* Chính quyền chủ động
Những năm gần đây, xã bán đảo Nhơn Lý. TP.Quy Nhơn (Quy Nhơn) trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Kỳ Co, Eo Gió, Hòn Cân, Hòn Cỏ, Hòn Sẹo, Bãi Dứa… cùng quần thể du lịch FLC Quy Nhơn.
Theo UBND xã Nhơn Lý, trong các ngày lễ, tết, mỗi ngày có khoảng 3.000 - 4.000 lượt du khách. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, chính quyền địa phương đã lập phương án thu gom, xử lý rác thải tại các trục đường chính; tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường (BVMT), bỏ rác vào thùng đúng nơi quy định, không xả rác xuống biển, góp phần giữ vững danh hiệu nông thôn mới, tạo môi trường du lịch thân thiện, văn minh, an toàn.
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý cho biết, trong Đề án xây dựng nông thôn mới, xã đã xác định phát triển dịch vụ du lịch là ngành nghề chính theo chủ trương của tỉnh và TP Quy Nhơn. Địa phương hết sức quan tâm công tác BVMT, Đảng ủy xã đã ban hành chương trình hành động về BVMT, chính quyền địa phương cũng đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân và du khách không vứt rác bừa bãi, không bẻ phá san hô…; thường xuyên phát động phong trào ra quân làm sạch môi trường.
Ông Danh cho biết thêm, nhằm phát triển du lịch bền vững, gắn với BVMT, thời gian tới, địa phương thường xuyên kiểm tra an toàn các phương tiện vận chuyển khách du lịch và sẽ đình chỉ các phương tiện hoạt động không đảm bảo quy định. Địa phương cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá bán, công khai giá dịch vụ du lịch cho du khách, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
* Bảo vệ môi trường từ việc nhỏ nhất
Tại Thừa Thiên – Huế, đầm Chuồn nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (thuộc địa phận xã Phú An, huyện Phú Vang) đã trở thành địa chỉ du lịch nổi tiếng, thu hút du khách về dạo chơi, ngắm cảnh và thưởng thức những món ngon.
Ở đầm Chuồn có khu nhà hàng, gồm các nhà chồ làm bằng tre, gỗ hay bê tông cách mặt nước 2 – 3 mét. Nguồn thủy sản ở đây được ngợi ca không chỉ ở sự “tươi” mà còn là “sống”.
Để trở thành một điểm đến ấn tượng, thu hút khách các hộ kinh doanh trên đầm luôn xem việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái là ưu tiên hàng đầu. Khách đến đây được hướng dẫn, nhắc nhở không xả rác xuống đầm, thay vào đó bố trí nhiều thùng rác khắp nơi. Tất cả rác thải đều được thu gom hàng ngày, nhà vệ sinh có bồn chứa riêng cũng được thuê xe tới hút đem đi xử lý định kỳ.
Tại đây, trước kia ngư dân dùng tre sáo vít quây diện tích nuôi thủy sản của nhà mình. Theo thời gian, thân tre mục ruỗng, làm ô nhiễm môi trường nước. Được hướng dẫn của đơn vị chuyên môn, dân trong vùng đã thay tre bằng lưới vừa bảo vệ được nguồn lợi thủy sản tự nhiên, vừa bảo đảm môi trường. Thức ăn cho thủy sản đa số sử dụng rong rêu tự nhiên thay cho bột hay các chất kích thích tăng trưởng... Có thể thấy, vừa phát triển du lịch, vừa bảo vệ được môi trường, hệ thống đầm phá tự nhiên tuyệt đẹp đầm Chuồn ngày càng được nhiều du khách lựa chọn.