quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Tản mạn – Những hạt sạn trong diều gà

Thứ Sáu, 07/01/2011 | 09:10:00 PM

Thật dễ hình dung, khi có người ví những bài viết trong chuyên mục “Tản mạn”của Website Hội BVTN&MT Việt Nam như vậy, bởi những hạt sạn nhỏ bé này khi nằm ở đâu đó, vẫn chỉ là sạn sỏi, nhưng nếu may mắn được loài gà, loài chim lựa chọn đưa vào trong diều, trong mề, thì chúng sẽ là những vật phẩm rất hữu ích.

 

Phó Ngang
 

Dù nuốt vào đôi khi cũng khó, nhưng nhờ có nó mà các chú gà nhỏ mới lớn khôn, thậm chí trở thành “bác gà trống mào đỏ” đầy hãnh diện, hàng ngày có thể gọi được cả “ông” mặt trời.
 

Mới mở ra 2 tháng, nhưng chuyên mục “Tản mạn môi trường”- cái Diều của chú gà Website VACNE đã xuất hiện tới 60 “viên sỏi quý”- những bài ký sự, tản văn, chuyện cũ, những bài thơ đôi chỗ gieo vần lạc điệu và ngang phè, nhưng có không ít độc giả phải thốt lên những câu đầy thán phục. Họ ngỡ ngàng khi lạc vào “vườn hoa” tản mạn và ngay sau đó bị dẫn dắt, đi từ sự bất ngờ này, sang bất ngờ khác. Ngay sau đó họ như bị thôi miên, bị cuốn hút vào những mẩu chuyện không đầu không đuôi, những mạch ký ức mới bập vào cũng thấy gờn gợn: hình như rất vu vơ, vớ vẩn; nội dung vụn vặt và ít gắn với đời thường. Nhưng khi xem kỹ lại và suy ngẫm kỹ thêm một chút, người đọc mới phát hiện ra những ý tứ thâm sâu, những câu đầy  tính triết lý và mang tính nhân văn mà các tác giả đã cố ý cài đặt trong bài viết của mình. Khoác áo “tản mạn” nhưng các thông điệp của các bài viết này lại rất tập trung và xoáy sâu vào chủ đề nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là nâng cao “quan trí” và cổ súy cho các phong trào bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.



Ối giời ơi! Sao lại là “Cái lò so” ? còn kèm theo cả ảnh nữa chứ. Người ta đang nói về: hạn hán, sóng thần, mưa đá, bão lũ ngút trời giữa mùa đông, tuyết rơi giữa mùa hè…thì một “bố già” lại xuất hiện, thậm chí trên chuyên mục này lại “trình làng” một “Cái lò so” nữa chứ. Tưởng chuyện tình báo gián điệp, cơ khí luyện kim (chẳng ăn nhập gì với môi trường) nhưng té ra tác giả lại đưa ra khái niệm rất mới, rất lạ, là “Sức bật môi trường”; cảnh báo những thảm họa khủng khiếp mà con người sẽ phải trả giá, nếu như tiếp tục khai thác thiên nhiên một cách vô tội vạ và trái quy luật như hiện nay.

Trong khi cả làng, cả xã đang vui mừng và bàn tán xôn xao về sự kiện các cây đa, cây đề ở sân đình, bến nước, bờ đê… sẽ được VACNE tôn vinh là “Cây Di sản”, thì xuất hiện một “ông Cây bụi” nhảy vào trang Web, cứ nằng nặc đòi Ngài Chủ tịch Hội Môi trường Việt Nam phải vinh danh họ hàng nhà mình. Với lý lẽ sắc như dao của anh Phó cạo đầu ngõ, “ông” Cây bụi chê các nhà khoa học vừa thiếu kiến thức, vừa thiếu tầm nhìn, bởi theo nghiên cứu của ông, thì chính loài Cây bụi mới có công đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Vì nó là đội quân tiên phong giúp loài người đi mở đất từ thuở Hồng hoang, từ những ngày mới khai thiên lập địa. Còn nếu so sánh về tuổi tác thì chưa chắc “thấp bé nhẹ cân” lại kém “các ông cao to  béo mượt”. Theo ông, những “Đại lão mộc” như Si, Đa, Bồ đề, Gạo… mà Hội BVMT bầu chọn vinh danh, chẳng qua chỉ là những loài gỗ tạp, mà loài người không biết dùng vào việc gì, nên họ mới để sống dai, có gì là “danh” mà “vinh”. Còn vài “cụ” muỗm, “cụ” nghiến, “cụ” Lim, “cụ” Dầu… ở đâu đó may mắn sống sót, chẳng qua là cũng nhờ cái lưỡi không xương của loài người. Nhất là khi được các pháp sư, thầy mo, thầy cúng, phù thủy … gắn cho cái mác: Thần, Thánh, Tiên, Ma…thì mới thoát chết mà thôi. Vẫn tác giả này, trong một “Nỗi niềm” khác, ông lại kiến nghị: lãnh dạo VACNE phải vinh danh cả “Con Di sản”. Bằng cớ là “Cụ” rùa Hồ Gươm còn cao niên hơn khối “cụ cây”; đồng thời còn nêu đích danh một nhà khoa  học Việt Nam đã khẳng định: đây là loài rùa quý và là “cụ” độc nhất vô nhị còn sót lại trên hành tinh của chúng ta. Nhờ được con người gán cho đủ thứ linh thiêng, nên dù mai lưng rất mềm và thịt khá nhiều (nặng cả tạ), nhưng cả nghìn năm nay “cụ” vẫn được con người đưa ra ngoài danh sách dòng họ Ba ba, chuyển sang họ Rùa. Điều quan trọng hơn, là không có một bợm nhậu nào, dám “dũng cảm”đưa cụ vào nồi lẩu. Cho dù lẩu Ba ba rất ngon, được con người ưa thích và “cụ” đã nhiều lần bò lên bờ hồ hóng mát, dạo chơi cùng con người. Nhờ thứ văn hóa này, mà “cụ” rùa Hồ Gươm trở thành vị cao niên nhất Việt Nam và gần đây bỗng nhiên được một nhà khoa học gắn cho cái họ của nhà vua.

