1. Khái quát về tập quán và luật tục
Có nhiều khái niệm khác nhau về tập quán. Chẳng hạn, có quan niệm cho rằng: "Tập quán là phương thức ứng xử và hành động đã định hình quen thuộc và đã thành nếp trong lối sống, trong lao động ở một cá nhân, một cộng đồng". Nếu nhìn nhận tập quán dưới góc độ là một loại quy phạm xã hội thì tập quán có thể được hiểu là những quy tắc xử sự chung được hình thành một cách tự phát trong một cộng đồng dân cư trên cơ sở những thói quen trong ứng xử, trong lao động lặp đi lặp lại hàng ngày, được lưu truyền chủ yếu theo phương thức truyền miệng, được bảo đảm thực hiện bằng thói quen, bằng dư luận xã hội.
Với tư cách là một loại quy phạm xã hội, tập quán có vai trò rất lớn tới việc điều chỉnh hành vi hay xử sự của con người trong quan hệ giao tiếp hàng ngày và trong lao động sản xuất, đặc biệt là trong các giai đoạn phát triển trước đây của xã hội.
Tương tự như tập quán, về luật tục cũng có nhiều quan niệm khác nhau. Có thể đơn cử một số quan niệm sau:
Thứ nhất, luật tục là thuật ngữ được chuyển dịch từ "droit coutumier" (tiếng Pháp) và "customary law" (tiếng Anh). Người ta còn dùng các thuật ngữ khác để chỉ luật tục như "folk law" (luật dân gian), "indigenous law" (luật bản địa), "local law" (luật địa phương), "primitive law" (luật nguyên thủy), "unwritten law" (luật không thành văn)… "Droit coutumier" và "customary law" là từ ghép gồm hai bộ phận: droit, law = luật với coutumer, custom = phong tục. Cách cấu tạo từ này có hàm ý đây là hình thức trung gian giữa phong tục, tập quán và pháp luật, trung gian giữa luật và tục. Luật tục là loại hình pháp lí có đầy đủ tính dân gian, tính nguyên thuỷ, tính địa phương, tính dân chủ- cộng đồng, nó ra đời và tồn tại trong chế độ xã hội tiền giai cấp, lúc bấy giờ toàn dân làm chủ luật lệ của mình kể cả các khâu, như chúng ta nói bây giờ, lập pháp, hành pháp và tư pháp. Như vậy ở nước ta hiện nay luật tục tiêu biểu và cổ điển là luật tục các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên.
Thứ hai, luật tục là toàn bộ những nguyên tắc ứng xử không thành văn được hình thành trong xã hội, sau một thời gian dài áp dụng đã trở thành truyền thống và được mọi người tuân thủ… Luật tục đóng vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành các hệ thống pháp luật trên thế giới. Ở Việt Nam, dưới chế độ phong kiến và đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số, luật tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Hiện nay, luật tục vẫn còn thể hiện vai trò của mình trong một chừng mực nhất định. Vì vậy, trong quá trình xây dựng và áp dụng pháp luật, chúng ta không thể không tính đến luật tục một cách thận trọng để pháp luật có hiệu quả cao.
Thứ ba, luật tục là tập hợp những quy định chặt chẽ về các mối quan hệ và trách nhiệm của các thành viên trong cộng đồng, thể hiện một cách bao quát, phong phú các mối quan hệ xã hội truyền thống. Luật tục là hình thức sơ khai của luật pháp trong xã hội chưa phân chia giai cấp. Cũng có thể coi luật tục là những phong tục có dáng dấp của pháp luật hay luật tục là pháp luật dựa trên phong tục tập quán tộc người (có xử phạt, có chế tài thông qua toà án cộng đồng, toà án phong tục) hoặc là hình thức phát triển cao của phong tục, tục lệ, là hình thức sơ khai của luật pháp. Luật tục chưa phải là "luật" nhưng cũng không phải hoàn toàn là "tục" mà là giai đoạn quá độ, là hình thức chuyển tiếp giữa "tục" và "luật". Nói cách khác, luật tục là hình thức phát triển cao của phong tục tập quán và là hình thức sơ khai, hình thức tiền pháp luật.
