Không có tài chính sẽ không có thỏa thuận
Nếu các nước nghèo không thấy sự hiện diện của những cam kết thực sự về tài chính, rất nhiều nguy cơ họ sẽ rời khỏi bàn đàm phán.

Theo lời ông Stravos Dimas, Cao ủy Môi trường của Liên minh Châu Âu, vào đầu năm 2009, “Không có tài chính sẽ không có thỏa thuận”.
Để đạt được một thỏa thuận công bằng và chắc chắn tại Copenhagen, Oxfam tính toán rằng các nước giàu phải chi thêm một khoản tiền mới ít nhất là 200 tỷ dollar Mỹ mỗi năm để giúp các nước nghèo trong việc đối phó với những ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu để cứu vãn tình hình hiện tại.
Khoản tài chính này không phải là tiền từ thiện, mà là trách nhiệm. Vấn đề tài chính là trách nhiệm của các nước giàu, đối tượng phải chịu trách nhiệm chính cho việc gây ra cuộc khủng hoảng về khí hậu, để giúp đỡ các nước nghèo, đối tượng có lỗi ít nhất nhưng lại phải chịu hậu quả nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.
Điều này đưa ra một phương thức viện trợ hoàn toàn mới - các khoản hỗ trợ phải là khoản bổ xung thêm vào các cam kết trước đó và được chi ra theo nhu cầu thực tế, chứ không phụ thuộc vào ý tưởng chính trị nhất thời của các nước giàu.
Hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo là cần thiết bởi hai lý do: để hỗ trợ cho sự phát triển phát thải khí các bon thấp; và giúp các nước đang phát triển thích ứng với những hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu.
Khoản hỗ trợ cho phát triển phát thải khí các bon thấp (hay nguồn tài chính cho giảm thiểu) là cần thiết để chi trả cho những chi phí tăng lên để đầu tư cho phát triển sạch.
Ví dụ như xây dựng một trang trại sản xuất năng lượng bằng sức gió thay vì nhà máy điện sử dụng than. Nếu các nước giàu cắt giảm được hay vượt chỉ tiêu tối thiểu 40% so với mức của năm 1990 vào năm 2020, nhưng nếu giảm thiểu không được triển khai ở các nước đang phát triển thì lượng khí phát thải toàn cầu cũng sẽ không thể giảm đủ để đưa sự nóng lên của trái đất ra khỏi mức độ nguy hiểm.
Khoản hỗ trợ cần lên tới bao nhiêu?
Các dự đoán về khoản hỗ trợ cần phải bỏ ra rất khác biệt nhưng số tiền ấy chỉ có tăng lên khi có thêm các nghiên cứu sâu được tiến hành. Vào tháng 9/2009, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới kết luận cần khoảng 75 -100 tỷ dollar Mỹ trung bình mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2010-2050 chỉ cho việc thích ứng (với giả thiết là chúng ta giữ được mức nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C).
Trong thời điểm hiện tại, Oxfam dự đoán phải chi ra ít nhất 100 tỷ dollar Mỹ mỗi năm cho giảm thiểu khí phát thải và 100 tỷ dollar Mỹ nữa mỗi năm cho thích ứng ở các nước nghèo vào năm 2020.
Các nước giàu cần phải đóng góp một cách công bằng để đáp ứng nhu cầu cần được hỗ trợ tài chính, tương ứng với trách nhiệm của nước đó trong việc gây ra cuộc khủng hoảng về khí hậu (lượng phát thải trong quá khứ và hiện tại), và tiềm năng tài chính của nước đó để giải quyết vấn đề này (GDP).
Theo tính toán của Oxfam, các nước thành viên của Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ phải chi ra khoảng 50 dollar mỗi năm, Australia 3,5 tỷ dollar, Nhật Bản 14,6 tỷ dollar, và Canada là 5,3 tỷ dollar.
Vấn đề chính ở Copenhagen là làm sao có triển khai nhanh chóng hỗ trợ tài chính trong giai đoạn từ năm 2010 cho đến năm 2012, trước khi hiệp định Copenhagen có hiệu lực, để giải quyết ngay những nhu cầu thích ứng, và khởi động phát triển sạch.
Các nước trong Liên minh Châu Âu và khối thịnh vượng chung đã đề xuất chi ra khoảng 10 tỷ dollar mỗi năm trong giai đoạn này. Đó là bước khởi đầu khá thuận lợi, tuy nhiên các nước giàu cần phải tăng các khoản viện trợ ngắn hạn này.