Đúng là phải có “văn hóa môi trường” rồi - một thành viên VACNE đã lên tiếng trong một bài viết về chủ đề này. Tác giả đã nêu rất cụ thể về tình huống: bị một người Ấn độ (TS. Shamar) phê phán khi soạn thảo cuốn “Chiến lược Môi trường Việt Nam” mà không đưa một từ nào nói về “kiêng kỵ văn hóa”, mà lẽ ra một nước châu Á phải có. Không chỉ ở Ấn Độ, mà hàng loạt “Rừng thiêng”, “Động tiên”, “Suối thần”, “Hang Mãng xà”…ở Việt Nam, đã nhờ những kiêng kỵ văn hóa, mà môi trường cảnh quan, cùng rất nhiều loài động vật hoang dã được bảo vệ, do người dân tiếp nhận và làm theo. Trong một bài khác, với “cái tít” như trêu ngươi “ASOEN”, đọc xong mà không hiểu nghĩa và chẳng biết đây là chữ Tây hay chữ Ta.

 Đọc mãi mới vỡ lẽ: đây là hàng chữ viết tắt của một tổ chức môi trường quốc tế. Vì tò mò, người đọc bị tác giả dẫn dắt đến vùng địa linh Yên Tử (Quảng Ninh) lúc nào không biết. Từ đó, người đọc mới “ngộ” ra rằng: khi có lòng tin và văn hóa, thì người dân sẽ bảo vệ cảnh quan môi trường một cách tự giác. Hóa ra, tác giả đã khéo léo đưa các băng rôn, khẩu hiệu “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân” vẫn thấy treo nhan nhản ngoài đường (chỉ chữa đi một số câu chữ) rồi gắn lên trang Tản mạn. Tác giả còn thông tin thêm: không chỉ người châu Á, mà cả người châu Âu cũng làm như vậy. Cụ thể là một công dân nước Anh (Tiến sĩ Giôn) đã từng bị lợn rừng cắn cụt cả một ngón tay khi nghiên cứu về môi  trường, nhưng vẫn bỏ Luân đôn sang sống hẳn ở Việt Nam, để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Dù có lúc ẩn danh, với cái tên “Phó Hội viên” nhưng người đọc vẫn dễ dàng nhận ra: đây là một “Bố già” trong lĩnh vực môi trường, có thời làm cán bộ quản lý Nhà nước. Nếu là “Phó thường dân” thì làm sao lại biết lắm chuyện đến thế, thậm chí còn bén mảng đến cả cuộc họp của Tổ chức các quan chức cao cấp Môi trường ASEAN? Chắc chắn là thế, nên tác giả mới có nhiều “chuyện chưa từng kể” ở tầm vĩ mô: từ xây dựng luật pháp đến quản lý tài nguyên môi trường.

