Ronald Hoogebrug, Hà Lan
Lần thứ hai trong đời khi tôi bước chân vào ngôi nhà của gia đình nhà vợ ở xã Sài Đồng, Hà Nội là vào tháng giêng năm 2001. Trời bắt đầu trở lạnh. Lần này tôi cùng cả gia đình sum họp đón Tết Nguyên đán.
Tết là thời gian mà mỗi người Việt Nam mong đợi trong một năm. Tết là những ngày nghỉ lễ để bạn đi thăm gia đình và bạn bè. Đó cũng là dịp để bạn gặp gỡ, trò chuyện và làm quen với cả những người quen hay bạn bè của những người bạn mà mình tới thăm. Tết cũng là những ngày mà những người thân ở xa về đoàn tụ với gia đình hàn huyên tâm sự.
Ronald Hoogerbrug là kỹ sư thủy lợi tại thành phố Delft, nơi có trường đại học thủy lợi danh tiếng của Hà Lan. Hằng năm Ronald lại có thêm rất nhiều bạn mới là các sinh viên Việt Nam sang Hà Lan học tập tại trường đại học này.
Ronald nói tiếng Việt rất sõi, yêu Việt Nam và rất thích các món ăn Việt; con gái Mimosa Mai của họ có thể nói sõi cả hai thứ tiếng.
|
Mâm cỗ
Vào những ngày tết ấy tôi và vợ luôn có những buổi gặp gỡ liên hoan cùng bạn bè từ sáng đến chiều. Có những ngày khi chúng tôi chỉ hẹn đến chơi chúc tết bạn bè hoặc gia đình một lúc thôi, nhưng kết quả là đến mỗi nhà chúng tôi lại được chủ nhà đón tiếp với một bữa cơm hoàn toàn tết đầy đủ các món.
Cũng trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai này tôi được biết đến bánh chưng và cách người Việt Nam làm bánh thế nào. Mọi thứ cần thiết cho bánh chưng được chuẩn bị trong buồng của ông tôi. Lá dong được rửa sạch, sắp sẵn từng chồng bên cạnh rổ gạo nếp và đậu xanh. Thịt lợn được cắt miếng theo đúng kích cỡ không quá to hay quá nhỏ để lượng mỡ ngấm ra phần gạo nếp và đậu xanh được vừa độ. Cả đêm phải có người trông bánh và giữ độ lửa của bếp than, thêm nước sôi mỗi khi nước cạn. Sáng hôm sau chúng tôi hãnh diện với chồng bánh chưng mới 32 chiếc.
Lần đầu tiên tôi được nếm chiếc bánh chưng là ngày 24 tháng giêng khi ngồi cùng một mâm với bố vợ tôi, bố Lưu Văn Ðầm. Trên mâm cỗ là những món ăn rất hấp dẫn được tất cả những phụ nữ trong gia đình chuẩn bị như xôi, măng tươi, rau muống và... bánh chưng. Tôi tò mò nhìn khối vuông màu xanh trên đĩa, chiếc bánh chưng được gói chắc chắn, kín đáo trong những lớp lá xanh trông như gói quà vào dịp lễ Giáng sinh của chúng tôi ở Hà Lan.
Một gói quà vuông cân đối được chia ra bốn góc đều đặn bởi hai dây lạt. Mọi người quanh mâm tự hỏi không biết chàng rể nước ngoài kia có biết ăn món bánh đặc biệt này? Với đôi bàn tay thô ráp, bố vợ tôi khéo léo từng bước mở gói quà màu xanh ấy, bắt đầu từ hai dây lạt và mở dần từng lớp lá tới phần bánh xanh ươm màu lá. Bằng một động tác thuần thục ông lật ngược chiếc bánh đã không còn lớp lá nào.
Những chiếc lạt buộc lớp lá xanh bên ngoài với nhau được sử dụng để cắt chiếc bánh vuông vắn ra thành chín phần đều đặn. Bố vợ gắp góc bánh đầu tiên vào bát cho tôi và ra dấu bảo tôi ăn. Trong tất cả bữa ăn ông dành sự quan tâm đầu tiên cho những đứa cháu nhỏ. Không bao giờ ông là người ăn miếng đầu tiên trong các bữa ăn.
Tưởng nhớ
Tết 2001 là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món bánh chưng cùng bố vợ. Ông và tôi là hai người trong gia đình thật sự thưởng thức món bánh chưng với tất cả sự nhiệt tình. Hai bố con chúng tôi mỗi người đã ăn hết ba phần tư của mỗi chiếc bánh chưng liền một lúc trong số bốn chiếc bánh trên bàn ăn.
Vào ngày mồng một tết năm 2011 này tôi sẽ không còn được nhìn thấy bố vợ ngồi thưởng thức món bánh chưng yêu thích nữa. Vào dịp tết năm 2009 ông ốm rất nặng và chỉ vài tháng sau tết ông đã rời xa chúng tôi. Thế hệ các con trai ông sống vội vàng hơn. Họ không còn gói bánh chưng vào dịp tết mà mua bánh ở chợ Sài Đồng.
Ở Hà Lan vợ chồng tôi còn gói vài chiếc bánh chưng vào dịp tết. Tiếc là món thịt lợn ở đây không đủ độ mềm ngấm vào bánh như ở Việt Nam, vị bánh không hoàn toàn giống. Nhưng dù sao vợ chồng tôi vẫn có chiếc bánh chưng để đặt lên bàn thờ bố vợ tôi. Buồn vì sự thiếu vắng ông nhưng vui vì chiếc bánh chưng đưa chúng tôi đến gần bố của chúng tôi.
Tết cũng là những ngày để tưởng nhớ đến những người thân đã khuất.