Phát sóng trực tiếp trên VOV1, Đài TNVN : “Cây di sản và bảo tồn cây di sản ở Việt Nam”
(VOV 1) - Để tìm hiểu về những tiêu chí bình chọn cây di sản và đề cử các cây cổ thụ vào danh sách Cây Di sản Việt Nam, mời quý vị và các bạn tham gia đối thoại với vị khách mời trong Chương trình Chuyên gia của bạn, phát sóng trực tiếp trên Hệ Thời sự- Chính trị- Tổng hợp VOV1, Đài TNVN từ 15h15 đến 15h45 và phát lại lúc 20h30 cùng ngày.
Chương trình CHUYÊN GIA CỦA BẠN
Phát sóng trực tiếp 15h15, phát lại 20h30 ngày 26/03/2014 (Thứ 4)
Chủ đề: “Cây di sản và bảo tồn cây di sản ở Việt Nam”
Sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng và phát động. Sau 4 năm đã có hàng nghìn hồ sơ cây của các đơn vị, cá nhân từ mọi miền đất nước gửi về đăng ký. Gần 600 cây đã được Hội đồng Cây Di sản đã xét duyệt và công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam. Việc lựa chọn và vinh danh những cây cổ thụ này góp phần bảo tồn nguồn gen, giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam với bạn bè thế giới và phát huy truyền thống sống thân thiện với môi trường – một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam . Để tìm hiểu về những tiêu chí bình chọn cây di sản và đề cử các cây cổ thụ vào danh sách Cây Di sản Việt Nam, mời quý vị và các bạn tham gia đối thoại với vị khách mời trong Chương trình Chuyên gia của bạn, phát sóng trực tiếp trên Hệ Thời sự- Chính trị- Tổng hợp VOV1, Đài TNVN từ 15h15 đến 15h45 và phát lại lúc 20h30 cùng ngày. Hãy gọi điện cho chúng tôi theo số máy: 043.824.4356 và 043.934.1040. Chúng tôi xin nhắc lại số điện thoại: 043.824.4356 và 043.934.1040.
Thưa quý vị, thưa các bạn!
Tại Hội nghị “Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn” tổ chức ngày 18 tháng 3 năm 2010, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã chính thức phát động sự kiện "Bảo tồn cây Di sản Việt Nam". Mục đích của sự kiện này là khơi dậy truyền thống tốt đẹp của ông cha, bảo tồn những nguồn gen quý hiếm, góp phần bảo vệ môi trường hạn chế sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Chương trình “Chuyên gia của bạn” hôm nay sẽ giải đáp thắc mắc của quí vị và các bạn về những tiêu chí vinh danh cây di sản và bảo tồn cây Di sản Việt Nam. Và vị khách mời tham gia chương trình là bà Lê Thanh Bình, nguyên Q. Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học, Ủy viên Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển Cộng đồng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Bà Bình chào quí thính giả
1, Trước tiên, xin cảm ơn bà Lê Thanh Bình đã tham gia chương trình này. Để quí vị thính giả có thể nắm được những nội dung cơ bản về sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam (gọi tắt là “cây di sản”), bà có thể cung cấp một vài số liệu về sự kiện này sau 4 năm triển khai ?
Bà Bình trả lời :
· Số lượng cây đã xét duyệt : trên 1000/ thuộc 60 loài/trên 35 tỉnh thành
· Số cây đã vinh danh : trên 600 cây
· Cây già nhất: 2200 năm tuổi, đó là cây Táu ở đền Thiên cổ, thôn Hương lan, xã Trưng Vương, TP Việt trì, tỉnh Phú Thọ
· Cây cao nhất: 73m , cây samu dầu, VQG Pù mát, Nghệ an
· Cây to nhất: thân đơn , là cây tùng chu vi 6,5 m, ở Đắc lắc; và cây có rễ phụ có chu vi 44m là cây đa đền Thượng, Lào cai
· Tỉnh cực bắc đất nước có cây di sản là tỉnh cao bằng, tỉnh cực nam là Côn Đảo, và tỉnh cực tây là Điện Biên.