Cùng quan điểm về “Văn hóa Môi trường” tác giả bài viết “Ngày Tết liệu có ai thành thật với miền Trung?” lại đưa người đọc sang tận Trung Quốc, để nghe một ông chuyên gia họ Trần đánh giá về tác động môi trường các công trình thủy điện trên sông Lan Thương – đầu nguồn Mê Kông. Để rồi sau đó, đặt vấn đề về văn hóa ứng xử của các nhà quản lý Việt Nam với đồng bào miền Trung, trước những khó khăn của do các hồ đập của ta mới dựng lên. Tác giả chỉ cầu mong: Trong dịp Tết, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, có một ai đó xám hối và thành thật với người dân; với suy diễn và hy vọng: khi những người trong cuộc biết nói điều thành thật, thì họ sẽ sửa được cái sai không đáng có về môi trường, góp phần  làm giảm bớt nỗi thống khổ cho đồng bào miền Trung, cũng như tất cả những địa phương khác ở nước ta đang chịu tác động của các đập thủy điện.

Thật khó tóm lược nội dung những bài viết trong “Tản mạn Môi trường”. Người viết lại càng không dám hy vọng có thể giới thiệu một cách đầy đủ, có hệ thống, hoặc lạm bàn về những ý tưởng của các tác giả. Nhưng nếu không đề cập tới những “thông điệp bằng thơ” trên trang Website này thì sẽ là thiếu sót, bởi trong đó đã xuất hiện tới cả chục bài.

Trước “Tiếng ve khóc thầm”- tiếng nỉ non, sự nuối tiếc của một người con quê hương khúc ruột miền Trung về những mất mát màu xanh môi trường: “…Ai ơi hãy trả màu xanh cho hè/Mọi người ơi hãy lắng nghe/Nỉ non trong nắng tiếng ve khóc thầm”… đã có hàng loạt “Trăn trở bằng thơ” khác của của các sĩ phu Bắc Hà hướng về đồng bào bị bão lụt miền Trung. Những câu hỏi và chất vấn, hay nói đúng hơn là những “giọt nước mắt” bằng thơ trong một bài  thơ ngắn giữa tháng 10, khi bão lũ đang hoành hành ở miền Trung đã nói được phần nào trách nhiệm, cũng như tình cảm của các nhà khoa học môi trường. “Rừng ơi, rừng ở đâu/   Sao không ngăn nước lại/.. Dân nghèo chết thảm thương/ Ai là người có lỗi?”. Không chỉ đặt câu hỏi, một tác  giả khác còn thẳng thừng chỉ ra: “Dẫu Trời xuống chiếu Thiên Lôi/ Thực thi Nổ Lớn gấp mười thời xưa/ Bọn chúng cũng chẳng có chừa/ Túi tham không đáy bao giờ đầy đâu/”;  Thậm chí còn khẩn thiết yêu cầu luật pháp trừng trị: “Xin Thiên Lôi giáng xuống đầu/   Lũ người vô cảm nỗi đau nhân tình”.

Không chỉ quan tâm tới tình hình môi trường trong nước, nhiều bài còn đề cập tới các sự kiện nổi cộm trên Thế giới. Trong lúc cả hành tinh đang hướng về Hội nghị bàn về biến đổi khí hậu toàn cầu ở Can-cun (Mê-xi-cô), thì “vườn Tản mạn” lại mọc lên một “bông hoa” đầy gai góc, lời thơ 4 chữ mộc mạc,  nhưng hàm chứa nội dung không phải là phỏng đoán, mà là câu “Sấm” của một nhà Tiên tri: “Họ đến Cancun/ Mặt lau không sạch/ Lý dọc lẽ ngang/ Nghe chừng ngõ cụt”… “Này ai đến đó/ Cancun Cancun/ Dù một chút hơn/ Cố mà chấp nhận”.

Song hành với những bài có nội dung: phê phán, tư vấn, phản biện, ở chuyên mục này người đọc còn bắt gặp rất nhiều cảm xúc bằng thơ, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và con người. Đặc biệt là những bài viết về những nhân tố tích cực bảo vệ Tài nguyên môi trường. Cụ thể, ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Chuyên mục này đã có ngay bài “Thầy môi trường” Những đoạn thơ ngắn: “Thầy thương bụi cỏ/ Khi leo lên rừng/ Thầy về giữa phố/ Thành gió ngập ngừng.. Nhân ngày Nhà giáo/  Không có huy chương/ Chỉ mong Thầy khỏe/ Để cứu môi trường” đã làm cho nhiều nhà giáo, nhà hoạt động môi trường xúc động thực sự. Có lẽ, đây cũng là những phần thưởng cao quý cho những người tạo dựng và đang chăm chút cho trang Website này./

 

Lượt xem: 4860

Các tin khác

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

THỜI SỰ

(10/03/2024 11:43:PM)

QUÀ XANH

(09/03/2024 05:16:PM)

NÂNG TẦM KHÁT VỌNG

(07/03/2024 09:24:AM)

AI SAY CỨ VỀ

(04/03/2024 10:37:AM)

Mỗi kỷ niệm - một niềm vui

(01/03/2024 10:32:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE