Hội đồng Cây di sản Việt Nam của VACNE vừa họp dưới sự chủ trì của GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, xem xét hồ sơ 5 cụm cây (gồm 59 cây cổ thụ) vừa được các địa phương gửi về và đã thống nhất đề nghị Hội BVTN&MT Việt Nam tiếp tục tôn vinh 57 “Cụ cây”đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam.
Cùng tham dự buổi họp này, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội đã thông báo kết quả bước đầu về hoạt động này; đồng thời bày tỏ sự vui mừng, vì sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam do VACNE khởi xướng đã thu hút được đông đảo các tầng lớp quần chúng tham gia và ngày càng được dư luận xã hội đánh giá cao; đồng thời yêu cầu Hội đồng rà soát kỹ các tiêu chí về Cây Di sản Việt Nam, nhằm đảm bảo tính nghiêm túc, lâu dài, nhưng vẫn phải tạo điều kiện dễ dàng cho người dân.
Các thành viên có mặt tại cuộc họp này đều tán thành với đánh giá của ông Chủ tịch VACNE và ông Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, cùng nhau xem xét hồ sơ 59 cây cổ thụ vừa được 5 địa phương gửi về. Kết quả, Hội đồng thống nhất chọn 57 cây, bao gồm: 1 cây Đa (chùa Viên Giác - tỉnh Quảng Nam), 2 cây (1 Thị và 1 cây Bàng ở chùa cổ Hưng Long-tp Ninh Bình), 54 cây Lim (đề Cao- Chí Linh, Hải Dương).

Ngoài 57 cây kể trên và 10 cây cổ thụ đã được vinh danh là Cây di sản Việt Nam (9 cây muỗm ở Hà Nội + 1 cây Thị ở tp.Huế), Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã xét duyệt hồ sơ và đề nghị VACNE vinh danh 23 cây cổ thụ khác đủ tiêu chuẩn, bao gồm: 18 cây Duối (ở Đường Lâm Sơn Tây-Hà Nội), 1 cây Đa xóm Rùa (Ba Vì- Hà Nội), 1 cây Đa (chùa Hưng Nha - Hưng Nguyên - Nghệ An), 1 cây Sa mu dầu (ở Khe Bu, Con Cuông- Nghệ An), 1 cây Nghiến (ở Lũng Tùng - Hạ Lang - Cao Bằng).
Hồ sơ của nhiều cây cổ thụ khác cũng đã được Hội đồng xem xét, nhưng không được duyệt, đề nghị VACNE vinh danh là Cây Di sản Việt Nam vì thiếu chỉ tiêu, hoặc không có hồ sơ đăng ký chính thức.
Phát biểu tại buổi họp này, các ông: Vũ Văn Dũng và Nguyễn Quốc Dựng, ủy viên Hội đồng Cây Di sản; đồng thời là các nhà nghiên cứu sâu về lĩnh vực lâm học của Việt Nam kiến nghị: nên nâng thêm chỉ tiêu về tuổi cây, bởi hiện nay ở nước ta có quá nhiều cây rừng có tuổi trên 200 năm và cây trồng có tuổi trên 100 năm. Thạc sĩ Nguyễn Quốc Dựng cũng đề nghị: nên mở rộng phạm vi, không chỉ tôn vinh các cá thể cây, mà có thể tôn vinh các quần thể cây như: đường cây, rừng cây…Đặc biệt, các nhà lâm học này cũng lưu ý cán bộ Văn phòng Hội trong việc chuẩn hóa tên khoa học của các”Cụ cây” khi được xét vinh danh là Cây Di sản Việt Nam.
Sau khi rà soát lại tiêu chí Cây di sản Việt Nam, tất cả các thành viên Hội đồng đều phát biểu và đi tới thống nhất: không cần phải sửa đổi, bởi những cây cổ thụ trên 100 năm đều rất quý hiếm cần bảo vệ. Trong văn bản có chữ “những cây”đã bao gồm một quần thể cây, nên không cần phải thêm chữ “quần thể” nữa./..
Văn phòng VACNE