quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

PHÚ QUỐC - ĐẾN VÀ CẢM NHẬN (Phần 1)

Thứ Ba, 03/06/2014 | 02:02:57 PM

(VACNE) - PGS TS Lê Trình, Ủy viên BCH TƯ VACNE, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Phát triển (VESDEC), vừa gửi về bài viết nhân chuyến đi Phú Quốc cuối tháng 5/2014 vừa qua.

                                  

                                          Ghi chép qua ảnh tự chụp: Lê Tự Trình

          Tuần cuối tháng 5/2014 tôi có dịp đến Phú Quốc. Đây là lần thứ 3 tôi đến đảo lớn nhất trong số hàng trăm đảo lớn của Việt Nam: lần đầu cách đây đã 19 năm: thực hiện đề tài nghiên cứu hiện trạng môi trường tỉnh Kiên Giang; lần 2 năm 1998: nghiên cứu môi trường quân sự huyện đảo Phú Quốc; và lần này không phải là chuyến du lịch mà là thành viên của đơn vị tư vấn “giám sát môi trường Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc” theo yêu cầu của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV).

          Tôi cố hình dung Phú Quốc 16 năm trước bằng cách tìm lại các địa điểm với đặc trưng của vùng đảo còn nhiều nét hoang dã, làng chài, thị trấn vùng biển Tây Nam nhưng ngoài vùng rừng Bắc Đảo còn xanh tốt và vài bãi biển cát vàng, bến cá, con phố lô xô, đường hẻm quanh co ở các thị trấn Dương Đông, An Thới vẫn còn thân quen, phần lớn các vùng ở trung tâm, phía Bắc, phía Đông, phía Tây đảo đã thay đổi đến mức khó nhận ra. Dân trên đảo đã đông hơn với giọng nói nhiều vùng miền; xe hơi, máy móc xây dựng có ở tất các các xã, ấp; khách sạn, resort đã chen vào các bãi biến, vào cả các khu rừng. Cảm nhận mấy ngày ở đảo thật lẫn lộn: niềm vui vì phát triển hạ tầng kinh tế xen lẫn nỗi buồn vì cái cảm giác một ngày không xa Phú Quốc liệu còn giữ nét đặc sắc của vùng sinh thái tự nhiên xứng danh “đảo ngọc”?

1.     Vườn Quốc gia Phú Quốc

          Nếu so với Khu Kinh tế (KKT) Vân Đồn, nơi chúng tôi đã làm tư vấn cho UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) 5 năm trước, và các khu kinh tế ven biển khác, KKT Phú Quốc có nhiều lợi thế: diện tích đảo lớn nhất (589,2 km2), các bãi biển dài nhất, hạ tầng đô thị, du lịch phát triển nhất, nằm xa các nguồn ô nhiễm lớn và ưu thế nôi bật nhất: trên 53% diện tích đảo nằm trong Vườn Quốc gia (VQG) với phần lớn là rừng nguyên sinh vẫn còn gần như nguyên vẹn.

          Theo tài liệu khoa học:“VQG Phú Quốc được thành lập theo Quyết định số 91/2001/QĐ-TTg ngày 8 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ. Với tổng diện tích trên 31.422ha VQG được chia thành 3 phân khu chức năng, đó là: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (8.786 ha), phân khu phục hồi sinh thái (22.603 ha) và phân khu hành chính – dịch vụ – nghiên cứu khoa học (33ha). Thảm thực vật ở đây chủ yếu là rừng thường xanh mọc trên địa hình đồi núi thấp với tổng số lượng lên tới vài trăm loài, bao gồm các loài cây thân gỗ (tràm, đậu, vên vên, dầu song nàng, dầu cát, cầy, dẻ, săng sót, da, bứa,…), các loài phong lan quý, các loài dược thảo quý và một số loài sống ký sinh. Bên cạnh hệ thực vật phong phú, hệ động vật ở đây cũng rất đa dạng với 30 loài thú, trong đó 5 loài được ghi vào sách Đỏ Việt Nam: sói rừng, khỉ bạch, vượn pillê…; 200 loài chim với 4 loài được ghi vào danh mục Đỏ của tổ chức IUCN và 3 loài ghi vào sách Đỏ Việt Nam; 50 loài bò sát, trong đó 9 loài được ghi vào danh mục IUCN và 18 loài ghi vào sách Đỏ Việt Nam”. Trong ngày 28/5/2014 khi đến thăm một trạm kiểm lâm giữa VQG tôi được biết hiện nay VQG được bảo vệ tốt (ảnh 1,2,3), không bị dân địa phương xâm hại, số lượng cá thể các loài khỉ, nai, heo rừng tăng. Thông tin thật đáng mừng!

