quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Phố hoa, ước gì!

Thứ Bảy, 19/05/2018 | 06:02:00 AM

Mấy ngày triển lãm hoa lan vừa rồi đủ thấy dân Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung, yêu hoa đến như thế nào? Người lúc nào cũng chen chúc, nhiều tờ xanh 500.000 đồng được rút ra khỏi ví, nhiều giò phong lan được nâng niu rước về, nhiều nhà sửa lại để... có chỗ treo hoa...


Lan rừng

Sống ở Pleiku gần 40 năm, lúc nào tôi cũng ước ao cháy bỏng là Pleiku nhiều hoa như... Đà Lạt.

Hơn hai chục năm trước, cả Pleiku có mỗi một ông trồng hoa, ở khu vườn ông Hai, là khu đường Cách mạng tháng tám đổ xuống bây giờ ấy. Mà cũng chủ yếu chỉ là hoa thọ, vạn thọ để cúng rằm mùng một, gần tết thì có hoa đồng tiền nữa. Đồng tiền có 2 loại, đơn và kép. Có một cây đào bắc và mấy luống hồng, ai muốn có phải đăng ký trước. Chủ vườn là anh Sơn, bị mất cả 2 chân đến gần háng, phải chống tay lết nhưng am hiểu hoa, trồng hoa và cắm hoa đều tuyệt.

Hồi ấy, tôi cứ nghĩ đất Pleiku không trồng hoa được, vì khô quá. Mà đúng, nước máy chảy một tuần 2 lần, còn lại là dùng giếng đào, ba bốn chục mét và chủ yếu là quay tay chứ điện 220v mà luôn lom đom như 110v thì chạy máy bơm thế nào được. Qua đó để thấy, anh Sơn giỏi đến như thế nào, nguyên cái việc quay nước để tưới hoa trong hoàn cảnh thương tật như thế là đã đáng kính phục anh này rồi.

Nhưng sau này thì thấy, té ra, trồng được hết, có điều là có trồng hay không thôi.

Mấy ngày triển lãm hoa lan vừa rồi đủ thấy dân Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung, yêu hoa đến như thế nào. Người lúc nào cũng chen chúc, nhiều tờ xanh 500.000 đồng được rút ra khỏi ví, nhiều giò phong lan được nâng niu rước về, nhiều nhà sửa lại để... có chỗ treo hoa...

Nhưng bây giờ, hoa ở Pleiku vẫn chủ yếu là hoa từ Đà Lạt sang. Tất nhiên, hoa Đà Lạt thì không ai có thể... góp ý gì nữa được rồi. Đủ yếu tố để nó là hoa... Đà Lạt, từ đất đai thổ nhưỡng khí hậu, đến con người, truyền thống, đến giống đến sự mặc định đương nhiên.

Cái thích nhất của phố Đà Lạt là họ tận dụng tất cả mọi ngõ ngách, mọi hẻm hóc cho hoa. Cả thành phố là một vườn hoa chứ không chỉ có những vườn hoa chuyên nghiệp. Tất cả mọi ô đất trống, hoa. Mọi vỉa hè, bùng bình, hoa. Mọi ban công, mọi cửa sổ, mọi bức tường... đều hoa, hoa mọi nơi mọi chỗ. Người dân tự giác trồng hoa, treo hoa, nâng niu hoa... trước cửa nhà mình. Hoa Đà Lạt cũng là hoa du nhập, gọi sang trọng là "di hoa". Và người thì cũng thế, như Pleiku. Người gốc Đà Lạt là người Lạch, người Mạ, còn người Kinh thì đều là từ nơi khác mà đến.

Cái câu thơ nổi tiếng của Vũ Hữu Định: "Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông" nếu gán cho Đà Lạt có vẻ hợp hơn. Và một điều nữa mà ít nơi khác có được, đấy là tình yêu và lòng tự hào Đà Lạt luôn thường trực trong mỗi người Đà Lạt...

Pleiku của tôi có độ cao chỉ sau Đà Lạt nếu so với các thành phố Tây Nguyên, vì thế tưởng như nó có nhiều nét tương đồng. Thực ra thì đã từng có những nét tương đồng, nhưng giờ thì những tương đồng ấy đã xa lơ xa lắc. Đã hết sương mù, đã gần hết thông, và ngay mưa có vẻ cũng thưa hơn, hiếm hơn... có lẽ những điều ấy nó đang làm Pleiku gần với... đồng bằng hơn?

Mấy năm nay, may thay, Pleiku cũng đã bắt đầu có hoa và cây xanh trên phố. Những vỉa hè, những bùng binh... nhưng thảng hoặc thôi, chủ yếu là do công ty công trình đô thị làm.

Tại sao chính quyền Pleiku không khuyến khích mọi người dân cùng làm nhỉ? Từng có một ý kiến của một người làm du lịch chuyên nghiệp, rằng là cái khu vườn thông ở ngã ba Hoa Lư đối diện quảng trường ấy, ta có thể tận dụng làm một vườn hoa, bảo đảm sẽ rất đẹp, và hút khách. Người Singapore đã bắt hàng vạn người mỗi ngày mua vé vào xem một khu nhà kính trồng hoa của họ. Tôi cũng bỏ tiền mua vé vào xem, và gặp một cây hoa gạo nở lẻ loi giữa rừng hoa muôn sắc các kiểu. Chợt thấy như mình đang ở một nơi nào đấy của quê hương.


Tất nhiên, để biến khu đồi thông ấy thành vườn hoa “ra tấm ra món” thì còn phải nghiên cứu, đầu tư, nhưng biến tất cả các nhà, các con đường thành nhà hoa, đường hoa thì dễ hơn nhiều. Nhiều người nói với tôi, sẵn sàng làm điều ấy, là trồng hoa trên ban công, treo hoa trên cửa sổ, trồng trước cửa nhà mình... chỉ cần chính quyền thành phố phát động, và hướng dẫn nữa, bởi không phải ai cũng biết trồng hoa. Loại gì, như thế nào, sự thích nghi với từng mùa ra sao, và còn tạo sự hòa hợp với quy hoạch, bố cục, màu sắc, thiết kế... từng khu phố nữa.

Nếu để ý, người Pleiku giờ đi đâu cũng hay có câu cửa miệng “Pleiku mình” hoặc “Gia Lai mình”, dù người ấy gốc gác ở đâu, tức là họ đã coi Pleiku là một phần máu thịt của đời mình, là quê hương của mình, và không ai lại muốn quê hương xấu cả.

Vấn đề là thắp lửa.

Và, chủ trương lớn của Tỉnh ủy, Ủy ban về kế hoạch du lịch Gia Lai đến 2020, lấy du lịch làm mục tiêu phát triển văn hóa và kinh tế, phấn đấu đưa du lịch Gia Lai trở thành một trong những trung tâm du lịch của tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia chính là điều kiện để Pleiku phát triển du lịch, trong đó trở thành thành phố hoa để vừa làm đẹp cho mình, vừa thu hút khách đã ở trong tầm tay...

Chả ai lại không yêu hoa cả!

TD (theo laodong)

Lượt xem: 1209

Các tin khác

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

THỜI SỰ

(10/03/2024 11:43:PM)

QUÀ XANH

(09/03/2024 05:16:PM)

NÂNG TẦM KHÁT VỌNG

(07/03/2024 09:24:AM)

AI SAY CỨ VỀ

(04/03/2024 10:37:AM)

Mỗi kỷ niệm - một niềm vui

(01/03/2024 10:32:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE