Tranh minh họa (Nguồn: tranhsondauhoangngan.com)
|
Chiều nay, sau giờ nghỉ làm, chúng tôi kéo nhau ra góc phố, bên cây đa già buông xõa những rễ tóc nâu xùm xuề uống nước. Bà cụ bán nước tóc bạc như cước chậm rãi, tay rót nước rồi chép miệng “Nhanh thật, vậy là đã tháng Tám rồi đấy!”. Nếu không có lời nhắc vô tình kia của bà cụ có lẽ chúng tôi cũng quên rằng đã là tháng Tám. Một vài điệp khúc cũ vang lên “Mới đó, vậy mà…”.
Thời tiết năm nay đến là lạ. Lạ ở chỗ tháng Tám về rồi, đã là mùa Thu rồi đấy nhưng chẳng có chút heo may nào ghé ngang, cũng chẳng thấy đêm nằm lành lạnh của tiết giao mùa thường thấy. Phố tháng Tám nắng vẫn đương gắt bỏng, rực hết mình như chực thiêu cháy vạn vật. Điển hình là những bông phượng, bông điệp cuối mùa vẫn cứ đỏ và vàng một cách rực rỡ nhất có thể. Không khí oi nồng đến ngột ngạt, người trong nhà đóng cửa im thin thít tránh nắng, người ra đường thì cố gắng lao thật nhanh đến địa điểm mình cần. Tất cả đều lặng lẽ và muốn bỏ lại cả thế giới nắng tháng Tám sau lưng.
Trong phút chốc, đó đây ngăn ký ức trong tôi trỗi dậy những cảm xúc về những tháng Tám cũ ở quê nhà. Cái ngày khi tôi chưa về với phố, ở quê giờ này tháng Tám nắng dịu dàng hắt lên khu vườn nhà đầy hoa thơm trái ngọt. Trong khu vườn cổ tích ấy, có dáng nội tôi mỗi sáng mai, cầm bình ô doa tưới nước, rồi khẽ khàng tỉ mẩn cúi xuống mỗi luống rau, hoa bắt sâu cho lá. Thuở hàn vi nội là người mê hoa mùa Thu đến cuồng nhiệt, nhất là hoa cúc vàng. Nội bào chữa, bầy biện lý do mình yêu thích cúc vàng là bởi chẳng hoa nào rực rỡ hơn cúc vàng, cũng chẳng hương nào đằm hơn cúc vàng, mỗi bông cúc vàng như một bông nắng, vươn lên trong nắng mai tinh khiết, dân dã nhưng cũng không kém phần kiêu hãnh, quyến rũ. Ở với nội tôi lây luôn cả tính thích hoa cúc vàng. Cả cuộc đời về già của nội chỉ mong tới tháng Tám mùa Thu để thưởng thức hoa cúc. Và mong ước nhỏ nhoi của nội, mỗi tháng Tám, khi nội về thế giới bên kia, hãy cắm trên bàn thờ nội những bông cúc vàng đẹp nhất!
Tháng 8 năm xưa có những cơn mưa dai dẳng, trải dài từ ngày này sang tháng khác, người ta gọi đó là mưa ngâu. Quê tôi nghèo chìm trong biển nước trắng mênh mông nhưng lại là thú vui của bọn trẻ. Chúng tôi chèo xuồng, theo người lớn đi đơm từng con lóc, con rô, con diếc… Bữa cơm chiều chẳng có thịt thà, chỉ có “chiến lợi phẩm” của mùa mưa, vài bụi rau tập tàng quanh nhà làm canh nhưng ai ăn cũng thấy ngon, thấy ấm cúng quá chừng.
Những ngày này ở nhà, mẹ bầy biện một vài món ăn vặt, nhâm nhi cho qua khoảng thời gian nhàn rỗi mưa về, khi thì món khoai xéo lúc lại món chè bí đỏ đậu đen. Chẳng còn thú vị gì hơn khi được quây quần bên chiếc mâm nhỏ, trong gian bếp khói rơm quyện mưa lạnh nồng nồng ngai ngái mà thưởng thức từng “tuyệt phẩm” của mẹ. Khi rời xa quê hương, xa vòng tay mẹ cha, một mình nơi phố thị thèm biết bao những món dân dã nhưng đã thành “thương hiệu” made in… mẹ, lòng mới thấy cô đơn hiu quạnh vô cùng. Thèm lắm, những tháng Tám như thế, những khoảnh khắc mà dù chỉ trong mơ thôi cả cuộc đời cũng mong ước quay lại một lần.
Tháng Tám gọi về những mùa quả ngọt vườn nhà. Quả vườn nhà đúng nghĩa rất sạch, sáng ra vườn liếc mắt thấy quả ổi cơm vàng rộm, nhón tay hái lấy cho vào miệng nhộm nhoạm mà chẳng phải lo lắng điều gì. Rồi thì na, bưởi, hồng, chuối… thứ nào thứ nấy mời gọi, quyến rũ không tài nào cưỡng nổi. Lại nhớ ở phố, mặc dù không có vườn nhưng cũng phong phú đủ đầy các loại quả, từ dân dã đến cao cấp, muốn ăn gì có thể chạy ù ra đầu ngõ. Nhưng bằng sao được quả quê, bằng sao được những trái được lớn lên chính từ sự chăm sóc, gửi trọn yêu thương của cha mẹ dành vào mảnh vườn nhà thân thương?!
Tháng Tám gọi về thật khẽ, nhắc nhở tôi những năm tháng ở quê nhà bình yên, nhắc nhở những gian khó để trân quý trưởng thành hiện tại. Cảm ơn tháng Tám đã “bao dung” những điều giản dị, tưởng chừng vụn vặt, chở che tôi đi qua những năm tháng tất tưởi… để hôm nay đây, lòng nhẹ bẫng an yên khi khắc tới tháng Tám quê nhà yêu thương!