Đó là cây Ruối và cây Sanh có tuổi trên 500 năm, trên một bến đò cổ bên tả ngạn dòng Châu Giang, trong khuôn viên ngôi Đền trình và Đình làng Câu Tử, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên.
Cả hai cây được vinh danh Cây Di sản Việt Nam lần này đều khá đặc sắc. Cây Ruối trước Đền Trình có đường kính thân gần một mét; Cây Sanh phía trái ngôi Đình có chu vi thân 19,2 m.
Hồ sơ của hai cây này đã được chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương gửi tới Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cách đây một năm và đã được xét duyệt, sau khi các yếu tố về phòng sâu bệnh, sự chèn ép của các cây xung quanh được khắc phục, xanh tốt trở lại.
Theo theo các cụ trong làng cho biết: Ngôi chùa, cùng Đền Trình và ngôi Đình, được xây dựng cách đây hơn 700 năm, bên một bến đò cổ. Ngôi đình thờ Lý Linh Lang và một số vị danh thần khác.
Những cây cổ thụ này được trồng vào thời gian Đình được xây dựng lại lần thứ nhất (cùng thời kỳ nhà Mạc xây dựng lại chùa Đọi)- ngôi chùa gắn liền với sự kiện vua Lê Đại Hành về Đọi Sơn cày ruộng đầu năm 987 để khuyến khích nông tang. Chính vì thế, trên bến Câu Tử vẫn cỏn dấu tích của Vườn Hầu- nơi dừng chân của Vua trước khi về Đọi Sơn làm lễ Tịch Điền vào mùa Xuân hàng năm.
TS.Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam đã phát biểu chào mừng, bày tỏ sự trân trọng trước tình cảm của cán bộ và nhân dân địa phương đối với sự kiện này; đồng thời đọc tặng bà con bài thơ “Cây Di sản” . Làm cho cả sân đình chật người đang ồn ào, bỗng lặng đi, khi hai câu cuối vừa kết thúc:..
“Cây là nguyên khí quốc gia/ Còn cây còn cả sơn hà niềm tin/ Ai ơi giữ lấy cây thiêng/ Muôn nghìn năm mãi, vững bền Việt Nam.”.
Ông Lương Công Định, Phó Bí thư Đảng Ủy xã Châu Sơn và Sư thầy Thích Nguyên Tứ, thay mặt cán bộ, nhân dân và Phật tử địa phương bày tỏ sự cảm ơn đối với Hội BVTN&MT Việt Nam; đồng thời khẳng định: đây là niềm vinh hạnh lớn của địa phương.
Sự kiện này không chỉ thiết thực bảo vệ môi trường, mà còn khơi dây sức mạnh đoàn kết, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương và trân trọng những di sản mà cha ông để lại. /.