Con gà thường trực trong phong cảnh nông thôn, từ vườn rộng rào thưa, đến ngã ba sông nước; con gà thân thiết trong tâm cảnh Việt Nam, từ lời ăn tiếng nói hàng ngày “con gà cục tác lá chanh”, đến bàn thờ ông bà ngày giỗ tết, vào đến văn thơ, tranh pháo ngày Xuân.
Tranh Gà
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, hình ảnh con gà có một vị trí quan trọng. Thật ra, không riêng ở nước ta, con người đâu đâu cũng cần ánh sáng và hơi ấm của mặt trời; hình tượng gà được trọng vọng ở nhiều nền văn hóa khác nhau, như con gà trên đỉnh nhà thờ Thiên Chúa giáo ở các nước phương Tây.
Nhà thơ Tú Xương, nhà thơ trào phúng nổi tiếng của nước ta trong bài thơ "Xuân" đã viết: "Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Om thòm trên vách bức tranh gà".
Hai câu thơ vừa giàu hình tượng dân gian, vừa mang nội dung thực tế, hóm hỉnh, yêu đời. Tác giả ca ngợi pháo chuột và tranh gà, là hai trong những nhu cầu không thể thiếu được của người Việt Nam trước đây trong dịp Tết đến, nó được liệt vào hàng "danh mục" ngày Tết cùng nhiều thứ khác không thể thiếu như "thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh".
Hình tượng con gà trong di sản văn hóa Việt Nam được nuôi dưỡng trường tồn từ tình đất hương cây, từ niềm vui chân thành mà giản dị. Người xưa còn có quan niệm tranh Gà có tác dụng trừ tà, có lẽ vì con gà gáy sáng, có khả năng xua đuổi bóng tối và tà ma, mang lại ánh sáng, bình an, tin tưởng, sức khỏe, dương khí cho con người.
Ngày Xuân, cảnh vật như được hồi sinh sau mùa Đông giá rét, cây cối đâm chồi nảy lộc, mọi người tin rằng việc tốt hay xấu xảy ra ở ngày Tết sẽ có ảnh hưởng cả năm, cho nên, được một lời chúc hay có một hình ảnh tươi vui trong ngày Xuân, thì rất có giá trị. Những bức tranh Gà mang ý nghĩa sung túc, vui vẻ hạnh phúc. Do vậy, tranh Gà cũng là một loại tranh chúc tụng ghi nhận vào trong kho tàng tranh dân gian Việt Nam và thường được người xưa yêu thích treo lên tường nhà mỗi dịp Tết đến.
Gà tượng trưng cho Văn, Vũ, Dũng, Nhân, Tín
|
Gà tượng trưng cho Văn, Vũ, Dũng, Nhân, Tín
Trong bức tranh "Đại cát", gà được dân gian quan niệm vừa cấm quỷ, vừa cầu may. Hình ảnh chú gà trống oai vệ, hùng dũng biểu tượng cho sự thịnh vượng, cho 5 đức tính tốt của nam giới (người quân tử): tính văn (mào đỏ tựa như mũ cánh chuồn), tính vũ (cựa gà), tính dũng (không sợ địch thủ), tính nhân (kiếm ăn theo đàn, cùng với đồng loại), tính tín (gáy báo giờ chính xác).
Do vậy, chú gà trống măng tơ được miêu tả vừa chạy, vừa kêu tục tục, trông no nê, tràn đầy sức sống. Đuôi chú tủa ra như đám cỏ hoa trước gió; cánh chú xòe nhẹ với hàng lông đẹp tựa lưỡi kiếm; đầu ức của chú một màu vàng mỡ màng dễ ưa. Chỉ một mình gà thôi nhưng không vắng lặng chút nào. Dáng chạy nhanh nhanh ấy, cách diễn tả lông đuôi lông cánh ấy, lại thêm cái màu vàng rực ấy… tất cả đã tạo ra một sức xao xuyến ngập tràn, một biểu tượng cho sự thịnh vượng của đất nước, của con người. Từ lâu, con gà "Đại cát" đã đi vào lòng người Việt Nam như một lời chúc, mang ý nghĩa nghênh Xuân, một ý cổ động và được lặp lại trong nhiều tranh khác.
