Mô hình hợp tác - đối tác
Để giải được bài toán vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn được hệ sinh thái của khu vực này, chính quyền địa phương cũng như các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học và người dân địa phương từ lâu đã tích cực tìm kiếm các giải pháp phù hợp. Khu DTSQ Quần đảo Cát Bà cũng đã từng được Liên hợp quốc và UNESCO chọn làm thí điểm đưa khu DTSQ thành mô hình phát triển bền vững. Tuy nhiên, đến nay mô hình này tại Quần đảo Cát Bà vẫn đang đòi hòi nhiều nỗ lực từ nhiều phía.
Với mong muốn góp phần giúp người dân Quần đảo Cát Bà phát triển kinh tế bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học của Khu DTSQ, Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Sida) đã tài trợ cho dự án “Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà - Nâng cao sức đề kháng và phục hồi trước biến đổi khí hậu: Quản lý tài nguyên và phát triển sinh kế bền vững”. Đây là dự án thực hiện theo hình thức hợp tác - đối tác do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), Khoa sinh thái học hệ thống (Đại học Stockholm, Thụy Điển) phối hợp với Thành phố Hải Phòng thực hiện tại huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng.
Dự án được thực hiện từ tháng 3/2011 đến tháng 9/2013 với mục tiêu là nâng cao sức đề kháng và khả năng hồi phục trước biến đổi khí hậu và tai biến môi trường của khu DTSQ quần đảo Cát Bà, góp phần đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển thông qua tăng cường quản lý tài nguyên biển và phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng; người dân thực hiện tốt quản lý tài nguyên biển, phát triển sinh kế kết nối với xây dựng chính sách phát triển về quản lý tài nguyên và ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Hưởng lợi trực tiếp từ dự án này là khoảng 500 hộ dân nghèo sống phụ thuộc vào nguồn lợi hệ sinh thái biển và khoảng 2.000 người được hưởng lợi gián tiếp tại xã Phù Long và các vùng lân cận.
Chính quyền địa phương cùng chung tay
Tại Hội nghị khởi động dự án, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hải Phòng cam kết địa phương sẽ xây dựng các chính sách mục tiêu phát triển du lịch sinh thái và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trên quần đảo như hỗ trợ công tác di dân đối với người dân đang sinh sống trong vùng lõi; hỗ trợ đào tạo chuyển nghề; hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, các nguyên tắc và quy định phù hợp với tuyên ngôn của UNESCO về bảo vệ các giá trị truyền thống.
Phương pháp tiếp cận mới
Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc MCD và bà Nguyễn Thị Lan Hương, đại diện tổ chức Sida Thụy Điển tại Việt Nam, đều nhấn mạnh phương pháp tiếp cận của dự án này hoàn toàn mới, đó là sử dụng công cụ “đánh giá rủi ro hệ sinh thái” của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Stockholm Thụy điển là kết quả tích hợp đánh giá những thay đổi về tự nhiên, kinh tế xã hội, môi trường và cơ chế quản lý. Các khuyến nghị khoa học hợp lý sẽ được khuyến cáo cho các bên liên quan ở địa phương, chuyên gia hoạch định chính sách và cộng đồng nhằmứng phó với các tác động một cách phù hợp và hiệu quả. Do đó, việc phát triển kinh tế không tách rời công tác bảo tồn và tôn tạo giá trị tài nguyên thiên nhiên, duy trì được hệ sinh thái đa dạng và phong phú tại Quần đảo Cát Bà thơ mộng này. Một điểm mới nữa là các sáng kiến liên quan cùng xảy ra trên quần đảo Cát bà sẽ được địa phương điều phối hiệu quả. Một ví dụ sinh động là dự án giáo dục thanh thiếu niên nhận thức về biến đổi khí hậu do UNESCO tài trợ thông qua tư vấn của Ủy Ban quốc gia Con người và sinh quyển (MAB) đã phối hợp cùng MCD trong việc tổ chức hội nghị khởi động dự án và xây dựng kế hoạch triển khai có sự tham gia.
Người dân đồng tình hưởng ứng
Ông Nguyễn Hoài Giao, chủ tịch xã Phù Long cho biết: hơn 500 hộ dân trong xã hiện nay sống chủ yếu bằng nghề khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, song quy mô còn manh mún tự phát do không có vốn và không có các nhà khoa học hướng dẫn kỹ thuật nên hiệu quả đạt được rất thấp. Chính vì vậy, người dân địa phương rất phấn khởi khi được tiếp cận dự án của MCD dưới sự tài trợ của Tổ chức Sida.
Mặc dù mới bước vào giai đoạn ban đầu, song nhận thức của người dân đã thay đổi rõ rệt khi nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cao nhất của thành phố, tham giacác buổi tập huấn, hướng dẫn của cán bộ dự án về cách thức phát triển kinh tế đồng thời bảo tồn được hệ sinh thái vùng biển đảo Cát Bà. Hy vọng với các nỗ lực chung của các dự án hỗ trợ kỹ thuật như MCD và MAB cùng các sáng kiến khác, sự điều phối hiệu quả của địa phương, bộ mặt kinh tế xã hội vùng quần đảo Cát Bà sẽ được cải thiện đáng kể và môi trường hệ sinh thái nơi đây sẽ ngày càng được phong phú, xứng đáng với danh hiệu Khu DTSQ thế giới.
Vũ Thị Lý
Tạp chí Khoa học Công nghệ - TTXVN
|
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, đại diện tổ chức Sida Thụy Điển tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
|
Đại biểu tham dự hội nghị |
Quần đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng có 366 hòn đảo lớn nhỏ với hệ thống núi đá vôi kastơ độc đáo, cảnh đẹp tự nhiên hoang dã của các vịnh cùng hàng trăm bãi tắm lớn nhỏ, nằm cạnh Vịnh Hạ Long với 620 loài thực vật bậc cao, 32 loài thú, 69 loài chim và 20 loài bò sát, lưỡng cư, có loài Voọc Cát Bà được IUCN đưa vào danh sách 2 loài đặc hữu trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, hiện nay do sự phát triển quá “nóng” khiến cho người dân nơi đây đang đối mặt với nguy cơ không còn được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên phong phú nữa.