quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Quảng Ninh phát triển du lịch bền vững

Thứ Tư, 11/10/2017 | 06:14:00 AM

Những năm gần đây, du lịch Quảng Ninh có những bước phát triển khá nhanh, đang dần từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống người dân...

 

Du lịch tham quan làng chài Vung Viêng - một mô hình du lịch phát triển bền vững trên Vịnh Hạ Long. Trong ảnh: Du khách đi thuyền tham quan Vịnh Hạ Long

Phát triển sản phẩm du lịch bền vững

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, do đó thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tranh thủ mọi nguồn lực tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội và du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao được đưa vào sử dụng, làm thay đổi diện mạo của ngành Du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Điều đáng nói, nếu trước đây, sản phẩm du lịch chỉ tập trung chủ yếu ở trung tâm du lịch TP Hạ Long thì đến nay ngành Du lịch đã tăng cường phối hợp với các địa phương mở rộng không gian du lịch, phát triển thêm các tour, tuyến, tăng thời gian lưu trú của du khách, giảm sự quá tải ở các trung tâm du lịch.

Đặc biệt, Quảng Ninh rất quan tâm đến việc phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương, giúp người dân có việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng được đưa vào khai thác đạt hiệu quả cao. Trong đó phải kể đến sản phẩm du lịch cộng đồng, trải nghiệm, tìm hiểu các nét văn hóa của cư dân địa phương tại làng quê Yên Đức (TX Đông Triều). Đây là mô hình du lịch cộng đồng khá thành công và được du khách đánh giá cao. Sự mộc mạc, bình dị của con người và cảnh đẹp làng quê Yên Đức đã thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan.

Du lịch phát triển không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân mà bức tranh phong cảnh làng quê Yên Đức cũng đẹp hơn, ý thức của bà con về giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng lên rất nhiều. Khi mới đưa vào hoạt động năm 2011, du lịch làng quê Yên Đức chỉ giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương, đến bây giờ con số đó đã lên đến gần 100 người. Từ những người nông dân quanh năm làm ruộng, giờ đây họ đã trở thành những hướng dẫn viên thực thụ. Thu nhập từ làm du lịch đã cải thiện cuộc sống người dân, giúp người dân giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp văn hóa độc đáo của quê hương mình.

Phong cảnh thanh bình của làng quê Yên Đức, thu hút khách du lịch đến tham quan. Trong ảnh: Khách du lịch xem biểu diễn múa rối nước.

Từ mô hình du lịch cộng đồng làng quê Yên Đức của Tổng Công ty du lịch Sen Á Đông, đến nay, loại hình du  lịch này được phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Cô Tô; Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (Vân Đồn); Vĩnh Thực (Móng Cái); Bình Liêu... Du lịch cộng đồng bước đầu đã đem lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian du lịch, thu hút sự khám phá, trải nghiệm của du khách, mở ra nhiều cơ hội mới thu hút nhân dân tham gia cùng nhà nước và doanh nghiệp phát triển du lịch.

Những nỗ lực trong việc mở rộng không gian du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt là việc tăng cường đầu tư hạ tầng du lịch... để thu hút du khách, tạo việc làm cho người dân, bước đầu đã mang lại cho du lịch cộng đồng những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp cùng các loại sản phẩm du lịch chất lượng cao, nâng cao hiệu quả phát triển du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, mang lại thu nhập cho người dân.

Vẫn còn những tồn tại

Đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch đang là một trong các ưu tiên hàng đầu của nhiều địa phương có lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch. Tuy nhiên, nếu sự phát triển quá nhanh các hoạt động du lịch, trong khi thiếu quy hoạch đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến đời sống dân cư, văn hóa bản địa, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đe dọa phát triển du lịch trong tương lai.

Theo đánh giá của một số chuyên gia du lịch, Quảng Ninh là một tỉnh có rất nhiều tiềm năng về phát triển du lịch. Song, tiềm năng ấy cần được khai thác đúng cách, nếu không sẽ rất dễ rơi vào tình trạng chạy theo nhu cầu nhất thời để đáp ứng một cách vội vã, thậm chí bỏ qua một số tiêu chí văn minh để kinh doanh theo lối “chộp giật”, tận thu, bất chấp nguy cơ, hiểm họa đe dọa trực tiếp đời sống, văn hóa, môi trường,... của địa phương.

Có một thực tế, hiện nay ở một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, việc bảo vệ cảnh quan môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Sự gia tăng ngày càng nhanh lượng khách du lịch kéo theo việc xuất hiện tràn lan các cơ sở dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách đã dẫn đến việc sử dụng quá mức tài nguyên, năng lượng, gây tác động xấu đến môi trường xung quanh. Mặc dù để có môi trường du lịch tốt, những năm qua các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, tổ chức các buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, xây dựng nếp sống văn minh tại các điểm du lịch. Thế nhưng việc bảo vệ môi trường  ở một số nơi vẫn chưa đi vào  nền nếp. Tình trạng rác thải vẫn là một vấn đề nóng. Điều này bộc lộ rõ nhất vào các mùa cao điểm khi lượng khách đến với các điểm du lịch đông. Đặc biệt, một số điểm du lịch tại các tuyến đảo, tình trạng này thường xuyên xảy ra.

Những "lều du lịch" xây dựng trái phép trên đất quốc phòng như thế này ở bãi biển Hồng Vàn, huyện Cô Tô sẽ được tháo dỡ.

Thêm nữa, tại một số địa phương, việc phát triển du lịch bất chấp các nguyên tắc, coi lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu, phát triển du lịch quá nhanh, quá “nóng”. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc hạ tầng cơ sở du lịch không được đầu tư, nâng cấp, làm du lịch theo tính tự phát, thiếu sự kiểm soát của cơ quan chuyên môn; nguồn nhân lực chưa qua đào tạo, bản sắc văn hóa bị phai nhạt, thậm chí bị pha tạp... Bên cạnh đó, hiện nay có một số khu du lịch việc xây dựng cơ sở dịch vụ chưa thực hiện theo một quy hoạch tổng thể, trên cơ sở tôn trọng môi trường, cảnh quan thiên nhiên cũng như văn hóa bản địa. Nhà hàng, khách sạn... mọc lên san sát đã khiến cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ.

Quảng Ninh đang phấn đấu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh; góp phần thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”... Để thực hiện mục tiêu đó, bên cạnh việc thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, địa phương luôn xác định việc khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên phải đi đôi với việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị tự nhiên, nhân văn, đảm bảo mục tiêu phát triển gắn với việc bảo vệ môi trường, cảnh quan. Trong đó môi trường du lịch phải được bảo vệ, tôn tạo và phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh.

Năm 2020, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đón 15-16 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế; thời gian lưu trú trung bình đạt từ 3 ngày trở lên, tổng doanh thu đạt 40.000 tỷ đồng; đóng góp tối thiểu 15% GRDP và 10-15% số thu ngân sách nội địa; giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 lao động.

Thu Nguyên

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Lượt xem: 2441

Các tin khác

Thủ lĩnh sống xanh hướng tới Gen Z

(16/01/2025 09:15:AM)

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

Thanh Hóa nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh

(29/12/2024 08:15:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE