Quảng Bình: Vùng đất những cây thị cổ thụ bên sông Son, gốc che chở người dân, trái vang danh đặc sản
Xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là một trong những vùng đất kỳ lạ của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Xã Mỹ Trạch hiện có nhiều cây thị cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Nhiều chuyện kỳ lạ xung quanh những cây thị cổ này và món đặc sản nổi danh đất Quảng Bình cũng ra đời từ trái thị ở đây...
Vùng đất của những cây thị cổ thụ 300-400 năm tuổi
Dưới cái nắng cuối tháng 8, PV Dân Việt tìm về xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ngôi làng nằm ở bờ nam sông Son.
Trên con đường nhựa dẫn vào làng Mỹ Trạch xuất hiện hình ảnh làng quê yên bình với cây đa, bến nước, mái đình. Đặc biệt, xã Mỹ Trạch có rất nhiều cây thị tuổi đời hàng trăm năm vẫn tỏa bóng mát, cho trái thơm lừng…
Sau lời chỉ dẫn của người dân, PV Dân Việt ghé vào nhà thầy giáo già Nguyễn Trọng Chiến (84 tuổi, thôn Bình Minh, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Từ ngoài cổng bước vào, trước mắt PV là một cây thị cổ, cao hàng chục mét, có thế trực tự nhiên.
Đôi mắt tinh anh, dáng vẻ còn rất khỏe khoắn, cụ Nguyễn Trọng Chiến chỉ về cây thị có vỏ sần sùi, bộ gốc rất to, rễ cây lan rộng ra cả khu vườn và tán cây bao trùm một khu vực rộng lớn.
Bên trong thân cây thị bị rỗng tạo thành nhiều hốc lớn với hình thù kỳ lạ nhưng không vì thế mà kém vững vàng.
Trò chuyện với PV Dân Việt dưới cây thị cổ, cụ Nguyễn Trọng Chiến (người chắp bút viết cuốn 'Lịch sử Đảng bộ xã Mỹ Trạch' giai đoạn 1930 - 2015) cho biết: "Cây thị của nhà tôi có tuổi đời hơn 300 năm. Ngoài cây thị này, trong làng Mỹ Trạch còn có nhiều cây thị cổ thụ.
Trải qua biến thiên của lịch sử, các cây thị cổ thụ vẫn đứng sừng sững, che chở xóm làng. Quanh những gốc thị cổ thụ có nhiều câu chuyện rất ly kì".
Trái thị làng Mỹ Trạch-Vật phẩm tiến vua Chăm
Theo cụ Nguyễn Trọng Chiến, xã Mỹ Trạch gồm 2 làng cổ xưa là Cao Lao Thượng và Cao Lao Trung gộp lại mà thành (còn làng Cao Lao Hạ nay là xã Hạ Trạch).
Tương truyền, trước đây hàng nghìn năm, người Chăm từng sinh sống trên mảnh đất này.
Thời ấy, khi người dân tìm các loại đặc sản, trong đó có trái cây để dâng các vị vua Chăm, họ kiếm nhiều giống cây quý từ các địa phương khác về trồng, nhưng cây chẳng đơm hoa kết trái.
Một hôm, có anh nông dân vào rừng, bỗng nhiên anh ngửi thấy một mùi thơm lạ. Đi mãi đến lúc mỏi chân, anh bỗng đứng trước một cây cổ thụ lá xum xuê, có nhiều trái vàng óng, tỏa ra mùi thơm.
Nông dân này bèn bẻ một đôi trái nếm thử thấy rất ăn ngọt, liền đưa về báo cho vị quan huyện. Nhận thấy quả này thích hợp để tiến vua, vị quan lập tức cho người chọn hái những trái đẹp, thơm nhất dâng lên.
Nhà vua tiếp nhận quả lạ, thích ngay mùi thơm của quả, hỏi quả gì, người dân vốn giọng nặng, đang muốn nói "Thì chưa biết quả gì" nhưng phát âm chữ "thì" thành chữ "thị".
Vua nghe vậy liền gọi luôn đó là thị, thị thần cũng mặc định nghe theo. Từ đó, người làng Cao Lao Thượng và Cao Lao Trung vào rừng, lấy hạt quả thị về gieo trồng khắp làng để hàng năm lấy quả tiến Vua.
Những cây thị cổ thụ "đỡ" bom đạn cho dân làng
Cụ Nguyễn Trọng Chiến dẫn PV đi quanh cây thị một vòng, rồi chỉ tay xuống gốc thị và nói rằng: "Thời kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, người dân làng Mỹ Trạch đào các hầm bí mật ngầm dưới cây thị để tránh bom đạn, nhà tôi bao lần thoát nạn nhờ có hầm ngầm dưới gốc cây thị...".
Cụ Chiến kể: "Trong những năm xảy ra chiến tranh, nhất là trong chiến tranh chống Mỹ, hầm tránh trú dưới gốc cây thị được đào hai cửa. Một cửa để đi xuống, một cửa để thoát nạn. Phần thân cây thị cũng được đục rỗng để vào trú và cất giấu tài liệu...".
"Thời kháng chiến chống Mỹ, người dân trong làng còn chặt các cây tre rồi ghép thành thang dài và trèo lên phần ngon cây thị làm trạm gác trên đó để nằm tình hình....", cụ Chiến nói.
Cách nhà thầy giáo già Nguyễn Trọng Chiến khoảng 50m, cây thị của nhà ông Nguyễn Lương (57 tuổi, thôn 2, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cũng có hình thù rất kỳ lạ.
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Nguyễn Lương nói: "Cây thị nhà tôi có tuổi đời gần 300 năm tuổi. Cây thị sống cùng 5 đời nhà tôi và trải qua các cuộc chiến tranh, nay, cây vẫn đứng sừng sững".
Ông Lương nhớ lại: "Thời kháng chiến chống Mỹ, nhà tôi có đào một hầm bí mật dưới gốc cây thị. Tôi cùng mẹ và các chị khi nghe tiếng kẻng báo động có máy bay Mỹ tập kích là chạy ngay xuống căn hầm,nhờ đó nhiều lần thoát nạn. Hiện tôi đã lấp căn hầm đi để cây thị phát triển tốt hơn...".
Đặc sản "thị xanh nấu với nhái bà" nổi danh đất Quảng Bình
Theo cụ Nguyễn Trọng Chiến, quả thị chín vào độ tháng bảy âm lịch nhưng năm nay do ảnh hưởng của cơn bão số 10 lịch sử cuối năm 2020 nên thị chưa ra quả.
Cụ Nguyễn Trọng Chiến kể: "Ngày xưa, thời "bao cấp" trở về trước, cuộc sống khốn khó, người dân Mỹ Trạch thường tận dụng tất cả những gì có sẵn trong vườn nhà như các loại rau lang, mồng tơi, rau đay, hoa chuối…hay ra đồng mò cua bắt ốc để cải thiện bữa ăn".
Làng Mỹ Trạch thời ấy đặc sản nhiều nhất là thị, đặc biệt, trái thị lúc xanh có vị hơi chát, người dân nghĩ rằng những thứ chát sẽ rất ngon nếu kết hợp với những con vật nhiều chất tanh, nhiều nhớt, giàu đạm.
Cây thị ra quả xanh vào khoảng tháng ba, tháng tư (âm lịch). Thời điểm này, trời thường xuất hiện những cơn mưa rào đầu mùa.
Sau mỗi cơn mưa rào, ngoài đồng xuất hiện nhiều nhất là loài nhái nép mình dưới gốc rạ vừa gặt. Người dân lúc đó xách giỏ ra đồng tìm bắt những chú "nhái bà" (nhái to lớn) đem về nấu với quả thị xanh.
Theo cụ Nguyễn Trọng Chiến, để chế biến món thị xanh nấu với nhái bà khá công phu. Con nhái bà sau khi làm sạch ướp các loại gia vị như: củ nén, ớt xanh, hạt tiêu…rồi băm nhỏ, vo lại thành viên và phi mỡ nóng cho săn lại.
Sau phần thịt nhái, người dân là Mỹ Trạch lấy quả thị xanh hái trên những cây thị cổ thụ trong làng dùng dao thành từng miếng và bỏ vào kho chung với thịt nhái viên. Từ đây cơ bản đã gần xong phần chuẩn bị cho món đặc sản Quảng Bình...
"Món đặc sản thị xanh nấu với nhái bà đun nhỏ lửa cho đến khi sền sệt nước. Lúc này, món ăn không còn vị tanh của nhái, vị chát của quả thị nữa, chỉ còn lại là vị ngọt thơm, béo bùi, ai đã ăn một lần thì nhớ mãi…Nhiều người đi xa nhớ về Mỹ Trạch cũng là một phần nhớ món đặc sản Quảng Bình-quả thị xanh nấu với nhái bà mà không có nơi nào có được....", cụ Nguyễn Trọng Chiến chia sẻ.
"Sự kết hợp giữa thị xanh nấu với nhái bà không ngờ tạo ra một món ăn ngon, truyền đời qua bao thế hệ và bây giờ nó đã thành một món đặc sản của vùng quê Quảng Bình này", thầy giáo già Nguyễn Trọng Chiến nói.
"Địa phương luôn nhắc nhở các gia đình trong xã phải chăm sóc, bảo tồn các cây thị cổ thụ. Những cây thị này là chứng tích lịch sử của làng, gắn bó với bao thế hệ người dân...", ông Phan Nam Tiến - Chủ tịch UBND xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) tự hào nói.