quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024

Tác động của BĐKH đến ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế

Thứ Hai, 13/09/2010 | 02:07:00 PM

Phân tích số liệu cho thấy, ở Thừa Thiên Huế thay đổi khí hậu còn đậm nét hơn các nơi khác. Nhiệt độ trung bình năm ở Thừa Thiên Huế đều có xu thế tăng khá nhanh, vùng núi có chiều hướng tăng nhanh hơn vùng ven biển.

 

 

 

 Bien doi khi hau

 BĐKH ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế

  

Khí hậu và biến đổi khí hậu tại Thừa Thiên Huế 

 

Khí hậu Thừa Thiên Huế rất khắc nghiệt và khác biệt nhau giữa các vùng, các mùa. Tháng giêng và tháng 2 nhiệt độ thông thường là 17,7 0 C. Tháng 6 và tháng 7 là những tháng nóng nhất với nhiệt độ trung bình khoảng 29 0 C, nhiều ngày nhiệt độ lên đến 39 0 C- 40 0 C. Nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 25,1 0 C. ở đây có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7. Mùa mưa, thường bắt đầu từ tháng 8 hoặc tháng 9, kéo dài cho đến tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau. Trong mùa này, có những trận mưa liên tục kéo dài. Những tháng giữa mùa mưa, đặc biệt là tháng 9 và tháng 10 có mưa rất to và kéo dài.

 

Địa hình và vị trí địa lý cũng có vai trò quan trọng trong việc hình thành và tạo ra đặc thù của những biến đổi khí hậu Thừa Thiên Huế. Các dãy núi phía Tây và phía Nam có vai trò quan trọng nhất đối với khí hậu Thừa Thiên Huế. Về mùa đông, các dãy núi làm lệch hướng gió Đông Bắc thành gió Tây Bắc, không khí lạnh tĩnh lại phía Đông Trường Sơn và Bắc đèo Hải Vân gây ra mưa lớn, ngập lụt vào cuối mùa thu – đầu mùa đông, làm mùa mưa lệch pha so với tình hình chung ở Bắc Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và tạo ra một trong những trung tâm mưa lớn của cả nước.

 

Về mùa hè, các dãy núi gây ra hiệu ứng “phơn” dẫn đến thời tiết khô nóng gay gắt, kèm theo hạn hán.

 

Phân tích số liệu cho thấy, ở Thừa Thiên Huế thay đổi khí hậu còn đậm nét hơn các nơi khác. Nhiệt độ trung bình năm ở Thừa Thiên Huế đều có xu thế tăng khá nhanh, vùng núi có chiều hướng tăng nhanh hơn vùng ven biển.

 

Cường độ mưa tăng rõ rệt. Trong vòng 50 năm trở lại đây, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn nửa đầu thế kỷ trước. Từ năm 1952 đến 2005 đã có 32 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Thừa Thiên Huế. Không những thế, mực nước biển và đỉnh lũ lần sau luôn cao hơn lần trước. Năm 1999, trận lụt lịch sử đã có độ sâu ngập là 5,81 m. Trong năm 2007, các trận lũ lớn khác diễn ra trong vòng 1 tháng gây thiệt hại nặng nề về người và nhà cửa cho những người dân ở miền Trung. Mưa lớn liên tiếp kéo dài trong nhiều ngày đã gây lũ lớn, lụt lội, ngập úng tại nhiều nơi, phá hủy hàng ngàn công trình giao thông, nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà trong mực nước dâng cao, người dân không còn nơi cư trú, sinh hoạt, phá hủy hàng triệu hecta hoa màu và cây ăn quả… thiệt hại ước tính hàng ngàn tỷ đồng và mất một thời gian dài để người dân cũng như chính quyền địa phương tại các tỉnh miền trung có thể khắc phục những hậu quả sau trận lũ nói trên.

 

Kịch bản biến đổi khí hậu Thừa Thiên Huế

 

Kịch bản biến đổi khí hậu được tính toán dựa trên các kịch bản phát thải toàn cầu, có tính đến các thay đổi của địa phương. Các kịch bản phát thải được xác định dựa trên tốc độ phát triển kinh tế, tốc độ tăng dân số,  mức độ đưa vào sử dụng kỹ thuật mới, mức độ sử dụng năng lượng hóa thạch của các ngành công nghiệp, những chủ đề cơ bản lớn khác như sự hội tụ giữa các vùng, khả năng xây dựng và tương tác văn hóa xã hội và khả năng làm giảm sự khác nhau về thu nhập theo vùng.