2, Thưa bà, ở nước ta có rất nhiều cây cổ thụ, hầu như huyện xã nào cũng có. Thậm chí có nơi tập trung nhiều cây cổ thụ. Vậy những cây cổ thụ này có được vinh danh là cây Di sản hay không ?
Bà Bình trả lời :
Về nguyên tắc các cây tự nhiên có tuổi trên 200 năm, cây trồng trên 100 năm đều có thể được công nhận là cây di sản Việt nam. Nhưng điều kiện bắt buộc là cộng đồng dân cư nơi có cây phải tự làm đơn đề nghị công nhận
3, Vậy để được vinh danh Cây di sản VN cần đáp ứng những tiêu chí nào, thưa bà ?
Bà Bình trả lời :
Tiêu chí Cây di sản VN áp dụng cho 3 loại cây đó là Cây tự nhiên, cây trồng và các loại cây khác như cây cảnh chẳng hạn.
A) Đối với cây tự nhiên: phải đạt được 4 tiêu chí: cây sống trên 200 năm, cao to hùng vĩ (cây gỗ đơn thân cao trên 40m, chu vi trên 6 m, cây đa, cây si cao trên 25m, chu vi trên 15m); Đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử
B) Đối với cây trồng: cây sống trên 100 năm, cao to hùng vĩ (cây gỗ đơn thân cao trên 30m, chu vi trên 3,5m; cây đa cây si cao trên 20m, chu vi trên 10m); có hình dáng đặc sắc, Đặc biệt ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử
C) Đối với các cây khác: Có giá trị đặc biệt về khoa học, hoặc lịch sử, văn hóa, mỹ quan; cây cảnh độc đáo
4, Tại nhiều địa phương, người dân phát hiện và muốn đề xuất cây vào danh sách vinh danh cây di sản. Xin bà cho biết đăng ký vinh danh cây di sản Việt Nam cần thực hiện những thủ tục gì ?
Bà Bình trả lời :
Thủ tục đăng ký công nhận Cây di sản Việt nam đối với cộng đồng rất đơn giản, đó là:
· Bước 1: lập hồ sơ cho cây: các thông tin khoa học của cây như tên gọi địa phương, tên la tinh, chiều cao cây, chu vi thân cây, địa điểm, các giá trị văn hóa lịch sử….
Ảnh chụp cây thể hiện rõ vị trí của cây, hình dáng thân cây, lá cây, hoa quả của cây
Đơn đăng ký: tên người đăng ký, chức danh, lý do…Có chữ ký rõ ràng. Nếu có chứng nhận của chính quyền địa phương
· Bước 2: Người đăng ký gửi hồ sơ đến Hội đồng Cây di sản VN tại Văn phòng Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, tầng 9, khách sạn công đoàn, 14 Trần Bình Trọng Hà nội; điên thoại 04 39420280, Fax 04 39420279, Email vn@vacne.org.vn
5, Và sau khi Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ cây đến khi vinh danh cây di sản VN phải qua những bước nào ?
Bà Bình trả lời :
- Sau khi nhận được Hồ sơ đăng ký, Hội đồng Cây di sản Việt nam sẽ tổ chức thẩm định . Trong quá trình thẩm định Hội đồng có thể sẽ trao đổi với người đăng ký qua điện thoại, có thể yêu cầu bổ sung hồ sơ. Khi cần thiết Hội đồng sẽ tổ chức thẩm định tại hiện trường.
- Thông thường Hội đồng đều tổ chức họp hàng tháng.
- Sau khi có kết quả, Hội đồng sẽ trả lời cho người đăng ký và ra quyết định công nhận cây di sản do Chủ tịch hội BVTN và MTVN ký.
- Địa phương lên kế hoạch tổ chức lễ vinh danh cây di sảnvà phối hợp với văn phòng hội . Lãnh đạo Hội BVTN và MTVNsẽ đến trao quyết định.
6, Thưa quí vị và các bạn ! Một số cây cổ thụ nổi tiếng một vùng, như cây đa Tân Trào, cây Dã hương ngàn tuổi ở Lạng Giang, Bắc Giang, cây nhãn tổ ở Phố Hiến, Hưng yên, cây dầu đôi ở Nha Trang,…đã được nhà nước hay cộng đồng bảo vệ. Tuy nhiên không ít cây cổ thụ, chứng nhân cho lịch sử sinh thái của nhiều vùng đất nước như cây thị ngàn tuối ở phường Ngọc Xuyên Đồ Sơn, nhiều cây me cổ thụ trên trăm tuổi ở Phan Rang - Tháp Chàm…lại không được quan tâm. Thưa bà Lê Thanh Bình, bà nghĩ sao về điều này ?
Bà Bình trả lời:
Có thể nói sự kiện công nhận và vinh danh cây di sản VN là một hoạt động BVMTdựa vào cộng đồng hoặc vì cộng đồng theo đúng nghĩa nhất của từ này.Cộng đồng sống xung quanh cây, thấy giá trị và ý nghĩa của cây với đời sống của họ, họ có nhu cầu giữ gìn và bảo vệ thì họ chủ động đề xuất, đăng ký, chúng tôi chỉ là người hỗ trợ, hướng dẫn và nâng đỡ. Vì vậy, những cây như chị Bạch Yến vừa nêu có thể người dân chưa biết hoặc họ/chính quyền chưa quan tâm mà thôi. Hy vọng sau buổi trao đổi hôm nay nếu họ thực sự quan tâm, lập hồ sơ thì Hội đồng sẵn sàng ủng hộ.
7, Ngoài giá trị văn hóa, giáo dục, xã hội và sinh thái, cây Di sản cũng được du khách rất quan tâm. Tại nhiều nước trên thế giới, cây Di sản đã tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch địa phương…Còn ở nước ta, sau 4 năm triển khai, với trên dưới 500 cây Di sản VN được vinh danh, những giá trị này được phát huy ra sao, thưa bà Lê Thanh Bình ?
Bà Bình trả lời :
Vâng, Cây di sản chính là nguồn tài nguyên du lịch quý giá mà trước hết là tạo nguồn lực để bảo vệ bản thân cây này. Những địa phương biết tận dụng thế mạnh này sẽ tạo thêm nguồn thu cho chính họ. Hiện nay chúng tôi cũng chưa có điều kiện tổng kết được số liệu này. Hy vọng năm tới, sau 5 năm thực hiện có thể tiến hành nghiên cứu điều tra nho nhỏ về vấn đề này. Cảm ơn gợi ý rất hay của Chị
8, Bà có cho rằng chúng ta cần xây dựng quy định luật pháp và thực hành tuyển chọn, bảo vệ các danh mộc cổ thụ dưới tư cách là Cây Di sản.
Bà Bình trả lời :
Đây là sự kiện do một tổ chức xã hội – nghề nghiệp đề xuất và đã được cộng đồng khắp nơi hưởng ứng , chính quyền nhiều nơi rất quan tâm. Sắp tới, Tổng cục môi trường sẽ có văn bản chính thức yêu cầu các Sở Tài nguyên môi trường tỉnh và thành phố phối hợp phát huy sự kiện này. Ở một số nước, cơ quan quản lý đã ban hành quy chế bảo vệ Cây di sản. Chúng tôi nghĩ rằng đến lúc Việt Nam nên nghiên cứu kinh nghiệm này.
Thưa quí vị và các bạn ! Qua những phân tích, chia sẻ của vị khách mời đã khẳng định việc vinh danh cây di sản Việt Nam có ý nghĩa cả về văn hóa, lịch sử, tâm linh, và bảo vệ nguồn gen, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên thời gian qua ở nước ta, công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc Cây Di sản sau khi vinh danh dường như chưa được quan tâm đúng mức. Trong phần sau của chương trình, quí vị và các bạn sẽ nghe về thực trạng công tác bảo tồn Cây Di sản ở nước ta và những giải pháp.
Quý vị và các bạn đang nghe Chương trình Chuyên gia của bạn với chủ đề “Cây di sản và bảo tồn cây di sản ở Việt Nam”. Khách mời của chương trình là bà Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.. Quý vị cũng có thể tham gia trực tiếp vào cuộc đối thoại cùng chúng tôi theo số điện thoại: 043.824.4356 và 043.934.1040. Xin nhắc lại số điện thoại: 043.824.4356 và 043.934.1040.