Qua các quan niệm trên có thể hiểu luật tục là những quy tắc, nguyên tắc ứng xử hình thành và tồn tại trong cộng đồng dân cư, có giá trị bắt buộc phải tôn trọng và thực hiện đối với mọi thành viên trong cộng đồng, được bảo đảm thực hiện bằng những biện pháp nhất định trong đó có cả các biện pháp cưỡng chế. Luật tục là hình thức phát triển cao hơn của tập quán cả về giá trị bắt buộc tôn trọng và thực hiện, cả về biện pháp bảo đảm thực hiện.
2. Vai trò của tập quán và luật tục đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật
Giống như nhiều loại quy phạm xã hội khác, tập quán và luật tục tác động tới cả sự hình thành lẫn sự thực hiện pháp luật. Những tập quán, luật tục phù hợp với ý chí của nhà nước, nguyện vọng của nhân dân có thể và nên được thừa nhận thành pháp luật, thành những quy tắc xử sự chung được nhà nước bảo đảm thực hiện, qua đó góp phần hình thành nên pháp luật. Những tập quán, luật tục đó vì tồn tại lâu đời, ngấm sâu vào tiềm thức của nhân dân, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, trở thành thói quen ứng xử hàng ngày của họ và được đảm bảo thực hiện bằng dư luận xã hội, bằng các biện pháp cưỡng chế của cộng đồng nên thường được nhân dân tự giác thực hiện, nhờ đó góp phần làm cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, tự giác hơn. Trong quá trình áp dụng pháp luật, nếu các chủ thể có thẩm quyền vận dụng những luật tục, tập quán đã được thừa nhận vào việc giải quyết các vụ việc pháp lí xảy ra trong thực tế thì các quyết định của họ dễ được đánh giá là "vừa thấu tình vừa đạt lý" và dễ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân nên dễ được thi hành nghiêm chỉnh trong thực tế. Có thể nói, các tập quán, luật tục phù hợp với ý chí của Nhà nước đã tác động khá tích cực tới cả sự hình thành lẫn sự thực hiện pháp luật. Tuy nhiên, những tập quán, luật tục trái với ý chí của nhà nước có thể trở thành tiền đề để nhà nước ban hành ra những quy định mới nhằm loại bỏ chúng ra khỏi đời sống xã hội (ví dụ, tập quán cưỡng ép kết hôn, tảo hôn tồn tại trong xã hội đã trở thành tiền đề để Nhà nước ta ban hành quy định: Luật hôn nhân và gia đình), vì chúng thường cản trở việc thực hiện pháp luật. Trong trường hợp này, có thể nói các tập quán, luật tục đó tác động một cách gián tiếp tới quá trình hình thành pháp luật và tác động tiêu cực đối với sự thực hiện pháp luật.
Phần dưới đây chúng tôi chỉ đề cập những tập quán, luật tục của một số dân tộc thiểu số có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường mà các chủ thể có thẩm quyền có thể thừa nhận hoặc vận dụng trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay.
3. Luật tục bảo vệ môi trường của dân tộc Êđê
Dân tộc Êđê còn có tên khác là Anăk Ea Đê, Ra Đê (hay Rhađê), Êđê-Êgar, Đê; hiện nay dân số khoảng 194.710 người. Tiếng nói của người Êđê thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô-Pôlinêxia (ngữ hệ Nam Đảo). Người Êđê là cư dân đã có mặt lâu đời ở miền trung Tây Nguyên. Dấu vết về nguồn gốc hải đảo của dân tộc Êđê đã được phản ánh trong các sử thi và trong nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật tạo hình dân gian. Cho đến nay, cộng đồng Êđê vẫn là xã hội còn tồn tại những truyền thống đậm nét mẫu hệ ở nước ta. Người Êđê chủ yếu trồng lúa rẫy theo chế độ khoán khoảnh. Rẫy sau một thời gian canh tác thì bỏ hoá cho rừng tái sinh rồi mới trở lại phá, đốt. Chu kì canh tác khoảng từ 5-8 năm tuỳ theo chất đất và khả năng hồi phục của đất. Rẫy đa canh và mỗi năm chỉ trồng một vụ. Ruộng nước trâu quần chỉ có ít nhiều ở vùng Bih ven hồ Lắc. Dân tộc Êđê sinh sống tập trung ở tỉnh Đắc Lắc, phía nam tỉnh Gia Lai và phía tây hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà.
Luật tục Êđê gồm 236 điều với khoảng trên dưới 8.000 câu. Trong đó, những điều luật tục liên quan đến việc bảo vệ môi trường được cộng đồng quan tâm hơn cả là bảo vệ rừng, chim thú, đất đai, nguồn nước.
