(VACNE)- Hội thảo “Tăng cường phối hợp tuyên truyền bản tin dự báo bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng” diễn ra sáng 12/12 tại Hà Nội do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia) tổ chức.
Theo ông Bùi Văn Đức, Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những năm gần đây tình hình khí tượng thủy văn ngày càng phức tạp; thiên tai bão lũ xay ra ngày càng thường xuyên và khốc liệt gây suy thoái môi trường.
Người đứng đầu Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm: “80% dân số Việt Nam có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai.”
Theo TS Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cơn bão Sơn Tinh (bão số 8) vừa qua xuất hiện vào cuối tháng 8 là cơn bão muộn, cường độ mạnh nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Đây là cơn bão diễn biến rất phức tạp, đã gây thiệt hại cho các tỉnh miền Bắc trong đó có mấy người chết và mất tích.
“Nếu công tác dự báo không tốt, bão số 8 có thể khiến hàng chục, thậm chí hàng trăm người thiệt mạng chứ không dừng ở mấy người chết”, TS Tăng nói thêm.
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa bão năm 2012 xuất hiện trên Biển Đông sớm hơn so với trung bình nhiều năm trong đó cơn bão số 2 (Pakkhar) sớm nhất kể từ tháng 3/1982 đến nay.
Tính đến ngày 5/12/2012 trên khu vực Biển Đông đã có chín cơn bão và hai áp thấp nhiệt đới, trong đó có năm cơn bão và một áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta. Trong nửa cuối tháng 12/2012 và các tháng đầu năm 2013 còn có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Về nắng nóng, năm nay nắng nóng xuất hiện sớm, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 17 đợt nắng nóng, tập trung nhiều ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ với mức độ khá gay gắt, nhiệt độ cao nhất trong những đợt nắng nóng này phổ biến từ 36-39 độ C, một số nơi lên tới trên 39 – 40 độ C và đạt giá trị lịch sử trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ. Hai đợt nắng nóng gay gắt vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ là hai ngày 24, 25/4 và từ ngày 28/4 đến 4/5/2012. Nhìn chung nền nhiệt độ từ tháng 5 đến tháng 11/2012 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trong khi đó mùa mưa ở cả Bắc Bộ, Nam Bộ, và Tây Nguyên đều đến sớm (đầu tháng 5); Từ tháng 4 đến tháng 11/2012 trên phạm vi toàn quốc đã có 19 đợt mưa lớn diện rộng, tuy nhiên tổng lượng mưa các tháng ở Tây Nguyên và Nam Bộ phân bố không đều cả về không gian và thời gian. Mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ kết thúc sớm (cuối tháng 10 và đầu tháng 11), phổ biến ở mức thấp hơn một ít so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Từ tháng 9 đến 11/2012 là các tháng chính của mùa mưa tại Trung Bộ nhưng số đợt mưa lớn xảy ra ít, tổng lượng mưa trong các tháng đều thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đặc biệt tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ trong tháng 10 và tháng 11/2012 tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt từ 70-90% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Theo nhận định, trong các tháng mùa khô năm 2013, tình trạng thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, xảy ra cục bộ một số vùng thuộc khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Về không khí lạnh, các đợt rét đậm có khả năng tập trung từ cuối tháng 12/2012 đến đầu tháng 2/2013, tuy nhiên sẽ không kéo dài. Đợt rét đậm đầu tiên (nhiệt độ trung bình ngày ở các tỉnh Đồng Bằng và Trung du Bắc Bộ xuống dưới 15 độ C, kéo dài từ ba ngày trở lên) của vụ Đông Xuân 2012 - 2013 có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 12/2012.
Mai Anh