9, Đền Voi Phục thuộc địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội là nơi có nhiều cây Di sản nhất và cũng là nơi được đánh giá có phong trào bảo vệ cây Di sản tốt nhất. 9 cây muỗm đền Voi Phục có tuổi thọ hơn 700 năm tuổi, gắn liền với việc xây dựng đền Voi Phục từ thời nhà Lý là những cây cổ thụ đầu tiên được vinh danh cây di sản nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. VACNE đã khẳng định rằng cả 9 cây muỗm này đều rất xứng đáng được tôn vinh là cây di sản Việt Nam, cần được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt. Thế nhưng, chỉ chưa đầy 4 năm sau khi được gắn biển, 9 cây muỗm cổ đền Voi Phục hiện chỉ có 4 cây còn sống. Điều này cho thấy việc bảo vệ cây di sản không được quan tâm, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào, thưa bà Lê Thanh Bình ?
Bà Bình trả lời :
Cây cũng như người , có sinh có tử. Những cây cao tuổi càng yếu và có nhiều bệnh. Vì vậy việc thường xuyên chăm sóc cây vô cùng quan trọng. Sự kiện của Hội chúng tôi cũng chính là hướng cộng đồng vào vấn đề này. Chúng tôi cũng theo dõi sát sao sức khỏe của cây đã được công nhận cũng như các cây cổ thụ khác. Đối với các cây ở Đền Voi phục chúng tôi cũng đã mời chuyên gia về Bệnh cây của Nhật , Úc đến tận nơi để tư vấn chữa bệnh nhằm cứu vãn những cây muỗm bị bệnh. Nhưng có thể do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như do xây dựng sửa chữa đền, các nguyên vật liệu xây dựng chất lên gốc cây, việc phun thuốc trừ mối mọt, v.v… cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phá hủy cây. Rất tiếc là có mọt số cây đã chết
10, Điều đáng nói là việc những cây muỗm ở đền Voi Phục bị mục ruỗng bên trong nhưng chỉ được phát hiện khi báo chí vào cuộc. Vậy theo những tiêu chí xác định cây di sản thì trách nhiệm bảo vệ cây di sản thuộc về ai , thưa bà ?
Bà Bình trả lời :
Theo tôi, báo chí có vai trò quan trọng trong việc truyền thông về sự kiện bảo tồn cây di sản của chúng tôi. Báo chí luôn theo sát việc vinh danh các cây ở khắp các vùng miền, phát hiện hướng dẫn nhiều nơi đăng ký cây di sản cũng như phát hiện các trường hợp cây bị sâu bệnh hoặc bị xâm hại. Chúng tôi đánh giá cao việc này.
11, Thực tế có một số cây di sản được cứu là do sự phát hiện, vào cuộc kịp thời của người dân, vì thế vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn cây di sản là không thể phủ nhận. Là người làm công tác cộng đồng nhiều năm, bà chia sẻ gì về điều này ?
Bà Bình trả lời :
Tôi vẫn thường nói nếu lấy mô hình bảo vệ môi trường/bảo vệ đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng thì đây chính là mô hình có sức sống và lan tỏa mạnh nhất từ trước đến nay. Bởi vì thực sự đây là Dân làm, dân bàn và dân kiểm tra. Nhà nước không tốn một đồng nào. Và báo chí, về một phương diện nào đó cũng chính là người dân.
12, Cây muỗm ở đền Voi Phục thuộc quyền sở hữu của đền nhưng lại chịu sự quản lý của UBND quận Tây Hồ. Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam sau khi vinh danh xong có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ trong việc bảo vệ cây. Một số cơ quan khác như Viện Lâm nghiệp là cơ quan chuyên môn, hỗ trợ xem xét cụ thể tình hình phát triển của cây. Theo tôi, sự liên đới trách nhiệm khi xảy ra rất dễ dẫn đến tình trạng “cha chung”, đặc biệt là liên quan đến kinh phí. Ý kiến của bà về vấn đề này thế nào ?
