Cai; Cây Sa mu dầu ở khe Bu (Vườn Quốc gia Pù Mát – Nghệ An) cao 73 mét, đường kính thân 4,5 mét. Cây Đỗ Quyên cành thô Phan Xi Păng (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) là loài cây đặc hữu, chỉ có ở nước ta; Cây Bạch Mai ở đình Phú Tự (Bến Tre); cây Sộp và cây Khế cảnh 350 năm tại Khu du tích Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Cao Lãnh, Đồng Tháp); cây Bằng Lăng, cây Mai tứ quý (Việt Trì – Phú Thọ), Cây nhiều thân có chu vi lớn nhất (45m) là cây Đa ở đền Thượng (Lào Cai) và cây Đa bán đảo Sơn Trà (Đà Nãng). Có những cây đứng ở những vị trí tiền tiêu như cây Sấu ở bản Nà Sác (Cao Bằng) chùm lên cột mốc biên giới Việt Trung, những cây: Mù U, Phong Ba, Bàng vuông ở quần đảo Trường Sa; những cây Bàng ở Côn Đảo…
Lễ vinh danh Cây Di sản luôn được cộng đồng tổ chức hết sức đa dạng và trang trọng, nhiều nơi còn gắn với lễ hội của địa phương, của khu di tích…. Nên sự kiện này đã trở thành Sự kiện Văn hóa nhiều màu sắc, tạo không khí vui vẻ, thu hút mọi lứa tuổi, các tầng lớp xã hội, tạo sự đoàn kết tôn giáo dân tộc.
Tại buổi lễ Tổng kết 5 năm Sự kiện này, VACNE đã trao Bằng khen cho các tổ chức cá nhân xuất sắc trong phong trào Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam và trao giải Cuộc thi viết về “Cây cổ thụ-Cây Di sẩn Việt Nam”./.
-