 

Kết quả tính toán cho một số kịch bản về sự thay đổi của nhiệt độ và lượng mưa trung bình năm, trung bình thời kỳ (4 thời kỳ: tháng XII-II; III-V; VI-VIII và IX- XI) trong mỗi thập kỷ giai đoạn 2010-2100 so với điều kiện trung bình giai đoạn 1961-1990.

 

Với kịch bản phát thải cao A2, nhiệt độ trung bình năm tại Thừa Thiên Huế có thể tăng 0,90 C năm 2050 và tăng đến 2,5 – 3,0 0 C vào năm 2100.

 

Lượng mưa có xu thế giảm trong các tháng mùa khô. Mức giảm có thể đến 4,6% năm 2050 và đến 14,8 % năm 2100. Ngược lại trong các tháng mùa mưa, nhất là tháng 9-11, lượng mưa tăng đáng kể, khoảng 4,9 % năm 2050 và 16 % năm 2100.

 

Tác động của biến đổi khí hậu đến Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, BĐKH tác động đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực rất lớn: Biến động về diện tích canh tác do nước biển dâng (vùng ven đầm phá), biến động về năng suất cây trồng, thay đổi cơ cấu, thời vụ cây trồng vật nuôi; biến đổi về nhu cầu nước, năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi. Trong lĩnh vực thủy lợi và tài nguyên nước, BĐKH gây sự biến đổi về tài nguyên nước tại các lưu vực sông, đến cân bằng nước, quy hoạch và phát triển hệ thống đê sông, đê bao, hệ thống cấp thoát nước, tưới tiêu. Trong lĩnh vực thủy sản tác động tới diện tích nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, năng suất, sản lượng và giải pháp bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

 

 Trong sản xuất nông nghiệp, diện tích trồng lúa của Thừa Thiên Huế phần lớn tập trung ở vùng đồng bằng thấp trũng của các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Hương Thủy, có diện tích khoảng 56 -58 ngàn ha, trong đó có khoảng 40 ngàn ha đang được sử dụng để trồng lúa và cây hàng năm như lạc, ngô, rau màu... Đây là vùng đất thấp trũng với cao độ từ -0,5m đến + 3,0m, hệ thống đê bao thấp (cao độ mặt đê khoảng +0,5m), nằm sát đầm phá Tam Giang-Cầu Hai và cửa biển Thuận An-Tư Hiền, vùng đồng bằng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai như úng, lụt, hạn, mặn đặc biệt là tác động dâng cao mức nước biển trong thập kỷ tới. Khi nước biển dâng cao 1m vào năm 2100, trên 20% số diện tích đất sản xuất nông nghiệp và rừng phòng hộ ven sông, ven biển sẽ bị mất do ngập và nhiễm mặn. Ngoài ra, một số diện tích đất nông nghiệp cũng phải chuyển mục đích sử dụng sang làm nhà ở, các công trình cộng cộng để phục vụ cho việc di dân, tái định cư cho người dân vùng bị ngập, sạt lở, vùng có nguy cơ cao... Khi diện tích canh tác bị thu hẹp, sản lượng nông nghiệp sản xuất giảm, tác động trực tiếp đến đời sống của cư dân nông thôn, kéo dài tình trạng nghèo đói. Đối với người dân vùng ven biển, để duy trì cuộc sống, người dân có thể gia tăng cường độ khai thác thuỷ sản tại Tam Giang-Cầu Hai, làm phá vỡ hệ sinh thái ven biển và cạn kiệt tài nguyên...

 

Mặt khác, BĐKH sẽ làm gia tăng những hiện tượng cực đoan của thời tiết. Bão lũ, áp thấp nhiệt đới... sẽ xảy ra thường xuyên với tần suất lớn hơn và nông nghiệp và nông thôn chịu tác động trực tiếp nhất. Thiên tai không chỉ ảnh hưởng cây trồng trên đồng ruộng, làm giảm năng suất lúa và các cây lương thực khác hay mất mùa mà còn phá huỷ các kho tàng sau thu hoạch, các công trình thuỷ lợi...Khả năng hạn hán cũng sẽ tăng do thời tiết khô nóng xuất hiện nhiều hơn làm tăng nguy cơ sa mạc hoá đồng ruộng và tăng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, BĐKH sẽ làm thay đổi điều kiện khí hậu nông nghiệp, thay đổi cơ cấu thời vụ, phá vỡ tập quán canh tác từ lâu đời của nông dân.

