Giá trị thị trường nhựa sinh học toàn cầu sẽ tăng từ 12 tỉ USD hiện nay lên 29 tỉ USD vào năm 2028.
Hiện nhựa sinh học chiếm chưa đến 1% tổng sản lượng nhựa của thế giới, nhưng nhu cầu toàn cầu dự kiến tăng nhanh. Theo Hiệp hội Nhựa sinh học châu Âu, năng lực sản xuất toàn cầu vào năm 2022 đạt 2,21 triệu tấn, tăng 24% so với năm trước. Con số này dự kiến tăng gần gấp 3 lên 6,29 triệu tấn vào năm 2027. Hãng nghiên cứu thị trường Zion ước tính giá trị thị trường nhựa sinh học toàn cầu sẽ tăng từ 12 tỉ USD hiện nay lên 29 tỉ USD vào năm 2028. Tùy thuộc vào từng loại, nhựa sinh học trung bình đắt hơn từ 50% đến 5 lần so với nhựa có nguồn gốc hóa dầu.
Vừa qua, nhiều công ty hóa chất lớn của Nhật công bố đang chuyển hướng sản xuất sản phẩm nguyên liệu nhựa bằng hoạt chất ethanol sinh học, có nguồn gốc từ đường thực vật. Đây được xem là nỗ lực của ngành hóa chất Nhật trong cuộc chiến giảm lượng khí thải carbon.
Cụ thể Công ty Asahi Kasei có trụ sở tại Tokyo đã lên kế hoạch bắt đầu sản xuất nhựa sinh học từ năm 2027, với quy mô khoảng 10.000-20.000 tấn. Nguyên liệu đầu vào chủ yếu là mía trồng tại Brazil. Còn công ty Sumitomo Chemical đã thành lập một cơ sở thử nghiệm vào năm 2022, sử dụng ethanol sinh học làm nguyên liệu để sản xuất các loại nhựa cơ bản. Dự kiến, công ty này sẽ chính thức thương mại hóa sản phẩm mới vào năm 2025.
Nhựa sinh học từ lâu đã được sử dụng trong các ứng dụng y tế, chẳng hạn chỉ y khoa có thể hòa tan vào cơ thể một cách vô hại. Nhưng ngành công nghiệp nhựa sinh học non trẻ đang hướng đến một tầm nhìn lớn hơn nhiều cho các sản phẩm nhựa có thành phần làm từ ngô, đường, dầu thực vật và các nguyên liệu tái tạo khác với kỳ vọng chúng sẽ chiếm được thị phần lớn hơn trong thị trường nhựa toàn cầu trị giá gần 600 tỉ USD mỗi năm.
Tại Mỹ, Công ty Danimer Scientific đã mở rộng nhà máy sản xuất nhựa sinh học ở Winchester, bang Kentucky. Công ty sản xuất loại nhựa sinh học có tên gọi polyhydroxyalkanoates (PHA) bằng cách sử dụng các vi sinh vật để lên men dầu của hạt cải. Kết quả là các nhà sản xuất có thể sử dụng hạt nhựa PHA để tạo khuôn sản phẩm giống như cách họ sử dụng nhựa làm từ nhiên liệu hóa thạch.
Một loại nhựa sinh học khác cũng được tiêu thụ rộng rãi hiện nay là PLA (polylactic acid), thường được sản xuất bằng cách lên men đường từ bắp và mía. NatureWorks, nhà sản xuất nhựa PLA, có trụ sở ở bang Minnesota, là một liên doanh của Cargill, một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn thế giới và Công ty PTT Global Chemical của Thái Lan.
Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu nghiên cứu đầu tư vào nhựa sinh học. Giữa năm 2022, An Phát Holdings chính thức hợp tác với Nexeo Plastics, nhà phân phối hạt nhựa hàng đầu thế giới để đưa nguyên liệu nhựa phân hủy sinh học vào thị trường Mỹ, Canada, Mexico. Gần đây hơn, Bộ Công Thương đã nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học từ phụ phẩm chế biến thủy sản” do Viện Công nghệ sinh học chủ trì thực hiện.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Đà, chủ nhiệm đề tài này, thì ngành thủy sản Việt Nam tạo ra lượng phế phẩm lên đến hơn 1 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn phế phẩm này chưa được tái sử dụng nhiều mà phần lớn bị thải ra môi trường gây ô nhiễm. Bởi vậy, việc nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất nhựa sinh học bằng phụ phẩm là hết sức cần thiết.