quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Sản vật đất Kinh kỳ: Sống với nghịch lý

Thứ Tư, 03/12/2014 | 07:04:00 AM

Những nghịch lý về phát triển và bảo tồn luôn luôn tồn tại và mỗi địa phương, con người sẽ phải chọn cho mình cách ứng xử thích hợp. Với những sản vật nổi tiếng người Hà Nội vẫn tự hào như "Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/ Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây”… cũng vậy.

 
 

 

 

 
 

 
Bảo tồn trước khi quá muộn

 
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt đề cương Quy hoạch chi tiết khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh hồ Hoàn Kiếm đến 2020. Sẽ tiến hành trên phạm vi 5 phường Hàng Trống, Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Bạc và Hàng Đào, toàn bộ vùng nước hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận với diện tích 16ha.

 
Trước đó, việc bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ các nguồn gien quý hiếm, các loài cây trồng, vật nuôi đặc sản như cam Canh, bưởi Diễn, đào Nhật Tân, húng Láng, rau muống Linh Chiểu, gà Mía, cá rô đầm Sét... cũng được HÐND thành phố Hà Nội thông qua tại Nghị quyết về Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Cũng theo quy hoạch này đến năm 2030, thành phố sẽ có 7 khu bảo tồn mới. Năm 2020 sẽ có thêm ba khu bảo tồn mới là khu bảo tồn loài vật - sinh cảnh hồ Hoàn Kiếm, khu bảo vệ cảnh quan Vật Lại, khu bảo vệ cảnh quan hồ Tây.

 
Sẽ chấm dứt dần những hoạt động khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên, giảm hệ lụy của quá trình đô thị hóa đang đẩy không ít loài cây trồng vật nuôi đặc sản nức tiếng của Hà Nội tới nguy cơ tuyệt chủng. 

 
Người còn, mà húng Láng đã xa

 
Như Sâm cầm hồ Tây đã đi vào câu ca dao "Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây” của đất Thăng Long. Dân gian cho hay đây là loài chim này di trú từ phương Bắc về thường ăn nhân sâm trên đỉnh các núi cao nên được gọi là sâm cầm. Đó là lý do thịt sâm cầm là món ăn đại bổ. Sản vật quý ấy, "bầy sâm cầm nhỏ” ấy đã bị săn bắn tràn lan đến nay gần như không còn thấy "vỗ cánh mặt hồ” nữa... 

 
Mới đây người đầu tiên ở VN nhân giống thành công loài chim ăn nhân sâm đầy bí ẩn đó, anh Trần Nhữ Giáp dự định một hai năm tới sẽ tặng lại cho Hà Nội 50-100 con sâm cầm để thả xuống hồ Tây, trở thành công dân đặc biệt của Thủ đô. 

 
Ngay như húng Láng thơm đặc biệt giờ cũng gần tuyệt chủng, bởi đất trồng húng đặc sản trong làng Láng - xưa kia thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long, nay không còn, khi làng đã lên phường lên phố. "Người thì còn, nhưng mà húng Láng thì không còn nữa”, ông Ngô Văn Lộc, người có gia đình 3 đời trồng húng Láng đã chia sẻ với chúng tôi lời cảm thán đầy ngậm ngùi. 

 
Bởi vẫn giống ấy đem trồng ở ngoài làng Láng thì không thể thơm ngon bằng. Chỉ khi trồng tại đấy với chất đất và nguồn nước có chất vi lượng đặc thù riêng, thì húng láng mới có chất lượng hương vị riêng. Ngay cả những cọng hành, rau thơm, kinh giới, tía tô cũng vậy. "Nếu đưa về Thường Tín trồng trên chân đất khác, không biết có đảm bảo được hương vị không”, những người lâu năm trồng rau thơm ở láng Láng nói. 

 
Mà khi trồng húng Láng cũng phải có cách riêng và phải đợi đến tháng 10, 11 âm lịch, chờ cây lên mầm mới hái mà ươm luống mới được. Chất đất và cách chăm sóc rau gia vị truyền thống là chỉ dùng phân xanh và phân hữu cơ. Nay bón phân hóa học, phân vô cơ nên không thể bằng xưa.

 
Đối mặt thách thức

 
Chẳng còn mấy nữa, loài rau vốn là sản vật kinh kỳ dâng Vua một thời sẽ chỉ còn lại trong ký ức của những người dân gốc Hà Nội. Nghiên cứu, bảo tồn, chăm lo giống gốc và chuyển giao, ứng dụng các nghiên cứu khoa học này vào sản xuất được xem là giải pháp then chốt cho bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ các nguồn gien quý hiếm, các loài cây trồng, vật nuôi đặc sản..., để con cháu chúng ta mai sau sẽ vẫn biết đến loài rau thơm ấy và được thưởng thức nữa.

 
Thực tế cho thấy, dù các hoạt động bảo tồn quỹ gen được quan tâm hơn, song khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu kinh phí. Thêm vào đó, nạn đô thị hóa phá quy hoạch ở TP, nạn phá rừng phổ biến ở vùng cao, biến đổi khí hậu đe dọa sự tồn vong của các giống, loài. Trọng tâm cho hoạt động này những năm tới vì vậy là bảo vệ an toàn tuyệt đối, khai thác triệt để các nguồn gen hiện có. Tìm kiếm thu thập và đưa vào bảo tồn các nguồn gen bản địa được phát hiện. Đầu tư hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở/địa phương nơi có đối tượng nguồn gen. Đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn, lưu giữ để nhân thuần các đối tượng nguồn gen;…

 
Nhà nước nên xây dựng Chiến lược bảo tồn và khai thác nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật nói chung và nguồn gen vật nuôi nói riêng. Có kế hoạch đào tạo cán bộ nghiên cứu chuyên sâu về công tác lưu trữ và bảo tồn nguồn gen. Được vậy, trong tương lai, chúng ta sẽ không phải hối tiếc vì đã không gìn giữ, phát triển được những sản vật nổi tiếng của từng địa phương, đã ăn sâu trong tiềm thức của biết bao thế hệ. Để những "dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/ Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây” sẽ còn ở lại trong đời sống thực tại…

 
 

Đức Anh (ĐĐK)

Lượt xem: 1634

Các tin khác

Thơ Xuân quên

(24/01/2025 06:41:PM)

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE