Hồi còn sống bà thường bỏm bẻm nhai trầu, đôi mắt mờ đục vì nhuốm màu thời gian nhìn vào cõi xa xăm “ huẩn bị củi lửa, hăm lăm làng trập ấn bay ơi”, chẳng ai hiểu trập ấn là gì, chỉ mong những cơn mưa cho cánh đồng lạc vụ xuân.
Sau này lớn lên mới hiểu, trập ấn là lễ mà quan viên chức sắc trong làng dâng hương hoa lễ vật kính cáo với thần hoàng và các bậc tiền nhân đã có công theo chúa Nguyễn vào xứ Đàng Trong khai hoang mở cõi về những thành tích trong năm qua, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt… Giống như những làng quê Bắc Bộ dựng cây nêu, sau lễ trập ấn cũng là lúc không khí Tết ngập tràn từ trong nội đến ngoài cõi, tiếng pháo đì đùng, mùi thuốc súng, mùi nhang trầm từ những căn nhà tất niên sớm hòa quyện vào nhau khiến chiều cuối Đông rét run bỗng dưng ấm lạ. Cành mai trước sân nở bung như khoe khoang mời mọc nửa như trách móc sao nhân thế khéo hững hờ trước sắc xuân, ngoài kia, cánh rừng cao su khẳng khiu những chồi non mới nhú còn nhõng nhẽo dưới nắng xuân như cô gái mới lớn còn ngỡ ngàng, e lệ trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Hồi ấy pháo chưa bị cấm, từ cuối tháng mười một lũ nhóc chúng tôi đã vòi tiền mua pháo đốt, thôi thì đủ, Nam Ô, Bình Đà, pháo tép… nổ inh ỏi. Khốn cho lũ chó, nghe tiếng pháo là cụp đuôi chạy ra đồng nằm chờ hết ba ngày Tết, những nhà danh giá giàu có người ta còn đọ sức, ganh đua nhau qua bánh pháo, pháo nhà ai nổ to nổ lâu là được thể vênh mặt. Khỏi nói những háo hức của trẻ con, mỗi ngày gần đến Tết mà chưa thấy bánh pháo là xị mặt, hết nhắc lại vòi vĩnh ba từ cuối tháng mười một đến lúc thấy bánh pháo màu hồng cuộn tròn như băng đạn đại liên cho lên gác bếp mới yên tâm. Không hiểu sao ba chỉ thích mỗi pháo Bình Đà, ngắm nghía nhãn hàng có dòng chữ in đậm: Cơ sở pháo Bình Đà… Tỉnh Hà Sơn Bình thì thẳm sâu trong đôi mắt ông thoảng nét u hoài, buồn man mác…
Sau này ba kể lại, ông nhớ mãi cái Tết năm bảy mốt, cái Tết cuối cùng trên quê hương miền Bắc, mâm cỗ được ông nội bày biện thịnh soạn chu tất nhất từ trước đến nay, khi quả pháo cuối cùng trên bánh pháo nổ đùng kết thúc giòn giã, ông nội thắp hương lên bàn lầm rầm khấn. Cô, dì, chú, bác đủ cả nhưng bữa cơm tất niên vẫn lằng lặng, trên bàn, chiếc radio đưa tin về chiến sự ở chiến trường miền Nam, xen lẫn là mấy ca khúc về mùa xuân khiến chiều tất niên có một cảm giác nôn nao khó tả, mấy hôm trước ba nhận được giấy báo nhập ngũ, ra Giêng lên đường, không biết đến bao giờ mới có thể gặp lại không khí sum vầy như hôm nay? Ông nội cố nói cứng động viên con trai nhưng trong đôi mắt hiền từ già nua ầng ậng nước…Sau ngày đất nước thống nhất ba có dẫn mẹ về quê một lần, một lần đi mà hãi đến già, đường sá nhiều chỗ còn lố nhố hố bom hố pháo, xe ô tô chỉ có thể đi từng chặng không thể chạy suốt được, vé tàu thống nhất là món hàng xa xỉ không phải ai cũng có, chuyến hành trình từ Huế ra Hà Nội mất bảy ngày, khiếp! Có lẽ sau này nhắc lại nhiều thế hệ nghe như chuyện cổ tích… Khi cuộc sống đủ đầy hơn, điều kiện đi lại tốt hơn thì bận công việc và tuổi tác không cho phép vì vậy miền quê xứ Đoài yêu dấu chỉ có thể vọng về trong ký ức và gom lại thành nỗi nhớ khôn nguôi…
Chiều hai tám Tết ba và mấy người nữa lại lụi cụi tay dao tay thớt với chú lợn Ỉ gần tám chục cân kêu eng éc, lũ nhóc chúng tôi lại tròn mắt dài cổ chờ lấy bọng đái làm bóng đá, cứ sợ mấy chú vô tình lỡ tay xuyên một phát thủng là mất toi cả năm chờ đợi, giờ nghĩ lại thấy buồn cười, Tết không mong gì hơn chỉ chờ bánh pháo với quả bóng lợn, đúng là trẻ con!
Năm nào ba cũng xin cho được cành mai, ba bảo ngày xưa ở chiến khu mai rừng nhiều lắm, mỗi lần mai nở mấy cậu lính Hà Nội lại mơ màng về những ngày Tết chưa nhập ngũ, chở người yêu cầm trên tay cành đào thế đạp xe dạo quanh bờ hồ, có cậu chịu không nổi bật khóc như trẻ con, những lần về vùng giáp ranh bám địch, trên dàn loa bọn tâm lý chiến suốt ngày mở những bài hát về mùa xuân nhưng nghe sao não nề, u uất… Chiến tranh quả là đáng sợ, không chỉ có bom đạn mà nỗi nhớ nhà nhớ quê hương mỗi độ Tết đến xuân về cũng khiến lòng quặn thắt, một khát vọng nhỏ nhoi rất đỗi con người thôi cũng bị nó nghiền nát.
Đã tám mùa xuân qua kể từ ngày ba về trời, từ bao giờ tôi không còn cảm nhận được không khí háo hức đợi chờ ngày giáp Tết? Cũng phải thôi, cuộc sống số đã quy ước tất cả vào những con số tròn trĩnh đến lạnh lùng, xã hội đã phân công công việc một cách bài bản đến cứng nhắc, bánh chưng, giò thủ đã có người làm sẵn chỉ vài trăm nghìn xong ngay, người ta tất bật hối hả cho xong ba ngày Tết như một công việc đã được lập trình còn đâu tâm trạng mà chờ đợi phút giao mùa.
Chiều nghĩa địa thắp nén hương thơm mời bà, ba về vui xuân mà nghe lòng nôn nao, không biết tại phút giao mùa hay chợt nhớ về những cái Tết của ngày xưa.
(Dân Trí)