Không chỉ tạo ra các giá trị sinh thái, sinh quyển và sinh học quý giá, rừng pơ mu, sa mu ngàn năm tuổi ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa) còn tạo công ăn việc làm cho người bản địa, mang lại giá trị lớn về văn hóa, du lịch
Để nhìn ngắm tận mắt khu rừng pơ mu, sa mu "đặc sản" của xứ Thanh với nhiều đại thụ ngàn năm tuổi, chúng tôi phải tới tận bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa từ hôm trước, ngủ lại bản rồi sáng hôm sau leo lên núi cao. Bản Vịn nằm rất xa, cách huyện lỵ Thường Xuân hơn 70 km và cách trung tâm TP Thanh Hóa 130 km, đường sá đi lại khó khăn.
Tác giả bài báo (trái) và cán bộ Trạm Kiểm lâm bản Vịn bên cây pơ mu 1.000 năm tuổi ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên
Ngắm "thần mộc" giữa đại ngàn
Để có thể mắt thấy, tay sờ được những "cụ" cây ngàn tuổi này, việc ngược rừng của chúng tôi không hề đơn giản. Rất may, chuyến đi này, chúng tôi được ông Thiều Đình Tính, người dân địa phương có thâm niên hàng chục năm đi rừng, hộ tống. Ông gần như thông thuộc hết những cánh rừng ở Xuân Liên như trong lòng bàn tay.
Sau khoảng 3 giờ đi luồn dưới những tán rừng xanh tốt, chúng tôi đã tới tận những gốc cây pơ mu, sa mu già và thực sự choáng ngợp trước vẻ cao lớn của chúng. Trong vô số những đại thụ giữa đại ngàn hùng vĩ, không khó để nhận ra cây sa mu khổng lồ, được xem là "thần mộc" giữa rừng già Xuân Liên. Cây sống ở độ cao hơn 1.200 m, giáp biên giới Việt - Lào, có đường kính 3,9 m và chiều cao tới tán là 43 m. Năm 2013, cây sa mu này cùng với "cụ" pơ mu có đường kính 2,7 m, cao 35 m được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vinh danh là "Cây di sản Việt Nam".
Theo ông Lê Quang Đạo, cán bộ Trạm Kiểm lâm bản Vịn - Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên, 2 "cụ" cây này được các chuyên gia Nhật Bản lấy mẫu phân tích và xác định có tuổi đời lần lượt khoảng hơn 1.000 năm và 1.500 năm. Ngoài 2 đại thụ này, Xuân Liên còn có hàng chục cây trên 1.000 năm tuổi và khoảng 50 cây có đường kính từ 1 m trở lên, các cây khoảng tầm 1 người ôm thì nhiều vô kể.
"Rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã tới đây nghiên cứu, đánh giá quần thể rừng pơ mu, sa mu tại Xuân Liên là một trong những quần thể cây hạt trần thuộc họ hoàng đàn có tuổi đời lớn nhất, số lượng tập trung dày đặc nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại và được xem như "kho báu" của Thanh Hóa" - ông Đạo cho biết.
Rừng pơ mu, sa mu ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên
Giữ rừng già là giữ nguồn sống
Khoảng hơn 20 năm về trước, Thanh Hóa có rất nhiều cánh rừng bạt ngàn, được xem là đặc hữu, như lim xanh. Thế nhưng, khi "cơn bão lâm tặc" quét qua, cánh rừng lim xanh một thuở ở Vườn Quốc gia Bến En giờ chỉ còn là hoài niệm. Không phải ngẫu nghiên "kho báu" pơ mu, sa mu tại Khu BTTN Xuân Liên tồn tại được tới ngày nay nếu không có sự bảo vệ quyết liệt của lực lượng kiểm lâm, của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân bản địa.
Bản Vịn gần như 100 % người Thái sinh sống, nằm gọn trong thung lũng rộng lớn, được bao bọc bởi những cánh rừng xanh mướt. Nơi đây có khí hậu khá mát mẻ vào mùa hè, bớt giá lạnh vào mùa đông. Cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, con người chất phác, hồn hậu nên bản Vịn được ví như Sa Pa thứ 2 của xứ Thanh.
Ông Lang Hồng Tuyên, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản Vịn, cho biết cả bản có 180 hộ và gia đình nào cũng có ý thức bảo vệ rừng. "Bao đời nay, dân bản chúng tôi sống dựa vào rừng. Chính những cánh rừng nguyên sinh là nơi khởi nguồn, cung cấp nước cho chúng tôi sinh sống hằng ngày và trồng trọt. Vì thế, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau cùng bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sống của mình" - ông Tuyên bày tỏ.
Ông Nguyễn Phú Thiều, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm bản Vịn, cho biết rừng tại bản này là nơi gần như còn nguyên sinh và giàu trữ lượng nhất Xuân Liên. Công tác bảo vệ rừng tại đây được bảo đảm là nhờ có sự chung tay của người dân. "Bà con nơi đây rất có ý thức bảo vệ rừng, nhất là rừng nguyên sinh. Từ khi tổ bảo vệ rừng của bản Vịn được thành lập (do người dân trong bản bầu ra để đi tuần tra, gác rừng cùng kiểm lâm), đặc biệt là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai, bằng cách giao khoán rừng cho hộ dân và cộng đồng bảo vệ, nhận thức của người dân đã thay đổi rất lớn, giúp họ thấy càng có trách nhiệm gắn bó với rừng" - ông Thiều nhìn nhận.
Nhờ bảo vệ được những cánh rừng thuộc loại "sách đỏ" mà hiện nay, người dân bản Vịn mở ra cho mình cơ hội rất lớn: Có thể kiếm sống được ngay trên chính khu rừng này khi du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đang được quan tâm đầu tư tại địa phương. Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng UBND huyện Thường Xuân, cho biết huyện đã quy hoạch xây dựng bản Vịn thành điểm du lịch cộng đồng kết hợp du lịch khám phá nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh hiện có của địa phương, hướng tới phát triển du lịch xanh và bền vững.
Khu dự trữ đa dạng sinh học
Khu BTTN Xuân Liên được thành lập năm 2000, có tổng diện tích khoảng 24.000 ha, được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là một trong những khu bảo tồn có dự trữ đa dạng sinh học quý giá của Việt Nam, với nhiều loài động thực vật nằm trong "Sách đỏ" Việt Nam và thế giới, có giá trị về khoa học và sinh thái.
Tại Xuân Liên, cơ quan chức năng đã xác định 1.142 loài thực vật, trong đó có nhiều loài lần đầu tiên được ghi nhận trên thế giới. Trong số này, quần thể rừng pơ mu, sa mu thuộc loại quý hiếm trên 1.000 năm tuổi. Hệ sinh vật phong phú, đặc biệt có sự trú ngụ của vượn đen má trắn - loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, nằm trong danh mục "Sách đỏ" Việt Nam. Đây cũng là nơi sinh sống của 192 loài chim, 80 loài thú, 44 loài lưỡng cư, 41 loài bò sát, 69 loài cá và gần 1.300 loài côn trùng.