Tách biệt với thế giới văn minh, chưa có đường điện, gặp ngày mưa chỉ đi bộ mới có thể tiếp cận 74 hộ dân người H’Mông bản Giàng Pằng, nhưng miền đất heo hút ấy lại là vùng trà nguyên sinh 70 ha, với những cây đại thụ tuổi đời hơn 600 năm, thân to hai người ôm (100 cây trà từ 100 năm tuổi trở lên tại đây mới được công nhận là quần thể Cây di sản Việt Nam).
Theo dấu trà Shan là hành trình khám phá những vùng trà cổ thụ khắp chiều dài Đông - Tây Bắc, từ Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên.
Thôn nữ H’Mông hái trà vụ xuân trong nắng sớm Giàng Pằng
Ảnh: Nguyễn Đình
Theo dấu trà Shan là hành trình khám phá những vùng trà cổ thụ khắp chiều dài Đông - Tây Bắc, từ Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, khơi lại sản phẩm đặc sản danh tiếng trong ngành trà thế giới, đã và đang bị lãng quên ngay trên quê hương mình.
Đất lạ Giàng Pằng
Đến thôn Giàng Pằng (xã Sùng Đô, H.Văn Chấn, Yên Bái) lúc trời sụp tối, ngồi trong Hợp tác xã (HTX) trà Sùng Đô chưa ấm chỗ đã thấy trưởng thôn cùng công an kéo đến. Dân bản nhốn nháo, loa phát thanh tiếng H’Mông inh ỏi, yêu cầu khách rời Giàng Pằng ngay trong đêm.
Với người làm trà cổ thụ, vụ xuân bao giờ cũng được mong đợi nhất, bởi sau hơn 5 tháng ngủ đông, trà Shan lại đơm chồi, cho những búp non ví là “vàng xanh” núi rừng. Mùa “vàng xanh” rộ, đúng lúc dịch Covid-19 hoành hành. Trên non cao Giàng Pằng, người H’Mông bản địa vừa thu hái vụ trà xuân vừa nghiêm ngặt chống dịch theo lời kêu gọi của Thủ tướng.
Tách biệt với thế giới văn minh, chưa có đường điện, gặp ngày mưa chỉ đi bộ mới có thể tiếp cận 74 hộ dân người H’Mông bản Giàng Pằng, nhưng miền đất heo hút ấy lại là vùng trà nguyên sinh 70 ha, với những cây đại thụ tuổi đời hơn 600 năm, thân to hai người ôm (100 cây trà từ 100 năm tuổi trở lên tại đây mới được công nhận là quần thể Cây di sản Việt Nam).
Nghe tả nhiều về khắc nghiệt, hiểm nguy của cung đường Văn Chấn - Giàng Pằng, nhưng khi chạm mặt mới thực sự nản. Đường không ra đường, ngồi xe lắc lư điên cuồng, chậm như đi bộ. Trời tối dần, cung đường núi vắt vẻo qua vách núi nhiều phen nhìn cửa kính phải thót tim vì lằn xe cách mép vực sâu hoắm chừng gang tay. Anh lái xe cho biết đây là ngày hiếm hoi trời đẹp, đường khô ráo, người điều khiển xe chứ không phải đường.
Trà cổ thụ mọc khắp nơi quanh làng Mảnh thuộc xã Sùng Đô, Yên Bái
|
Thấy khách ngạc nhiên, anh Ninh bảo thêm: “Trời mưa chút thôi, đường trơn như mỡ, xe tự trôi, muốn điều khiển cũng không theo ý mình. Ngày trước, cán bộ trên bản xuống huyện họp, đi - về mất hai ngày đường, toàn đi bộ. Còn nếu đi xe máy, phải có tí men say mới đủ can đảm cầm lái”.
Gần 4 giờ đồng hồ gồng mình cùng dằn xóc, thôn Giàng Pằng mở ra nơi sườn núi, từng nóc mái chen trong vạt rừng. Vào lán Dũng - Hương ngay đầu bản, cũng là xưởng trà của HTX Sùng Đô, chỉ loáng cái, cán bộ công an địa phương gọi điện thoại đến nhà Dũng - Hương, yêu cầu khách rời bản lập tức vì sợ bị lây dịch. Loa phát thanh tiếng H’Mông vang vọng thông báo có người lạ đến bản, cả bản xôn xao, đèn đóm lập lòe, chó sủa khắp nơi. Một công an viên và cán bộ xã có mặt, lấy thông tin lịch trình di chuyển và yêu cầu khách thông cảm, phải rời bản để đảm bảo an toàn cho bà con.
Cuối cùng phải nhờ đến anh chủ nhiệm HTX bảo lãnh và Chủ tịch H.Văn Chấn can thiệp bằng cách liên lạc về xã Sùng Đô, đảm bảo cho khách ở lại Giàng Pằng mới êm xuôi.
Búp non phủ lông tơ trắng muốt, một đặc điểm nhận dạng của trà Shan cổ thụ