- Về bảo vệ rừng, theo Luật tục Êđê gồm bảo vệ cây đầu nguồn, bảo vệ cây rừng bên bờ suối, bảo vệ cây rừng ở bến nước, bảo vệ cây rừng ở khu rừng già, bảo vệ cây rừng ở khu rừng non. Bởi cây rừng là mái nhà của cộng đồng, mất cây rừng đất sẽ xói mòn, nguồn nước sẽ cạn kiệt, con người và muôn loài sẽ bị huỷ diệt. Do đó bảo vệ cây rừng là bảo vệ môi trường sinh thái của cộng đồng.
Điều 231 của Luật tục Êđê quy định: "Đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà. Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng, trông coi cây K'tơng, cây Kdjar", kẻ xâm lấn rừng và đất rừng của người khác nhất định phải bị đưa ra xét xử. Luật tục cũng răn dạy dân làng không được mang củi cháy dở vào rừng: "Ai có con phải dạy con, ai có cháu phải dạy cháu, kẻo đi hái củi mà không biết đi, đi suối lấy nước mà không biết đi. E rằng họ sẽ đốt đuốc cầm theo. E rằng đi rãy lo việc nương rẫy mà không biết đi, cầm theo những đầu cây cháy dở có thể huỷ diệt cả rừng…". "Con người để cháy rừng/Con người chặt phá rừng/Con người diệt hết muông thú. Tội ấy Giàng phải xử…"
"Không có nước con người không sống được. Cây bờ suối không được chặt trụi. Cây đầu nguồn không nên chặt phá. Mất cây rừng sẽ gây hạn hán. Mất cây rừng sẽ gây lũ lụt…". "Rừng già không được phá rẫy. Rừng có cây to không được làm nương. Mất rừng con chồn, con nhím không còn chỗ để trú, không còn nơi để kiếm ăn. Con người không còn rừng để sống…". "Làm rẫy không được phá rừng già. Làm nhà không được chặt cây to. Chặt một cây phải trồng bảy cây. Chặt cây to phải chừa cây con. Làm như thể rừng không bị mất. Làm như thế rừng xanh tươi mãi mãi…".
"Cây rừng đã có từ thời xưa của ông bà để lại. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ muôn làng. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ rẫy nương. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ bến nước. Bảo vệ cuộc sống của nhân dân".
Những điều luật trên chỉ ra rằng những người xây dựng Luật tục Êđê đã nhận thức được khá sâu sắc vai trò và tầm quan trọng của cây rừng đối với đời sống con người, đối với môi trường sinh thái nên cần phải được bảo vệ chặt chẽ, những hành vi xâm hại đến rừng đều phải bị trừng phạt nghiêm khắc, vì thế, những quy định về bảo vệ rừng được bảo đảm thực hiện bằng cả các chế tài hay các biện pháp cưỡng chế khá nghiêm khắc. Ví dụ: Điều 80 Luật tục Êđê quy định: "Đàn ông thường đốt lửa bừa bãi, đàn bà thường đốt lửa bậy bạ, có những người đốt lửa mà làm như kẻ điên, kẻ dại. Cây le đang đâm chồi như thế mà họ chặt mất ngọn, cây lồ ô đang đâm chồi thế mà họ chặt mất đọt. Nếu người ta bắt được họ đem về cho người tù trưởng nhà giàu thì chân họ tất bị trói lại ngay, tay họ tất bị xiềng lại ngay… vì vậy có chuyện nghiêm trọng cần phải xét xử họ".
Đối với những kẻ làm cháy rừng bị bắt được thì:
"Chân sẽ bị trói lại ngay/Tay sẽ bị xiềng lại ngay/ Buộc phải bồi thường nặng". Cho nên:
"Ai có con phải dạy con/ Ai có cháu phải bảo cháu/ Kẻo có thể đốt cháy rừng".
Luật tục còn khuyến cáo mọi người không được phát rẫy nơi rừng thiêng, do các vị thần linh cai quản, nếu vi phạm sẽ bị động rừng hoặc gây tai hoạ bằng quy định: "Đừng đốn cây đó/ Đừng làm rẫy chỗ này / Linh thiêng lắm". Tứ thiết (4 loại gỗ quý là: đinh, lim, sến, táu) chỉ được dùng để xây dựng đền chùa miếu mạo, cấm dân chúng sử dụng.