Theo ước tính của Oxfam, chi phí của sự thích ứng cấp bách của các nước đang phát triển sẽ tốn khoảng 50 tỷ dollar mỗi năm. Khoản ngân sách này rất quan trọng nhưng không vì thế mà các nước giàu có thể sao nhãng trách nhiệm của mình với cam kết tại Copenhagen nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính đầy đủ, dài hạn và có thể dự đoán được cho các nước nghèo.
Các khoản tiền hỗ trợ được lấy từ nguồn nào?
200 tỷ dollar mỗi năm để đối phó với biến đổi khí hậu là hoàn toàn có thể hiện thực hóa. Khoản tiền này còn ít hơn các khoản trợ cấp cho sản xuất nông nghiệp ở các nước giàu (hơn 250 tỷ dollar mỗi năm), và càng khiêm tốn hơn nếu so sánh với chi phí phải bỏ ra nếu không có một biện pháp nào ngăn chặn biến đổi khí hậu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế mới đây ước tính cần thêm 500 tỷ dollar mỗi năm nếu các biện pháp cắt giảm khí phát thải bị trì hoãn.
Nhưng nếu chỉ dựa vào những lời cam kết của các nước giàu là chưa đủ. Không có một sự đảm bảo nào cho việc các nước giàu sẽ giữ lời hứa của mình, và cũng có rất nhiều bằng chứng cho việc họ đã thất hứa. Tính cho tới nay, chỉ có chưa đến một nửa số tiền đến tay các nước đang phát triển, và chỉ có 15 % được sử dụng.
Ví dụ điển hình của việc đi ngược lại với cam kết là Chương trình Hành động Thích ứng Quốc gia (NAPAs) của các nước kém phát triển nhằm giúp các nước này tiếp cận các quỹ tài trợ các nhu cầu thích ứng khẩn thiết. Và giờ họ vẫn đang chờ đợi số tiền đó xuất hiện.
Tình hình cũng không khá hơn với sự có mặt của các thỏa thuận song phương. Vào đầu năm 2009, các nước giàu đã hứa sẽ bỏ ra một khoản 18 tỷ dollar, tuy nhiên thực tế số tiền được chuyển chưa tới 1 tỷ dollar. Hoa Kỳ có kế hoạch chi ra số tiền gấp 15 lần khoản đó cho hệ thống phòng lũ tại Bang Lousiana và các vùng duyên hải trũng khác sau cơn bão Katrina.
Nguồn hỗ trợ liên quan tới biến đổi khí hậu phải đáng tin cậy và chắc chắn đế các nước đang phát triển có thể bắt tay vào thực hiện kế hoạch dài hạn nhằm giảm thiểu khí phát thải cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu. Ba nguồn hỗ trợ tài chính hứa hẹn nhất được bàn bạc ở Copenhagen bao gồm:
1. Đánh vào lượng khí phát thải từ công nghiệp hàng không và tàu thủy (chạy than): Một loại thuế đánh vào nguồn nhiên liệu của hai hình thức vận chuyển này hoặc đánh vào doanh thu có được từ hình thức bán đấu giá các suất định mức khí phát thải trong cơ chế giao dịch khí các bon mới đối với ngành hàng không và đường biển. Điều này sẽ mang lại khoảng 30 tỷ đô một năm.
2. Khoản doanh thu từ cơ chế kinh doanh các chất phát thải (ETS) như cơ chế giao dịch lượng khí phát thải tại Liên minh Châu Âu đã thành công trong khu vực. Nhiều nước giàu sẽ nhanh chóng thu được lợi nhuận từ nguồn ngân sách mới khi định mức về lượng khí phát thải được bán đấu giá cho những ngành công nghiệp gây ô nhiễm hơn trong các cơ chế ngành và giao dịch nội địa. Một ví dụ điển hình, cơ chế giao dịch lượng khí phát thải ở Châu Âu được kỳ vọng sẽ đem lại khoảng hơn 75 tỷ dollar (50 tỷ euro) mỗi năm với hình thức này vào năm 2020.
3. Các hình thức mua bán, đấu thầu hoặc đánh thuế theo tỷ lệ định mức khí phát thải quốc tế: Đơn vị khối lượng được chỉ định (AAUs) đang phân cho các quốc gia theo Nghị định Thư Kyoto, tuy nhiên không theo các giao dịch thị trường. Các hình thức mua bán, đấu giá hoặc đánh thuế trên tỷ lệ phần trăm của đơn vị khối lượng, như Na Uy đề nghị, có thể mang lại khoản 200 tỷ đô một năm, đảm bảo đủ khoản tiền hỗ trợ cho các nước nghèo ngoài khoản ngân sách hàng năm của từng quốc gia.