Trao đổi với PV, ông Robert M.O’Keefe, Phó Viện trưởng Viện Ảnh hưởng Sức khỏe (HEI) của Mỹ, cho biết các chuyên gia của HEI có bằng chứng rõ ràng về việc ô nhiễm không khí tác động trực tiếp đến sức khỏe, khiến mỗi năm có ít nhất 530.000 người trẻ sống ở các thành phố châu Á chết sớm.
Ô nhiễm không khí đô thị chủ yếu do phương tiện giao thông gây ra (Ảnh Miachael Kely, Hiệp hội Khí hóa lỏng Thế giới - WLPGA)
Theo Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm không khí gây tốn phí 3,8% tổng thu nhập quốc dân (GDP) tại Trung Quốc, tương đương 16 tỷ USD/năm. Nếu tính tất cả độ tuổi, riêng Trung Quốc mỗi năm có 600.000 người chết vì không khí bẩn.
Tại thủ đô Manila của Philippines, mỗi năm có 4.000 người chết, 90.000 người mắc các bệnh viêm phế quản mãn tính, thiệt hại bằng 7% GDP, khiến thành phố này đứng thứ ba khu vực Đông Á về tỷ lệ chết do không khí bẩn, chỉ sau thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và thu đô Jakarta của Indonesia.
Các nghiên cứu trên (tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe) của HEI chưa tiến hành ở Việt Nam. Nhưng nếu chỉ nhìn góc độ ô nhiễm thôi thì hai đô thị lớn nhất nước ta thuộc nhóm báo động đỏ.
Theo HEI, chỉ riêng hàm lượng bụi kích thước 10 micrometre (PM10), loại bụi được đánh giá ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, ở TP Hồ Chí Minh đã nhiều gấp bảy lần, Hà Nội gấp 11 lần giới hạn an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới đề ra.
Một quan chức Cục Bảo vệ Môi trường Việt Nam có mặt tại hội thảo, do Trung tâm Sáng kiến Không khí sạch Châu Á (CAI-Asia) tổ chức từ mùng 9-12/11, tiết lộ, Hà Nội có những điểm hàm lượng bụi PM10 vượt 160 lần hướng dẫn của WHO.
Theo điều tra cách đây năm năm của Bộ Y tế Việt Nam, cứ 100.000 người ở Việt Nam có 305 người bị viêm phế quản và phế quản cấp tính, 309 người viêm họng và viêm amidan cấp, và 415 người mắc các bệnh viêm phổi.
Theo bà Phan Quỳnh Như, Giám đốc Chương trình Không khí Sạch Việt Nam (CAI Vietnam), nếu tách riêng nhóm cư dân đô thị và tiến hành điều tra vào thời điểm hiện nay, các con số trên ở nước ta sẽ khác rất xa.