Tôi còn nhớ, mười mấy năm về trước, trong giờ mỹ học phần nói về phạm trù “cái đẹp”, giáo sư của chúng tôi cho cả lớp xem phiên bản bức tranh của một danh họa vẽ cảnh cuồng phong bão tố gây hiểm họa chết chóc tang thương, rồi hỏi: “Theo các bạn, bức tranh này có đẹp không?”.
TRẦN VĂN THƯỞNG
Đa số mọi người trả lời là “không” với lý do nó dấy lên trong lòng người xem nỗi sợ hãi, cảm giác khủng khiếp thê lương. Thế thì đẹp cái nỗi gì! Chỉ có một số người trả lời là “đẹp”. Đó là vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật phản chiếu cảnh tượng hãi hùng của thiên nhiên.
Bài học kinh điển về cái đẹp năm nào bỗng chốc sống lại trong tôi như một vệt mờ của trí nhớ qua chuyến dã ngoại tại vùng biển Phan Thiết mới đây. Khi chúng tôi đặt chân đến thành phố biển cực Nam Trung bộ cũng là lúc cơn bão đổ bộ vào bờ.
Thật ra nó đến từ đêm hôm trước. Người dân địa phương ở phường Đức Long, nơi có gia đình một người bà con mà tôi ghé thăm vài giờ trước khi ra đồi cát trắng, đã cảm thấy nó qua tiếng gầm gào dữ dội như con cá kình đang cơn thịnh nộ. Nó hùng dũng hướng mũi vào đất liền và đến chặng cuối của cuộc hành quân với cường lực kinh hoàng đã giật sập nhiều ngôi nhà xây trên cát. Để khi chúng tôi đến nhà bà chị họ, những người bị nạn đang tá túc ở đó ngửa mặt thất thần: “Biển ăn mất đất liền rồi!”.
Theo lời bà chị họ, ở khu Đức Long này trong vòng vài năm qua biển đã xâm thực hơn một trăm mét bờ cát và đang phả hơi lạnh sát sau lưng dãy nhà giáp biển, nơi những gia đình như chị đang đối diện từng ngày với nguy cơ không chốn dung thân. Hình ảnh cuối cùng neo vào lòng tôi trước khi rời làng vạn chài nghèo này là đôi mắt ngơ ngác của em bé đang dõi về ngôi nhà của mình chỏng chơ trên cát vừa bị đánh sập đêm qua, và ngay dưới chân cột nhà là tiếng ì ầm cuồng nộ của thủy thần.
Thành phố du lịch biển nổi tiếng đã đón chúng tôi trở lại sau hai năm với những hình ảnh như vậy đấy! Trên đường chạy xe ngang qua Mũi Né - Hòn Rơm ở khúc cua giáp ranh với Hòa Thắng, suốt dọc đoạn đường kéo dài liên tục khoảng 4km, một bên là những đồi núi cát, một bên là bãi cát trắng ven biển phơi mình lở lói trước những giàn máy hút, ống thổi cát. Đây đó là những dãy nhà tạm cho công nhân khai thác cũng là nơi tập trung cát đen, loại cát nằm dưới lớp cát trắng, thứ từ đó được dùng để sản xuất titan.
Hãi hùng nhất là những hố cát sâu liền liền bên biển gợi cho người ta cảm giác biển đang xâm thực đất liền, đang liếm lưỡi hái tử thần vào lằn ranh an toàn cuối cùng như cách nó đã thị hiện ở những nơi tương tự như Đức Long mà chúng tôi có dịp nhìn thấy.
Nếu những ai từng yêu vùng đất này hẳn cũng đều biết vẻ quyến rũ độc đáo của nó chính là sự pha trộn tuyệt vời giữa ba loại địa hình cảnh quan biển rộng sông dài, đồi núi cát - cả trắng cả hồng - kỳ ảo và những khu rừng lá thấp với đồng thảo nguyên bao la. Những người từng có một tình yêu như thế sẽ phải đau đớn dường nào khi biết rằng thế hài hòa chân kiềng đó đang bị phá vỡ từng ngày.
Ngay cả đồi cát trắng ở Hòa Thắng, nơi từng được cho là còn giữ vẻ đẹp hoang sơ so với đồi cát vàng ở Mũi Né, giờ cũng bị khai thác du lịch quá mức với cảnh những chiếc xe địa hình giày xéo lên đó một cách vô tội vạ. Nó khác xa cách đối xử của con người với những đồi cát tương tự ở châu Mỹ, nơi được bảo vệ như một báu vật với những quy định nghiêm ngặt về loại phương tiện đi ngang qua đó.
Và với tốc độ khai thác kinh khủng như hiện nay, dù là lấy cát làm titan hay làm vật liệu xây dựng, chỉ vài năm nữa thôi cung đường biển thơ mộng này sẽ chỉ còn lại lời than: đâu rồi “cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”. Ngay giờ đây, tôi đã nhìn thấy viễn cảnh đó, và có gì đó như là cảm giác “sao xót xa như rụng bàn tay!”.
Khi mà nguồn lợi kinh tế còn treo lơ lửng trước nỗi ham muốn của con người, hậu họa khôn lường từ sự trừng phạt của thiên nhiên ắt sẽ đến nhanh thôi.
(Theo Tuổi Trẻ, 28/11/2010)