Tập quán canh tác của người Êđê gắn chặt với việc bảo vệ môi trường. Quá trình chọn rừng làm rẫy đã chứng tỏ rất rõ điều đó. Việc chọn rừng để mở rẫy thường do các già làng đảm nhiệm. Rừng được khai phá không phải là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, rừng gỗ quý… Việc đốt rừng làm rẫy trên thực tế chủ yếu là đốt rẫy cũ, với các loại rừng non, gỗ tạp, ít có giá trị kinh tế. Khi đốt rẫy, đồng bào cũng rất có ý thức bảo vệ những khu rừng xung quanh bằng cách dọn sạch những cành khô, cỏ úa, tạo nên khoảng trống giữa rẫy của mình với các khu vực khác, tránh để lửa đốt rẫy lan rừng, gây nên cháy rừng, bởi làm cháy rừng sẽ bị thần linh trừng phạt, cộng đồng xét xử.
- Về bảo vệ chim thú: Để đảm bảo cân bằng sinh thái thì phải bảo vệ chim, thú và đặc biệt là bảo vệ nguồn gây giống, vì thế, Luật tục Êđê quy định: "chim thú trong rừng ta phải bảo vệ. Thấy chim thú không nên đuổi bắt. Bắt con chồn không được bắt con mẹ. Bắt con cá không được bắt con mẹ. Bắt con thỏ không được bắt con mẹ…"
Luật tục Eđê cũng quy định rằng trong đời một con người chỉ được săn 30 con thú. Săn đến con thú thứ 30 thì phải vĩnh viễn vứt cung nỏ. Mặc dù các loài thú quý hiếm trong rừng không phải là của ai và săn bắn thú rừng cung cấp thịt cho bữa ăn hàng ngày là một hình thức kinh tế giữ vai trò khá quan trọng trong đời sống của đồng bào, song việc bảo vệ những loài thú quý hiếm đã được đồng bào thực hiện từ lâu đời.
- Về bảo vệ nguồn nước: Ở người Êđê, Gia Rai bến nước hoặc nguồn nước được coi là hình ảnh tiêu biểu của buôn làng. Việc làm ô nhiễm nguồn nước gây nên những hậu quả nghiêm trọng sẽ bị đưa ra xét xử và phải chịu những hình phạt rất nặng. Quan niệm của đồng bào là tại mỗi bến nước chung của làng đều có một vị thần linh trú ngụ. Bến nước bị uế tạp làm thần linh nổi giận gây ra dịch bệnh để trừng phạt dân làng. Bởi thế, hàng năm, dân làng phải làm lễ cúng bến nước. Trong lễ cúng đó, nghi thức quan trọng nhất là tất cả mọi người trong buôn làng phải tham gia quét dọn bến nước, làm cho bến nước trở nên sạch sẽ. Họ tin rằng làm như vậy các vị thần sẽ hài lòng, giúp cho dân làng được khoẻ mạnh.
Có thể thấy, mặc dù có tính chất tâm linh song quan niệm trên đã có ý nghĩa khá tích cực trong việc bảo vệ môi trường.
- Về xử phạt những kẻ gây ra dịch bệnh cho người, cho gia súc: Luật tục Êđê quy định rằng nếu biết có dịch bệnh mà không báo cho chủ làng, không cách li nguồn bệnh làm ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, làm "người ta không còn sinh được con gái, không còn đẻ được con trai, không còn giữ được nòi giống" thì sẽ bị phạt. Đồng thời còn quy định xử phạt cả những kẻ "cứ thả rông để trâu bò buôn mình lẫn với buôn khác" để cho nó lây lan dịch bệnh.
Người Êđê coi đất là mẹ. Đất cao nguyên có cấu trúc lượn sóng nên họ quan niệm đất là cái lưng ông bà. Truyền thuyết Êđê cho rằng hang Adrênh là nơi ra đời của người Êđê. K'tơng, Kdjar là cây thân gỗ mọc trong rừng, ong thường làm tổ trên đó. Luật tục quy định chỉ có chủ đất mới có quyền sở hữu các tổ ong đó.