 

BĐKH sẽ gia tăng nguy cơ dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi. Nhiệt độ cao làm cho sâu bệnh phát triển, tăng nhu cầu dùng nước. Đề phòng tránh, người dân sẽ dùng nhiều hoá chất thực vật sẽ làm tăng chi phí sản xuất và gây ô nhiễm môi trường.

 

Trong điều kiện 70% lượng nước của các con sông trong tỉnh Thừa Thiên Huế đều tập trung vào mùa mưa lũ, BĐKH với hiệu ứng là nhiệt độ tăng cao và mực nước biển dâng sẽ gia tăng sự khác biệt về tổng lượng nước giữa hai mùa trong năm. Sự cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ngọt trong các lưu vực sông vào mùa khô kèm theo xâm nhập mặn gia tăng sẽ gây thiếu nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp...Trong khi đó vào mùa mưa, với lưu lượng và mực nước lũ lớn sẽ phá vỡ hệ thống đê bao, các công trình cơ sở hạ tầng...phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp.

 

Trong lĩnh vực thủy sản, nhiệt độ nước biển tăng làm nguồn lợi thủy hải sản phân tán. Các loài cá nhiệt đới tăng lên, các loại cá cận nhiệt đới có giá trị kinh tế cao giảm. Trữ lượng các loài hải sản kinh tế bị giảm, do vậy sản lượng đánh bắt cũng như thu nhập sẽ bị giảm. Hiện tượng ENSO tăng làm thay đổi vị trí mật độ cá thông qua cấu trúc các vùng nước chồi, nước thụt, dòng hải lưu giảm. Nước biển dâng sẽ tác động mạnh nhất đến hệ thống đầm phá đã và đang được xây dựng để nuôi trồng thủy sản. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m thì toàn bộ hệ thống bờ ngăn, đê quai hiện có sẽ không còn khả năng sử dụng, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản sẽ chìm trong nước mặn.

 

BĐKH sẽ làm gia tăng các hiện tượng thời tiết bất lợi như bão, lũ. Thời gian ảnh hưởng của bão kéo dài, tần suất xuất hiện bão thường xuyên hơn làm giảm thời gian đánh bắt, chi phí xăng dầu phòng tránh bão lớn. Bão lụt phá hoại nhiều ngư cụ khai thác cố định trên đầm phá, biển (nghề mò sáo, đáy, lồng cá,..) tăng chi phí sửa chữa. Lũ lụt lớn thường xuyên xảy ra làm biến đổi dòng chảy của các vùng cửa sông ảnh hưởng đến hành trình tàu thuyền khai thác thủy sản, các luồng di cư sinh trưởng của cá. Thời tiết biến động mạnh làm ảnh hưởng đến mùa vụ nuôi trồng, dịch bệnh phát sinh ảnh hưởng đến năng suất nuôi trồng.

 

BĐKH sẽ làm thay đổi môi trường tự nhiên dẫn đến biến đổi đa dạng sinh học, tập tính  sống của các loài động thực vật thủy sinh; biến động nguồn giống trong tự nhiên. Khi nhiệt độ tăng quá cao, động vật nuôi trong các ao hồ có thể chết, chậm lớn, ăn kém...làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, các trũng vi khuẩn, nấm phát triển nhanh, mạnh gây ra dịch bệnh, gây hiện tượng phú dưỡng trong ao nuôi, ngoài đầm phá. Đây là một yếu tố bất lợi cho nuôi trồng thủy sản (làm chất lượng nước kém). Như vậy, nông nghiệp và nông thôn đang và sẽ là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH, trong tất cả các lĩnh vực kinh tế của tỉnh.

 

Kiến nghị các giải pháp ứng phó

 

Trong lĩnh vực nông nghiệp: Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại những vùng có nguy cơ cao, trong đó tập trung chuyển đổi các vùng ô đầm sâu trũng đang sản xuất hai vụ lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản hoặc chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cho phù hợp, tránh điều kiện bất lợi của thiên tai.

 

Dự báo biến động của thời tiết khí hậu để bố trí thời vụ sản xuất hợp lý, tránh những điều kiện bất lợi, chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật sản xuất cho từng giai đoạn của từng loại cây trồng.

 

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để né tránh tác động của biến đổi khí hậu, tạo năng suất, chất lượng cao và bảo vệ môi trường: Đối với mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các lĩnh vực công nghệ thường được ứng dụng là tạo giống bằng công nghệ nuôi cấy mô (hoa, cây ăn quả), lai tạo giống cây năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; phương pháp canh tác hữu cơ bảo đảm sạch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng vật liệu mới che phủ để chống cỏ dại, giữ ẩm đất, có thể tự phân hủy khi cây lớn, sử dụng các phế liệu nông nghiệp như trấu, mùn cưa… làm giá để trồng cây, đảm bảo vô trùng, thoáng khí, giữ ẩm tốt; tự động hoá, cơ giới hoá trong các quá trình sản xuất, vận chuyển sản phẩm, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản và đặc biệt là kỹ thuật trồng cây trong nhà kính từ đơn giản đến hiện đại (có hệ thống điều khiển tự động, hoặc bán tự động đối với các yếu tố: nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, phân bón, nước tưới) nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Nghiên cứu, khảo nghiệm các giống cây trồng có khả năng chịu úng, mặn, hạn, rét... để bố trí sản xuất trên các diện tích bị ảnh hưởng nhằm đem lại năng suất cao và ổn định.

 

Xây dựng và thực hiện các chương trình dự án trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng rừng trên vùng cát nội đồng, ven biển, đặc biệt cần quan tâm đến khôi phục và mở rộng diện tích rừng ngập mặn ven biển và đầm phá để hạn chế và giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, cải tạo hệ sinh thái của một số tiểu vùng (cát nội đồng).

 

Trong lĩnh vực thủy lợi và tài nguyên nước, phòng chống thiên tai: Quy hoạch phát triển đê sông, đê bao, hệ thống tưới tiêu, đặc biệt là nâng cao các đê kè ven sông, nhằm bảo vệ và khai thác hiệu quả diện tích canh tác. Đánh giá, quy hoạch tài nguyên nước có xét đến tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu nước tăng cao.

 

Hoàn thành việc di dời, sắp xếp và ổn định đời sống của nhân dân trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Phối hợp nhịp nhàng các lực lượng cứu hộ, cứu nạn để chủ động đối phó các tình huống cấp bách xảy ra, tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị để phát triển nguồn nhân lực phục vụ tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với các sự cố . Nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống đê biển, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hồ chứa nước lớn, các hồ chưa có tầm quan trọng đặc biệt. Đồng thời, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn cho ngư dân trên biển, hoàn thành 100% việc xây dựng các vị trí neo đậu tàu thuyền tránh trú bão theo quy hoạch được phê duyệt.

 

Trong lĩnh vực thủy sản: Hoàn nguyên các vùng nuôi đầm phá, vùng nuôi kém hiệu quả. Tập trung cho vùng nuôi cao triều, nuôi trên cát. Những vùng nuôi nhạy cảm bởi biến đổi thời tiết xây dựng các mô hình nuôi lồng, nuôi đăng chắn đơn giản.

 

Chương trình chuyển đổi ngành nghề. Khuyến khích những tổ chức, cá nhân khi có đủ nguồn lực mới tham gia hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (sản xuất giống, nuôi thâm canh...).

 

Quản lý các hoạt động đánh bắt xa bờ. Một số cơ sở chế biến thủy hải sản trong vùng ven bờ luôn có phương án chủ động về nguồn nguyên liệu và gắn kết với các vùng nuôi trồng thủy sản và các đội tàu đánh bắt. Tuy nhiên luôn có phương án dự phòng khi vùng nuôi trồng hoặc đội tàu đánh bắt bị tác động bởi những diễn biến của BĐKH thì phải nhập khẩu nguyên liệu từ những địa phương khác ngoài tỉnh…

Lê Nguyên Tường (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường

Lượt xem: 4317

Các tin khác

Những tiên cảnh sắp biến mất do nước biển dâng

(04/06/2014 09:57:AM)

Công trình xanh ứng phó biến đổi khí hậu

(29/05/2014 10:18:PM)

Hè 2014 có thể nóng kỷ lục

(29/05/2014 07:49:AM)

Thiên tai gây thiệt hại 500 tỷ đồng

(28/05/2014 10:03:AM)

Ứng phó với biến đổi khí hậu: Không có ranh giới hành chính

(27/05/2014 08:30:AM)

Biển biếc, đất lành thời biến đổi khí hậu

(24/05/2014 02:39:PM)

Trao giải cuộc thi “Biến đổi khí hậu – Hành động của em”

(23/05/2014 12:33:PM)

Poster cảnh báo trái đất đang "bốc hỏa"

(22/05/2014 09:39:AM)

Tháng 4 nóng nhất trong hơn 130 năm qua

(22/05/2014 01:01:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE