Thế nên nhiều người mới bảo mùa thu là mùa của hoài niệm. Buồn vui đều xa ngái, nhưng có khi còn đau. Tại người, tại ta chứ mùa bao giờ cũng vậy, giời đất thường đầy đặn những yêu thương, bù đắp.
Đã có người hái những trái thị lứa đầu đi bán chợ phiên, quả thơm phưng phức cành lá tươi nguyên. Người kén mua thì chọn quả chín vàng, tròn, cân, cành lá cũng phải đẹp. Ấy thế nhưng có người lại chọn quả vẹo cho ít hạt và bảo: Chơi dăm hôm rồi ăn, kẻo phí, được ăn quả thị chín ngọt như chè rất thích, nên khi chưa đến mùa cứ mong mong là, nay thấy là phải mua cho bằng được, đắt tí cũng mua.
Mùa thị chín cũng là khi hết mùa mít, còn quả nào thì ăn sượng và hạt thì đã mọc mầm. Mùa đến và đi kỳ diệu như thế, nên ai đó bảo “Nếm môi thấy trời khô hơn”, cảm mùa mà như nhớ, như yêu thế - hẳn là kẻ đa tình. Đôi người vẫn thấy nắng hắt mỗi chiều lại chỉ mong có đám mây mưa và trách sao mùa về quá chậm.
Mía bóc lá thêm lần, nghe hanh hao rõ hơn. Mùa vời vợi để đám trẻ con theo người lớn lại bảo “Hanh heo nó trèo lên ngọn”, là mía có gió hanh ngọt đến tận ngọn. Trẻ con nói chơi thế mà nhớ mãi. Nhớ sông bãi, nhớ vị ngọt đầu tiên khi chạm mùa thu của mía bãi quê mình. Có người lại vin vào đấy để nhớ một búi tóc đen nhánh, lộ cái cổ cao vương vài sợi tóc, rõ kiêu. Nhớ, ruộng hai nhà gần nhau sao chẳng mạnh dạn nói một câu rồi đi lính. Hết nghĩa vụ trở về, hỏi vòng vo mới biết nàng đã sang sông. Tiếc mãi.
Còn một đôi phiên chợ nữa mới sang mùa ngâu, sấu đã hanh vàng có người vẫn hái bán, người thì chê sấu giờ hạt to mà lại kém chua, người thì tiếc bảo: Sao không để Trung thu bán sấu chín? Mỗi người mỗi tính, mỗi nhà mỗi cảnh, có khi bán mớ sấu cũng lo được chút việc nhà trong lúc ngày 3 tháng 8 này.
Người bên bãi vẫn gồng gánh qua sông đi chợ tổng, nón khăn sùm sụp thế mà vẫn nhận ra nhau chào mời hay hỏi thăm. Nhiều cô gái người làng lấy chồng bên bãi độ cuối xuân nay gánh rau đi chợ lưng đã ngay đơ, bảo rằng cuối năm sinh con. Mấy bà nhìn trìu mến dặn dò: Thời nay làm vừa vừa thôi con ạ, còn dưỡng sức. Thời các bà khó khăn, chửa vượt mặt vẫn phải đồng áng, có người còn đẻ rơi.
Thầy chùa nay cũng đi chợ phiên, người mấy làng gần đây, người trong tổng đi chợ đều ngưng bước kính trọng chào thầy. Vườn chùa chẳng thiếu thức gì, hoa trái mùa nào thức nấy đủ dâng cúng suốt, chứ chẳng cứ phải ngày sóc vọng, nhưng nay thầy đi chợ là để sắm mấy thứ chuẩn bị cho mùa Vu lan. Chợ dưới chân đê còn xa, thầy rảo bước mà không thôi nghĩ về thời gian và phận người.
Ngày thầy chính thức xuống tóc, cũng là ngày thầy trồng cây hoa đại bên cạnh thư phòng. Kinh sách, việc nhà chùa sớm tối dắt thầy đi, nhiều bận thấm buồn, thầy khóc với hoa, với vầng trăng giữa nền trời thăm thẳm. Có người làng đến xin thầy tầm Trung thu cho hái buồng cau vườn chùa đúng độ để đi hỏi vợ cho con. Thầy mừng cho cả hai họ, chả gì bằng con cái trong nhà trưởng thành lại đắt vợ, đắt chồng.
Thầy hỏi tuổi đôi trẻ mà giật mình.
Cây đại cổ thụ có nhiều cành sà vào tận cửa sổ thư phòng, trăng gió thế nào thầy cũng không bao giờ đóng cửa.