          Rừng Phú Quốc không chỉ có giá trị đa dạng sinh học, rừng còn có tầm quan trọng vô giá về bảo vệ nguồn nước mặt và nước dưới đất trên đảo: tất cả các suối hợp lưu tạo nên các sông lớn trên đảo đều bắt nguồn từ dãy Hàm Ninh trong VQG, đây là nguồn nước ngọt dồi dào đủ phục vụ sinh hoạt cho KKT trong tương lai (hình 4), nhưng mất rừng thì nguồn nước ngọt từ sông suối, từ nước ngầm sẽ dần cạn kiệt. Hơn nữa du lịch – ngành kinh tế chính của KKT phụ thuộc vào các khu rừng nguyên sinh này. Nếu mất khu rừng nguyên sinh bạt ngàn tạo cảnh quan độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á thì khách quốc tế đến với đảo này làm chi vì các bãi biển không đẹp bằng Nha Trang, Đà Nẳng, thắng cảnh không bằng Hạ Long, các resort, khách sạn manh mún, không khang trang như ở Mũi Né, Hội An, Nha Trang, Đà Nẳng, Vũng Tàu. Rừng Phú Quốc còn có giá trị lớn đối với quốc phòng vùng đảo cực Tây Nam tổ quốc.

 

E:\PHU QUOC 5.2014\DSC06608.JPG E:\PHU QUOC 5.2014\DSC06603.JPG

 

1: Hình ảnh đặc trưng cây rừng Phú Quốc           2: Tác giả tại cổng Khu bảo vệ nghiêm ngặt

 

E:\PHU QUOC 5.2014\DSC06606.JPG  E:\PHU QUOC 5.2014\DSC06600.JPG

 

3. Rừng trong Khu bảo vệ nghiêm ngặt       4. Sông lớn phát nguồn từ vùng lõi VQG. Nếu mất rừng rừng nguồn nước cấp ngọt cho sinh hoạt trên đảo sẽ cạn kiệt.

 

          Đến huyện đảo được biết: Chính phủ vừa có Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030. “Phú Quốc sẽ trở thành khu kinh tế - hành chính đặc biệt; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế và định hướng còn là trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực với 3 khu đô thị. 15 khu du lịch sinh thái. Dự báo đến năm 2020 đất xây dựng đô thị khoảng 2.400 ha, dân số đô thị vào khoảng 200.000 – 300.000 người, dân số nông thôn khoảng 90.000 dân” (hiện nay dân số toàn đảo chỉ gần 100.000 người).

          Quy hoạch hoành tráng làm nức lòng nhiều nhà đầu tư và chính quyền tỉnh, huyện nhưng không khỏi gây lo lắng cho những ai đang vì sự nghiệp BVMT, PTBV, nhất là khi chứng kiến những gì đang xẩy ra trên đảo này (dù chỉ mới giai đoạn đầu của thực hiện Quy hoạch). Để có thể xác định các nguy cơ tiềm ẩn với môi trường và xã hội của “đảo ngọc” tôi đã thuê xe máy tự chạy cả 1 ngày gần 150 km đến tất cả các xã ở các vùng Đông, Tây, Nam, Bắc của đảo, vào cả bên trong VQG, ghé vào nhiều bãi biển, khu du lịch.  Và dưới đây là các “sát thủ tiềm năng” đối với VQG này đã được nhận dạng không mấy khó khăn đối với “nhà” môi trường có trên 30 năm tuổi nghề.

a.  Đường từ TT Dương Đông đến Bãi Thơm ở cực Đông Bắc đảo: dài gần 30 Km, 15 km đầu rộng đến 4 làn xe, đoạn còn lại là 2 làn xe, bên giữa còn có giải phân cách đến 1,5 - 2,0m. Đường mới xây, đi xuyên qua vùng lõi, chia VQG làm 2 phần (ảnh 4). Không rõ vì sao huyện đảo du lịch mà cần đến con đường rộng cỡ vậy, lại đi xuyên rừng? Nguy cơ tác động do phát triển kèm theo (induced development): các khu dân cư, khu resort sẽ mọc lên ven tuyến đường sẽ là vết dầu loang dẫn đến thu hẹp dần vùng rừng, sự xâm nhập của dân và du khách vào rừng nguyên sinh khó tránh khỏi.

 

E:\PHU QUOC 5.2014\DSC06607.JPG E:\PHU QUOC 5.2014\DSC06628.JPG  

 

5. Đường Dương Đông – Bãi Thơm đi VQG (đoạn 2 làn xe): “sát thủ “tiềm năng đối với rừng nguyên sinh. xuyên  6. Công ty VINCOM đang phá rừng ven biển Bãi Dài bờ Tây đảo để xây sân Golf.

 

 b. Phá rừng: Dân bản địa Phú Quốc chủ yếu sống bằng nghề thủy sản nên hầu như không phá rừng làm rẫy và cũng không định cư trong rừng. Phá rừng hiện nay chủ yếu do các công ty chuyển đổi đất rừng thành đất xây hạ tầng giao thông, du lịch, đô thị. Chỉ mới giai đoạn đầu của Quy hoạch KKT mà nhiều cánh rừng đã bị phá. Điển hình là phá vùng rừng dài đến vài km để xây sân Golf của VINCOM ở Bãi Dài - bờ Tây đảo (ảnh 6). Nghe nói việc phá rừng này đã được Chính quyền cho phép theo Quy hoạch.

c.  Cháy rừng: có lẽ cũng là biện pháp phá rừng để chuyến đổi mục đích sử dụng đất (ảnh 7 là cảnh 1 khu rừng tràm nguyên sinh ở xã Cửa Cạn bờ Tây đảo bị cháy không rõ do vô ý hay cố ý?). Tình trạng phá rừng sẽ còn đến đâu khi các dự án trong Quy hoạch sẽ được rầm rộ triển khai trong thập kỷ tới?

 

 

E:\PHU QUOC 5.2014\DSC06634.JPG     E:\PHU QUOC 5.2014\DSC06754.JPG

 

7. Cháy rừng tràm nguyên sinh xã Cửa Cạn, Tây đảo    8. Bán cây mật nhân ở chợ Hàm Ninh

         

d. Khai thác lâm sản: ở bất kỳ chợ, điểm du lịch nào trên đảo này cũng bắt gặp các hàng quán buôn bán các loài cây thuốc khai thác từ rừng Phú Quốc: nấm linh chi, hà thủ ô, nhiều loài thực vật khác và đặc biệt mật nhân với cả cây và rễ (ảnh 8).  Hình ảnh này chúng tôi không thấy ở các vùng ven các VQG trong Nam, ngoài Bắc. Không rõ việc khai thác này có được phép không?  Và hậu quả sinh thái? 

          Gần đây trong nhiều tài liệu ở nước ta nhiều thuật ngữ nhập khẩu “dịch vụ sinh thái”, “dấu chân sinh thái” có vẻ bí hiểm và hàn lâm đã được phổ biến nhưng sao các hành động có tính “truyền thống” và dễ hiểu để ngăn cản các hoạt động gây tác hại các vùng sinh thái tự nhiên trong cả nước nói chung và ở đảo này lại chưa được thể hiện đúng mức cần thiết? Tại các điểm nóng này vai trò của anh giám đốc VQG hay ông chủ tịch huyện có lẽ còn quan trọng hơn bác giáo sư, anh tiến sỹ sinh học trong viện nghiên cứu.

 

Phú Quốc 29/5/2014; TP Hồ Chí Minh 31/5/2014

L.T. Trình

Viện Khoa học Môi trường và Phát triển (VESDEC)

Lượt xem: 2907

Các tin khác

Thủ lĩnh sống xanh hướng tới Gen Z

(16/01/2025 09:15:AM)

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

Thanh Hóa nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh

(29/12/2024 08:15:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE