Dưới sự chủ trì của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp lần cuối để rà soát, xét công nhận Cây Di sản. Theo nguồn tin, 117 cây cổ thụ ở các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Long An và Thanh Hóa đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam.
Đặc biệt, trong đợt xét chọn lần này, quần thể chè Shan tuyết cổ thụ ở Lào Cai đủ tiêu chuẩn công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Cụ thể, tại Lào Cai, quần thể gồm 105 cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi trên 100 năm, chu vi thân từ 80 đến 183 cm ở thôn Chồ Chải, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 09 cây, là quần thể cây thiên tuế lược với trên 100 năm tuổi tại Khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay, núi Bà Dú, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa. (Ảnh chỉ mang tính minh họa).
Tỉnh Long An có 01 cây, là cây đa tía gần 200 năm tuổi ở Ấp Bình Tây, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ. Thành phố Hải Phòng có 01 cây, là cây Gạo gần 300 năm, có chu vi thân 5,9m, cao 20m, trong khuôn viên Đình Miếu thôn Minh Tân, xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải.
GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cho biết, trong đợt xét chọn lần này, các chuyên gia, nhà khoa học (thành viên Hội đồng) đã xem xét, thẩm định gần 200 hồ sơ từ các địa phương trên cả nước gửi về. Tuy nhiên, sau khi phân tích kỹ lưỡng, Hội đồng chỉ công nhận 117 cây. Đây là những cây, quần thể cây đáp ứng đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam. “Tôi hy vọng các địa có cây di sản được công nhận lần này cần phối hợp triển khai các giải pháp bảo tồn, đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng người dân địa phương, đồng thời tính toán đến việc đầu tư, khai thác giá trị kinh tế nhờ Cây Di sản”, GS Huỳnh nhấn mạnh. (Ảnh chỉ mang tính minh họa).
Được biết, danh sách 117 cây cổ thụ nêu trên đã được trình Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam để xem xét ký Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Ảnh trên: GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh (bên trái), Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN cùng lãnh đạo huyện Cao Lộc, Lạng Sơn mở văn bia Cây Di sản.
Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng và được triển khai từ năm 2010. Đến nay đã có trên 6.000 cây/quần thể cây cổ thụ tại hầu hết các tỉnh, thành phố và ngoài hải đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Hoạt động được đánh giá rất có ý nghĩa trong bảo tồn nguồn gen, bảo tồn đa dạng sinh học; giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường góp phần thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Phạm Dung