PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Phát triển ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam
Thứ Sáu, 02/05/2014 | 09:50:14 AM
Một trong những yêu cầu chiến lược, có vai trò then chốt để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế hài hòa với các vấn đề môi trường là phải phát triển một ngành Công Nghiệp Môi Trường (CNMT) đặc thù, phát triển song song với các ngành công nghiệp khác.
Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển lớn mạnh, đặt ra những yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng cao.
Ngành CNMT bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến lĩnh vực môi trường, và có khả năng đem lại lợi nhuận từ các hoạt động này. Là một ngành công nghiệp, nên trước hết CNMT cũng phải tuân thủ luật pháp, các quy định về hoạt động công nghiệp nói chung và về hoạt động môi trường nói riêng.
Cụ thể hơn, hoạt động của ngành CNMT sẽ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ môi trường đáp ứng nhu cầu phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường, bao gồm: các hoạt động đánh giá, phân tích và bảo vệ môi trường; các hoạt động kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải và tái sinh các nguồn chất thải; cung cấp và vận chuyển các tài nguyên môi trường như nước, các loại vật liệu tái sinh và các nguồn năng lượng sạch; các hoạt động góp phần tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên, tăng năng suất sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế; các hoạt động thu gom, xử lý các loại chất thải từ tất các hoạt động trong xã hội.
Tổ hợp xử lý nước thải tập trung - (Ảnh: Internet)
Ngành CNMT trên thế giới đã hình thành và phát triển cách đây hơn 4 thập niên, tập trung tại các nước phát triển như Mỹ, Canada, EU. Tại khu vực châu Á, có thể kể đến Nhật bản, Hàn Quốc, Singapore,… đã rất chú trọng và phát triển ngành công nghiệp đặc thù này.
Mặc dù ngành CNMT tại Việt Nam chưa chính thức hình thành. Nhưng thực ra, tại các thành phố lớn, từ rất sớm là đã có các công ty môi trường đô thị (URENCO). Đó là các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ chuyên thu gom, vận chuyển xử lý chất thải và vệ sinh đô thị. Cho đến nay hệ thống các công ty này đã phát triển ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Kết quả thống kê trong hai năm 2006-2007 (trên phạm vi 20 tỉnh) cho thấy đã có khoảng trên 2000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Trong đó, ngoài các công ty môi trường đô thị của các tỉnh, thành phố, còn có các doanh nghiệp tư nhân.
Các lĩnh vực hoạt động ngày càng đa dạng và không ngừng được mở rộng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi môi trường đô thị, mà còn phát triển sang khu vực doanh nghiệp, khu công nghiệp, kiểm soát ô nhiễm, tái chế và quản lý tài nguyên, sản xuất thiết bị, công nghệ.
Để đảm bảo phát triển ngành CNMT ổn định và chắc chắn, các hoạt động của ngành CNMT cần bám sát những mục tiêu đã đề ra trong “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Trong đó, định hướng phát triển ngành CNMT ở nước ta phải đảm bảo đạt được mục tiêu tổng quát là phát triển ngành CNMT thành một ngành có khả năng cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ, sản phẩm phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường nhằm xử lý, kiểm soát ô nhiễm, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải tạo chất lượng môi trường.
Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2015, các đơn vị tiến hành xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển ngành CNMT; phát triển các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ môi trường đủ năng lực đáp ứng cơ bản nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển ngành CNMT.
Đối với tầm nhìn đến năm 2025, sẽ phát triển ngành CNMT thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong cơ cấu phát triển ngành công nghiệp Việt Nam; phát triển các doanh nghiệp CNMT, các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao về môi trường có khả năng giải quyết có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên.
Các hoạt động nhằm phát triển ngành CNMT tại Việt Nam cần cân đối và hài hòa giữa ba lĩnh vực chính: Dịch vụ môi trường; phát triển công nghệ và sản xuất thiết bị; phát triển và phục hồi tài nguyên thiên nhiên.
Như vậy, sự phát triển ngành CNMT cần được thực hiện từng bước chắc chắn để ngành này trở thành một ngành kinh tế quan trọng với các sản phẩm đặc thù của ngành. Trong quá trình phát triển, cần đặc biệt đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, bao gồm từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, chế tạo thiết bị đến cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng tài nguyên.
Tài liệu tham khảo
Đỗ Khắc Uẩn, Đặng Kim Chi, Lê Minh Đức (2010). Định hướng phát triển công nghiệp môi trưởng ở Việt Nam trong những năm tới. Kỷ yếu Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ III, Hà Nội, trang 352-358.
|
Theo GS.TS. Đặng Kim Chi - TS. Đỗ Khắc Uẩn (Báo Môi Trường&Sức Khỏe)
Lượt xem: 6794
Các tin khác
Các biện pháp kỹ thuật làm sạch không khí (18/06/2015 10:59:AM)
Đà Nẵng định lượng về thành phố môi trường (15/05/2015 07:46:AM)
Sự thật về 'thần dược' mọc như cỏ, tốt như sâm (04/04/2015 07:41:AM)
Tìm nguồn điện từ rác (31/03/2015 01:21:PM)
Cần đổi mới cơ chế tài chính cho bảo tồn thiên nhiên (04/03/2015 02:01:PM)
Thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam (21/01/2015 03:05:PM)
Huy động nguồn lực tài chính hỗ trợ cho tăng trưởng xanh (15/01/2015 09:48:AM)
Làm sạch không khí đô thị: Hãy nhìn người Đan Mạch (12/01/2015 10:47:AM)
Việt Nam - Hàn Quốc: Cơ hội hợp tác phát triển công nghệ môi trường (30/12/2014 09:36:AM)