4. Luật tục bảo vệ môi trường của dân tộc M'nông
Người M'nông có dân số khoảng 67.340 người; tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ me (ngữ hệ Nam Á). Người M'nông là cư dân sinh tụ lâu đời ở miền trung Tây Nguyên. Hoạt động sản xuất của người M'nông là trồng lúa nương trên rãy bằng phương pháp "đao canh hoả chủng": phát, đốt rồi chọc lỗ tra hạt; thu hoạch theo lối tuốt lúa bằng tay. Họ trồng lúa nước bằng phương pháp "đao canh thuỷ nậu" trên những vùng đầm lầy, dùng trâu để quần ruộng cho nhão rồi gieo hạt, không cấy mạ như ở đồng bằng. Điều đáng lưu ý là cái cuốc có vai trò rất lớn trong nền nông nghiệp cổ truyền M'nông.
Đi đôi với nền sản xuất nông phẩm, việc săn bắn, hái lượm còn giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Sản xuất thủ công nghiệp bằng nguyên liệu mây, tre, lá; thứ đến là nghề trồng bông dệt vải do phụ nữ đảm nhiệm. Trong mỗi làng còn có một số người biết làm gốm thô, nặn bằng tay và nung lộ thiên. Sản phẩm nồi đất các loại, bát cơm ăn và vò, hũ. Nghề rèn nông cụ không được phát triển lắm trong các vùng M'nông. Đặc biệt ở vùng Buôn Đôn, cư dân có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng rất nổi tiếng. Cho đến nay nghề này vẫn được tiếp tục duy trì tuy số voi săn bắt được hàng năm đã giảm đi đáng kể.
Dân tộc M'nông sống tập trung ở phía nam tỉnh Đắc Lắc, một phần tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Dương (Sông Bé cũ).
Luật tục M'nông ở Đắc Nông có 215 điều với khoảng 7.000 câu. Từ ngàn xưa, quy định về tội làm cháy rừng như sau: "chòi bị cháy chỉ một người buồn. Nhà bị cháy cả buôn phải buồn. Rừng bị cháy mọi người đều buồn… Rừng bị cháy mà không dập tắt, người đó sẽ không có rừng, người đó sẽ không có đất. Làm nhà đừng dùng cây nữa. Làm chòi đừng dùng cây nữa. Làm rẫy không phát rừng nữa. Khi thiếu đói đừng đào củ nữa. Bảo nó cất chòi ở trên mặt trăng. Bảo nó cất chòi ở trên ngôi sao. Bảo nó tỉa lúa ở trên tầng mây".
Trong luật tục của người M'nông lại có những điều khoản liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước ở một khía cạnh khác. Nguồn nước sinh hoạt cho con người mà còn cung cấp cá, tôm, cua, ốc làm thức ăn cho buôn làng: "Bắt con ếch phải chừa con mẹ. Bắt con cá phải chừa con mẹ. Chặt cây tre phải chừa cây con. Đốt tổ ong phải chừa ong chúa"; "… làm ô nhiễm nguồn nước ăn thì luật tục quy định chủ nhà phải tát nước cho hết phèn. Đồng thời phải cúng xoá cho thần linh một lợn, một bầu gạo, một dê, một bầu cháo và một trâu hay một bò cho buôn làng".
Việc thuốc cá (dùng các loại vỏ cây, rễ cây có chất làm say cá, giã ra hoà xuống suối, để cá say nổi lên mà bắt) đã huỷ hoại môi trường sinh thái của dòng suối nên bị cộng đồng nghiêm cấm: "Muốn ăn ếch dùng ná mà bắn. Muốn ăn cá dùng rớ và vớt. Không thuốc bằng kuau rle. Làm chết sạch cả tép aar cua. Bon, làng có quyền khiếu nại. Ai thuốc cá có tội với làng. Tội thuốc cá không ai đếm nổi".
Đồng bào Êđê, M'nông, Gia Rai không chỉ coi voi nhà lá tài sản lớn mà còn coi chúng là người thân trong gia đình. Voi ốm chủ voi phải làm lễ cúng cho voi khỏi bệnh. Voi chở nặng, chủ voi phải làm lễ xin lỗi voi vì đã bắt voi làm quá sức. Chủ voi còn phải làm lễ cưới cho voi. Khi voi chết, chủ voi phải làm tang lễ, làm nhà mả và làm lễ bỏ mả như đối với người. Làm voi mang thương tích nặng phải cúng một trâu, một ché rượu. Làm voi chết phải đền con voi khác. Bắn chết voi phải đền con voi khác. Bắn chết voi rừng làm cho voi nhà buồn mà chết theo thì bị phạt như làm cho voi nhà bị thương. Trộm voi, cướp voi phải phạt một ché rượu, một con heo hoặc trâu. Nếu làm voi lạc, ai bắt được, chủ voi phải chia đôi giá trị con voi hoặc chuộc bằng con voi có giá trị thấp hơn, nhẹ cũng phải chuộc bằng trâu. Người xử kiện phải khách quan, tương tự như "Hai bên hòn đá, cá trê đứng giữa/Hai bên cây lúa, cây nêu đứng giữa/Bên gió, bên bão, chiếc diều đứng giữa".
Như vậy, tương tự Luật tục Êđê, Luật tục M'nông cũng rất coi trọng việc bảo vệ các yếu tố của môi trường sinh thái như rừng, nguồn nước, các loài động vật hoang dã và gia súc. Song khác với Luật tục Êđê, Luật tục M'nông còn quan tâm đến việc điều chỉnh quan hệ sở hữu đối với rừng, đất đai, nương rẫy và cách thức chăn nuôi gia súc. Cụ thể, trong Chương VIIb - Về quan hệ sở hữu, Luật tục M'nông quy định: không được bán đất, bán rừng, thậm chí không được bán rẫy, vì như thế: "Con cháu sẽ trở thành nghèo khổ/Cây cối không còn để dùng/Không có bóng cây che nắng". Hoặc "Đốn cây đừng cho ngã ngược/Chặt cây đừng cho dập cành". Nghĩa là khi phát rẫy không được làm hư hỏng những cây cối khác mọc xung quanh. Ngoài ra, Luật tục M'nông còn quy định: "Nuôi heo phải làm chuồng/ Nuôi voi phải có cọc/ Nuôi trâu bò không được thả rông". Người chăn nuôi phải bảo vệ cây trồng, nếu để vật nuôi làm hại cây trồng thì phải bồi thường theo mức: "Ăn một bụi lúa phải cúng gà/ Ăn một vạt phải đền một gùi/ Lúa không chết cũng phải đền".
5. Tập quán bảo vệ môi trường của dân tộc Thái
Dân tộc Thái còn có nhiều tên gọi khác như: Tay Thanh, Man Thanh, Tay Mười, Tày Mường, Hàng Tổng, Tay Dọ, Thổ; dân số khoảng 1.040.549 người; tiếng nói của họ thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái (ngữ hệ Thái-KaĐai).
Người Thái có cuội nguồn ở vùng Đông Nam Á lục địa, tổ tiên xa xưa của người Thái có mặt ở Việt Nam từ rất sớm.
Hoạt động ở sản xuất của người Thái chủ yếu là nghề trồng lúa nước trong hệ thống thủy lợi thích hợp, điều đó đã được đúc kết như một thành ngữ "mương, phai, lán, lịn" (khơi mương, đắp đập, dẫn nước qua vật chướng ngại, đặt máng) trên các cánh đồng thung lũng. Họ làm ruộng cấy một vụ lúa nếp, nay chuyển sang 2 vụ lúa tẻ. Họ còn làm nương để trồng thêm lúa, ngô, hoa màu, cây thực phẩm và đặc biệt bông, cây thuốc nhuộm, dâu tằm dệt vải.
Dân tộc Thái hiện nay sống tập trung ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình và Nghệ An.
Tập quán của người Thái quy định: đối với rừng phòng hộ ở đầu nguồn nước thì tuyệt đối cấm khai thác; rừng dành cho việc khai thác tre, gỗ để dựng nhà, phục vụ cho các nhu cầu của cuộc sống thì tuyệt đối không được chặt đốt làm nương. Ở mỗi mường đều có "minh bản nen mương" (hồn thiêng bản mường), có núi rừng "rợp bóng bản mường". Đầu mường có "rừng hồ chiềng" gọi là "Cửa Xen", cạnh mường có khu rừng mang tên "Chiềng Kẻo" là khu rừng kiêng cấm, không được chặt phá… Nhiều bản còn có những khu rừng tre, rừng vầu cấm chặt phá gọi là "pá nó hảm" (rừng măng cấm). Sau những trận mưa đầu mùa, măng mọc rộ, người ta mới tổ chức cho cả bản vào rừng hái măng. Sau đó lại "đóng cửa" đợi đến đợt măng sau hoặc mùa màng sau. Các bản xưa còn có những cánh rừng nguyên sinh dành cho dân bản săn thú, không ai được đẵn cây đốt cỏ. Những khu rừng "đon khuông" được coi là rừng của thần linh trú ngụ, tuyệt đối không được phá, nếu ai xâm phạm thì sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lừơng. Ngày xưa những khu rừng cấm này không ái dám xâm phạm, dù chỉ là hái một ngọn măng, chặt một cành cây, săn bắt một con chim thú… Thậm chí ai đi qua cũng phải cúi lậy, kể cả phìa tạo cũng phải xuống ngựa, chị em phải cởi khăn piêu xuống lặng lẽ bước qua, thú bị thương trong những cuộc săn bắn nếu chạy vào đây không ai được đuổi theo và sẽ được rừng che chở bảo vệ. Người Thái có câu: "Tai pá phăng, nhăng pá liệng" có nghĩa là: Sống rừng nuôi, chết rừng chôn. "Hiêm pá vạy lun lăng chắng mả/Vạy haử nặm chu bỏ lay lơng/Phaư chứ đảy khót nặn măn chẳng pên côn" có nghĩa là: Giữ rừng cho muôn đời phát triển/Để cho muôn mỏ nước tuôn trào/Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người.
Người Thái nói về rừng, rừng thiêng và trách nhiệm bảo vệ rừng của mỗi người một cách cụ thể, ai cũng hiểu được: "Pá đông xông cột/Mạy pên khôn/Côn pên nuốt/Pá cắm đông kheo/Mạy hua ta/ Nga hua bó/Pá tắm đin piêng/Pá heo đông căm/ Pá cấm đông xên…". Có nghĩa là: Cây có lông (có nghĩa là cây cổ thụ), như người già có râu, rừng xanh bát ngát, là rừng đầu nguồn, rừng đầu mỏ nước, rừng ngút ngàn tít tắp, rừng cúng tế, rừng kiêng, rừng linh thiêng… Bảo vệ rừng để cho hôm nay, cho ngày mai và cho muôn đời thế hệ mai sau. Rừng trong tâm thức của người Thái như trái tim của cộng đồng, thể hiện những quy ước, tập quán và những giá trị văn hóa truyền thống được tôn thờ, được sùng kính như với ông bà tổ tiên. Vài năm một lần bản mường tổ chức cúng rừng - "xên đông". Lễ cúng diễn ra trang trọng, linh thiêng, thầy cúng đại diện cho cộng đồng cầu khấn các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận gió hoà, mùa vụ tốt tươi, cuộc sống ấm no hạnh phúc… chính vì thế, rừng được bảo vệ từ trong ý thức của mỗi người, nhân văn và cao đẹp biết bao.
Như vậy, khác với Luật tục Êđê và M'nông, tập quán bảo vệ môi trường của người Thái chủ yếu quan tâm đến việc bảo vệ rừng.
6. Luật tục bảo vệ môi trường của dân tộc Mường
Dân tộc Mường có tên tự gọi là Mol (hoặc Mon, Moan, Mual); dân số khoảng 914.596 người; tiếng nói của họ thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (ngữ hệ Nam Á). Người Mường có cùng nguồn gốc với người Việt cư trú lâu đời ở vùng Hoà Bình, Thanh Hoá, Phú Thọ…
Trong hoạt động sản xuất của người Mường thì nông nghiệp chiếm vị trí hàng đầu, cây lúa là cây lương thực chính. Công cụ làm phổ biến là chiếc cày chìa vôi và chiếc bừa đơn, nhỏ có răng bằng gỗ hoặc tre. Lúa chín dùng hái gặt bó thành cụm gùi về lấy từng cụm bỏ vào máng gỗ, dùng chân chà lấy hạt rồi đem giã. Trong canh tác ruộng nước, người Mường có nhiều kinh nghiệm làm thuỷ lợi nhỏ. Ngoài ruộng nước, người Mường còn làm nương rãy, chăn nuôi gia đình, săn bắn, đánh cá, hái lượm và sản xuất thủ công nghiệp (dệt vải, đan lát…).
- Luật tục về thu hái măng và các loại cây thuộc họ tre nứa: Tập quán về thu hái măng ghi rõ: "Bắt đầu từ khi các loại măng tre, bương… mọc cho đến trước ngày 20 tháng 6 âm lịch hàng năm, bất luận là ai cũng không được bẻ măng trong rừng hay trong các gồ bương, tre… trong vườn nhà do chính tay mình trồng. Ai vi phạm dù là con trẻ, hay người lớn nếu bị phát hiện thì gia đình người đó phải nộp phạt cho mường một con lợn (lợn nái đã đẻ). Luật tục này cũng đựơc áp dụng trong cả các trường hợp "nhà ai thả rông gia súc vào rừng dẫm, đạp, làm đổ gẫy măng thì chủ gia súc phải nộp phạt cho mường một con lợn cái".
Đúng đến ngày 20 tháng 6 âm lịch (tuỳ theo các làng mường tự quy định có thể trước hay sau thời điểm này vài ngày) hàng năm, lí trưởng hay lang, đạo cai quản các mường họp bàn, quyết định phát hiệu lệnh cho phép bằng chiêng, trống hay rao mồm, lúc đó người dân mới được thu, hái măng.
Theo kinh nghiệm dân gian của người Mường, mùa măng mọc bắt đầu từ mùa xuân. Trong thời gian từ mùa xuân cho đến gần hết tháng 6 âm lịch, số lượng măng phát triển cây rất cao, vì giai đoạn khí hậu, môi trường nóng, ẩm thuận lợi cho măng mọc, khả năng kháng sâu bệnh cao. Từ tháng 7 âm lịch về sau, măng vẫn còn thường có những cơn mưa dầm dài ngày nên phát sinh nhiều sâu bệnh hại măng, kèm theo gió, bão thường xảy ra quật đổ gẫy măng. Do vậy số cây phát triển từ măng thời gian này rất thấp nên người xưa cho thu hoạch măng ở thời kì này. Quy định trong luật tục của người Mường về vấn đề này thể hiện sự am hiểu thiên nhiên khá sâu sắc nên có tính khoa học cao.
- Luật tục về bảo vệ nguồn lợi thủy sản dưới sông: Nguồn thực phẩm của người Mường xưa có ba nguồn chính là súc vật nuôi trong nhà, nguồn thịt rừng và nguồn thuỷ sản dưới các sông suối.
Ở vùng đất của người Mường, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản dưới sông, suối đã được các lang, đạo, chức sắc và người dân Mường nâng lên thành tục lệ. Trên các con sông, suối được chọn ngăn từng khúc, từng khoang. Những khúc, khoang sông, suối đã được ngăn đó trong các ngày thường không ai được phép đánh bắt cá. Còn ngoài những nơi bị cấm, dân Mường được tự do đánh cá về ăn. Việc cấm đánh cá, bảo vệ những khúc, khoang sông đó còn được thần thánh hoá, tâm linh hoá nên ngoài việc sợ lang, đạo phạt, dân Mường còn sợ làm kinh động đến nơi ở của các loại thần thuỷ tộc như: rồng, khú, thuồng luồng… vì thế các quy định cấm này được chấp hành nghiêm chỉnh. Thời gian cấm gần như là quanh năm, chỉ 1-2 lần, trong năm vào các dịp giỗ chạp nhà lang, dân Mường mở hội mới được đánh bắt cá ở các khúc sông cấm
Ngày nay quan sát, nhìn nhận cụ thể các khúc, khoang sông bị cấm khi xưa mới thấy các khúc sông cấm ấy thường hội đủ các yếu tố như sông sâu, dòng nước chảy vừa phải, có bãi cát ngầm thoai thoải hay những hang, hốc đá ngầm… rất thuận lợi cho các loài cá sinh đẻ và trốn tránh kẻ thù. Những nơi cấm chính là nguồn cung cấp giống bền vững cho sự tái tạo, phát triển ổn định, lâu dài của các loài cá. Về chế tài phạt vật chất đối với người vi phạm cũng rất nặng không kém gì việc bẻ măng. Tuy nhiên, mọi người thực hiện các quy định cấm một phần do sợ bị phạt song phần chính là do ý thức tự giác của mỗi người dân trong việc chấp hành tập quán, luật tục nên việc thực hiện rất nghiêm minh.
Trên đây là luật tục và tập quán liên quan đến việc bảo vệ môi trường của một số dân tộc ít người ở nước ta, nó chứa đựng trong đó vốn tri thức phong phú của người xưa về việc bảo tồn, khai thác cân bằng, hợp lí các nguồn lợi của thiên nhiên phục vụ hữu ích, thiết thực cho nhu cầu đời sống cộng đồng. Những tri thức này cần được tìm hiểu và kế thừa trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật ở nước ta nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
|