Hay bức tranh "Gà mẹ gà con" hay "Gà đàn", với nhiều cách diễn tả khác nhau là một trong những loại tranh gà đẹp nhất còn giữ lại cho đến nay. Trên tranh, con gà mái lớn đang ngậm con ong, hiền từ, chăm chút cho các con. Mười chú gà đứng quanh gà mẹ, con thì đang rỉa lông, con đang đùa chạy, con lại nấp dưới bụng mẹ… Mỗi con mỗi vẻ khác nhau, nhưng dường như tất cả đang hướng về một phía - nơi miếng mồi của gà mẹ vừa kiếm được. Hai chân gà mẹ giang ra chịu đựng sức nặng của hai chú gà con đang đứng trên lưng, đồng thời cũng chuẩn bị giữ thế trước sự giành mồi của các chú gà con đang chuẩn bị bổ nhào tới.
Ngoài cái ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu có, no đủ, bức tranh còn toát ra một "mối tình mẫu tử" thiêng liêng, một tình cảm nhân từ, một sự đoàn tụ sum vầy của gia đình gà. Đặc biệt, bố cục tranh khá chặt chẽ, giàu nhịp điệu. Sự sắp xếp chỗ đứng của từng con gà rất được chú ý, khiến người xem thấy được ngay cái rộn ràng, vui vẻ của đàn gà. Cạnh đó, một số con được vẽ công phu, có sự nghiên cứu cẩn thận: cái lối xòe đôi cánh, cái lối choãi chân, quay nghiêng đầu, uốn thân mình… trông vừa thực, vừa cách điệu, giàu nghệ thuật.
Chính vì những lẽ đó, nhà thơ Hoàng Cầm đã phải thốt lên khi xem tranh gà Đông Hồ: Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" là vậy.
Thơ hay về gà
Nhà thơ thân thiết nhất với loài gà có lẽ là Huy Cận, tác giả Ngơ ngác tựa gà trống, phải yêu tiếng gà sâu sắc mới làm được bài thơ này:
Gà gáy đầu thôn, gáy giữa thôn
Mưa tinh sương mát tận tâm hồn.
Đêm qua tắt gió cây không ngủ
Mưa sớm hàng cây đứng ngủ ngon.
Gà gáy trong mưa tiếng vẫn trong
Giọng kim giọng thổ rộn vang đồng.
Được mùa giống mới, gà no bữa
Tiếng gáy tròn như lúa nặng bông.
Núi Tản như con gà cổ đại
Khổng lồ, mào đỏ thắp bình minh.
Mênh mông gọi nắng cho mùa chín
Từ buổi Sơn Tinh thắng Thủy Tinh.
Bài thơ được sáng tác năm 1972, tác giả tự giải thích bằng một tựa đề dài: Gà gáy trên cánh đồng Ba Vì được mùa.
Năm 1962, Huy Cận có bài Sớm mai gà gáy tả cảnh nông thôn, thơ súc tích, rạo rực, sâu lắng, riêng tư:
Tiếng gà gáy ơi! Gà gáy ơi!
Nghe sao ấm áp tựa nghe đời.
Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp,
Trâu dậy trong ràn, em cựa nôi.
Cha dậy đi cày trau kịp vụ,
Hút vang điếu thuốc khói mù bay.
Nhút cà, cơm ủ trong bồ trấu,
Chút cá kho tương mẹ vội bày.
Gà gáy nhà ta, gáy láng giềng,
Ta nghe thuộc mỗi tiếng gà quen
Cha ơi con chửa nghe gà chú!
Nó cũng như mày hay ngủ quên.
Hàng cau mở ngọn đón ngày vào,
Xóm nhỏ nép bên triền núi cao.
Gà lại gáy dồn thêm đợt nữa,
Nắng lên xòe quạt đỏ như mào.
Gà gáy ơi! Tiếng gà gáy ơi!
Nghe sao rạo rực buổi mai đời!
Thương cha lủi thủi không còn nữa,
Chẳng sống bây giờ thôn xóm vui.
Huy Cận đã trải qua thời thơ ấu, lang thang, đùa chơi, chăn trâu, thả diều dưới chân núi, và có thể cái tên núi Mồng Gà, kết hợp với tiếng gà gáy, đã suốt đời ám ảnh nhà thơ.