Như một Mai An Tiêm khai phá đảo hoang, chỉ sau 35 năm, Bảy Tút đã biến Hòn Đụng thành nơi an cư lạc nghiệp của đại gia đình. Không những thế, ông còn cho con cháu học hành để đời chúng không còn mù chữ như cha ông.
Biến sỏi thành cơm
Hòn Đụng là một trong 21 hòn của quần đảo Nam Du, thuộc ấp An Phú, xã Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang). Từ Rạch Giá, mất gần 3 giờ ngồi tàu tốc hành mới đến đảo Củ Tron và thuê ghe máy chạy hơn 4 cây số nữa mới sang được Hòn Đụng.
![Hòn Đụng -](../../../../../userfiles/images/VANHOA/Que%20nha/8583.jpg)
Hòn Đụng - "vương quốc" của "chúa đảo" Bảy Tút.
Từ xa, Hòn Đụng như một lùm cây xanh khổng lồ. Dưới tán rừng, sát mép nước, chồng lên nhau ghềnh đá khổng lồ, hùng vĩ, muôn hình muôn vẻ sống động vì được sóng biển gọt giũa hàng triệu năm nay.
Để vào hòn, chiếc ghe phải chạy cạnh những lồng bè nuôi cá bóp, cá mú. Đặt chân lên hòn là đặt chân lên bãi đá cuội nhiều màu sắc, nơi sóng biển tràn lên, dưới ánh mặt trời chiếu rọi, vân đá lấp lánh rất đẹp. Khách lần đầu có mặt, thường bất giác cúi nhặt một viên sỏi, vân vê trên tay, nhiều người giữ làm kỷ niệm. Bước qua bãi sỏi đa sắc màu, đi dưới tán cây rừng xanh mát, tĩnh mịch, cảnh vật như trong truyện cổ tích.
Trên hòn chỉ có duy một căn nhà đơn sơ. Bà Phạm Thị Le (52 tuổi), vợ ông Phạm Văn Bê (thường gọi là Bảy Tút) bước ra niềm nở đón khách. Bà hồn hậu kể: Trước đây, cha mẹ chồng là ông Nguyễn Văn Láng, đưa con cái ra hoang đảo khai thiên lập địa và ở luôn cho đến nay.
Hồi đó, cuộc sống trên hoang đảo rất cơ cực. Nhà ở thấp, vào mùa gió chướng, mỗi cơn sóng biển là nước ngập nhà. Những lúc biển động không thấy hột gạo, phải ăn rau, cá, ốc trừ bữa. May ra một hai tháng có ghe đem gạo, thức ăn ra đổi cá khô, mực khô. Những cái Tết lẻ loi trơ trọi đi qua, ông bà Láng khai phá đất rừng trồng khoai mì, khoai lang chống đói, tiếp đến trồng xoài, mít.
Khi bà Le lấy ông Bảy Tút, về làm dâu trên hoang đảo, cuộc sống vẫn rất buồn. Buồn nhất là những ngày Tết, cả nhà trơ trọi giữa rừng, trong nhà không có trà, bánh, không rượu, không họ hàng thân thích. Tối đốt lửa sáng đêm, mắt hướng vào bờ. Thèm bữa ăn đoàn tụ, cả gia đình khao khát gặp người lạ.
“Vương quốc” Hòn Đụng
Ngày tháng dần qua, nơi hoang đảo có sự thay đổi lớn, có tiếng khóc, tiếng nói thơ ngây của con trẻ, tạo cho căn nhà xơ xác trở nên ấm cúng lạ thường. Đó cũng là động cơ thôi thúc ông Bảy Tút hăng say lao động, quên đi bao nhọc nhằn gian khổ.
![Con cháu](../../../../../userfiles/images/VANHOA/Que%20nha/8583_1.jpg)
Con cháu "chúa đảo" Bảy Tút chiều chiều chờ đón cha ông đi biển trở về.
Bà Le sinh bốn người con. Những đứa con biết đi cũng theo cha, theo mẹ ra gạn ngụp lặn mò ốc cờ, ốc nhảy, ốc cùi... Khi được vài chục ký, ông Bảy Tút chèo xuồng qua hòn lớn đổi gạo, thực phẩm.
Năm 2006, cha mẹ của ông Bảy Tút qua đời, đều ở tuổi 87 tuổi. Ông Bảy Tút đã sắm được ghe máy. Dưới biển nuôi lồng bè cá bóp, cá mú, trên rừng có hơn 200 cây xoài, 50 cây mít và hơn 59 cây điều cho trái. Đến mùa thu hoạch xoài, gia đình ông không bán mà để tặng cho bà con ở các hòn xung quanh.
Bốn đứa con, hai trai hai gái, của ông Bảy Tút đều đã có gia đình, có cháu nội ngoại đầy đủ. Nguyễn Thành Hiểu, con trai ông Bảy Tút, thổ lộ: “Hiện gia đình cháu được 15 người. Các cháu từ 7 tuổi đến 11 tuổi đều được gởi qua Hòn Ngang trọ học, cuối tuần mới rước về. Chúng không còn mù chữ như cha ông của chúng”.
Quần đảo Nam Du nay đã có đông người đến sinh sống, dân số xấp xỉ chục nghìn người. Nhiều hòn trong quần đảo, dân số tăng lên gấp nhiều lần trước kia, như Hòn Lớn, Hòn Ngang, Hòn Mấu. Nhà cửa khang trang, dưới biển giăng mắc tàu ghe, lồng bè nuôi cá, trên bờ đêm đêm rực rỡ ánh điện.
Riêng Hòn Đụng vẫn chỉ có gia đình ông Bảy Tút, leo lét đèn dầu như xưa, giữa huyền bí hoang đảo hút hồn du khách.
Sưu tầm
(Cuộc Sống Việt)