Bà Bình trả lời :
Theo tôi, đối với quản lý Cây di sản hiện nay, không có tình trạng cha chung vì mỗi cây được công nhận đều có sự tham gia và tự nguyện của người dân. Vì thế trách nhiệm là của chính cộng đồng người dân, còn Ban quản lý, nếu có chính là người đại diện.
Ngay lúc này, trong phòng phát thanh trực tiếp của Đài TNVN chúng tôi đã nhận được một số câu hỏi của quý vị thính giả. (Khách mời trả lời câu hỏi của thính giả)
Tiếp tục trả lời câu hỏi của thính giả
13, Những cây được vinh danh là cây Di sản Việt Nam đều là những cây cổ thụ và thường là già cỗi, tình trạng sâu bệnh là khó tránh khỏi. Theo bà, đây có phải là lý do khiến việc bảo vệ cây di sản gặp khó khăn hơn ?
Bà Bình trả lời:
Vâng đây là khó khăn chính trong việc bảo vệ cây di sản. Chăm sóc chữa bệnh cây còn đòi hỏi kỹ thuật, kinh phí không nhỏ . Chính vì vậy, Hội chúng tôi đang nỗ lực tìm cách phòng, chữa bệnh cho các cây cổ thụ.
14, Như bà vừa nói thì một trong những khó khăn lớn là trong việc bảo vệ, chăm sóc cây di sản là vấn đề kinh phí. Vậy hướng giải quyết trong thời gian tới như thế nào. Thưa bà ?
Bà Bình trả lời :
Có thể thông qua nhiều nguồn khác nhau như đóng góp của cộng đồng, huy động doanh nghiệp trên địa bàn, khai thác từ du lịch….
15, Việc bảo vệ cây Di sản cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Có ý kiến cho rằng nên thành lập quỹ bảo vệ thiên nhiên và môi trường với nguồn tiền xã hội hóa. Nơi nào cần sẽ hỗ trợ nơi ấy, đồng thời vận động nhân dân quyên góp thêm. Theo bà đây có phải là giải pháp khả thi ?
Theo tôi, nếu đã được cộng đồng vào cuộc thì các giải pháp có thể rất phong phú
16, Singapore là một quốc gia đi tiên phong trên thế giới trong phong trào bảo vệ cây di sản. Sau khi được xếp vào Danh mục Cây di sản, những cây này sẽ được bảo vệ bởi một quỹ đặc biệt có tên là “Quỹ Cây di sản”. Không riêng Singapore, nhiều nước như Trung Quốc, Thailand, Mianma, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ .v.v. cây Di sản cũng được bảo vệ rất tốt. Cây Di sản được coi là tài sản của đất nước. Chúng ta học được kinh nghiệm gì ở họ thưa bà Lê Thanh Bình ?
Bà Bình trả lời :
Chúng tôi cũng đang nghiên cứu học tập kinh nghiệm của các nước. Nhưng phải nói rằng kinh nghiệm Bảo tồn cây di sản dựa vào cộng đồng của chúng ta cũng là bài học tốt cho tất cả.
Thưa quý vị, thưa các bạn!
Từ nhiều đời nay “Cây đa, bến nước, sân đình” đã gắn bó và là một phần không thể tách rời trong đời sống người Việt. Trải qua nhiều biến thiên, những cây cổ thụ ở đầu làng, bến nước, sân đình, chùa, đền, miếu…chứng kiến sự thăng trầm của một vùng đất, mang hồn cốt của lịch sử, văn hóa, tâm linhvà là niềm tự hào của nhân dân địa phương. Bảo vệ cây Di sản không chỉ là bảo vệ nguồn gene mà còn là bảo vệ những giá trị gắn liền với quá trình lịch sử - văn hóa, xã hội của địa phương đó. Đến đây, thì 30 phút thời lượng của chương trình đã hết. Một lần nữa xin được cảm ơn bà Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tham gia chương trình Chuyên gia của bạn ngày hôm nay. Cảm ơn quý thính giả đã quan tâm theo dõi chương trình. Xin chào và hẹn gặp lại quý vị trong những chương trình lần sau./.
Hàng ngàn người đến chùa Từ Quang (Phú Yên) xem xoài Đá Trắng
được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
(Ảnh: Dân Trí)