(VACNE) - Một trong những yếu tố gây cản trở sự phát triển ngành du lịch là tình trạng ô nhiễm môi trường biển đã và đang gia tăng, nên rất cần những giải pháp chung tay làm sạch biển.
Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm biển là do phát triển công nghiệp, du lịch tràn lan, cùng với nuôi trồng thủy sản bất hợp lý; dân số tăng và nghèo khó. Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch, Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển, hơn 2.770 đảo ven bờ cùng hàng loạt các bãi tắm đẹp từ Bắc vào Nam với những đặc trưng khác nhau. Đó là lợi thế thiên nhiên ban tặng để phát triển du lịch.
Trong số các bãi biển, vịnh biển của Việt Nam, có một số điểm đến nổi tiếng thu hút nhiều du khách quốc tế tới du lịch hằng năm như Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới; Vịnh Nha Trang - một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; bãi biển Đà Nẵng được bầu chọn là một trong sáu bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Các vùng ven biển hằng năm thu hút khoảng 70% số lượng khách quốc tế tới Việt Nam và 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước. Tuy vậy, một trong những yếu tố gây cản trở sự phát triển ngành này là tình trạng ô nhiễm môi trường biển đã và đang gia tăng, nên rất cần những giải pháp chung tay làm sạch biển.
Bãi Sao nằm phía trên tuyến du lịch Nam Đảo, cách thị trấn Dương Đông của Phú Quốc khoảng 30km, là 1 trong những bãi tắm đẹp nhất tại Phú Quốc. Ảnh Minh Đức/TTXVN
Nhận diện các nguồn gây ô nhiễm
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Dũng, Học viện Hậu cần-Bộ Quốc phòng nhận xét, du lịch biển Việt Nam có tới 2 phân khúc, thứ nhất là từ Sầm Sơn (Thanh Hoá) tới Thừa Thiên-Huế, phân khúc thứ hai là từ Quảng Nam-Đà Nẵng cho tới Bà Rịa-Vũng Tàu. Mỗi phân khúc có đặc trưng riêng và cần sự ưu tiên khác nhau để phát triển sản phẩm dựa trên tiềm năng, tài nguyên thế mạnh, khác biệt về khí hậu, địa hình, địa mạo. Điều này sẽ mang lại cho du khách những cảm nhận riêng biệt rõ rệt với mỗi vùng biển.
Du lịch biển đã mang lại cơ hội xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân ở vùng ven biển. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, vùng ven biển Việt Nam có khoảng 1.400 cơ sở lưu trú, đặc biệt là các khách sạn từ 3 sao trở lên phần lớn tập trung ở đây. Du lịch biển phát triển cũng tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương vùng ven biển, làm đổi thay bộ mặt nhiều địa phương trước đó là nơi nghèo khó, kém phát triển. Ước tính có khoảng 60.000 lao động gián tiếp là cư dân địa phương ở những vùng ven biển có phát triển du lịch. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, du lịch biển Việt Nam đứng vào nhóm các nước có du lịch biển phát triển nhất Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Ngoài các loại hình du lịch như tắm biển, nghỉ dưỡng, du khách còn được tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc ở Phú Quốc với làng nghề làm rượu sim và tham quan vườn sim sinh thái tự nhiên để làm ra rượu sim nức tiếng trong cả nước. Ảnh Minh Đức/TTXVN
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm biển là do phát triển công nghiệp, du lịch tràn lan, cùng với nuôi trồng thủy sản bất hợp lý; dân số tăng và nghèo khó; lối sống giản đơn và dân trí thấp cộng với thể chế, chính sách còn bất cập. Điều đó dẫn tới từ 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển. Việc khai thác hải sản bằng mìn, sử dụng hóa chất độc hại làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn lợi thủy sản, gây hậu quả nặng nề cho các vùng sinh thái biển.
Mặt khác, các hoạt động du lịch cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển. Minh chứng là Vườn quốc gia Cát Bà với 5.400ha mặt nước, từ một hòn đảo trong lành, ngày nay môi trường ở đây đã bị biến thái kể từ khi được đưa vào khai thác du lịch và nuôi trồng thủy sản, vì mỗi ngày có hàng nghìn tấn rác đổ trực tiếp ra biển.
Một nguyên nhân gây ô nhiễm biển nữa là nạn tràn dầu do hoạt động của các tàu thuyền và các sự cố hư hỏng hay đắm tàu trở dầu; sự cố tại lỗ khoan thăm dò và dàn khoan khai thác dầu trên biển. Đáng chú ý là các vụ tràn dầu nghiêm trọng những năm gần đây có xu hướng tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường biển, đặc biệt là vùng nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, vùng biển nước ta có hàng trăm giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, ngoài việc thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, trung bình mỗi năm hoạt động này còn phát sinh 5.600 tấn rác thải dầu khí, trong đó có 20% đến 30% là chất thải rắn nguy hại còn chưa có bãi chứa và nơi xử lý. Đó là chưa kể tình trạng ô nhiễm dầu do khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển không ngừng gia tăng.
Hằng năm, trên 100 con sông ở nước ta thải ra biển 880km3 nước và 270-300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển như các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng và nhiều chất độc hại từ các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và đô thị, các khu nuôi trồng thủy sản ven biển và các vùng sản xuất nông nghiệp. Trong khi du lịch biển phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường, nên bất cứ một sự thay đổi nào của môi trường đều có những tác động đến chất lượng sản phẩm du lịch và hiệu quả của kinh tế du lịch.
Theo đánh giá của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, các chất thải chưa qua xử lý được thải ra lưu vực sông và biển ngày càng nhiều kéo theo việc gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Ngành Du lịch, nhất là mảng du lịch biển hiện đang chiếm tới 80% lượng khách đến Việt Nam. Trong khi ước tính đến năm 2020, lượng chất thải tăng nhanh ở vùng ven bờ với nitơ tổng số từ 26-52 tấn/ngày, tổng lượng amonia từ 15-30 tấn/ngày.
Giải pháp phát triển bền vững
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Dũng cho rằng, để du lịch biển Việt Nam phát triển bền vững, giải pháp trước hết là kịp thời xử lý ô nhiễm nước biển và khu vực ven bờ để cải thiện môi trường, tăng sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch biển. Các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các tỉnh có biển tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách xử lý, ứng phó với tình trạng cá chết, tràn dầu, chất thải, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, ô nhiễm nước biển và ven bờ. Áp dụng các biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực ven biển.
Chính quyền cùng ngư dân ven biển và du khách định kỳ tổ chức ra quân cùng tham gia làm sạch bãi biển, thu gom, xử lý rác thải trên bờ; thực hiện chôn lấp hải sản chết, chất thải đúng quy trình kỹ thuật, tránh làm ô nhiễm vùng nước biển, nguồn nước ngọt, khu dân cư, khu đô thị, trường học, bãi tắm, khu…; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực có cá chết; ngăn chặn mọi hình thức đổ rác thải tại các khu vực ven biển. Tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường biển, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, cần thực hiện chuyển hướng xây dựng, cung ứng sản phẩm du lịch mới như khuyến khích các loại hình du lịch sinh thái biển thân thiện với môi trường, hỗ trợ đắc lực cho những dự án bảo vệ môi trường biển.
Tiến hành khảo sát, quảng bá các sản phẩm du lịch trên đất liền khu vực Bắc Trung Bộ như du lịch tâm linh, văn hóa lịch sử cách mạng, hang động, khám phá… Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù thay thế loại hình du lịch biển để đón khách du lịch tới khu vực. Hỗ trợ cuộc sống, sản xuất kinh doanh của cư dân bản địa khi xảy ra sự cố môi trường nhằm nhanh chóng ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Các địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ cụ thể cho người dân tham gia nuôi trồng, đánh bắt, hoạt động dịch vụ nghề cá, thu mua thủy, hải sản, các hộ ven bờ, các chủ tàu đánh bắt ven bờ và vùng lộng bị ảnh hưởng của các sự cố môi trường.
Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thực hiện các giải pháp hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, xử lý rủi ro đối với các hộ dân bị ảnh hưởng theo quy định và tiếp tục cho vay mới để phục hồi, phát triển sản xuất. Đây là cơ sở để ổn định tình hình an ninh, chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; điều kiện quan trọng để thu hút du khách du lịch.
Trên cơ sở định hướng tổng thể phát triển du lịch từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải hình thành 5 khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao trong khu vực như: Khu Hạ Long - Cát Bà; Lăng Cô - Sơn Trà - Hội An; Nha Trang - Cam Ranh; Phan Thiết - Mũi Né; khu du lịch Phú Quốc. Bên cạnh đó, các khu du lịch biển giàu tiềm năng khác được đầu tư phát triển như Vân Đồn - Cô Tô; bước đầu khai thác tour du lịch ra Trường Sa; đầu tư, khai thác cảng du lịch chuyên dụng... Nhưng để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, cần phải tập trung tiến hành ngay việc nghiên cứu để định hướng thị trường và phát triển sản phẩm du lịch biển. Tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù ven biển như du lịch tham quan kết hợp với du lịch sinh thái; du lịch di sản gắn với nghỉ dưỡng, thể thao biển cùng nhiều sản phẩm phụ trợ khác…